Dòng Đời – Nguyễn Trung

Một lần, tại một bom bia công đoàn(*) [(*) Bia do kinh tế công đoàn bán.] đặt ngay ở góc phân xưởng đóng sách, mấy người đang nhậu nhẹt thấy bóng Hai Hân thoáng qua. Họ bảo nhau nói cười oang oang, cố tình để Hai Hân phải nghe thấy những điều họ đang nói…

Hai Hân phăm phăm đi lại, co chân bồi cho can bia trên bàn một cú đá song phi, tay gạt phăng các ly bia trên bàn xuống đất. Cú đá quá mạnh, cái can nhựa vỡ toác. Tiếng cốc thuỷ tinh vỡ loảng xoảng, bia lênh láng khắp nền nhà.

– Các anh cút đi ngay! Mọi người phải về chỗ làm việc! Ai cho phép các anh nhậu nhẹt vào giờ làm việc như thế này? – Hai Hân quát to.

– Đù mẹ giám đốc! Dám hất đổ bia của chúng ông! – một người hung hăng nhất trong đám lớn tiếng, mặt anh ta cũng đỏ nhất, dứt lời anh ta giang tay tát thẳng cánh vào mặt Hai Hân.

Cái tát quá bất ngờ, Hai Hân loạng choạng, nhưng cũng đứng thẳng ngay được:

– Anh nhắc lại câu anh vừa nói! – Hai Hân ra lệnh cho người vừa tát mình.

– Ông chửi đù mẹ mày dám hất đổ bia của chúng ông! Nghe rõ chưa, giám đốc?

– Nghe rõ rồi. Nghe rõ như thế này! – dứt lời, một quả đấm thôi sơn của Hai Hân bay thẳng vào giữa mặt anh chàng hung hăng.

Quả đấm quá mạnh, anh chàng này ngã ngửa về phía sau, mồm be bét máu. Anh ta ôm mặt lồm cồm đứng dậy, tay nhặt từ trong máu ra một chiếc răng. Mọi người trong phân xưởng dồn về, giương mắt nhìn. Họ đứng chật một góc nhà.

Nhưng lạ thay, tất cả im như thóc. Cả cái anh chàng mồm be bét máu cũng không dám ho he gì.

– Tất cả về chỗ làm việc. Đứng như bụt mọc ở đây làm gì! – Hai Hân quát lớn.

Người người lục tục về chỗ của mình. Râm ran xì xào:

– Như thế mới đáng đời, giờ làm việc mà cứ nhậu nhẹt, chẳng coi trời đất là gì!

– Cú nốc-ao đẹp như trong xi-nê (ciné)!..

– Tay này có võ, giám đốc cộng sản mà đánh công nhân ác quá!..

… Mặc! Mình chịu lùi bước thì xí nghiệp này còn ra cái thể thống gì nữa! Đảng bộ, công đoàn, thanh niên cờ đỏ… Các người đi đâu hết cả thế này?!. – Hai Hân đứng yên tại chỗ, mắt hầm hầm nhìn mọi người, mặt và hai tai đỏ tía lên rồi trắng bệch ra vì quá giận giữ…

Chờ xong ai về chỗ người nấy Hai Hân mới quay trở ra, trong đầu lởn vởn những câu xì xào vừa nghe được.

Đằng sau lưng hai Hân, cô bán hàng căng tin – nói theo mốt gọi là người làm kinh tế công đoàn – quét quét những mảnh thuỷ tinh và vũng bia lênh láng trên nền nhà. Can bia vỡ không còn lấy một giọt. Cô ta rên rỉ:

– Chết rồi, hôm nay lõm to rồi! Còn đến già nửa can chứ có ít của đâu…

Đang quét dở dang, cô ta quăng chổi chạy đi, tay giơ quyển sổ nhem nhuốc ra trước mặt tổ trưởng công đoàn của phân xưởng:

– Anh chứng cho em với!

– Chứng vào đây hả?

Cô bán căng tin hất mạnh cái tay nghịch ngợm của người tổ trưởng công đoàn đang túm lấy chỗ “bướm” của mình:

– Đồ khỉ! Chứng vào quyển sổ này: Can bia thủ trưởng đá đổ hết, không phải em bán hết!

– Chứng như thế thì bố ai dám!

Hai người cứ lằng nhằng với nhau mãi…

Chiều hôm đó Hai Hân gọi Thắng lên:

– Nội nhật ngày mai cậu phải dẹp ngay việc bán bia, chè thuốc trong giờ làm việc. Nếu không xong, tôi đuổi cổ cậu ra khỏi xí nghiệp ngay tối mai!

Ngay trong sáng hôm sau, mọi nơi trong xí nghiệp sạch banh, không một chỗ bán chè thuốc, không một can bia…

Chuyện cũ chưa xong đã xảy chuyện mới. Kế toán trưởng của xí nghiệp cậy mình là vợ phó bí thư đảng uỷ, bà ta làm nhiều chuyện nhập nhằng. Song bà ta còn dám làm nhiều chuyện dựng tóc gáy, vì đã cặp bồ với bí thư đảng ủy – theo cái lẽ nhất cử lưỡng lợi.

Gần đây nhất, khi xí nghiệp mua được một khối lượng đáng kể giấy in theo giá thỏa thuận giữa các xí nghiệp với nhau – do chính Hai Hân dàn xếp. Bà kế toán trưởng làm các giấy tờ xàng-xê phần lớn việc mua bán này thành công việc kinh doanh của công đoàn. Thế là xí nghiệp phải mua lại phần giấy in do chính mình đã bỏ tiền đứng ra mua!

Hai Hân trơ mắt ếch đứng nhìn, miệng chửi lầu bầu: “…Đù mẹ, cướp ngày ngay trên tay mình! Mà lại cướp của xí nghiệp nhà nước!…”

Trong cùng ngày xảy ra việc cướp ngày ấy, công đoàn “chạy” được một số lượng đáng kể vật liệu xây dựng, nhưng chia đầu chia đuôi nhiều quá ngay từ lúc chưa bán, cuối cùng lỗ vốn. Bà kế toán trưởng xàng-xê nó thành việc mua vật tư cho xí nghiệp cho tu bổ nhà cửa…

Mất trọn một ngày tự tay tập hợp, rà soát lại các hồ sơ về hai vụ này, Hai Hân trong bụng thầm phục sự thâm thuý của bà Hà vợ ông Tiến đã có lần ví 120 bóng đèn điện chẳng qua cũng chỉ bằng cái kim… Nếu quy giá trị hai mẻ đánh lưới trộm này của bà kế toán trưởng thành những cái kim như thế thì có lẽ mình phải đem cân đi mà đếm những cái kim như vậy!.. Hai Hân tỷ mỷ thu thập con số, sự việc, ghi ghi chép chép mọi chi tiết…

Xong việc, Hai Hân ra về trời đã tối. Khi ngoặt vào hẻm nhà mình, tiếng hát ru con đâu đó vọng vào tai Hai Hân. Nghe kỹ, Hai Hân nhận ra người mẹ nói giọng Bắc, lời ru là câu vè thỉnh thoảng Hai Hân đã từng được nghe trong những tháng ra ngoài Bắc đi học… Một bản năng nào đó khiến Hai Hân dừng lại…

…Con chim chích ý a à ơi.., nó đậu ý a cành chanh.., tôi lấy mảnh sành, tôi banh vào cổ à à ơi, nó đổ ý a máu ra.., đem về làm thịt ý a được ba bát đầy.., ông cốt ăn một ý a bà cốt a ăn hai.., còn hai cái thủ cái tai ý a, đem về biếu chúa a, chúa hỏi ý a thịt gì.., thịt con chim chích ý a, nó đậu a cành chanh… à à ơi…

Người mẹ hát đi hát lại, Hai Hân đứng nghe như không biết chán…

Càng nghe kỹ, Hai Hân càng quên dần đi nỗi phiền muộn cảnh vợ chồng mình hiếm hoi… Anh ta thấy câu vè ngộ nghĩnh đến phi lý. Câu chuyện cái kim hôm nào của bà Hà càng làm cho Hai Hân ngẫm nghĩ.

…Đù mẹ, cái triết lý trong câu vè sao mà đúng với cảnh xí nghiệp mình thế!..

Sớm hôm sau đến xí nghiệp, Hai Hân đưa ra các chứng cớ rồi nói thẳng với bí thư đảng uỷ:

– Anh phải hỗ trợ cho quyết định của tôi. Dung túng chuyện này, mọi sai trái khác không trị được. Mọi người đều biết anh là người có… uy tín với bà ấy…

– Đồng chí đã cân nhắc thấu đáo chưa? Cái chuyện đấm con người ta gãy răng còn chưa giải quyết xong.

– Tôi nghĩ kỹ rồi, để muộn thì sắp tới giám đốc có ba đầu sáu tay cũng không giữ được kỷ cương trong xí nghiệp. Anh nên thông cảm với trách nhiệm giám đốc của tôi.

– Tôi không nói chuyện thời gian. Tôi hỏi đồng chí đã cân nhắc kỹ đúng sai của sự việc chưa? – Bí thư đảng uỷ nói năng đủng đỉnh, câu một đồng chí, câu hai đồng chí, không một chút tỏ ra bất ngờ hoặc sửng sốt.

– Tôi đã cho hoàn thành đầy đủ các hồ sơ. – Hai Hân không chùn lòng.

– Nếu thế đồng chí cứ làm việc của đồng chí.

– Nhất định là như vậy. Nhưng tôi không muốn đặt anh và đảng uỷ trước việc đã rồi. Hơn nữa tôi cũng muốn biết thái độ của anh và của đảng uỷ.

– Đồng chí vừa mới nêu vấn đề, bây giờ phải chờ tôi báo cáo lại với đảng uỷ, đảng uỷ sẽ còn phải định ngày họp bàn, rồi mới có ý kiến được. Còn ý kiến của tôi thật đơn giản: Theo tổ chức của ta xưa nay, nơi nào ra quyết định bổ nhiệm, thì chỉ nơi đó mới có quyền ra quyết định cách chức! Đồng chí cũng hiểu điều này chứ?

Hai Hân nghĩ thầm trong bụng: Đù mẹ, không có lời lẽ nào rõ hơn nữa, lão ta đang thách mình!.. Thế này mà lại còn định lập cả ban cán sự nữa!..

Hai Hân về phòng làm việc, đóng chặt cửa, ngẫm nghĩ sự đời…

Hai Hân làm giám đốc được mấy năm rồi mà chỗ này chỗ khác vẫn còn nhiều ý kiến này nọ. Bây giờ lại thêm cái việc phá bĩnh từ bên trong nhân danh hết cái này đến cái khác, Hai Hân không thể nào chấp nhận được. Thế rồi còn trách nhiệm của giám đốc đối với nhà nước, đối với cuộc sống của mấy trăm con người trong xí nghiệp…

Đã quyết là làm! Cái tật bất cần đời này tiêm nhiễm vào máu Hai Hân từ những năm tháng phiêu bạt cuộc đời giang hồ. Đó là những năm tháng cái sống và cái chết đồng hành dắt tay nhau, tồn tại hay không tồn tại chỉ cách nhau gang tấc… Đó là cuộc sống giữa các mũi dao găm, các quả đấm sắt, các vụ tạt a-xít, các mưu mẹo diệt nhau trong khoảnh khắc. Đó là những trận tao ngộ chiến giữa các nhóm du thử du thực mà cảnh sát Sài Gòn và quân cảnh Mỹ cũng chỉ dám khoanh tay đứng ngoài nhìn… Trong cuộc sống ấy Hai Hân không có nhiều thời giờ để chần chừ, để lựa chọn cái này cái nọ.

Gái, tiền, uy lực, dăm ba vết sẹo trên lưng… Tất cả những thứ đó đâu có phải là những gì xa lạ đối với mình! Rồi đến cả cái đêm nhất dạ đế vương, đến nỗi phải đi làm đĩ đực lấy tiền đền cho Tư Cương. Cái đêm ấy đâu có phải là đêm đầu tiên. Nó chỉ là cái mốc chót trong cuộc đời giãy giụa của mình mà thôi…

Từ lâu Hai Hân đã cố đào sâu chôn chặt tất cả những vốn liếng ấy.

Người khinh rẻ mình, liệt mình vào loại côn đồ. Kẻ sợ mình, vì kiềng nể tên đâm thuê chém mướn. Đời ruồng bỏ mình.., cho đến cái ngày mình gặp được Ba Khang…

Tất cả những gì mình muốn, những gì mình không thể nào nhắm mắt buông trôi, đó là giành lại cái địa vị làm người của mình đã bị đời cướp đi! Chính vì thế mình đã làm mọi việc để tranh bằng được cái chức giám đốc, để muốn có cơ hội vả vào miệng những kẻ khinh mình, những kẻ sợ mình, những kẻ lên mặt dạy mình…

Thực lòng cũng có lúc lương tâm mình cắn rứt: …Mình đã có những hành động quá hận đời. Mình thú nhận như vậy… Song đời đã đóng lên trán mình cái triện sắt nung đỏ vô sản lưu manh cơ mà! Có thứ thuốc tẩy nào xoá được dấu cái triện sắt nung đỏ này không? Nó được đóng vào trán mình từ lúc mình bơ vơ không cha không mẹ, ăn nhờ ở đậu nay đây mai đó… Nó cướp đi của mình cái nhân tính biết vui biết buồn của con người và chỉ để lại cho mình sự tàn ác. Nó làm cho mình bao phen chết đi sống lại mà cũng không có cách gì tẩy sạch được cái cảm giác tởm lợm, nhột nhạt, nhầy nhụa khắp thân thể… Nghĩa là bây giờ mình lại đang mất đi cơ hội giành lại địa vị con người rồi hay sao? Chẳng lẽ tự khép mình vào khuôn phép đến thế mà vẫn không kỳ cọ được cái dấu vết triện sắt nung đỏ trên trán?! Bây giờ mình có gì đâu ngoài trách nhiệm? Cả đến vợ mình cho đến tận bây giờ cũng phải chịu khổ lây trăm đường vì sự khép mình này của chính mình. Thế mà…

Tác giả: