Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Theo đồng chí bí thư thì có thể đưa vào bảo tàng được không ạ?

– Hiện vật lịch sử quan trọng thế này thì xứng đáng đưa vào bảo tàng lắm chứ.

– Thưa đồng chí, chính đây là điều gia đình chúng tôi bàn bạc rất lâu mà chưa ngã ngũ.

– Có khúc mắc gì thế hả đồng chí Vũ?

– Đồng chí bí thư ạ, nếu chúng tôi có tự nguyện đưa vào bảo tàng, chắc viện bảo tàng cũng phải cho vào lưu trữ thôi, không dám đưa ra cho mọi người xem…

– Sao lại có thể như vậy được?

– Chuyện này dài lắm đồng chí ạ, chính chúng tôi cũng đang phải tìm hiểu tiếp… Mà nếu được viện bảo tàng đưa ra cho mọi người xem, chưa hẳn chúng tôi đã đồng ý…

– Gia đình đồng chí còn nghi ngại điều gì?

– Thưa đồng chí bí thư, nếu đưa ra cho mọi người xem mà không giải thích được tường tận những đoạn trường bản Tuyên Ngôn in litho này đã trải qua thì như thế mới chỉ là trình bày được sự thật một nửa của lịch sử… Mà chúng tôi thì lại không thể chấp nhận lịch sử với sự thật một nửa… Điều khó nghĩ của chúng tôi là như thế ạ.

– Như thế là chính gia đình đồng chí cũng chưa biết gì nhiều lắm về bản Tuyên Ngôn in litho này?

– Sau khi bà nội tôi mất đi, bố mẹ tôi, các cô các chú trong gia đình chúng tôi, các đồng chí của bố mẹ tôi, và cả mấy anh chị em chúng tôi nữa, tất cả chúng tôi bàn với nhau và suy nghĩ day dứt mãi… Chúng tôi thật chưa hiểu hết vì sao bà nội tôi lại làm như vậy?

– Chắc cụ nhà có ẩn ý gì… – Ông bí thư đăm chiêu, nhìn đi nhìn lại bản copy. Bỗng nhiên ông kêu lên – …Tại sao lại có vết rách lớn như bị xé làm đôi thế này? Trông lộ quá…

Vũ vẫn ngồi yên, để ông bí thư có thời giờ xem kỹ bản copy.

– Sao khi chụp đồng chí không dán lại để bản copy khỏi lộ vết rách?

– Vũ chưa biết nên trả lời thế nào.

– Cụ nhà có nói rõ vì sao bản Tuyên Ngôn bị rách không đồng chí?

– Thưa đồng chí bí thư có ạ… Nhưng chúng tôi cũng không được biết nhiều lắm…

– Tôi có thể hình dung được…

– Thực lòng là chúng tôi không dám nài hỏi nhiều, vì bà nội chúng tôi vào những ngày này mỗi lúc một yếu đi… Bà còn sức kể được đến đâu thì chúng tôi chỉ biết được đến đấy…

– Tôi hiểu… Vì đấu tranh trong vùng địch hậu ngày xưa ác liệt lắm đồng chí Vũ ạ…

– Đồng chí bí thư ạ, câu chuyện trong gia đình chúng tôi đau lòng lắm!.. Đến nỗi có lúc chú Năm tôi đã phải mắng bố tôi là không đau nỗi đau của dân tộc! Không khát vọng những khát vọng của dân tộc!..

– Trời ơi, ông Năm nặng lời với ông Hai nhà ta như thế sao?

– Vâng… Thưa đồng chí bí thư… Bản Tuyên Ngôn do chính bà nội chúng tôi tự tay xé đi ạ… Bà nội chúng tôi chỉ nói …đấy là một kỷ niệm buồn…

Ông bí thư choáng váng, phải một tay nắm lấy mép bàn…

– Vâng, do tự tay bà nội chúng tôi xé ạ… vào khoảng ba năm hay hơn ba năm một chút sau ngày giải phóng Sài Gòn đồng chí bí thư ạ… Nghĩa là sau khi ba gia đình các chú tôi đến từ biệt bà nội tôi để bỏ Thành phố đi di tản, bà nội tôi đã khóc suốt đêm, ngay sáng hôm sau bà nội chúng tôi đã xé bản Tuyên Ngôn in litho này… Chắc bà nội tôi lúc ấy đau khổ lắm… Bà nội tôi đã thắp hương trên bàn thờ suốt cả ngày hôm ấy…

– Trời đất ơi!.. – Ông bí thư kêu lên…

– Đồng chí bí thư ạ… Cho đến bây giờ cả gia đình chúng tôi vẫn không hiểu rõ vì sao bà đã xé bản Tuyên Ngôn, rồi lại chính tự tay bà giữ lại, gói ghém cẩn thận, để lại vào chỗ cũ… Tự tay bà nội chúng tôi đã một mình treo lại bức tranh lên tường, bị ngã và đã đánh rơi bức tranh… Bà giữ mãi bản Tuyên Ngôn… cho đến khi biết mình sắp phải từ giã cõi đời…

Ông bí thư ngồi im, vẫn chưa định thần lại đựợc, trong đầu đánh vật với bao nhiêu câu hỏi ông chưa bao giờ nghĩ tới…

– Thưa đồng chí bí thư, cả nhà chúng tôi đều chung một ý nghĩ: Phải thực hiện đúng lời dặn của nội chúng tôi.

– Thú thực với đồng chí Vũ, tôi bị bất ngờ quá!.. – Ông bí thư lại ngồi im.

– Thưa đồng chí bí thư, tôi đã làm xong nhiệm vụ được giao. Tôi xin cảm ơn và xin chào đồng chí. – Vũ đứng dậy.

Ông bí thư lúc này như chợt bước ra khỏi sự mung lung của mình, đưa tay kéo Vũ ngồi xuống:

– Đồng chí nán lại chút nữa đã… Đồng chí có thể giúp tôi hiểu thêm suy nghĩ của cụ nhà không?

– Thưa đồng chí bí thư, cả gia đình chúng tôi cho rằng Đảng ta, nói cụ thể là những đảng viên thế hệ hiện nay và sắp tới, đang nợ dân tộc ta, nợ các thế hệ đảng viên đã viết nên Tuyên Ngôn Độc Lập và hoàn thành sự nghiệp giành độc lập và thống nhất Tổ quốc một nghĩa vụ lớn lắm đồng chí ạ. Đó là nghĩa vụ xây dựng một chế độ xã hội không để cho ai xâm phạm những quyền của người dân như đã ghi trong Tuyên Ngôn. Mối nợ nghĩa vụ này quả thực lớn lắm đồng chí ạ.

– Có lẽ là như thế… Bây giờ thì tôi hiểu ý nghĩ của cụ nhà và của gia đình.

– Đồng chí bí thư ạ, có lẽ bà nội tôi ngày đêm băn khoăn về những gì đã xảy ra và đang xảy ra kể từ khi đất nước được hoàn toàn giải phóng và giành được độc lập thống nhất… Bà nội tôi đã chờ đợi, chờ đợi hơn một phần tư thế kỷ!.. Cuộc sống ngày càng nhiều các sự việc trái ngược hẳn với những gì bà nội tôi đã sẵn sàng hy sinh để giành lấy… Sao nói hết những khát khao, những ước mong… Chắc chắn là bà nội tôi không yên lòng khi nhắm mắt…

Ông bí thư lại lặng đi hồi lâu.

– …Những người đã hy sinh không thể nhắm mắt. Những người đã khuất không thể nhắm mắt… Tôi hiểu suy nghĩ của cụ nhà. Tôi nghĩ là tôi hiểu.., đồng chí Vũ ạ. – Giọng ông bí thư vừa chia sẻ, vừa như đang tự vấn…

– Xin cảm ơn đồng chí bí thư…

– Là người được cụ nhà gửi gắm, đồng chí nghĩ gì?

– Đồng chí bí thư ạ, sau khi nghe bà nội tôi dặn dò bọn tôi phải cha truyền con nối gìn giữ bằng được Tuyên Ngôn này, lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được sâu sắc yêu nước không được là độc quyền của riêng ai!.. So sánh với thực tại, lẽ tự nhiên này thật kinh hoàng đồng chí bí thư ạ!

…Yêu nước không được là độc quyền của riêng ai!.. Ông bí thư cảm thấy có một mũi nhọn nào đó xuyên vào tim mình, câu chuyện bị ngắt quãng.

Không khí trong phòng bỗng dưng ngột ngạt.

– Tôi thừa nhận đồng chí đã dũng cảm nói thẳng một sự thật nghiêm trọng…

– Thưa đồng chí bí thư, tôi nghĩ đồng chí phải nhạy cảm hơn tôi về điều này mới đúng chứ ạ… Sống trọn vẹn chế độ nguỵ hai thời Pháp – Mỹ, bà nội tôi có lẽ vì thế chưa yên lòng… Có thể tôi bị lây nỗi lo của bà nội tôi ạ.

Mãi ông bí thư mới đáp lại:

– Thôi được, đây là chuyện lớn, chúng ta sẽ bàn tiếp sau này…

– Vâng ạ, hôm nay tôi cũng chưa nghĩ được gì… Thực ra lúc này trong thâm tâm tôi chỉ có độc một mối lo phải làm lại từ đầu…

– Đồng chí Vũ định nói gì vậy? – ông bí thư ngạc nhiên.

– Từ Đại hội VI là chúng ta đã chính thức làm lại từ đầu rồi, có phải thế không ạ? Không nhận thức ra như thế thì nguy hiểm lắm!

– Đồng chí nói vậy là có ý gì?

– Nói ngay trong gia đình tôi thôi, đồng chí bí thư ạ… Nếu so với 15 chiếc xe đò hãng Cánh Nhạn của bà nội tôi trước cải tạo, thì bốn chúng tôi đã bắt đầu làm lại từ đầu ở bên dưới cái vạch xuất phát này, tức là khởi sự từ mấy cái hợp tác xã đồ đồng nát… Bây giờ bốn anh chị em chúng tôi đã bỏ xa bà nội chúng tôi không biết bao nhiêu chặng đường rồi… Từ đấy chúng tôi suy ra cả nước…

– Đồng chí ví như thế thì cũng có cái lý của nó, tôi thừa nhận… Thế còn nỗi lo? – Ông bí thư tư lự.

– Tôi lại lo một chuyện làm lại từ đầu khác cơ ạ.

– Đồng chí có quá bi quan không?

– Dạ không ạ. Đang làm lại từ đầu rồi mà không nhận thức dứt khoát như thế thì đến một lúc nào đó sẽ lại phải làm lại từ đầu một lần nữa… Trong cái chuỗi những vòng luẩn quẩn của sự thiếu tự giác này, thường thường là vòng sau thảm hại hơn vòng trước rất nhiều. Nó còn đáng sợ hơn cả thứ kiếp luân hồi…

– Đồng chí nghĩ gì cứ nói thẳng ra. – Ông bí thư đặt tay lên vai Vũ.

– Đồng chí đủ bình tĩnh nghe chứ ạ?

– Đồng chí Vũ!.. – Ông bí thư giục giã.

– Vâng, trong cái vòng luẩn quẩn này quả thực có một việc phải bắt đầu ngay, nếu không, sớm muộn sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn mới…

– Việc gì thế?

– Đó là phải đổi mới công tác xây dựng Đảng đồng chí ạ.

– Có lúc nào chúng ta lơ là công tác xây dựng Đảng đâu!

– Không lơ là không hẳn có nghĩa đã là làm đúng, đồng chí bí thư ạ! Không bao giờ lơ là như thế mà tình trạng trong Đảng và trong xã hội vẫn đang đi theo chiều hướng hiện nay thì rõ ràng đây là một tín hiệu báo động, báo động đỏ đồng chí ạ!

Ông bí thư cảm thấy choáng, vì Vũ đã đụng vào vấn đề hệ trọng nhất chính ông lâu nay canh cánh trong lòng. Ông muốn tìm hiểu kỹ hơn nữa:

– Đồng chí nghĩ như thế hay suy diễn?

Vũ cân nhắc một lúc:

– Đồng chí bí thư ạ, tôi chưa biết nên trả lời đồng chí như thế nào… Hôm qua ở nhà tôi nhân chuyện gì đó liên quan đến chống tham nhũng, em gái tôi nói là dần dần càng khó mà tìm cho ra được một tổng công ty 91 trong sạch! Quân chủ lực của nhà nước và chế độ chúng ta đấy… Tôi chê em tôi là chỉ được cái giỏi mồm nói xấu chế độ. Em tôi đố tôi thử kiểm lại xem số tổng công ty 91 không dính đến những vụ tham nhũng lớn có đủ đếm trên năm đầu ngón tay không. Tôi không nắm được tình hình nên chịu không trả lời được… Chẳng lẽ sự thật là như thế hả đồng chí?

Tác giả: