Dòng Đời – Nguyễn Trung

Là người từng trải những đau thương của chính bản thân mình, ông Lê Hải vừa nhạy cảm, vừa có cái nhìn riêng sâu sắc về cuộc sống và con người. Sinh ra từ một gia đình nông dân vùng thuốc lào Vĩnh Bảo, cố gắng tột bực của gia đình là lo cho ông học xong trường làng, hồi đó chỉ có đến lớp 3 (cour élémentaire)… Đường đời của ông đến đây đi vào ngõ cụt đầu tiên. Bố mẹ ông sinh hạ bảy người con, nhưng chỉ có bốn sống sót, ông là con trưởng. Gia sản chưa đầy một sào ruộng trồng thuốc lào và mấy miếng đất thổ cư do tổ tiên để lại, nhưng với sáu miệng ăn mẹ ông dù tần tảo đến mấy, quanh năm giật gấu vá vai mà vẫn không xong.

Tròn 17 tuổi, người thanh niên nông dân Lê Đình Hải xin phép bố mẹ ra Cẩm Phả làm phu đào than, nhờ chú ruột ông ngoài ấy là thợ đi lò giúp đỡ. Bố mẹ ông chấp thuận, nhưng với điều kiện trước khi đi ông phải lấy vợ để có người đỡ đần cha mẹ. Cô Tấm, người con gái xóm trên, trở thành con dâu cả họ Lê. Cô hơn chồng hai tuổi. Lê Đình Hải ra mỏ đúng vào lúc phu than ngoài Cẩm Phả nổi dậy đấu tranh đòi tăng lương. Vào thời điểm này chính phủ xã hội của Léon Blum ở Pháp đổ, bọn thực dân ở Việt Nam thẳng tay đàn áp công nhân. Một số công nhân mỏ bị bắn chết, một số bị bắt đi tù vì bị tình nghi là cộng sản, trong đó có người chú ruột của Lê Đình Hải. Rất may Hải được mấy người bạn của chú cưu mang. Hai năm sau vụ đàn áp đẫm máu, năm 1939, ông chú và mấy người cùng bị bắt được tha vì không đủ chứng cớ. Ông chú quay về Cẩm Phả, bảo ông bỏ nghề đi mỏ, về quê chào gia đình, rồi cả hai đi biệt tăm…

Ông đã tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội ngày 19 tháng Tám. Hai tháng sau, ông về chào gia đình để gia nhập đội quân Nam tiến, với cái tên mới là Lê Hải. Lúc này Sơn, đứa con trai đầu lòng đã năm tuổi… Kẻ ở người đi đều không hay biết đấy cũng là lần vĩnh biệt không hẹn trước. Cả gia đình ông và một số khá đông người trong làng bị giặc Pháp sát hại trong trận càn năm 1950. Giặc Pháp cho rằng làng này là nơi quân ta xuất phát tấn công sân bay Cát Bi. Ông biết tin này khi hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) 1954 được ký kết, và đấy là một trong những lý do khiến ông khăng khăng xin ở lại không tập kết. Cuộc đời ông đi vào một thời kỳ chiến đấu mới ác liệt gấp bội…

Mình hiểu rất rõ con người này… – tướng Lê Hải ngẫm nghĩ. Gia đình Nghĩa ở Hà Nội mình biết như trong lòng bàn tay. Phần họ hàng ruột thịt trong Nam Nghĩa ghi tỷ mỷ trong lý lịch, điều này mình nắm chắc. Gần ba mươi năm tuổi quân, đi từ chiến trường giải phóng Nghĩa Lộ, Sơn La, Lai Châu rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng đơn vị hành quân vào mặt trận miền Trung từ 1966… Thế nhưng tại sao bây giờ lại xin giải ngũ? Cái gì nằm trong đầu người sĩ quan từng trải và được nhiều người mến mộ này?.. Hay là có điều gì khiến anh ta phải tự đặt vấn đề như vậy? Một quyết định của người từng trải? Một cú sốc lớn về tinh thần?

… Mới cách đây khoảng bốn năm, nhà giáo nhân dân Phạm Trung Tuyên, cha của Phạm Trung Nghĩa, cùng với vợ chồng người con trai út Phạm Trung Minh và đứa cháu nội lên ba tuổi bị trận bom B52 huỷ diệt phố Khâm Thiên giết chết. Đúng vào hôm vợ chồng Minh tổ chức sinh nhật cho con trai, một tuần sau khi gia đình lớn của nhà giáo Phạm Trung Tuyên tổ chức ăn mừng cụ thượng thọ 70. Lúc này cụ Tuyên bà tuổi ta là 67.

Trong trận bom hôm ấy, cụ Tuyên bà bị hơi bom hất vào bên dưới gầm cầu thang, rất may là được tự vệ phố moi lên kịp thời nên cứu được.

Phạm Trung Minh là nhà vật lý trẻ đang có nhiều triển vọng. Minh tham gia nhóm công tác đặc biệt của của Viện khoa học Vật Lý. Sau hơn một năm trời nghiên cứu, nhóm của Minh lặn lội khu vực cảng Hải Phòng mấy tháng ròng không nghỉ, áp dụng những sáng kiến kỹ thuật về kích nổ bằng ứng dụng những công nghệ sử dụng vi sóng, sóng từ… để phá thuỷ lôi và bom nổ chậm. Công lao của cỗ máy tính điện tử J2 duy nhất của Viện do Liên Xô giúp thật đáng ghi nhớ. Nhờ nó việc giải những bài toán, những phương trình đặt ra cho việc thiết kế các công nghệ kích nổ tiết kiệm rất nhiều thời gian và cho phép đi tới ba, bốn phương án tối ưu để lựa chọn. Việc phá thuỷ lôi và bom nổ chậm vừa kịp thời, vừa đạt hiệu quả cao làm cho Mỹ bất ngờ. Một vài tạp chí quân sự nước ngoài xôn xao về việc này. Nhóm của Minh được trên thưởng cho mười ngày nghỉ phép. Thế rồi cuộc ném bom huỷ diệt ập xuống. Lúc này Minh vừa tròn 30 tuổi, giữa lúc đang ôm mộng trở thành nhà vật lý hạt nhân. Minh đã có tên trong danh sách được cử đi nghiên cứu ở Viện Đúp-na.

Tuy đang thời sơ tán, nhưng nhân dân đi đưa đám cụ Phạm Trung Tuyên và gia đình Minh đông lắm, trong đó có nhiều thế hệ học trò của cụ. Mọi người còn nhớ thầy giáo Phạm Trung Tuyên là một trong những người có công lớn xây dựng nền trung học phổ thông của Liên khu Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp. Về dậy học ở Hà Nội sau hoà bình 1954, cụ hai lần được Bộ Giáo dục khen thưởng, một lần là chiến sĩ thi đua toàn quốc, trước khi nghỉ hưu cụ được tặng Huân chương Lao động hạng nhất…

Đúng vào lúc B52 Mỹ ném bom rải thảm xuống phố Khâm Thiên, Phạm Trung Nghĩa vừa mới bị cưa ống chân phải, sau lần mổ thứ tư không thành công tại trạm quân y trong rừng Lao Bảo. Trung đoàn của Nghĩa thuộc cánh quân đầu tiên tham gia hạ thành Quảng Trị và sau này cũng là trung đoàn chốt giữ nội thành đến giờ phút cuối cùng.

Cuộc tiến công vũ bão hạ thành Quảng Trị rất quyết liệt. Sau 40 ngày chiến đấu, các sư đoàn của quân ta đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của giặc từ Cửa Việt đến Hải Lăng. Mỹ ngụy đã từng gọi hệ thống phòng ngự này cái lá chắn thép bảo vệ toàn bộ Cộng hòa Việt Nam. Lúc này là giai đoạn cao điểm của thời kỳ Mỹ hoá cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và là thời kỳ không quân Mỹ đánh phá dã man nhất trong chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ngày 2 tháng 5 quân ta hoàn toàn giải phóng tỉnh Quảng Trị. Tư lệnh trưởng quân khu I chạy thoát nhưng sau đó bị cách chức. Sài Gòn phải điều tư lệnh trưởng quân khu 4 là tướng Ngô Quang Trưởng lên thay.

Sau này, ai cũng biết khối lượng bom đạn Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam gấp hai lần chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng mật độ bom đạn trong khu vực nội thành Quảng Trị có lẽ là cao nhất trong toàn bộ lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ. Yếu tố bất ngờ qua đi, trong khi đó các mũi tiến công tiếp theo của ta tiến sâu vào Thừa Thiên Huế bị chặn lại. Mỹ ngụy có đủ thời giờ huy động tổng lực phản công chiếm lại Quảng Trị. Việc chốt giữ thành gian khổ và đẫm máu gấp bội so với lúc hạ thành. Ta và giặc giành giật nhau từng thước đất trong nội thành dưới bom đạn ác liệt.

Có trận đánh ban đêm trong nội thành mới được vài giờ, trung đoàn của Nghĩa hy sinh gần hai đại đội. Nửa đêm phải đưa quân mới vào bổ sung. Nhưng chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau đó, lực lượng bổ sung cho đơn vị Nghĩa lại hy sinh gần hết. Những trận đánh đẫm máu như thế diễn đi diễn lại nhiều lần. Ban chỉ huy trung đoàn của Nghĩa cũng chỉ còn lại một mình Nghĩa! Ngày đêm các loạt mưa bom của B52 và trọng pháo giặc từ các cao điểm phía Nam nội thành giặc chiếm lại được đã biến trận địa thành một cái cối xay thịt. Nghĩa ghi trong nhật ký chiến đấu của mình: Ngày 28 tháng sáu không quên… Đó cũng là ngày lực lượng chốt thành được lệnh rút khỏi nội thành.

Đến ngày thứ 116 kể từ thời điểm hạ thành, đơn vị Nghĩa rút về vành đai cuối cùng bao vây nội thành ở phía Bắc Thạch Hãn. Một quả đạn pháo giặc nổ sát ngay công sự chỉ huy của trung đoàn, người và đất cát chung quanh Nghĩa bị tung lên. Thiếu tá trung đoàn trưởng Phạm Trung Nghĩa chỉ còn là một cái xác thoi thóp. Đồng đội chung quanh kéo lê Nghĩa dưới chiến hào lui ra phía sau, rồi chọn một người khoẻ nhất cõng anh chạy tiếp dưới bom đạn về phía hậu tuyến. Số còn lại phải quay về vị trí chiến đấu, vì lực lượng ta ngày càng mỏng.

Không biết phải cõng Nghĩa chạy như thế trong bao nhiêu lâu, khi giao được Nghĩa cho trạm cứu thương đầu tiên, người chiến sĩ cõng Nghĩa nhét vội vào túi áo ngực của Nghĩa một thứ gì đó rồi chạy trở lại. Lúc này Nghĩa hoàn toàn bị điếc, cả chân phải chỉ thấy những cục máu đen sẫm bám vào những mảnh thịt như bị các thanh nứa cứa nát, bàn chân phải không còn nữa. Nghĩa ngất đi nhiều lần vì đau và mất nhiều máu.

Thiếu tá Phạm Trung Nghĩa là người duy nhất còn sống của trung đoàn mình ban đầu khi ra quân.

Đầu tháng 9 năm 1972, quân ta rút khỏi Quảng Trị.

Khi chuyển được Nghĩa ra tới Quân y viện 108 cuối tháng giêng năm 1973, lúc đó người ta mới cho Nghĩa biết tin bố và gia đình em út bị B52 giết chết. Thiếu tá thương binh Phạm Trung Nghĩa chịu đựng những mất mát lớn lao này với tất cả nghị lực của một chiến sĩ đã không biết bao nhiêu lần đối mặt với cái chết. Nghĩa có người anh cả, Phạm Trung Chính, kỹ sư xây dựng giao thông nổi tiếng, tác giả của biết bao nhiêu loại cầu ngầm, đường ngầm, cầu treo, đường ống dẫn dầu…, được ứng dụng trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình như thế, một chiến sĩ, một sĩ quan như thế… bây giờ xin giải ngũ? Thiếu tướng Lê Hải đi đi lại lại trong phòng, tự hỏi, tự trả lời. Đến điếu thuốc thứ ba, cuộc đối thoại với chính mình vẫn tiếp diễn…

Tác giả: