Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Không phải đâu! Đấy là thao tác gốc của chính sách cơ cấu ạ. Quan trọng là thế mà ông trẻ không biết! – Tịch kêu to, chứ không cười hề hề nữa.

Lê Hải ớ ra một lúc, rồi đột nhiên với tay lên vỗ vai Tịch bồm bộp:

– Ối ông nội ơi! Hiểu! Hiểu!.. Ngôn ngữ thế này thì tôi chết mất thôi!..

– Thế mà ông trẻ cứ chê cháu là nói năng kiểu con buôn! Ông cũng phải thừa nhận đấy là sự thật có phải không ạ?

– Chịu! Chịu!.. Tôi chịu cậu rồi… – Lê Hải vừa nói vừa lắc đầu…

– Cháu đã có lời mời ông trẻ đi chơi với bọn cháu rồi ạ. Ông cứ đi mà nghe, mà xem. Đối với ông trẻ cháu không giấu điều gì đâu ạ! Toàn chuyện công khai trên thị trường cả mà, ăn thua nhau là cái nhận xét, cái phán đoán thôi…

– Lúc nào thu xếp cho mình đi gặp cậu Vĩnh ceramic được không?

– Cháu ưu tiên ông trẻ tự xếp lịch hẹn ạ. Bọn cháu bận là thế, nhưng đã hẹn gặp nhau thì có ốm liệt giường cũng phải bò dậy! Có thế mới biết đường làm ra tiền ạ. Chúng cháu đánh giá, phán đoán tình hình làm ăn còn thiết thực hơn Bộ Kế hoạch của ông trẻ nhiều! Sát thực lắm, đón lõng thị trường hàng giờ, chứ không nhiều giấy tờ và nhận định chung chung đâu… Xu thế hiện nay trong nước ta mà cháu kể cho ông trẻ nghe là rõ rồi đấy, đối phó với tai họa càng khó… Lại phải cạnh tranh với nước ngoài nữa, nên các mối nguy này thật nhãn tiền… Chúng cháu lúc nào cũng phải lo thân chúng cháu trước.

– Các anh chịu khoanh tay bất lực?

– Thưa ông trẻ không đời nào ạ. Người Việt mình không có cái máu ấy. Ông trẻ xem, hàng Trung Quốc tràn vào ta đầy đường đầy chợ là như thế, chúng cháu đưa ra phương châm sống chung với lũ! Chúng cháu có sợ đâu! Khối thứ chúng cháu cạnh tranh được. Chúng cháu cựa quậy theo sức của chúng cháu… Dân mình chẳng bao giờ bó tay chịu chết, chỉ có Đảng làm cho những bước đi như vậy nhanh lên, hay ngược lại mà thôi. Ông bà trẻ ạ, chưa bao giờ nước ta có điều kiện đưa sản phẩm của mình đi bán khắp thế giới như ngày nay! Thời cơ vàng ngàn năm có một đấy!.. Chỉ sợ không có hàng cạnh tranh nổi để mà bán thôi!..

Ông Lê Hải nửa như bị Tịch thôi miên trong câu chuyện, nửa như tái tê. Càng nghe ông càng băn khoăn.

Cái xe lắc lư đưa tâm trạng Lê Hải về với biết bao điều còn mất của gia đình, của bạn bè, của đồng đội, của chính ông.

Bà Hậu tìm cách nối lại câu chuyện.

– Nghĩ và hành động như anh, liệu anh có còn là một đảng viên không, anh Tịch?

Tịch cười phá lên rồi mới trả lời được:

– Ôi cháu phải bầu bà trẻ vào Ban kiểm tra trung ương để xem cháu còn đủ tư cách đảng viên không ạ!.. – Tịch cười hề hề nói tiếp.

– Cháu xin kể lại thế này… Ông bà trẻ biết đấy ạ, đất nước hết chiến tranh, cháu loay hoay xoay vần bao nhiêu năm cũng chỉ chuyển đổi được mình từ anh bần nông thành anh thợ nề. Thế là hết đất!.. Chỉ từ khi đổi mới cháu mới biến hóa được thành người…

– Biến hóa được thành người!.. – Lê Hải thích thú nhắc lại câu này của Tịch – Có phải anh định nói rằng nhờ đổi mới, nên anh mới “thành người” phải không?

– Cháu thừa nhận từ khi có đổi mới cháu học được nhiều lắm. Luận ra từ bản thân cháu, cái hay nhất của đổi mới là đã cho cháu cơ hội tự thắp đuốc tìm đường đi lên cho mình! Đúng là cháu đổi đời từ đấy… – Cả quãng đời từ anh thợ nề, đến làm đại lý, rồi thành ông chủ hiện lại trong tâm trí Tịch.

– Cơ hội tự thắp đuốc tìm đường đi lên cho mình! Ôi đúng quá, Tịch ơi là Tịch!.. Cốt lõi đổi mới chính là điểm này! – Đến lượt ông Lê Hải nhổm lên vồ lấy hai vai của Tịch, lắc mạnh – …Đúng thế rồi!.. Không sai vào đâu được Tịch ơi!.. Tạo cơ hội cho mọi người tự thắp đuốc tìm đường đi lên cho mình!.. Không ai tổng kết đổi mới hay bằng cậu!..

Ông Lê Hải reo lên sung sướng như người bắt được vàng. Bà Hậu cười tươi nhìn hai ông cháu.

Tịch đưa ông bà Lê Hải thăm 5 khu công nghiệp đang xây dựng của Thái Bình, mọi việc đã được khởi công ngay từ khi quy hoạch đường 10 được phê duyệt. Đưa tay chỉ về những khu công nghiệp. Tịch nói:

– Trông thì hứa hẹn là thế đấy ông bà ạ, nhưng cứ chậm một ngày chưa có các doanh nghiệp vào thuê là ngậm đắng nuốt cay một ngày! Không phải chỉ có lãnh đạo tỉnh, mà cháu cũng thấy mình đang ngồi trên lửa đấy ạ!.. Cháu đã đầu tư khá nhiều vào cơ sở hạ tầng ở đấy!

Xe qua cầu Tân Đệ, không còn chuyện chờ phà khổ sở nhiều tiếng đồng hồ như ngày xưa nữa, xuống tận Ninh Bình xe mới quay về. Đường sá thoáng đạt, xe đi bon bon, rong chơi hai tỉnh mà cứ như là cuộc dạo bộ mỗi chiều.

Trở lại Thái Bình, ông Lê Hải bảo Tịch mua cho bó hoa và thẻ hương đi viếng mộ tướng Trần, bạn chiến đấu ngày xưa. Cậu lái xe rất thạo đường huyện chi chít ở Tiền Hải, nên mọi việc rất chóng vánh. Xe đi thẳng ra chỗ mộ chí dễ dàng.

Thắp hương vái trước mộ tướng Trần ba vái xong, tướng Lê Hải đứng trầm ngâm suy tư.

…Anh Trần ơi, cho đến hơi thở cuối cùng anh vẫn là người con yêu của dân tộc mình, người đảng viên ưu tú của Đảng, người lính Cụ Hồ, người chiến sĩ trung kiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam!..

Im lặng. Cả ba cùng ngồi xuống nhặt hết những cỏ dại, nhặt thêm những viên đất mới chung quanh đắp lên mộ, chờ nén hương cháy hết, ba người mới đứng dậy ra về…

Về đến Hà Nội, hôm sau vợ chồng Lê Hải mang biếu vợ chồng Nghĩa mấy cân gạo tám Thái Bình và một bình rượu nếp hương, được ủ bằng một loại men riêng và chưng cất bằng nồi đất, đặc sản của Tiền Hải, do chính vợ Tịch tự tay đi mua.

Xách được túi gạo vào nhà trong, bà Nguyệt mở gạo ra xem, ngửi ngửi, xoa xoa, nhấm nhấm thử mấy hạt, rồi kéo tay bà Hậu:

– Gạo tám thơm quá, Hậu ơi. Ở lại đây hôm nay, chúng ta thổi cơm cùng ăn đi! Tối hôm qua bọn trẻ tề tựu đông đủ, hôm nay hai bạn đến thăm. Chưa đến Tết mà vui như Tết rồi!

– Biết thế anh Hải và em đến ngay tối hôm qua, vì lâu lắm rồi không gặp thế hệ trẻ của chúng ta. Nhưng tụi em hôm qua mãi đến gần chín giờ tối mới về đến nhà chị ạ.

– Tối hôm qua vui lắm, dẫn đầu là Yến, rồi các bầu đàn thê tử vợ chồng Loan – Vân, vợ chồng Mai – Khái, vợ chồng Kim -Tín, chỉ thiếu cháu Trung Nam. Cháu đang vào mùa thi, ở London mà cứ đòi về ăn Tết, Yến nhất định không cho con về.

– Cháu Trung Nam học gì hả chị?

– Cháu học vật lý.

– Em phục Yến quá… Con dâu cả họ Phạm còn hơn cả con gái! Đám con cháu trong nhà em thương nhất nó.

– Yến về thăm Hà Nội có nhiều đêm ngủ với mẹ Hương. Đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn có đêm hai mẹ con ôm nhau khóc rưng rức Hậu ạ…

– Trời đất ơi!.. – Bà Hậu thốt lên,

– Có chuyện bí mật, hôm nay mới dám nói!

– Chuyện gì thế ạ? Vui hay buồn? Chị đừng làm em lo quýnh lên! – Bà Hậu nắm lấy cả hai tay bà Nguyệt, giục giã.

– Đừng lo, chuyện vui.

– Chị nói mau đi!

– Hậu ạ, sau gần 3 năm ròng rã sửa lại nhà anh Chính, Yến đã xây lại phòng của Nam thành phòng tranh trưng bày và lưu giữ các tranh của Nam. Hôm kia vừa mới làm lễ khánh thành!

– Ôi cháu Yến! – Bà Hậu ôm chầm lấy bà Nguyệt, nước mắt trào ra…

– Không ngờ người đến dự lễ khánh thành đông quá Hậu ạ, phải đứng cả dưới chân cầu thang và trong sân, nhiều người là hoạ sĩ, nhà báo… Yến cứ tiếc mãi là thiếu Bân… Công lao giữ gìn và đưa được nhiều tranh của Nam từ Campuchia về Hà Nội trước hết là nhờ Bân!

– Bân có về dự không hả chị?

– Có. Nhưng Bân hiện nay đang đi nghiên cứu về cải tổ ngành quân dược ở Trung Quốc theo chương trình hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng, hơn một tháng nữa mới về.

– Tiếc quá nhỉ…

– Ngay trong buổi lễ, ông chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội đề nghị với ông thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin đưa phòng tranh này vào diện bảo tồn bảo tàng…

– Mai chị đưa em đến xem phòng tranh của Nam nhé?

– Mai hay sau Tết cũng được. Trong buổi lễ, cảm động nhất là lúc có một người yêu tranh xin lên phát biểu. Đấy là nhà giáo dạy triết, tên là Hào Hải. Ông ta nói: …Khi Picasso qua đời, bà Jacqueline Picasso, người vợ cuối cùng của nhà danh hoạ, đã tự vẫn, đơn giản là vì Picasso không còn nữa… Mặc dù Jacqueline lúc ấy còn trẻ và sở hữu cả một gia tài tranh khổng lồ của chồng mình… Cái chết của Jacqueline đã khiến cho hoạ sĩ Dương Bích Liên vô cùng xúc động, vẽ nên bức tranh kiệt tác Vĩnh biệt Jacqueline! Nhưng bà Yến đã quyết sống, để giữ lại cho đời những khát vọng cháy bỏng của liệt sĩ hoạ sĩ Phạm Trung Nam về tình yêu, về hoà bình, về tự do… Mấy câu cuối ông Hào Hải nghẹn ngào, gần như nấc lên…

– Chị Nguyệt ạ, em còn nhớ hôm K8 tổ chức cưới cho hai cháu, em thấy hai cháu đẹp đôi và hạnh phúc quá, nhưng trong lòng em vẫn phấp phỏng một nỗi lo gì đó mà không dám nói ra… Thế rồi điều đau đớn nhất đã đến với chúng ta…

– Vợ chồng mình lại càng lo như thế Hậu ạ… Xem tranh, mọi người đều không ngờ là sống trên chiến trường Campuchia mà Nam lại vẽ khá nhiều về Hà Nội. Đặc biệt là nhiều người thốt lên khi xem bức tranh Chiều về trên sân chùa Láng Hậu ạ. Tĩnh mịch vô cùng, một cái gì đó quyến luyến tha thiết vô cùng… Xem tranh, mình càng hiểu thêm nỗi lòng cháu mình Hậu ạ. Bây giờ mình chỉ biết cảm ơn trời PHậT đã phú cho Yến nghị lực phi thường, nhờ vậy nỗi đau vợi bớt phần nào…

– Yến rất xứng đáng với Nam chị Nguyệt ạ…

– Trong thời gian giúp chuẩn bị cho phòng tranh của Nam, ông Hào Hải nhiều hôm nói chuyện hàng giờ với bọn mình, làm cho bọn mình cũng vỡ vạc nhiều điều về hội họa. Riêng anh Chính là người am hiểu nhất tranh của Nam nên những buổi trao đổi như thế mình mới hiểu rõ thêm cháu mình.

Tác giả: