Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Bác đồng ý với cháu, cứ đổ hết tội lỗi cho quá khứ thì chúng ta khoẻ re, tha hồ ăn no ngủ kỹ. – Ông Chính biểu lộ đồng tình.

– Không thể nói dân mình là dốt, không thể nói dân mình là lười, cháu nghĩ thế là đúng. – Ông Lê Hải đồng tình.

– Vậy theo cháu dân trí nước mình bây giờ còn thấp quá là vì sao? – Ông Chính hỏi.

Tân nói ngay:

– Lúc đầu cháu cũng nghĩ mãi đến cái nghèo. Song ở vào những điều kiện của nước ta sau mấy chục năm xây dựng như bây giờ, lý do vin vào cái nghèo không thuyết phục được cháu nữa. Càng nghĩ, cháu lại càng cho rằng cái nghèo kéo dài mãi thế này là hệ quả, chứ không còn là nguyên nhân nữa ạ!

– Còn nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì chắc chắc bác, bác Lê Hải, ba cháu và cả bác Hai Phong nữa sẽ phân tích sâu hơn cháu. Điều đập vào mắt mà ai cũng dễ nhận ra là dấu ấn sâu đậm của quá khứ phong kiến lạc hậu cộng với những tha hóa mới đang là gánh nặng lớn cho đất nước ta hiện nay!…

– Còn tệ nạn nói dối và ru nhau ngủ nữa – Bà Nguyệt tiếp lời Tân – Câu này không phải tôi nói mà chính Thủ tướng đã nói công khai trên ti vi trong kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Cả gian nhà lại càng ồn ào hơn nữa. Nhiều người tiếc là đã bỏ sót chương trình thời sự này trên tivi. Tất cả đều hoan nghênh hỉ hả Thủ tướng đã nói thẳng ra được như vậy. Riêng Tân thì mừng ra mặt là không lo bị ăn đòn vì đã bộc bạch suy nghĩ của mình.

– Bây giờ mời cả nhà nghe tin sốt dẻo đây! – bà Nguyệt giơ tờ báo trong tay ra trước mặt mọi người, dõng dạc: – …Báo An Ninh Thành phố đăng trang nhất đây này: Nguyên thanh tra Nhà nước khi còn đương chức đã để lọt việc cơ quan mình mua ô-tô trốn thuế và lập quỹ trái phép! Phụ tá của ông ta cũng dính vào, hiện đang bị tạm giam vì tội thuê côn đồ hành hung hai cán bộ cùng cơ quan..! Tôi nghe báo rao lạ quá, chạy đuổi theo mãi mới mua được…

– Ô hay, năm ngoái ngành này vừa mới được tặng huân chương cao quý của quốc gia! – Lê Hải đập tay xuống bàn, kêu ầm lên.

Ông Hai Phong bất giác đứng dậy sững người ra… Ông lại nhớ câu mắng đau điếng ngày nào của Năm Thịnh, đến cả những buổi tranh luận gay gắt với các con mình…

Vì ngồi quá lâu, cái chân giả làm cho toàn thân ông Nghĩa tê cứng. Ông tập tễnh bước ra khỏi bàn đi đi lại lại bên cửa sổ, nhưng mắt vẫn chăm chú nhìn kỷ những phản ứng khác nhau đang hiện lên trên nét mặt mỗi người. – “…Ta đang bước vào cuộc chiến khó nhất trong đời?” – Ông Nghĩa thầm hỏi chính mình.

Ngày hôm ấy, sau bữa cơm tối, chưa kịp uống hết ấm trà muộn, ông Nghĩa bỏ cái lệ ra ngồi trước tivi, đi lấy cái phích nước sôi giúi vào tay Tân rồi kéo Tân về phòng riêng của mình. Ông Nghĩa quay ra bê cả bộ ấm chén đi theo:

– Ban chiều đông quá, bố con ta đàm đạo thêm với nhau vài chuyện được không?

– Dạ… Bố cứ làm như con là nhà thông thái trên đời này… – Tân tìm cách đánh trống lảng.

– Trước khi vào chuyện chính, Bố muốn trao đổi thêm với con, qua câu chuyện hôm nay bố thừa nhận không có con đường nào một bước đưa lên chủ nghĩa xã hội. Cũng không có con đường nào một bước đưa đến tự do dân chủ của một nhà nước hiện đại.

– Chắc chắn như vậy ạ.

– Nhưng sự sụp đổ của hệ thống Liên Xô – Đông Âu cho thấy có con đường chỉ một bước có thể đưa cả một hệ thống chính trị xuống âm phủ!

– Bố có quá bi quan?

– Không. Nhưng sự thật thì vẫn là sự thật… Bố càng vỡ lẽ ra một điều…

– Điều gì ạ?

– Phải tiến hành đổi mới tiếp tục như nước ta đang làm là đúng thôi!

– Con nghĩ thời đại ngày nay hoàn toàn cho phép nước ta đi tiếp trên con đường đổi mới. Con rất tin như thế… Riêng về điểm này con thấy nhân dân ta thật vĩ đại, còn Đảng của bố đã có một quyết định chiến lược xoay chuyển hẳn tình thế.

– Này, này… Nói lại đi, thế không phải là Đảng của anh?

– Con đã được là đảng viên đâu ạ… – Tân rụt rè, vì trong bụng định mạnh lời hơn để trêu bố mình.

– Hồi hôm thì anh cho là nhân dân của tôi và Đảng của tôi đều có vấn đề. Bây giờ anh lại khen hết lời.

– Ối, bố khai trừ con khỏi nhân dân từ bao giờ thế ạ?

– Tốt… – Ông Nghĩa cười xòa, đập đập vào vai con mình – …Thế là bố con ta nhất trí với nhau. Bây giờ bố muốn bàn với con chủ đề chính tối nay. Con nói cho bố nghe ý con nước mình nên xử sự với Trung Quốc và Mỹ như thế nào?

– Trời đất ơi, con có là nhà ngoại giao đâu mà bố!

– Chẳng cần là nhà gì cả, người Việt nào cũng cần phải tự hỏi mình câu hỏi này! Nhất là con ở nước ngoài, biết nhiều, thông tin nhiều…

Tân ngẫm nghĩ một lúc:

– Trước khi đi vào câu chuyện, con muốn biết, theo bố kẻ thù của ta là ai?

– Ta nào? – Ông Nghĩa không bất ngờ, mà lại đăm chiêu điều lâu nay nung nấu trong lòng.

– Ta ở đây con nói là dân tộc, ít nhất có cả con trong đó nếu con không bị bố khai trừ!..

– Con hỏi được như thế là bố không thất vọng. Đúng, phải thấy rõ kẻ thù của mình là ai trước đã. Kẻ thù của ta là những hư hỏng trong ta, bố nghĩ mãi rồi, sau đó mới đến những kẻ chọc ngoáy từ bên ngoài… Đồng minh của hai kẻ thù này là cái ngu dốt – lại cũng là từ trong ta mà ra con ạ.

– Vâng. Thế là con hiểu về bố không sai. Nhưng đặt vấn đề như thế, con sợ bố phải ngồi nghe con nói đến sáng đấy ạ… Nếu bố muốn nghe con nói cho có ngọn có ngành…

– Đến bao giờ cũng được!

– Vâng ạ. Về quan hệ giữa các quốc gia với nhau, con xin bắt đầu từ cái triết lý nếu mình cứ nhăm nhăm coi ai là kẻ thù thì sớm muộn sẽ biến người đó thành kẻ thù…

Giữa đêm, ngoài trời tối đen. Gió mùa Đông Bắc đột nhiên ào ào đổ về, cây cối lay chuyển lào rào. Một vài cánh cửa nào đó cài chưa kỹ va đi đập lại rình rình… Nhưng cả hai bố con ông Nghĩa mải mê câu chuyện của mình, không hay biết gì về không gian rung động ầm ầm bên ngoài… Bà Nguyệt lật chạy đến, mang cho hai bố con ông Nghĩa phích nước sôi mới và đĩa hoa quả…

21.

Mùa hè năm nay đến vùng San Francisco sớm hơn mọi năm. Mới cuối tháng ba cây cối xanh um, thời tiết ấm nóng hẳn lên. Nhờ thời tiết này, thành phố Bakerfield bớt đi cái lạnh từ lục địa toả ra, không khí trở nên khô mát một cách dễ chịu. Đây là thời tiết Thảo thích nhất trong năm. Từ ngày nới rộng van tim bằng một ống nong (prothesis), sức khoẻ Thảo ngày một phục hồi, sóng gió trong cuộc sống gia đình Thảo cũng lắng dần. Về nhiều mặt, có lẽ Thảo lạc quan hơn Lễ. Từ khi gia đình Thảo – Lễ theo ông bà Học lần đầu tiên về thăm đất nước, cả hai bắt đầu tìm thấy niềm vui mới trong cuộc sống, nỗi cô quạnh bớt dần….

Vợ chồng Thảo – Lễ đang tính đến việc thực hiện chuyến về thăm lần thứ hai.

– Tại sức khoẻ của em ngày một khá lên, hay tại chúng mình bận bịu nhiều việc… Thoắt một cái về nước đã hơn ba năm rồi đấy. Thế mà chúng mình hứa với anh chị Chính và anh chị Nghĩa là sẽ sớm về thăm trở lại. – Lễ nói với vợ.

– Cảm ơn Trời Phật, ngày tháng bây giờ em không thấy lê thê như trước. Chỉ riêng điều này đã làm cho em thấy cuộc sống ngày càng đáng sống hơn. Có lẽ sự giải toả về tinh thần cũng làm cho sức khoẻ của em ngày một khá hơn.

– Phải nói là từ vài năm nay chúng mình mới có một cuộc sống tạm gọi được là sống. Nghĩ lại, anh chỉ thấy Sài Gòn hồi ấy là địa ngục. Những năm tháng ấy sống nhưng hầu như không thấy mặt trời, quanh năm ngày tháng cắm mặt xuống đất để chạy chọt, hết lo việc này lại lo đối phó với chuyện khác, cho đến những ngày bị tạm giam, đến cái tát hộc máu mồm máu mũi trên đường Phạm Đăng Hưng của bọn tàn quân An Lộc, rồi vào trại cải tạo…

– Chỉ tiếc là đến lúc sóng yên bể lặng thì chúng ta lại thiếu Huệ… Con ra đi ngót nghét hai mươi năm rồi còn gì nữa anh!

– Chuyến về nước vừa rồi, lúc bay vào bầu trời Thái Bình Dương em khóc nức nở, làm anh lo quá. Nghĩ lại đến bây giờ vẫn buồn…

– Vâng… Lúc ấy em cứ như là đang nhìn thấy Huệ giãy giụa, chới với vẫy gọi… Cũng may hôm đó những người ngồi chung quanh tỏ ra thông cảm…

– Không biết là chúng mình giữ được ý chí muốn sống này bao nhiêu lâu nữa?- Lễ bâng quơ.

– Chú Thành cũng vĩnh biệt chúng ta mấy năm rồi…

– Chúng ta bây giờ chỉ còn mỗi chỗ dựa tinh thần là Tín.

– Vâng, chỉ còn một cách là nhìn vào một điều gì đó tốt lành phía trước anh ạ. Em bắt đầu cảm thấy vui vui là vẫn còn giúp được người này người khác trong công việc của mình…

– Đúng là nhiều bà con người Việt ở đây trông cậy vào văn phòng luật của em. Chịu khó thuê anh làm planton cho anh bớt khổ sở với tâm trạng chán đời nhé?

– Planton cỡ xịn, có phải không? – Thảo cười.

– Có lẽ em nói đúng, khi nào cảm thấy được mình còn có ích cho người này người khác thì tâm trạng anh bớt khổ.

Nghĩ thế, nhưng nhiều lúc vợ chồng Thảo Lễ cảm thấy hình như không sao át được tâm trạng hiu quạnh, họ vẫn nghĩ nhiều đến cái chết thảm thương của Huệ. Sự hiu quạnh ấy đột nhiên tăng lên do cái chết đột ngột của ông Thành. Sang Mỹ sống với gia đình Thảo Lễ được gần sáu năm, ông Thành đột nhiên bị phát hiện là mắc bệnh ung thư máu ở giai đoạn ác tính, nằm viện mất gần một năm thì ông qua đời. Sống tâm niệm niệm với ước nguyện giữ gìn đức độ của người tin sùng đạo Phật, ông Thành những mong ở hiền gặp lành. Trớ trêu thay đức tin này không thể giúp ông Thành tránh khỏi bệnh tật hiểm nghèo. Song lương tâm trong sáng của ông đã mang lại cho ông nghị lực phi thường, có lẽ vì thế ông chịu đựng được một cách điềm tĩnh những ngày tháng bị bệnh tật hành hạ vô cùng đau đớn.

Tác giả: