Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Xuy-dan gật đầu:

– Em bị đời hất hủi.

Chiều hôm sau. Thừa nói An-na Phán cho phép Xuy-dan ra Đồ Sơn với hắn.

Được chủ đồng ý, Xuy-dan không mặc đầm mà mặc ta, lên ô-tô với Thừa.

Lúc đi đường, Thừa hỏi:

– Sao em không mặc đầm?

Xuy-dan cười:

– Tại em đi với anh. Em mặc đầm, thì người ta nhìn, rồi đoán, thế nào cũng có người đoán đúng em là gái giang hồ, được anh bao, cho đi chơi. Mặc ta thì không ai để ý. Họ chỉ cho em là con anh là cùng.

Thừa nựng:

– Em gái chứ! Em gái yêu của anh chứ!

Xuy-dan tủm tỉm. Đến Đồ Sơn, Xuy-dan bảo Thừa đỗ xe ở đường để hai người ngồi chơi trên ghế đá, Xuy-dan thở dài:

– Cảnh đẹp quá nhỉ.

Thừa hỏi:

– Em không tắm à?

Xuy-dan lắc đầu:

– Em không thích.

– Thế thì vào khách sạn, kiếm cái gì uống chứ?

Xuy-dan lại lắc đầu:

– Em không thích đến chỗ đông người.

Một lát, Xuy-dan tiếp:

– Toàn kẻ thù!

Thừa hỏi:

– Ở đâu?

Xuy-dan trỏ những người đang tắm, lô nhô trên mặt nước:

– Thôi, về, anh ạ. Tiếc vì cảnh đẹp, mà họ làm mất cái đẹp đi!

Thừa cười.

Tối hôm ấy, Thừa hỏi:

– Sao em có thể chán đời thế?

– Vì đời đáng chán.

– Em có thể cho anh biết em đã gặp những cảnh ngộ gì đáng chán không?

– Suốt từ bé đến giờ, đời hất hủi em. Nhưng anh nghe làm quái gì? Có ích gì cho anh? Mà em kể cho anh, cũng chả có ích gì cho em.

– Anh chưa xứng đáng được biết đời em à?

Xuy-dan im lặng. Một lát mới đáp:

– Không phải thế. Nhưng nếu em kể, thì một là em nói dối, hai là anh ngờ là em nói dối. Cũng như nếu em hỏi đời anh, tất anh cũng không nói thật. Mà phải, cần gì thật với nhau, hở anh? Cốt câu chuyện cho hay thôi mà!

Thừa cười:

– Thế thì em cứ kể dối cũng được.

Xuy-dan cũng cười:

– Được rồi, anh cho em nghĩ xem nói dối thế nào cho hay nhé.

Thừa lấy rượu, ép Xuy-dan uống thật nhiều.

Xuy-dan không cưỡng. Cô uống hai cốc, ba cốc, rồi bốn năm cốc.

Bỗng cô bưng mặt khóc. Thừa vuốt ve tóc Xuy-dan:

– Em! Em! Xuy-dan. Tại sao em khóc?

Xuy-dan vừa nức nở, vừa nói:

– Tại em sắp kể chuyện đời em cho anh nghe. Đời em buồn lắm, nên em không cầm được nước mắt.

Thừa thở dài:

– Thế thì hẳn anh được nghe chuyện thật.

Xuy-dan gật đầu. Một lát, cô nhìn Thừa:

– Thôi, anh ạ. Em không kể đâu. Chả có ích gì cho anh. Để nếu có ai định lấy em làm vợ, em mới cần cho biết đời của em.

Thừa đùa:

– Hẳn là em sẽ nói dối người ấy.

Xuy-dan đáp:

– Cái đó tùy người ấy muốn nghe em nói thật hay nói dối.

Hôm sau, xong việc ở Hải Phòng, Thừa phải về đồn điền. Xuy-dan hỏi:

– Bao giờ anh lại đến Cảng?

– Anh chưa định.

– Nghĩa là em không có hy vọng gặp anh nữa?

– Em đừng nói thế. Hễ có dịp đến đây, thế nào anh cũng lại gặp em.

Xuy-dan cười:

– Nhưng anh đến Cảng, mà anh không muốn gặp em, thì làm thế nào em biết rằng anh xuống Cảng được! Em tiếc rằng em đã không kể chuyện đời em cho anh nghe.

– Thì lần sau.

Nói đoạn, Thừa móc túi, lấy ra cái hộp nhỏ màu đỏ đưa cho Xuy-dan:

– Tặng em làm kỷ niệm.

Xuy-dan mở hộp. Một chiếc nhẫn vàng có mặt đá xanh óng ánh dưới ánh sáng đèn điện. Nhưng Xuy-dan không có vẻ mừng. Trái lại, cô đưa trả Thừa:

– Em cảm ơn. Em không nhận.

Thừa ngạc nhiên:

– Tại sao?

– Em chưa xứng đáng được anh cho của quý giá này. Lần trước, anh đã cho em nhiều rồi.

– Em làm anh tủi.

– Không. Anh làm em tủi thì có ấy.

Nói xong, Xuy-dan nhét cái hộp vào túi Thừa, rồi chạy. Thừa nhìn theo, thở dài.

Thừa đem việc Xuy-dan không nhận chiếc nhẫn, nói với An-na Phán. An-na Phán bảo:

– Ấy, thỉnh thoảng nó vẫn dở hơi dở hám như vậy. Thế mà lúc không có tiền, lại đi ăn cắp của chị em đấy.

– Chị có biết đời nó thế nào không?

– Không.

– Chị đoán nó là người ở đâu, cha mẹ nó làm gì, thế nào lại bằng lòng ở đây với chị?

An-na Phán tặc lưỡi:

– Đoán làm đếch gì? Cốt nó làm lợi cho chúng mình là được.

Thừa có vẻ suy nghĩ. An-na Phán hỏi:

– Anh cảm nó à?

– Không cảm, nhưng mà hơi ngạc nhiên về con bé lạ lùng.

An-na Phán tặc lưỡi:

– Ấy nó làm ra thế đấy. Cho nên mới lắm anh mắc. Anh có mắc nó, thì lần sau mới lại đến với nó. Nếu anh sợ mắc nó, muốn ngãng ra, thì bảo tôi, tôi gỡ cho.

– Cảm ơn chị.

Thừa lên xe.

Qua mấy hôm điều đình với hãng Phúc Lai Thành gần có kết quả, qua mấy đêm sống với Xuy-dan được vui thú, bây giờ Thừa nghĩ đến việc trở về với Ma-ri và nhận tưởng lục, hắn ngao ngán lắm.

* * *

Hôm đi Vĩnh Yên lĩnh tưởng lục, Thừa mặc áo tấc, vào buồng giấy công sứ.

Mặt hắn không vui vẻ như những lần trước được hầu chuyện cụ lớn.

Mát-xi-li bảo hắn cởi lễ phục, để ngồi cho thoải mái. Nó trao cho hắn tấm giấy dày, in rất đẹp, một bên là chữ Pháp, một bên là chữ Hán.

– Tôi mừng ông!

Nó giơ tay bắt tay Thừa thật chặt. Thừa cúi rạp lưng để nhận hân hạnh.

Thừa chỉ còn nhớ lõm bõm vài chữ Hán, lại chỉ nói được tiếng bồi, chứ không đọc hiểu chữ Pháp bằng Ma-ri, cho nên chẳng rõ trong tưởng lục, có đóng dấu đỏ lòe này, người ta ghi những gì.

Tên quan chủ tỉnh tươi cười, nói:

– Lần này ông được đạo tưởng lục giá trị hơn hai đạo trước, là vì của phủ Thống sứ cấp.

Nó trỏ vào dòng chữ viết tay:

– Ông có công giúp Chính phủ trong cuộc trị an. Tốt lắm. Xứng đáng lắm.

Nó mỉm cười:

– Hẳn ông vui sẽ ăn khao to hơn hai lần trước.

Thừa mỉm cười. Bỗng tên quan cai trị ngớ mặt:

– Ơ hay! Ông không vui à? Vì sao?

– Thưa cụ lớn, chúng con vui lắm.

Thằng công sứ lắc đầu:

– Ông nói dối. Ông nghĩ thế nào về đạo tưởng lục có chữ ký của quan thống sứ này? Ông cứ nói cho thật. Tôi cho phép.

Thừa ngồi ngay ngắn lại:

– Trình cụ lớn, cụ lớn đã cho phép, chúng con xin thưa. Chúng con là tôi con cụ lớn. Chúng con rất trung thành với chính phủ Bảo hộ. Cụ lớn đã ban ơn hai lần cho chúng con tưởng lục. Lần này, chúng con có công to hơn, chúng con cũng chỉ lại được tưởng lục.

Mát-xi-li cười:

– À, ra thế. Ông cho là nhà nước thưởng không xứng đáng với công ông. Vậy ông muốn những gì?

– Lạy cụ lớn, tên Phạm Thành Dương được nhà nước cho sang Pháp để chữa vết thương và để lánh mặt cho ban ám sát của Việt Nam Quốc dân đảng khỏi trả thù, bắn một lần nữa, rồi nó được bổ làm thanh tra mật thám ngạch Tây. Tên Bùi Tiến Mai, đương làm thừa phái, được thăng ngay tri châu.

Thằng công sứ vỗ vai Thừa:

– Đúng thế. Chúng nó được trọng thưởng, vì công của chúng nó to. Chúng nó tố giác đảng của chúng nó. Vì nhờ chúng nó khai, nên nhà nước biết cặn kẽ về Việt Nam Quốc dân đảng. Còn như ông, ông chỉ mới giúp nhà nước bắt một tên phiến loạn.

– Nhưng thưa cụ lớn, con đã hai lần được tưởng lục.

Tên quan đầu tỉnh cười:

– Vậy ông nghĩ kỹ xem, hai lần trước, có phải thật ông xứng đáng được thưởng không? Vì sao ông cúng tiền cho thành phố Sa-vi-nhông? Vì sao ông phát chẩn thóc? Ông tưởng tôi không biết sự thật à?

Thừa luống cuống. Tên Pháp dồn thêm:

– Hẳn ông muốn tỏ lòng trung thành với nước Pháp bằng cái việc ông giết người vợ trước của ông và cái việc ông tố giác người bạn làm thơ của ông, phải không?

Nó lắc lắc ngón tay trỏ, và mỉm cười:

– Hai người ấy, không ai có tư tưởng chính trị cả. Hoặc ông lầm. Hoặc ông muốn cho nhà nước lầm.

Thừa tái mặt. Thằng công sứ hất hàm:

– Vậy hẳn bây giờ ông thấy nhà nước là sáng suốt và công bằng chứ? Ông nên biết rằng trước khi tôi tư thưởng ông, tôi đã đắn đo nhiều. Tôi muốn xin cho ông hàm hàn lâm. Nhưng ông đã có rồi. Còn hàm to hơn hay bội tinh của chính phủ Pháp, của Nam Triều, ông chưa đáng được, ông đã hiểu chưa và còn hậm hực nữa không?

Thừa gãi tai:

– Lạy cụ lớn, cụ lớn tác thành, không bao giờ chúng con dám quên ơn.

Thằng công sứ gật đầu:

– Hay lắm. Vả lại, nếu ông muốn được thưởng bội tinh, thì trước hết, ông phải làm việc với chính phủ. Nếu ông muốn được thăng hàm cao, thì trước hết, ông phải có hàm thấp. Tôi muốn tra hồ sơ xem ông đã được hàn lâm bậc nào, nhưng tìm mãi không thấy. Hình như có điều gì ám muội, không rõ rệt trong việc này.

Thừa đánh trống lảng:

– Trình cụ lớn, làm việc với chính phủ là thế nào ạ?

– Ví dụ làm quan, làm viên chức, hay giữ một nhiệm vụ gì trong tổng, trong xã. Tôi biết là làm việc trong tổng, trong xã, ông không thèm. Làm viên chức, ông không có chữ nghĩa. Còn làm quan, tôi khuyên ông không nên. Vì ông không làm được bền đâu.

– Vậy thì, trình cụ lớn, chúng con không còn cách nào tiến thân?

Thằng công sứ gật đầu:

– Còn, ông đừng lo. Chính tôi bảo ông ngồi lâu, để nói với ông về việc này đây.

Thừa im lặng. Tên quan cai trị nói:

– Có một việc ông làm được. Và tôi cần ông làm. Là ông ứng cử nghị viện khóa sắp tới này.

– Dạ, cụ lớn dạy, con xin tuân.

– Lợi cho ông, là ông được tiến thân. Tôi khuyên ông ra ngay khóa này, vì nay mai có sự thay đổi. Ai muốn ứng cử nghị viện dân biểu, đều phải biết chữ Pháp và phải qua một kỳ sát hạch.

– Dạ. Đó là nhà nước biết trước là bọn cộng sản sẽ cho người của họ ứng cử vào nghị viện, thì họ phá hoại, gây khó khăn cho nhà nước. Cho nên nhà nước phải ngăn ngừa. Để triệt hẳn đường của bọn phiến loạn này, sẽ lại có sự thay đổi nữa. Thay mặt dân, không chỉ gồm những người được dân bầu ra, mà sẽ có một phần không nhỏ, con số này chưa quyết định, nhưng có lẽ phải đến một phần ba người được chính phủ cử ra làm dân biểu, để đương đầu với bọn bất trị. Nhưng nghị viên được chính phủ cử sẽ không phải là ông. Vì bên trong, họ phải là người thật bụng trung thành, nhưng bên ngoài, họ phải là người có bằng cấp. Song, tuy khóa này chưa có những sự thay đổi như tôi vừa mới nói, nhưng nhà nước xét, ở một vài tỉnh, đã có một số người có tư tưởng chính trị ra ứng cử dân biểu, cho nên phải kịp thời chặn bước chân của họ lại. Ngay ở tỉnh này, cũng có một tên sẽ đầu đơn.

– Thưa ai ạ?

– Tên này là Nguyễn Thiện.