Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Nếu có nước nam nứ trên đời này thì chắc ông cũng tìm cách mò tới nơi. Người đâu mà lạ thế! – bà trách khéo chồng.

– Mong bà hiểu cho, tôi vốn dĩ xưa nay hễ thấy đâu có hơi tiền là đi mà!..

– Ông có thiếu tiền đâu, mạo hiểm cả đời người rồi còn chưa đủ à?

– Khổ quá, bà xem, có người Việt Nam vong quốc nào làm được những việc tôi làm không?

Đúng là ông Học say mê kiếm tiền, coi tiền là phương tiện quan trọng nhất để tự khẳng định mình trong cái thế giới không phải là của ông. Ngay đến tên của mình, ông vẫn giữ nguyên tên tiếng Việt, dứt khoát không chịu đệm thêm một tên gọi tiếng nước ngoài như nhiều người Việt sống ở nước ngoài thường làm.

… Tên ta là cha mẹ cho, không ai có thể thay đổi được!

Bạn hàng không thể gọi ông là Paul, là Jusepe, hay Michael hay là Hans… Khốn nỗi tên gọi và họ của ông đều khó phát âm. Ông mang họ Phạm, người nước ngoài đọc là “Pham” mà vẫn khó. Dần dà ông Phạm biến thành Mister Phan, Monsieur Phan, Senjore Phan, Herr Phan… Ông chặc lưỡi: …Thà như thế còn hơn!

Nỗi xót xa khi Thảo và Lễ từ Sài Gòn sau khi được giải phóng báo tin ông về cái chết của các anh trai ông, các cháu ông ở ngoài Bắc làm cho ý thức của ông không lúc nào quên mình là người Việt càng sâu lắng thêm. Đấy là cái tin đầu tiên về cội nguồn của mình sau ba mươi năm chia lìa. Rồi lại đến nỗi đau mất cháu Huệ, mất cháu Nam… Nỗi đau riêng nhen nhóm dần lên trong ông nỗi đau về đất nước. Ông rên rỉ trong lòng:

– … Đấy là đất nước xưa nay mình vẫn lạnh lùng, vẫn tìm mọi cách đứng ngoài cuộc, dửng dưng với mọi thời cuộc! Ôi mình phải gánh chịu đau thương từ cả hai phía! Đất nước mình sao bất hạnh đến nhường vậy! Thân phận con người sao mong manh đến nhường vậy!..

Tìm lại được mối ràng buộc với đất nước, ông ngày càng quan tâm giúp đỡ những người Việt tìm đến ông, trong đó một số là sinh viên trong nước đi du học. Ông lấy cảm nhận của ông về đất nước để hoà giải những thù hằn, kêu gọi mọi người hướng về cội nguồn…

Ngày hôm chia tay để trở lại Mỹ trong chuyến về thăm quê hương lần đầu tiên, ông lại thắp hương trên bàn thờ nhà ông Chính, đầu gục xuống hồi lâu:

– Em về quá muộn, các anh các chị ơi!..

Tối hôm đó ông tâm sự với các cháu mình:

-… Khi Nga Xô tan rã, báo chí cứ nói như đinh đóng cột là Việt Nam sẽ sụp đổ theo. Thú thực với các cháu, ước ao về thăm đất nước là thế, nhưng chú vẫn bảo Hoài huỷ vé máy bay vì sợ. Càng trông ngóng, càng thấy nước Nga rối loạn triền miên. Ruột gan rối bời, mà chưa dám về. Khi nhận được tin thím Tuấn mất, chú và Hoài thấy không thể chần chừ nữa, không về không được. …Vì bác Tuyên gái mất, chú và Hoài đã không về chịu tang rồi… Bây giờ chú là người cuối cùng trong thế hệ cha mẹ các cháu. Họ Phạm ta mất mát nhiều quá, nhưng làm thế nào được!..

Thấy con cháu mình nghèo quá, ông Học định cho ít tiền, nhưng mọi người nhất quyết không nhận. Cuối cùng ông Chính phải đứng ra nói thay tất cả các em:

– Chú bây giờ là cha chúng cháu, chúng cháu không dám cưỡng lại ý chú. Chú không ngại tuổi cao, đường xa về thắp hương cho các bố mẹ chúng cháu và thăm chúng cháu là quý lắm rồi. Chúng cháu không mong gì hơn là chú luôn khoẻ mạnh, sang năm xin chú đưa cả thím về thăm chúng cháu. Đấy là điều chúng cháu mong mỏi nhất. Chúng cháu xin phép chú đem số tiền chú cho chúng cháu về tặng quê ta. Chắc chắn quê ta có nhiều việc cần dùng đến nó.

Ông Học tán thành, nhưng dặn đi dặn lại ông Chính phải nói rõ đấy là số tiền của cả nhà họ Phạm góp lại biếu quê. Ông Chính không dám sai lời. Sau chuyến về thăm đầu tiên này, ý thức về sự trống vắng những mối quan hệ với đất nước càng rõ, ông càng thấy khát khao làm một vài việc gì đó còn có thể làm được để bù đắp lại.

Tuy nhiên, bất chấp mọi lời giải thích của các cháu ông, trong chuyến về nước lần ấy ông vẫn chưa hoàn toàn vượt qua được mọi hoài nghi, mặc cảm. Một người bạn ở Los Angeles nói với ông một số chuyện rắc rối ông ta gặp phải trong lần về thăm đất nước, ông ta kể:

“Khi rời thành phố Hồ Chí Minh trở về Mỹ, mãi cho đến khi màn hình trên máy bay thông báo đã bay vào hành lang hàng không quốc tế, tôi mới hoàn hồn, yên chí là mình vô sự!”.

… Chẳng lẽ tự dưng mình đưa đầu vào tròng? Năm 1973 mình đã bỏ ra đi cũng chỉ vì…

Không nói ra với ai, nhưng lần về thăm ấy ông nóng lòng mong sớm được giải toả khỏi tâm trạng nơm nớp. Đã thế lúc các cháu đang ăn cơm với ông ở nhà ông Nghĩa, cậu hộ tịch viên mặc quân phục công an hẳn hoi vào bàn với bà Nguyệt một số việc ở khu phố, ông Học đã lo lại càng lo… Cả nhà giải thích cho ông thế nào cũng ông cũng chỉ ừ ừ ào ào, trong bụng nghi vẫn hoàn nghi. Về quê thắp hương cho các mộ xong, ông vội vã thăm các cháu và họ hàng, chân ướt chân ráo từ Hà Nội ông bay thẳng đi Hongkong để trở lại Mỹ, hủy dự định vào thăm Sài Gòn trong chuyến về thăm nước lần đầu tiên này…

Dần dần tự ông cũng nhận ra lo sợ như vậy là quá đáng. Những năm gần đây ông cổ vũ và hỗ trợ một nhóm chuyên gia người Việt ở Tây Âu và Mỹ đang hợp tác với nhau tin học hoá chữ Hán Nôm. Tự tay ông cũng góp phần sưu tầm một số sách Nôm cổ của nước ta nằm rải rác trong một số thư viện ở châu Âu, ở Mỹ… Người chủ hiệu sách tiếng Việt lớn nhất ở San Jose dành trọn vẹn một buổi sáng để giới thiệu với ông các sách về văn học chữ Nôm từ đời Trần xuất bản ở Việt Nam được in lại tại Mỹ, chẳng hiểu bằng con đường nào… Công việc này đưa ông đi sâu vào thế giới của thơ văn Lý – Trần ông vốn ước ao tìm kiếm. Ông vô cùng ngạc nhiên thấy trong nước đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu công phu về kho tàng văn học cổ của nước ta, càng cảm thấy được khích lệ. Từ khía cạnh văn hoá, ông Học tìm ra được nhiều điều mới mẻ trong lịch sử nước mình. Ông đối chiếu lịch sử với hiện đại, đối chiếu nước mình với thế giới, với cả nhân loại. Tự nhiên trong ông bùng lên niềm say mê tìm hiểu, so sánh quá trình phát triển của các loại nước khác nhau trên thế giới.

“Tuổi già như thế này, mình vẫn chưa cảm thấy là già!”. Ông học tự khích lệ mình.

Vào một ngày, khi được trao cho tập thơ Hồ Xuân Hương xuất bản ở Mỹ, do nhà thơ Mỹ John Balaban dịch ra tiếng Anh, ông Học rơi nước mắt.

John Balaban tự tay đến biếu ông Học tập thơ:

– Xin kính tặng ông để tỏ lòng biết ơn nhóm tin học nghiên cứu Hán Nôm đã hỗ trợ tôi dịch tập thơ này(*) [(*) Sau này, năm 2001, được biết tập thơ được xuất bản 12.000 cuốn, được đánh giá là một trong các tập thơ nhiều người Mỹ đọc nhất. Nhà văn Frances Fitzgerald, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Lửa trong hồ, cho rằng thơ của Hồ Xuân Hương sẽ tìm được vị trí xứng đáng trong văn học thế giới.] Tôi học tiếng Việt 10 năm và làm việc cũng ngần ấy năm vì tập thơ này…

Ông Học cứ để nước mắt mình trào ra một cách tự nhiên, hai tay đỡ tập thơ, nhưng mãi không nói được một lời nào.

Ngày mùng 3 tháng 1 năm 199.. ở Genève, ông Học được tham dự một sự kiện văn hoá khó quên trong đời mình. Đó là vào dịp kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Du, nhóm tin học hoá chữ Hán Nôm kéo nhau về đấy họp để làm lễ hoàn thành giai đoạn I việc mã hoá chữ Nôm bằng ký tự Unicode. Trong buổi lễ này ông Trần Văn Kiếng, một thành viên của nhóm, cho ra mắt độc giả cuốn từ điển Nôm – Hán Việt do ông biên soạn theo phương pháp tra cứu mới, xuất bản tại bang Maine. Trong buổi lễ, ông Học được mời phát biểu với tư cách là người tham dự cao tuổi nhất.

Vốn là con người hành động, ông không dài dòng: “Chúng ta đã đi được chặng đường đầu tiên. Xin hãy nỗ lực tiếp tục công việc chúng ta đang làm. Rồi đây, một khi việc tin học hoá chữ Nôm được hoàn tất, hậu thế như chúng ta ngày nay sẽ có những điều kiện kỹ thuật tốt nhất tiếp cận kho tàng văn hoá chữ Nôm vô cùng quý báu của tổ tiên để lại. Bản sắc và nhiều giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam sẽ tăng thêm sức sống cho dân tộc ta trong quá trình hội nhập quốc tế. Chắc chắn là như vậy. Đối với cá nhân tôi, không lúc nào tôi quên mình là người Việt, nhưng công việc của các bạn đã thức tỉnh tâm hồn Việt Nam trong tôi. Xin cho phép tôi bày tỏ với các bạn lòng biết ơn sâu sắc của mình”.

Ông Học ngày càng quan tâm đến mọi chuyện của đất nước. Hàng ngày ông bắt người thư ký riêng của mình lọc ra và báo cáo cho ông những tin tức quan trọng nhất của báo chí tiếng Việt và tiếng nước ngoài trên mạng. Chính ông cũng không biết là tự bao giờ ông bắt đầu lại thói quen này trước đây của mình, một thói quen nghề nghiệp mà ông đã bỏ bẵng mất ít lâu từ khi nghỉ hưu. Ông trăn trở về nhiều chuyện, trao đổi với nhóm Hán Nôm về nhiều chuyện. Có những lần ông mời vợ chồng Lễ đến sống với ông vào dịp cuối tuần hoặc vin vào một lý do nào đó đột xuất mời họ đến chơi. Trong thâm tâm thực ra ông cần có người đối thoại về các vấn đề nóng bỏng của đất nước.

– Chú khám phá ra chủ nghĩa yêu nước từ bao giờ thế ạ? – một lần Lễ trêu chú mình.

– Cháu không biết đây là ông Christoph Colombo đệ nhị à? – bà Học phụ hoạ với Lễ.

– Vẫn cái lẽ đời cáo chết ba năm quay đầu về núi mà cháu, sao gọi là khám phá được! – ông Học thừa nhận sự phát hiện của Lễ.

Một chuyện ngẫu nhiên thú vị là năm nay cánh ông bà Học, cánh anh em Năm Thịnh và gia đình Tôn Thất Loan cùng rủ nhau về thăm đất nước. Lý do thật đơn giản: tất cả gặp thuận lợi trong bố trí thời gian và nghỉ phép.

Tác giả: