Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Cô chú Hải từ sáng sớm phải đi Cần Giờ để dự lễ kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến ạ. Chú Sang và cô Trang hôm nay cũng đang ở đấy. Con chắc chậm lắm đến trưa các cô các chú sẽ về đông đủ. – ông Hai Phong thưa với mẹ.

Khi cả nhà ngồi cùng với nhau trong bữa ăn sáng muộn hơn mọi ngày, Vũ đứng dậy, trịnh trọng:

– Thưa nội, con xin phép thay mặt thế hệ thứ ba của nhà họ Huỳnh ta kính mời nội đi gắn tên cho xí nghiệp cơ khí của chúng con. Con kính mời bố mẹ, các chú thím cùng đi với nội.

– Xí nghiệp đã khai trương lâu rồi còn gì? – Bà Sáu hỏi lại.

– Thưa nội, xí nghiệp hết thời gian chạy thử ạ, hôm nay đi vào sản xuất lô máy xay xát và động cơ đầu tiên ạ.

– Thưa má, con được các anh các chị và các cháu giao nhiệm vụ xin phép má cho tất cả chúng con rước má đến xí nghiệp của thế hệ thứ ba nhà họ Huỳnh ta ạ! – ông Năm Thịnh đứng kề bên Vũ, hai bàn tay chắp lại trong khi nói.

– À ra vậy, một âm mưu được bày đặt sẵn… – bà Sáu cười.

Bà chưa dứt lời, tiếng vỗ tay đã ran lên khắp nhà cùng với tiếng cười hoan hỉû…

Một nửa tiếng sau, đúng 9 giờ sáng, các xe ô-tô đưa cả nhà họ Huỳnh đến cổng xí nghiệp. Giờ nào việc nấy đúng từng phút.

Người thay mặt xí nghiệp đứng ra tặng hoa bà Sáu lại là ông bà Tư Cương:

– Kính chúc bà sức khoẻ dồi dào… – ông Tư Cương không nói được hết câu, vì quá cảm động, hai tay run lên. Bà Tư Cương phải nắm lấy cánh tay chồng.

– Ôi, thật không ngờ!.. – má Sáu cũng cảm động không kém. Má quay ra nói với Vũ và Bảo Vân đang đỡ hoa cho má: – Các con giữ bí mật với nội đến phút cuối cùng hả?!..

Khi công nhân và mọi người nhà họ Huỳnh tề tựu đông đủ, má Sáu được mời ấn nút điện trên bục hoa. Những quả bóng đủ các mầu sắc bay cao, kéo theo tấm vải điều lên không trung, để lộ rõ tấm biển đồng:

Công ty TNHH Ngọc Vân

Xí nghiệp cơ khí

23 Tháng Chín

Bà Sáu được mời lên phát biểu.

Bà phải hai tay ôm ngực trong giây lát. Cả cuộc đời bà từ những ngày thơ ấu còn lưu giữ được trong trí nhớ rộn lên trong tâm khảm. Các buổi lễ sinh nhật trên những chặng đường đời khác nhau, từ khi cùng với người yêu đọc chung truyện Tố Tâm. Đến cái ngày một nách năm con đứng trước mộ chồng. Đêm hôm bão tố ầm ầm giục Hai Phong vào bưng biền… Cái tin sét đánh về Út Thạnh và bé Thơ bị giết. Những đêm khóc thầm vì gia cảnh con cháu ly tán…

Sau khi trấn tĩnh lại, bà Sáu tự sửa lấy micrô, thong thả nói:

– Xin cho phép tôi, với tư cách là người cao tuổi nhất ở đây hôm nay, chúc mọi thành viên trong nhà máy chúng ta mạnh khoẻ, hạnh phúc. Mong mỗi người trong nhà máy giữ chữ tín với nhau làm đầu, để nhà máy chúng ta giành được lòng tin của khách hàng, và để chúng ta được ấm no! Xin đa tạ nhiệt tình đón tiếp giành cho tôi!

Chờ cho tiếng vỗ tay dứt hẳn, bà Sáu chắp tay cúi chào mọi người rồi bảo các cháu đưa mình về nhà. Sự khoan thai, đĩnh đạc của bà thu hút tâm trí mọi người, tạo nên sự im lặng đầy kính cẩn. Lễ gắn tên xí nghiệp kết thúc. Từ đầu đến cuối tất cả vẻn vẹn trong mấy phút, không các thủ tục lễ nghi giới thiệu lê thê, không diễn văn, không đáp từ, không nhà báo, không phóng viên nhiếp ảnh…

Buổi tối hôm ấy, sau bữa cơm, trong lúc cả nhà ngồi quây quần ngoài vườn, ông Lê Hải xem đồng hồ rồi đứng dậy xin có lời:

– Thưa má, tối nay chúng con sẽ có món quà lớn để chúc mừng má. Chúng con đoán chắc má sẽ không từ chối. Chúng con tin rằng má sẽ bị bất ngờ…

– Các con các cháu nghe này, – bà Sáu gọi mọi người – Chú Hải đã thưa trước với nội, thế mà vẫn còn tin là nội sẽ bị bất ngờ. Nội đoán, nếu vậy món quà này chắc sẽ phải to bằng dinh Thống Nhất!

Cả nhà cười vang.

Mọi người còn đang bàn tán xem bà Sáu sẽ thắng hay sẽ thua trong đố vui này thì có tiếng bấm chuông, một xe bus đã đỗ xịch trước cửa nhà. Một đoàn khách bước xuống xe. Các khách trân trọng mời ông bà Học dẫn đầu đoàn bước vào nhà.

Má Sáu không tin vào mắt mình:

– Trời ơi, anh chị Năm? – bà Sáu giơ cao hai tay lên trời, rồi mộât tay vịn vào vai ông Học, một tay vịn vào vai bà Học để kiềm chế nỗi xúc động của mình.

– Thưa vâng. Vợ chồng Năm Học tôi xin kính chào chị Hai Liên. Kính chúc chị sống lâu, mạnh khoẻ, làm chỗ dựa cho con cháu mình…

Bà Sáu Nhơn nhận từ tay bà Học một bó hoa tuyệt đẹp. Đấy là bó hoa thứ hai bà được trao ngày hôm nay.

Bà Sáu và ông bà Học đứng trò chuyện với nhau biết bao điều.

Cánh ông Học còn thêm vợ chồng Nghĩa, vợ chồng Lễ, ông bà Tư Cương. Trong đoàn khách vừa đi xe bus tới còn có gia đình Võ Sang, vợ chồng ông Ba Khang, vợ chồng Bảy Dự và cả gia đình Tôn Thất Loan. Tất cả do ông Lê Hải sắp xếp. Ngay từ khi gặp nhau trên xe bus, Võ Sang, Lễ và Tôn Thất Loan trò chuyện với nhau về kỷ niệm cũ tại trại cải tạo Bảo Lộc.

– Sự đời quả bất ngờ phải không anh Sang? Cuối cùng thì người làm công việc cải tạo và người bị cải tạo cùng là khách ngồi chung nhau trên một chuyến xe bus đến chúc thọ bà Sáu Nhơn. Có phải vậy không, anh Võ Sang?… – giọng nói Tôn Thất Loan đầy hân hoan.

– Sự chuyển hoá khó hình dung nổi của thời gian các anh ạ. – Lễ nói chen vào.

– Thật là con tạo xoay vần. Các anh ạ, dù ai trong chúng ta giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng khó nghĩ tới cuộc gặp mặt như hôm nay… – Võ Sang chia sẻ ý kiến của Tôn Thất Loan và Lễ.

Thú thực với các anh, hôm ấy khi bước chân qua khỏi cổng trại, câu nói đầu tiên là câu tôi tự nói với mình: Adieu Vietnam! Adieu!(*) [(*) Vĩnh biệt Việt Nam! Xin vĩnh biệt!] – Tôn Thất Loan kể lại.

Chờ niềm xúc động lắng dần, ông Lê Hải mới đứng ra giới thiệu gia đình Nghĩa, gia đình Lễ và gia đình Tôn Thất Loan với bà Sáu và mọi người.

Chủ và khách ngồi trên các ghế xếp thành một vòng tròn trên sân vườn. Sau những lời chúc tụng bà Sáu, câu chuyện trên sân lúc đầu xoay quanh niềm hân hoan và sự hài lòng về những đổi thay của đất nước trong những năm gần đây, không ít lời khen ngợi dành cho bốn anh em Vũ.

Giữa chừng, ông Học đứng lên:

– Tôi xin nói vài lời với các cháu của nội Sáu Nhơn. Các cháu được thừa hưởng rất nhiều sự can đảm và tài kinh doanh của nội các cháu. Còn điều này các cháu có thể chưa biết: Ngày xưa, nội các cháu được những người cùng hội cùng thuyền tặng cho biệt danh chị Hai Nhà Bè, vì uy tín của nội cháu, vì sự kính trọng của những người làm ăn buôn bán với nội cháu hồi bấy giờ, từ lúc chưa có các cháu trên đời này…

– Anh Năm… Thôi đã thế tôi phải kêu là chú Năm. Sao chú lại lôi cả tên huý của tôi ra mà gọi thế này! – bà Sáu cười, tay khua khua lên trời.

– Chị Hai, xin chị cứ gọi tôi là chú Năm như ngày xưa! Để cho tôi được ôn lại những ngày tháng long đong… Xin lạy chị một lạy chúc mừng chị thượng thọ. – ông Học quỳ thụp vái một vái dài, úp mặt xuống đất hồi lâu.

Mọi người ngây ra, trời đất như tụt lắng xuống. Mãi ông Học mới đứng lên nói tiếp:

– …Năm xin đến gặp chị là năm tôi bị lừa mất sạch… Vỡ nợ, tôi đã phải trốn ra Hội An, đã có lúc phải đi kéo xe bò mấy tuần vì không còn một xu dính túi… Con người ta lên voi xuống chó đến thế là cùng!.. Mãi cho đến khi chị cho người ra kiếm tôi trở lại Gia Định…

– Đòn đau nhớ đời, có phải không?

– Nếu không nhờ được chị đền giúp cho mấy bát họ(*) thì có lẽ Năm Học này đi tù mọt gông rồi. Hôm đến chị cầu cứu, lửa như thiêu đốt ruột gan. Thà chịu đi đẩy xe bò chứ không chịu về làm thuê cho chủ nợ. Còn đang phải lo chạy nợ thấy bà, thế mà đến nhà ta anh Sáu Nhơn cứ ấn xuống ghế bắt ngồi nghe cái đĩa cải lương Phùng Há và Năm Phỉ ảnh vừa tậu được. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảnh ổng vừa nghe vừa phơi bụng đứng quạt cho cái máy hát, vì chỉ sợ cái nóng làm cho đĩa hát méo tiếng!

– Hồi đó cứ Phùng Há hay Năm Phỉ diễn ở đâu là ổng bỏ mọi việc, đi xem bằng được.

– Ổng còn khoe đi khoe lại đấy là cái đĩa hát đầu tiên từ Paris gởi về… Mấy năm sau tôi mới biết, chị đã mất cửa hàng vải vì mấy bát họ thế nợ cho tôi. Cho đến ngày hôm nay chị vẫn chưa nói ra chuyện này, tôi thầm mang ơn chị cứu sống suốt đời. – giọng ông Học đầy xúc động.

Cả sân bây giờ mới nhao nhao lên, đòi bà Sáu Nhơn và ông Học kể chuyện ngày xưa. Bà Sáu Nhơn chỉ khua tay:

– Chú Năm, ai bảo chú khui ra, thì bây giờ chú phải kể đi. Có cô Năm đây, chú phải kể cả chuyện cái vòng kiềng đi mượn của tôi làm lễ cưới đến bây giờ vẫn chưa trả lại. – bà Sáu nói vui, rồi bỗng nhiên giọng bà tụt hẳn xuống. – Ôi nhà ta được đất mến khách, các cháu ạ. Những chuyện ngày xửa ngày xưa mà ông Năm hãy còn nhớ… Tiếc quá, hôm nay nếu có ông Tám Việt.., cậu Hai Hân nữa, thì vui biết chừng nào!

Tạm biệt má Sáu Nhơn, cánh ông Học và cả gia đình Tôn Thất Loan kéo nhau đi ăn tối ở nhà hàng REX.

Đang ngồi ăn, Lễ bỗng nhiên nhăn nhó như bị ai giội nước lạnh vào đầu, miệng thở dốc. Thảo ngồi bên phải phải buông bát đũa xuống ôm lấy chồng. Lý Lam như từ trên trời rơi xuống đứng trước mặt:

– Ôi quả đất tròn. Xin kính chào các quý vị!

– Chào!

– Chào!

– !!!

Tác giả: