Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Điều gì dẫn các cháu đến suy nghĩ kỳ quặc này?

– Cháu không có việc làm, nên tham gia sinh hoạt chi bộ tại khu phố. Mấy năm đầu thỉnh thoảng chi bộ vẫn yêu cầu cháu tự kiểm điểm xem đã đoạn tuyệt dứt khoát với giai cấp tư sản chưa, bác Tám ạ. – Quân minh hoạ thêm nỗi lo của mấy anh em mình.

– Cháu trả lời thế nào?

– Dạ, cháu nói cháu đẻ ở ngoài Bắc, miền Bắc xã hội chủ nghĩa nuôi dưỡng giáo dục cháu thành đảng viên, chẳng có gì để mà đoạn tuyệt. Còn đoạn tuyệt với bà nội của chúng cháu thì dứt khoát không. Các chú đi di tản thì cháu chưa biết mặt…

– Thế họ bảo sao? – ông Tám hỏi tiếp.

– Cháu bị xếp vào loại đảng viên chậm tiến.

– Chỉ tại cháu nói năng như vậy?

– Chậm tiến hay tiên tiến đối với cháu có ý nghĩa gì?! Nhưng họ phàn nàn vì cháu mà chi bộ mất mấy năm không được danh hiệu tiên tiến. Còn muốn khai trừ cháu thì họ không đủ lý do. Thật ra chi bộ cháu bị chậm tiến là vì những lý do khác.

– Thưa bác hồi ấy đã có đồng chí trong chi bộ anh Quân cháu gián tiếp gợi ý anh ấy nên tự nguyện làm đơn xin ra Đảng. Họ nói thẳng với anh Quân: công ăn việc làm không, biên chế cũng không, chỗ đứng trong xã hội không rõ ràng, như vậy anh còn chờ đợi cái nỗi gì!?. – Bảo Vân thưa rõ hoàn cảnh của chồng.

– Có đúng như vậy không Quân?

– Thưa bác đúng ạ. Các đồng chí ấy còn bảo cháu: anh là đảng viên mà hàng ngày vẫn nai lưng đạp xe đi bỏ sửa chua phục vụ bọn tư thương. Thế là thiếu nhạy bén giai cấp.., là… là nhiều thứ lắm bác ạ.

– Cháu không cãi lại?

– Thưa bác cháu cãi làm gì ạ? Các đồng chí ấy nói một câu là dạy cháu một câu, nói hai câu là dạy cháu hai câu, làm như thể cháu mù chữ, không đọc nổi nghị quyết của Đảng. Càng cãi càng rách việc cho cháu. Mà chỉ vì ý kiến của chi bộ rồi chịu thôi đi bỏ sữa chua thì cháu không thích, nội cháu càng không thích… Đã thế các đồng chí lại còn dạy sai nữa chứ.

– Sai như thế nào?

– Kể ra thì nhiều ví dụ buồn cười lắm ạ. Cháu chỉ thuật lại bác nghe một chuyện nghiêm túc thôi. Các đồng chí ấy giảng cho cháu: Nghị quyết đại hội VI nhấn mạnh phải xoá bỏ tư bản tư nhân, đầu cơ buôn lậu… Cháu cãi lại: Nghị quyết không nói đơn giản như vậy. Thế là chi bộ chụp mũ cho cháu có tư tưởng chống Đảng, họp bàn ra quyết định khai trừ. Tại cuộc họp, cháu cãi lại: Các đồng chí mới là người không hiểu nghị quyết, lại còn trích dẫn sai nữa. Cháu mượn đồng chí bí thư chi bộ quyển Nghị quyết đang cầm trong tay, chỉ ra những chỗ họ sai, những chỗ họ hiểu chưa tới. Đồng chí bí thư phát khùng: Tôi là người được đi học nghị quyết về mà anh dám ăn nói như thế à? Chưa sạch máu đầu mà dám chống Đảng đến cùng phải không?.. Thì ra cái bệnh liên quan với tư sản nó làm anh mù quáng rồi!.. Cháu nói lại: nếu chi bộ thấy cần khai trừ thì cứ làm biên bản đầy đủ, cháu sẽ ký vào và xin được khai trừ đúng thủ tục…

– Rồi câu chuyện ra sao?

– Thưa bác, họp được hai lần thì câu chuyện nhạt dần ạ. Từ ngày cháu lập hợp tác xã thì không thấy bí thư chi bộ nhắc đến chuyện này nữa, có thể các đồng chí ấy quên rồi…

– Bây giờ cháu định xử sự thế nào?

– Xin thú thực với bác, họp hành với những người lý sự cùn và bụng đầy tư tưởng công thần, đúng là một cực hình lớn đối với cháu. Hai anh em cháu bàn chán rồi. Chúng cháu đều nghĩ chẳng lẽ mình có thể dễ dàng vứt bỏ lời tuyên thệ của mình khi vào Đảng như là quên đi một lời nói suông? Vứt những người như thế ra khỏi Đảng thì lại là việc cả hai anh em cháu muốn lắm nhưng không làm được!..

Ông Tám tròn mắt chằm chằm nhìn Quân và Vũ:

– Cơ sự đã đến như vậy sao hai cháu!?.

Từ bà Sáu, đến vợ chồng ông Tư, vợ chồng ông Ba, vợ chồng cậu Bảy và Hai Hân gần như không ai tin vào tai mình. …Làm sao Vũ và Quân có thể nói năng quyết liệt đến như vậy? Mà quyết liệt như vậy để làm gì?.. Ông Tư không làm chủ được mình, buột miệng:

– Vũ và Quân ơi, hai cháu có quá lời không đó!

Không có câu trả lời nào cho ông Tư…

Bích Ngọc nói rõ thêm ý của Quân:

– Bác Tám ạ, bây giờ chúng cháu được học hành, lại có nhiều thông tin, chúng cháu không thể cứ răm rắp một chiều nghe theo mọi điều chỉ bảo. Ngay trong nhà cháu, cứ đến bữa ăn tối là bố mẹ cháu một phe, bốn anh chị em chúng cháu một phe, nội cháu là đồng minh của chúng cháu. Có nhiều điều bố mẹ cháu cổ hủ thật rồi…

– Nhưng chị Ngọc phải nói thêm là ba má thích nói chuyện ngày xưa nữa chứ. – Bảo Vân chen vào.

– Vâng, có chuyện đó ạ. – Bích Ngọc nói tiếp, – Nhưng nội cháu khôn lắm. Về hùa với bọn cháu như thế mà nội chẳng bao giờ chịu đứng ra làm trọng tài!

Nghe đến đây má Sáu chỉ mỉm cười, ông bà Hai Phong thì lắc đầu và cười.

– Có lẽ cháu phải nói thêm điều này nữa cho hết nhẽ, để bác Tám có thể hiểu bọn con nít chúng cháu… – Vũ giãi bày. – Với cái đà này biết đâu sẽ có ngày hoặc là chúng cháu bị Đảng khai trừ, hoặc là chúng cháu chẳng dại gì để Đảng khai trừ. Nghĩa là chúng cháu cứ làm mọi việc của mình dưới mũ áo người đảng viên. Cứ như là trên sân khấu ấy! Xấu hơn nữa là chúng cháu có thể dùng Đảng làm bình phong, làm ngáo ộp. Chúng cháu đủ tinh khôn để làm việc này! Chúng cháu nghĩ nếu không giỏi như người lớn thì có lẽ cũng chẳng thua người lớn là bao trong chuyện này. Cháu tin là không có một bửu bối nào có thể gìn giữ chúng cháu vĩnh viễn là người lương thiện ngu đần đâu ạ!.

Ông Tám lặng đi vì những suy nghĩ lớn hơn phạm vi Vũ đang nói. Một lúc sau ông hỏi:

– Khi mới thành lập hợp tác xã, Quân có báo cáo chi bộ ngay không? – ông Tám hỏi tiếp.

– Dạ có chứ ạ, cháu còn xuất trình cả giấy phép. Nhưng cháu không thể nói toạc ra đấy là một cái hợp tác xã đồng nát như đang trình bày với bác được ạ!

– Chi bộ nói thế nào?

– Thưa bác, khi nhìn thấy cái giấy có cái triện đỏ chót của phường thì chẳng ai chất vấn câu nào nữa. Một vài bác hỏi có thể nhận giùm con em của họ vào làm việc được không. Cháu trả lời: chúng cháu sẵn sàng, chỉ có điều là có nhiều tiêu chuẩn khắt khe đấy, vì đây là hợp tác xã, không phải là xí nghiệp của nhà nước…

– Quân ơi, con dám coi cái hợp tác xã đồng nát của con hơn cả xí nghiệp nhà nước à!? – ông Hai Phong cảm thấy mình như đang ngồi trên gai.

– Xin ba đừng quy chụp con như thế. Hôm nay có bác Tám, ba càng dễ thua bọn con lắm đấy ạ…

Cả nhà cười rộ. Ba Khang lắc đầu thán phục bọn trẻ ranh mãnh. Riêng ông Tám Việt vẻ mặt đầy lo lắng về thực trạng đất nước. Ông chủ tâm đối thoại đến cùng để được nghe những tiếng nói thực ngoài đời:

– Các cháu là những chủ thật của hai cái hợp tác xã giả. Tiêu chuẩn người đảng viên ghi trong Điều lệ Đảng như thế nào nhỉ?

Hầu như mọi con mắt đều dồn về phía Quân.

Vì muốn tìm cách trả lời sao cho nhã nhặn, Quân đắn đo một lúc mới thưa lại:

– Thưa bác, một lần nữa cháu xin bái phục bác. Bác muốn hỏi tụi cháu là đảng viên có được làm ông chủ bà chủ không, có được tham gia bóc lột không. Một trăm phần trăm bác định hỏi chúng cháu như vậy!

Cả nhà nín thở. Bà Ngân hoảng hốt:

– Thôi chết, sao lại đụng vào vấn đề cấm kỵ này!? Các con xin phép bác Tám nói chuyện khác đi! Anh Phong bảo các con nói chuyện khác đi!

Nhưng nhìn thấy bà Sáu không nói năng gì, ông Hai Phong ngồi im. Mọi người khác đều ngồi yên! Mãi một lúc sau ông Tám mới lên tiếng:

– Chị Hai đừng lo, cứ để các cháu nói hết lòng. – đoạn ông quay sang Quân – Bác cũng phải chịu là cháu đọc được ý nghĩ của bác. Bây giờ cháu trả lời đi.

– Vâng, cháu xin thưa chúng cháu đụng chạm đến chuyện này nhiều lần trước khi đi đến quyết định lập hai cái hợp tác xã đồng nát. Anh Vũ cháu vừa mới bị loại khỏi biên chế nhà nước, chưa tham gia vào hợp tác xã thì không nói làm gì. Còn lại ba chị em chúng cháu đích thực là những bà chủ chui, ông chủ chui. Chúng cháu không rõ như thế có phải là mình đã biến chất giai cấp không, nhưng cũng xin bác hiểu cho nước ta ngày càng có nhiều thứ chui ạ. Không như thế thì lấy gì mà sống! Còn vấn đề bóc lột thì thực quả chúng cháu không đủ lý luận. Chúng cháu lôi ra bàn chán với nhau rồi đành bỏ dở. – Quân dừng lại một lát, lưỡng lự: – Xin bác Tám cho cháu hỏi một chuyện nhỏ, được không ạ?

– Cháu nói đi. – ông Tám gật đầu.

– Cháu nghe nói ở nghĩa trang Mai Dịch cũng có chuyện làm mộ chui, có phải thật thế không ạ?

Mọi người tròn xoe mắt, kể cả ông Tám.

– Cháu nói gì bác không hiể?

– Thưa bác cháu được nghe kể là có dịch vụ làm sẵn một ô rỗng bên dưới khi xây mộ, để nếu tiêu chuẩn của chồng được vào nghĩa trang Mai Dịch thì đến khi vợ chết cũng có chỗ để lọ tro bên cạnh chồng, mặc dù không có quy định nào cho phép.

– Cũng không có quy định nào cấm nữa chứ, anh Quân. – Bảo Vân thêm vào.

Ông Tám lúng túng:

– Bác không biết chuyện này. Tụi cháu moi được ở đâu đủ mọi thứ chuyện? Nhưng nếu có, theo cháu nên giải quyết thế nào?

– Thưa bác, người chết có nguyện vọng vợ chồng được chôn cất cạnh nhau là đạo lý xưa nay vẫn có ở đời. Chuyện này đơn giản thôi: Chính thức cho phép dịch vụ này là hết chui! Và khi nào nghĩa trang Mai Dịch hết chỗ thì thôi không làm cái mới nữa.

Tác giả: