Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Để tao kể chuyện này, người thực việc thực hẳn hoi. – Anh sinh viên kia tranh lời của bạn. – Hai bác ạ, cháu biết đích xác một trường hợp đi lao động nước ngoài, bỗng nhiên mất việc bị đuổi về, vợ ở nhà đã bỏ đi lấy người khác, anh ta không điên nhưng cứ tự coi mình là điên, cho đá vào đầy hai túi quần rồi ra giữa cầu Thăng Long nhẩy ùm xuống sông. Ba hôm sau người nhà mới tìm thấy xác anh ta ở quá Lãng Yên. Anh này trước khi đi lao động ở Hàn Quốc làm thường trực ở cổng trường học của cháu. Chết đuối rồi mà vẫn còn nợ 10 triệu đồng về cái khoản tiền chạy chọt một xuất đi lao động Hàn Quốc!.. Cháu chỉ sợ làm hai bác mệt thôi. Những chuyện điên như thế cháu có thể kể cho hai bác nghe cho đến khi tàu về tới ga Sài Gòn. Thưa với hai bác, khoa thần kinh học bây giờ hoàn toàn không theo kịp nhịp điệu phát triển của cuộc sống ạ!..

– Nói chuyện khoa học thì tôi thua các anh rồi, nhưng tôi vẫn nghĩ chuyện ông quan to đòi cái quan tài hai thước khối là chuyện bịa. – Ông Tám cố nhịn cười vì muốn nghe tiếp, trong đầu ông nghĩ đến Lê Hải, Phạm Trung Nghĩa, Phạm Trung Chính và nhiều con người ngay thẳng khác ông gặp trên đường đời… Trong thâm tâm, ông thừa nhận anh sinh viên trẻ này không đến nỗi quá bốc đồng…

– Chính thủ trưởng của bố cháu kể cho bố cháu nghe chuyện ông điên này mà. Không thể nào là chuyện bịa được bác ạ. Nhưng cháu thừa nhận bác có lý, điên nặng như thế dứt khoát phải có bệnh lý trầm trọng lâu dài từ trước. Các giả thiết anh bạn cháu nêu ra hình như không phù hợp với tính cách ông điên này.

– Hay là ông ta giấu bệnh hả bác? Mãi đến khi bộc phát ra thì mọi người mới biết? – Anh sinh viên khác gặng hỏi.

– Tôi vẫn cho là chuyện bịa. – Ông Tám đáp lại.

– Không thể bịa được bác ạ. Bố cháu nói dứt khoát là ông này bị điên đột xuất. Vì hàng chục năm nay cho đến khi bị điên, đầu óc ông này cứ như là có một bộ nhớ của máy tính. Bố cháu còn nói là đố ai, một doanh nghiệp hay một công ty nào thoát được những việc phải làm đã hứa với ông ấy… Bố cháu đã mấy lần bị ông ấy nhắc nhở chuyện này chuyện khác.

– Bố anh làm gì?

– Dạ bố cháu là nhân viên văn thư Công ty xuất khẩu hàng may mặc Việt Thịnh ạ. Mà ông điên này còn là thủ trưởng của thủ trưởng bố cháu.

Nghe thế, ông Tám biết ngay thủ trưởng của giám đốc công ty xuất khẩu Việt Thịnh là tổng giám đốc tổng công ty dệt may Xuyên Việt. Ông tổng giám đốc này đã năm lần bảy lượt khẩn khoản xin xóa khoản nợ xấu 21 tỷ đồng lưu cữu từ nhiều năm nay nhưng đều bị ông Tám dứt khoát bác bỏ. Món nợ xấu này, cho đến khi ông nghỉ hưu, tổng công ty vẫn chưa có cách gì trang trải. Ông Tám muốn tìm hiểu kỹ thêm:

– Có phải thủ trưởng của thủ trưởng bố anh là tổng giám đốc Tổng công ty dệt may Xuyên Việt không? – Ông Tám thẩm tra.

– Đúng ạ. Bác cũng biết ông tổng giám đốc này ạ? – Người sinh viên vừa hỏi vừa quan sát kỹ hình dong ông Tám.

– Thế bố anh có biết tên ông điên này không? – Ông Tám không trả lời thẳng.

– Thưa bác có ạ. Đấy là ông Tám Việt. Cháu quên không hỏi rõ họ ông điên ấy là gì… Thế nhưng…

– Anh bạn còn quên điều gì nữa chưa kể? – Ông Tám hỏi.

– Bác nói bác biết thủ trưởng của thủ trưởng bố cháu, làm cháu ngờ ngợ đã được gặp bác ở đâu rồi…

– Cậu mắc bệnh hoang tưởng từ bao giờ thế? Sinh viên quèn như cậu làm sao mà gặp được ông kễnh? Họa chăng là trên màn hình nhỏ! – Anh sinh viên nọ ngồi trêu trọc bạn mình.

– Hoàn toàn đúng! Cháu thấy bác trên tivi mấy lần thật, trong các cuộc họp hay trên công trường gì đó! Chính bác là ông Tám Việt! Một lần cháu còn thấy trên tivi bác đến thăm công ty của bố cháu, ông giám đốc và bố cháu dẫn bác đi xem các nơi làm việc trong công ty… Nếu cháu nói đúng, bác phải khao hai chúng cháu một chầu bia!

– Bà có đủ tiền khao hai anh bạn trẻ này không, tôi thua cuộc rồi! – Ông Tám cười. – Đúng, Tám Việt đây. Mời hai anh bạn chạm cốc với ông điên này! – Ông Tám chủ động nâng ly bia của mình.

Hai sinh viên trố mắt nhìn nhau rồi lại nhìn ông bà Tám. Lúc đầu họ có vẻ sợ hãi về cách nói năng thất thố của mình, cả hai ly bia đã cầm lên rồi mà tay vẫn ngay đơ, chưa ai dám uống. Nhưng giây phút này thoáng qua rất nhanh, một anh đã liến thoắng:

– Ôi vinh dự cho chúng cháu quá! Xin chúc sức khoẻ hai bác ạ! Bác tha tội cho chúng cháu ạ.

– Xin chúc sức khoẻ hai bác ạ! Nhưng… bác ơi… trông bác thế này mà gọi là điên ạ? – Anh sinh viên kia đưa bia lên miệng rồi mà vẫn chưa uống.

– Người điên làm sao tự biết được là mình điên? – Ông Tám vui vẻ.

– Nhưng có thật đúng là bác tự dưng bỏ việc không ạ?

– Tự dưng bỏ việc thì không, nhưng xin nghỉ hưu thì đúng.

– Thế thì ông tổng giám đốc Xuyên Việt không bịa! Chỉ riêng một việc đang làm to như bác mà xin nghỉ hưu là đủ để chứng minh bác bị điên một trăm phần trăm rồi bác ạ! Bây giờ người ta mua từ cái chức hộ tịch viên trở đi…

Tiếng chạm ly leng keng. Một anh ực một hơi hết gần nửa ly mới nói tiếp, bọt bia chung quanh miệng anh ta làm thành một vòng trắng:

– Cậu nhầm rồi, chức ấy hãy còn cao. Ngay đến cái chức đứng gác ba-ri-e thu lộ phí trên đường cao tốc cũng khối người phải mua!

– Soi gương nhìn cái miệng của cậu đi đã rồi hãy nói tiếp! – anh này quay sang ông bà Tám: – …Bạn cháu không nói sai đâu bác ạ. Thế mà bác tự nhiên lại xưng xưng ném cái ghế mình đang ngồi qua cửa sổ… Cái ghế rất cao chứ có phải đồ chơi trẻ con đâu!

– Chỉ có điên hơn cả điên mới làm như vậy bác ạ.

– Cháu rất ghét cái chuyện đô-la hoá, nếu tính ra tiền Việt thì ối người bỏ bạc tỷ ra mua cái chức của bác đấy! Chuyện cái quan tài hai thước khối, những chuyện linh tinh khác quá vặt vãnh!

– Tất cả những gì bạn cháu vừa kể chứng tỏ bệnh điên của bác đã phát triển đến mức cực kỳ trầm trọng thật rồi bác ạ…

Ông bà Tám tủm tỉm cười, lẳng lặng ngồi nghe, hai anh bạn trẻ càng hăng hái.

– Cháu cũng nghĩ thế. Cháu dám cam đoan là ông tổng giám đốc Xuyên Việt chẩn bệnh cho bác chính xác hơn bất kỳ một bác sĩ lỗi lạc nào hiện có của cả nước ta về khoa thần kinh!

– Xin cho cháu với tư cách là nhà xã hội học chưa có bằng, được chạm cốc với ông điên này! – Anh sinh viên nọ hào hứng như đang thuyết trình trong một cuộc hội thảo khoa học. Anh ta chạm cốc với ông Tám rồi làm một hơi hết sạch nửa ly bia còn lại trong tay. Bà Tám lại rót cho anh ta đầy ly mới.

– Thực ra lúc đầu cháu còn phân vân, bây giờ thì cháu thực sự tin rằng kiến thức y học của bác lạc hậu hết chỗ nói, bác tám Việt ạ. Cháu nói thế, xin bác đừng cho là bọn trẻ con ăn nói xách mé. Bác tuy còn sống nhưng đã trở thành người thiên cổ mất rồi bác ơi… – Anh ta dừng lại một lát, hai tay nâng cốc bia lên ngang mặt, kính cẩn nói tiếp: – …Xin phép bác cho cháu có đôi lời tưởng nhớ đến thân thế và sự nghiệp của bác… Bác điên nặng đến mức không biết là mình điên, thế mới chết người chứ! Bệnh như thế là phát đến mức tứ chứng nan y rồi, mà bác lại cứ bình chân như vại! Sao bác có thể vô tâm vô tư đến mức vầy…! Đảng và Nhà nước ta cùng với tập thể cán bộ, giáo sư, bác sĩ, y tá giỏi nhất của cả Bộ Y tế dù có hết lòng cứu chữa đến đâu bác cũng không tài nào thoát được đâu! Điên như vậy thì ngay cả đến nhà ngôn ngữ học tài hoa như cháu cũng không kiếm đâu ra lời viết điếu văn cho bác đâu!.

Bà Tám dựa vào vai ông Tám cố bưng miệng cười để nghe hai anh bạn trẻ hùng biện.

– …Với tư cách là nhà xã hội học tương lai, cháu cũng xin được nâng cốc chúc ông điên này! Cái điên của bác mới hào hiệp và giàu lòng vị tha làm sao! Hỏi có biết bao người cảm ơn bác chấp nhận cái điên này? Biết bao nhiêu kẻ vui thích vì bác bỗng dưng điên lên như thế? Quan trên của bác thở phào nhẹ nhõm, cấp dưới của bác mở tiệc ăn mừng. Bác xem trên đời này có cái điên nào mà làm vừa lòng được nhiều người trong bàn dân thiên hạ đến thế!.. Dù bác còn sống hay hy sinh, thế hệ chúng cháu xin đời đời ghi nhớ công lao bác đã làm phong phú cho nội dung cái điên trong ngôn từ Việt ta thời hiện đại, mở rộng thêm khái niệm điên trong y học thế giới!… Bác sống khôn thác thiêng hãy lắng nghe lời cháu nói! Sinh có hạn, tử bất kỳ, một đời người làm nên được một con chữ điên như bác là đủ lắm rồi, ô hô bác kính mến ơi… Thỉnh thoảng cũng có đôi ba bệnh nhân hay nạn nhân giàu lòng nhân đạo, lúc lâm chung họ trối trăn sẵn sàng hiến mắt hay một bộ phận lục phủ ngũ tạng nào đó để cứu người đời mắc nạn. Nhưng riêng bác, bác hiến luôn cả cuộc đời mình cho khoa thần kinh học, khoa tâm lý học, khoa xã hội học…

– Khoa ngôn ngữ học nữa chứ! – Bạn của anh ta chêm vào.

– Vâng, cho cả khoa ngôn ngữ học! Công đức bác lớn lắm, khoa học chịu ơn bác nhiều lắm!.. Dù còn sống hay ra đi, bác có thể ngẩng cao mặt với đời, không có chi mà ân hận! Ô hô, ai hai!? Ai điên!? Ai bại!?.. Ai dại! Ai khôn!?.. Ai tai!? Ai hư…ởng!?. Trước khi kính cẩn nghiêng mình, xin được nâng cốc uống cạn ly bia này và hô bác muôn năm!.. – Anh sinh viên kia giọng nghiêm trang, vẫn tỉnh bơ giữ nguyên nét mặt trầm buồn như người đọc điếu văn chuyên nghiệp ở nhà tang lễ nào đó. Dứt lời, anh ta hai tay kính cẩn chạm cốc với ông Tám, rồi cũng một hơi cạn sạch ly bia…

Tác giả: