Dòng Đời – Nguyễn Trung

– … Về đến nhà con có được gặp lại mẹ không mẹ ơi?!

Trong ký ức Nghĩa nhớ lại những chịu đựng vô bờ bến của người mẹ già thân hạc, về những đau thương của cả gia đình…

– Ôi các anh các chị ơi, các em ơi, mẹ của chúng ta!

Từ Cầu Phùng, mưa bắt đầu ngớt. Làng quê và những vùng đất quen thuộc loang loáng bên cạnh xe. Mỗi nghĩa trang liệt sĩ lướt qua là một dấu chấm hết một địa phận và báo hiệu một địa phận mới. Có giây phút Nghĩa nghĩ rằng mình đang đi tìm gặp các đồng đội đã ngã xuống trên các miền đất của Tổ quốc, như đang nghe thấy các đồng đội thét lên:

… Không được phản bội chúng tôi! Không được phản bội!..

Hai người đi áp giải vẫn thấy Nghĩa hai tay nắm lấy thành ghế trước. Họ nhìn thấy rõ các đầu ngón tay bợt ra vì Nghĩa nắm quá chặt vào thành ghế, như thể xe đang bị xóc mạnh, mặt Nghĩa lúc đỏ, lúc trắng bệïch. Bỗng nhiên họ thấy Nghĩa nước mắt rơi lã chã, gào lên một tiếng rất lớn rồi bật đứng dậy. Nhưng mui xe đẩy dúi Nghĩa xuống ghế, hai hàm răng anh xiết lại. Họ cố theo dõi từng chi tiết các cử chỉ của Nghĩa, nhưng không thể hiểu được tại sao Nghĩa lại có tâm trạng như vậy.

Từ Nhổn trở đi, họ thấy Nghĩa ngồi im như một xác chết bị dựng vào thành xe, mắt mở to nhìn đâu đâu!..

Xuống xe, chia tay hai người dẫn độ, Nghĩa dò dẫm, ngó trước ngó sau, ngập ngừng chưa dám bước chân ngay vào nhà.

Khi đi qua cổng, ngó nhìn vào cửa thấy Nguyệt và hai con đang ngồi ăn cơm một cách bình thường. Nghĩa thở phào. Lúc này Nghĩa mới dám mạnh dạn bước vào.

– Bố về! Bố về!

– Anh! Sao đi công tác dài ngày thế mà không cho nhà biết trước? Anh đi rồi cơ quan mới cử người đến báo.

– Mợ ở nhà có khoẻ không em?

– Mợ mong anh lắm, ngay từ sau hôm anh đi mợ mệt nặng lắm anh ạ. Gần như ngày nào mợ cũng lẩm bẩm nói một mình: Nghĩa đi công tác đột xuất gì mà lâu thế. Có lúc mợ còn hỏi đi hỏi lại sắp đến ngày giỗ cậu và gia đình em Minh chưa. Anh chị Chính và em trả lời mấy lần mà mợ vẫn cứ hỏi.

– Mợ không được tỉnh lắm hay sao mà không tính được ngày?

– Không mợ tỉnh lắm anh ạ. Em hỏi thử chuyện này chuyện khác mợ vẫn nhớ. Mợ nhắc nhiều đến Nam, đến Huệ… Có lần em nói: cún Nam lên hai rồi đấy mợ ạ. Mợ chữa lại: Nói sang tuổi lên hai hay tính cả tuổi mụ thì được, nhưng cún Nam mới được có mười lăm tháng thôi.

– Như thế là mợ rất tỉnh táo.

– Vâng ạ. Có lẽ chỉ vì mợ rất mong anh về và mong đến ngày giỗ…

Chưa nghe hết câu, ông Nghĩa bảo mọi người cứ ăn cơm tiếp đi, ông quay ra lấy xe đạp của Tân, nhào đến nhà ông Chính để gặp mẹ.

Hai Hân được ông Tiến giới thiệu đi học khoá học đặc biệt bồi dưỡng và nâng cao cho cán bộ trình độ cấp cơ sở, tổ chức ở Hà Nội, chương trình 1 năm. Tuy học ở Hà Nội, nhưng hai người thỉnh thoảng mới gặp nhau. Về phía Hai Hân thì chương trình học khá nặng, còn ông Tiến hồi này quá bận. Được cái là không có chuyện miễn cưỡng thăm hỏi nhau. Mỗi lần họ gặp nhau nếu không công kia thì cũng việc nọ. Ông Tiến thực sự quan tâm đến việc học của Hân và thỉnh thoảng cũng có việc phải nhờ. Lúc thì ông ví Hai Hân là chân rết quan trọng nhất của ông bám vào thực tiễn cuộc sống, lúc thì ông gọi Hân là cái ăng-ten nắm bắt thực tiễn… Còn Hân thì muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập của mình, ông Tiến xứng đáng được coi là một phụ đạo có hạng. Lần này Hai Hân đến thăm ông Tiến sau kỳ nghỉ giữa khoá, có chủ định rõ ràng.

– Em chào anh chị ạ. – Hai Hân để nguyên áo mưa, mỗi tay một túi xách, bước vào nhà.

Cả ông Tiến và bà Hà cùng rời mâm cơm đứng dậy:

– A, Hân! Chắc vừa mới xuống tàu, có phải không?

– Cậu Hân ăn cơm với chúng tôi luôn thể nhé.

– Vâng ạ. Xuống ga em đi thẳng lại đây, vì mai em lại bắt đầu vào học rồi. Ra khỏi ga thì bắt đầu mưa to, trời thế mới ác chứ. May quá em tìm được cái xích-lô.

Ông Tiến cất áo mưa cho Hân, bà Hà vừa làm thêm thức ăn vừa dọn thêm bát đũa:

– Cậu Hân rửa mặt cho tỉnh táo đi, may quá vừa đúng bữa.

– Trời thì tối, em loay hoay mãi không có tiền trả ông xích-lô, vì tiền mới to quá, ông ấy không có tiền trả lại.

– Tiền mới một ăn một nghìn thì không thể có tiền trả lại thật, thế sao cậu không vào nhà gọi tôi?

– Tìm mãi em mới nhớ ra là cô thư ký có đưa cho em một nắm tiền cũ để tiêu vặt, thật là may.

– Cơ quan của chị cũng thế, hôm đầu tiên nhận lương bằng tiền mới, có mấy tờ bạc không làm sao chia nhau được, đành phải người tiêu trước, người tiêu sau vậy.

– Chắc cũng phải mất ít tháng nữa mọi người mới quen được. Hình như đây là lần đổi tiền thứ hai hay thứ ba gì đó bà nhỉ.

Bà Hà như không để ý đến câu hỏi của ông Tiến:

– Em Hân ạ, tiền lẻ hơn thẻ thương binh đấy! – bà Hà kể.

– Ô hay, em cứ tưởng là chỉ trong Sài Gòn mới có câu vè này, ai dè…

– Cả nước chắc đâu đâu cũng thế thôi, đi mua cái gì cứ có tiền lẻ là không phải xếp hàng, được ưu tiên cho mua ngay.

– Hệt như trong Sài Gòn!

– Mậu dịch ở đâu cũng cần tiền lẻ để có tiền trả lại, em ạ.

– Lại có chuyện như thế nữa hả bà? – ông Tiến ngơ ngác hỏi vợ.

– …

Câu chuyện quanh bữa cơm bắt đầu từ việc đổi tiền và tình hình kinh tế đất nước. Sự khan hiếm hàng hoá trong đời sống hàng ngày cùng với nạn lạm phát phi mã hình như làm cho mỗi người dân trở thành một nhà kinh tế với một nghĩa nào đó. Ít nhất là chẳng ai dám bàng quan với chuyện giá cả cứ lên vùn vụt. Có được đồng nào thì phải tính xem mua ngay cái gì, lúc nào cần tiền tiêu thì bán đi, không ai dám cất giữ tiền mặt. Chỗ này chỗ khác, tiền mất giá tạo ra cho người ta thói quen tính toán mua hay bán một thứ gì đó bằng hiện vật, cái này giá bằng một yến gạo, thứ kia giá ba cân thịt heo.., rồi mới tính xem thứ định mua là đắt hay rẻ, đáng mua hay không đáng mua… Cũng có người làm việc này một cách đơn giản, ví dụ đem đổi hai chiếc may-ô lấy một cân đường…

– Em đi có bốn năm tháng thôi, thế mà tình hình xí nghiệp in của em gay quá. Vì thiếu vật tư thay thế, thiếu việc. Đã thế trên vừa mới giao cho em cõng thêm hai nhà in nữa. Cộng lại bây giờ em có 3 xưởng in. Mô hình liên hiệp xí nghiệp mà! Đất đai nhà cửa mênh mông, người thừa, có phân xưởng em đành cho đắp chiếu.

– Chị thấy ở Hà Nội cũng khối xí nghiệp đắp chiếu!

– Tại sao cậu không phát triển căng-tin, công tác công đoàn..? Ngoài này phải nhờ vào những việc này để cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên chức.

– Có chứ ạ, tụi em làm mạnh là khác, từ vài năm nay rồi. Không có cái 25CP(*)[(*) Quyết định 25CP của Chính phủ ngày 21-1-1981, cho phép xí nghiệp quốc doanh thực hiện 3 phần kế hoạch, nhằm khai thác các nguồn vật tư theo giá thỏa thuận để tận dụng tốt hơn năng lực sản xuất, đồng thời cải thiện thu nhập cho cán bộ công nhân viên chức. ] tụi em chết liền. Mang tiếng là được nghỉ hai tuần, nhưng em mất 6 ngày cả đi và về, dành trọn một tuần cho việc nhận thêm hai xưởng mới, tổ chức lại công tác đời sống trong các xưởng, thế là hết phép.

– Cậu làm những gì?

– Đa dạng lắm anh. Nơi nào nhận thêm được bất kể việc gì có thể làm được thì nhận về cho anh em. Nơi rộng rãi thì cho thuê một phần nhà đất, nơi thì làm thêm dịch vụ… Trước đây những việc này là lén lút, nhưng bây giờ có chủ trương chỉ đạo của Thành phố hẳn hoi, cũng dựa vào 25CP thôi, nhưng địa phương phải sáng tạo thêm vào. Đói thì đầu gối phải bò. Thành phố không tự cứu được mình thì gay go đó anh.

– Không trách anh Tiến cứ khen cậu là năng nổ tháo vát. – Bà Hà khen.

– Đi học khoá này em học được thêm nhiều cách làm 25CP của ngoài Bắc, phải nói là hay tuyệt.

– Sao? Cái này có trong chương trình học của cậu hả? – ông Tiến rất ngạc nhiên, vì chưa bao giờ thấy Hai Hân hé miệng hỏi mình về 25CP. Trong thâm tâm ông Tiến thú nhận chưa hề đọc cái chỉ thị được nhiều người nhắc đến này, hiểu về nó càng đại lơ mơ.

– Chương trình chính thức thì không, anh Tiến ạ. Em tự học lấy trong các buổi đi tham quan, trong quan sát thực tế và trong mạn đàm riêng với nhau giữa các học viên. Nếu làm kinh tế như trong các bài giảng thì các xí nghiệp của tụi em ăn cám!

– Cậu mất lập trường rồi đấy. Nếu thế thì ra đây học làm gì?

– Với anh em mới dám thổ lộ ra như thế. Cái chính đối với riêng em đi học là để có được cái giấy chứng nhận tốt nghiệp chính trị trung cấp.

– Nghĩa là cậu không quan tâm những điều giảng dạy trong trường?

– Có chứ ạ, nhưng chỉ là để biết cách nói năng cho đúng lập trường chính sách thôi. Nếu nói năng cho có lý luận vững chãi được như anh thì càng tốt. Cái này thì em lại rất cần cho riêng mình anh ạ.

– Thế mà cậu lại dám nói là làm theo sách dạy thì ăn cám!

– Dạ, hoàn toàn đúng thế. Phải ở trong chăn mới biết chăn có rận. Anh không làm giám đốc như em, anh không hiểu được đâu.

– Sao cậu tự phụ thế?

– Anh ơi, xí nghiệp của em có biết bao nhiêu chuyện cha chung không ai khóc. Em cho là cứ rời cái vòi bao cấp của nhà nước ra là chết liền! Đã thế chỗ nào cũng như cái thùng không đáy…

– Này, được đi học mà loạn ngôn thế hả?

– Anh có thể tưởng tượng được không, một lần em thử kiểm tra trên sổ sách tình hình tiêu dùng vật tư của xí nghiệp, em thấy lạ quá. Sờ vào một phân xưởng, tổng số bóng đèn điện dùng tại đây tính ra bình quân một năm mỗi đèn dùng tới 14 cái bóng đèn! Cứ cho là mỗi cái đèn trong phân xưởng này một năm phải xài là 6 bóng đi, thì riêng phân xưởng này mỗi năm bốc hơi mất 120 bóng đèn. Đấy chỉ là chuyện mất cái kim trong xí nghiệp em thôi.

Tác giả: