Dòng Đời – Nguyễn Trung

– A ha, thấy chưa! Như thế là cái tính bi quan nằm sẵn trong máu anh rồi, thế mà lại đổ riệt cho tôi!

– Nó nằm ngủ trong máu tôi, nhưng anh đánh thức nó!

– Vậy hả? Nếu thế phải nghe thêm chuyện này nữa cho tỉnh ra. Tại cuộc họp liên tịch vừa rồi bàn về an ninh, di tản trở thành vấn đề chính. Ông Tiến thay mặt ngành tuyên huấn phát biểu găng lắm. Nêu đích danh cả ba gia đình anh em Năm Thịnh làm ví dụ, phê phán lãnh đạo địa phương là hữu khuynh. Quan điểm của ông Tiến được nhiều người trong hội nghị hoan nghênh. Ông Tiến còn biết tôi và anh đều có họ hàng là tư sản bị cải tạo.

– Thế tại cuộc họp anh Tiến có quy kết chúng mình là những phần tử có liên quan không anh?

– Chưa đến mức ấy, nhưng khi gặp riêng tôi, ông Tiến tỏ ý tiếc là ảnh hưởng của chúng ta đối với họ hàng ít quá. Tiến đem đến hội nghị một báo cáo mật của Ban dân vận thành phố để làm tài liệu tham khảo, do Hà Văn Hân ký tên. Báo cáo sặc mùi tính cách của anh ta, đúng như ông Tư Cương kể cho tôi nghe trong những lần tôi vào thăm má Sáu. Anh Hai Phong, rồi đến tôi, rồi đến anh được lần lượt nêu đích danh trong báo cáo này, bằng chứng rất thuyết phục về vai trò yếu kém của đảng viên chúng ta đối với những vấn đề hệ trọng trong gia đình họ mạc của mình.

– Biết làm thế nào được, anh Hải. Cháu gái tôi, con của Lễ, cũng đi di tản, cả nhà tôi muốn giữ cháu ở lại lắm chứ. Chúng tôi mới nhận được thư báo từ Mỹ là cháu bị hải tặc giết rồi, thật đau lòng quá. Vợ chồng Lễ sống dở chết dở! Tất cả chúng tôi đều giấu mẹ tôi chuyện này.

– Chết, lại đến nông nỗi ấy cơ à? Sao không thấy anh nói gì với tôi. – Tướng Lê Hải ngơ ngác.

– Chúng tôi muốn giữ kín với mọi người. Chuyện xảy ra rồi, biết làm thế nào được nữa…

– Người như Đoàn Danh Tiến cần phải biết cả chuyện này nữa mới phải, để xem ông ta sẽ phê phán như thế nào! – giọng Lê Hải đầy chì chiết. – Tiến còn nhắc lại cả cuộc nói chuyện của anh năm nảo năm nào ở trại B7, chuyện anh xin giải ngũ. Sao lại có con người cái gì cũng biết và nhớ dai đến thế! Chỉ còn thiếu một điều là ông ta chưa đứng lên giữa hội trường vạch mặt chúng ta là những kẻ bạc nhược, những kẻ thoái hoá mất tính Đảng…

– Nói cho công bằng hai chúng ta ít nhất đã được ông ấy một lần ca ngợi tít lên mây xanh đấy chứ.

– Vâng, tôi nhớ. Một lần duy nhất nhưng không thể nào quên! Anh định lấy chuyện đó làm dẫn chứng cho cái lý thuyết biên giới mong manh có phải không anh Nghĩa? Hay ông ta là con người hai mặt?

Thôi, càng nói càng bực mình, quên ông ta đi anh Hải ạ. Tôi đang lo canh cánh Nhà nước năm nào cũng đề ra chỉ tiêu kế hoạch năm nay cố phấn đấu bằng năm trước! Anh nhìn kia kìa, toàn là thùng, can, chai, túi, lọ… Nhà biến thành cái kho. – Nghĩa chỉ tay vào các gầm bàn, gầm tủ. – …Anh tính, lĩnh lương về là nhà tôi đem tiền và tem phiếu mua bằng hết. Cái gì tem phiếu được mua là mua tuốt. Dùng đến hay không dùng đến không thành vấn đề! Chuyện này mới đáng lo hơn!

– Bao cấp mà. Nhà nước thu mua để phân phối thì như cướp, đem bán theo tem phiếu thì như cho. Dân người ta nói toạc ra như thế đấy. Một Phó thủ tướng dám nhắc lại nguyên xi như thế trong cuộc họp Chính phủ.

– Chúng ta rất cần những lời nói thẳng như thế.

– Nhưng ông ấy bị phang đến nơi đến chốn vì tội này. Kể ra không oan và oan anh Nghĩa ạ! Nhờ tem phiếu mà ta thắng Mỹ. Bây giờ thay tem phiếu bằng cái gì thì chúng ta chưa biết! Ngẫm nghĩ mãi, tôi thấy bên cạnh cái nghèo còn có cái khó của tư tưởng bình quân, một di sản lâu bền của chiến tranh.

– Về nhiều phương diện anh đúng là người trung thành với cái thuyết quán tính của lịch sử.

– Nếu giỏi thì bác bỏ đi! – Lê Hải thách.

– Hãy đợi đấy. Tuy nhiên, tôi có lãng mạn đến mấy cũng phải đồng tình với Xuân Diệu thôi. Chuyện cơm áo không đùa với tất cả chúng ta•(*) [(*) Ý thơ của Xuân Diệu, trong câu: “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt, Cơm áo không đùa với khách thơ”…].

-Tưởng là người đã từng viết được cái đơn xin giải ngũ thì chỉ cần sống bằng hương hoa thôi chứ?

– Anh muốn rủa tôi chóng chết có phải không?..

– …

– Trời ơi, hai ông định hun chết hai chị em tôi hay sao thế này. – Bà Hậu không chờ được nữa, một tay vừa kéo bà Nguyệt, một tay xua khói thuốc lá từ buồng bên bước vào nơi hai ông đang ngồi nói chuyện.

– Chết thật, có hai người mà nghi ngút như khói tàu hoả thế này! Chị em chúng tôi vào giải thoát cho hai ông đây. – bà Nguyệt nói theo bà Hậu.

– Chúng ta phải tạ ơn các bà đi. – ông Hải hiểu là phải dừng câu chuyện ở đây. – Chị Nguyệt năm nay có cần xông đất cho nhà ta không ạ, phải đăng ký từ bây giờ đấy!

– Vâng xin đăng ký ngay ạ.

– Nhưng tôi có rơ-moóc, không đi xông đất một mình được.

– Anh Hải ơi, em không biết là ai “rơ-moóc” ai. – bà Hậu phản ứng ngay.

– Anh anh em em dịu dàng thế này thì cả hai ông bà “rơ-moóc” nhau vậy. – Nghĩa đỡ lời cho Lê Hải.

– Mời cả chị Hậu đi cùng càng vui chứ sao ạ. Anh chị đi hái lộc rồi đem lộc về cho gia đình tôi thì còn gì bằng!

– Chị Nguyệt rất hiện đại, không kiêng phụ nữ đến xông nhà. – Bà Hậu khen.

– Năm nay nhà chúng tôi được anh chị xông đất, chắc sẽ có nhiều tin vui. Chúng tôi đang rất nóng tin về cháu Nam…

– Có phải là Nam bác sỹ quân y đang ở Campuchia không chị?

– Vâng. Thấm thoắt đã hơn một năm rồi đấy chị Hậu ạ. Bà cháu và anh chị Chính tôi mong ngày mong đêm. Trong số các cháu nhà họ Phạm chúng tôi, cháu Nam là chững chạc nhất…

Tuy đang không khí vào Tết, nhưng khi chia tay vợ chồng Nghĩa, tướng Lê Hải thấy trong lòng nặng trĩu. Gửi xong xe đạp để vào chợ hoa, Lê Hải lẽo đẽo đi theo vợ, đi giữa rừng hoa nhưng chẳng nhìn thấy gì cả. Nỗi lo của ông về cái quán tính của lịch sử càng trĩu xuống vì cái biên giới mong manh mà Nghĩa đã nêu và cả “cái tát” nhoéng lửa của Năm Thịnh nữa.

– Năm nay không cắm bích đào, mà cắm đào phai. Em chọn mãi… Cành này được không anh?

Hậu nói xong nhưng ngoảnh lại chẳng thấy chồng mình đâu cả. Tõi mãi bốn chung quanh bà mới nhìn thấy ông đang đứng xa đến cả chục bước.

Trong tay vợ kéo đi, Lê Hải thanh minh:

– Chợ hoa đông quá, bộ đội không dám chen bật nhân dân!

– Mau lên anh, không có người ta mua mất cành đào phai em đã chọn!

…Thật là cầu được ước thấy. Hay là nhờ đêm giao thừa cả hai vợ chồng ông Hải đến xông đất.., trung uý quân y Phạm Trung Nam được nghỉ phép mười ngày. Nam phải lo trực đêm ba mươi và ngày mùng một Tết. Nam về đến nhà mùng bốn Tết, trong sự vui mừng đến ngỡ ngàng của mọi người. Điều này có nghĩa các gia đình họ Phạm có một cái Tết kéo dài đến giữa tháng giêng và vui gấp nhiều nhiều lần các Tết khác!

– Cháu ở nhà ngày nào là bà có Tết ngày ấy. – cụ Tuyên bà nói đi nói lại với Nam câu này không biết chán.

Rõ ràng là có Nam, cụ lanh lẹn hẳn lên, đã bắt đầu đi bộ được loanh quanh các phòng trong nhà. Mỗi bữa cụ ăn được một bát cháo, thỉnh thoảng dùng một muôi cơm. Quà của Nam đem từ Campuchia về biếu bà là hai hộp sữa đặc Liên Xô. Bận gì thì bận, Nam luôn luôn có chuyện này chuyện khác hay một câu nói gì đó làm bà vui, có lúc nhắc lại những chuyện cũ quấn quít giữa hai bà cháu…

Tối mùng sáu Tết, ông bà Chính đến xin bố mẹ Yến cho tổ chức lễ cưới. Lời cầu xin được chấp thuận ngay, vì đấy cũng là nguyện vọng của bố mẹ Yến.

Tại Siêmriệp, khi nhận được lệnh trên cho về nghỉ phép, thủ trưởng và anh em trong đơn vị vừa khuyên vừa trêu trọc Nam:

– Được nghỉ những mười ngày, cưới vợ quách đi cho xong!

– Ra tiền tuyến phải có một du kích ở nhà giữ người yêu cho yên tâm chứ!

– Có một ngày tớ còn lấy được vợ, cậu những mười ngày!..

Nam nghĩ rất nhiều đến chuyện cưới, trong lòng khao khát lắm. Ấy thế mà khi đeo ba-lô lên vai chia tay mọi người trong đơn vị, Nam vẫn chưa dám đi đến quyết định dứt khoát. Suốt một năm qua Nam chưa có một lá thư nào dám đề cập đến chuyện này, dù là thư viết cho Yến, viết cho bố mẹ, hoặc là cho em gái. Đấy là sự do dự có thể hiểu được, vì hạnh phúc phía trước lớn quá, gắn với thân phận quá mong manh của người lính trên chiến trường ma quỷ này. Càng thấy tình yêu của mình thiết tha bao nhiêu, Nam càng cảm thấy mình hạnh phúc bấy nhiêu, song lo lắng.. – hay là nỗi do dự khó tả xiết – càng tăng lên theo…

Ai lường trước được điều gì trên cái chiến trường ma quỷ này?..

Cứ mỗi khi nghĩ đến Yến, Nam lại vấp phải ngay câu hỏi này… Chẳng bao giờ nhìn thấy kẻ thù, nhưng kẻ thù có ở khắp mọi nơi, ngay trước mặt, ngay bên cạnh… Kẻ thù đến thăm bất kỳ giờ phút nào, kẻ thù làm bất kỳ điều gì nó thích!.. Nam thừa nhận đối phó với chiến tranh du kích Khmer đỏ hoàn toàn không đơn giản, mặc dù trạm xá của Nam bây giờ được đặt trong vùng hậu cứ an toàn, có lực lượng bảo vệ khá mạnh. Khi ở cái thế phải bỏ sử dụng chiến thuật du kích thì dù quân đội ta có là bậc thầy của chiến tranh du kích cũng thế thôi…

Tác giả: