Dòng Đời – Nguyễn Trung

Nằm tại bìa rừng National Forest Park nổi tiếng, khách sạn được trang trí theo kiểu nhà ăn trong các trang trại của vùng Bordeaux ở Pháp. Bước ra khỏi xe, đám khách của ông già Học thốt lên:

– Ôi yên tĩnh quá!

-Không khí ở đây trong lành quá…

Màu xanh bao la của cỏ cây làm dịu con mắt mọi người. Xa xa mấy con thiên nga thong thả trườn trên mặt hồ. Không ai bảo ai, mọi người cố đi chậm lại để thưởng thức cảnh thanh bình hiếm có này, nhất là họ đều từ những nơi huyên náo đến đây.

Bước vào trong khách sạn, chỉ dạo xem một lượt tranh, ảnh, các đồ trang trí, mọi người có thể hình dung phong cảnh vùng Bordeaux ra sao, vang Bordeaux được sản xuất như thế nào. Ai sành rượu còn có thể tìm thấy tập liệt kê đóng thành sách vàng, ghi những năm vùng Bordeaux có mùa nho làm rượu vang ngon nhất, loại rượu đặc biệt từng năm này khách sạn bán được bao nhiêu chai, hiện còn lại bao nhiêu chai… Đương nhiên trong các đồ trang trí nội thất không thể thiếu được cái bánh xe cổ đã hỏng, một cái yên ngựa nằm trên bãi sỏi rất đẹp, một thanh kiếm gãy rơi bên cạnh… Người ta liên tưởng đến con suối trong lành thời của “3 người lính ngự lâm”(*) [(*) Tiểu thuyết “3 người lính ngự lâm” của Alexandre Dumas, nhà văn Pháp thế kỷ 18.] đầy lãng mạn thế kỷ thứ 17. Mấy thùng rượu vang đứng nằm bên các luống nho, những chai Bordeaux các thời đại kể từ khi có đầu máy hơi nước bầy cạnh những tảng pho-mát, cái bánh mỳ cắt dở. Những dụng cụ làm rượu, làm bếp… Những bộ trang phục dân tộc đặc sắc của nam nữ nông dân vùng Bordeaux… Tất cả được bài trí rất đồng nội nhưng cũng rất tinh xảo. Mấy cô chiêu đãi viên người Pháp trẻ, mảnh mai và khá đẹp, niềm nở theo duyên dáng Pháp, xiêm áo rất Pháp, nói tiếng Anh sệt giọng Pháp hoặc nói tiếng Pháp như chim hót… Trong giây lát khách ẩm thực có thể nghĩ mình đang sống ở một nơi đồng nội êm ả nào đó vùng Bordeaux, cây cỏ thì thầm trong làn gió nhẹ, không tiếng ồn ào của xe cộ, không sự náo nhiệt, không bầu không khí sặc mùi công nghiệp… Cả đến thực đơn cũng rất Bordeaux, ghi bằng tiếng Pháp cổ, tiếng Anh chỉ làm chú thích.

Đi dạo chán trong khách sạn, ngồi vào bàn, câu chuyện của tám người khách Việt còn quanh quẩn mãi ở vùng Bordeaux. Ông già Học và Thảo bất đắc dĩ trở thành hướng dẫn viên du lịch Bordeaux cho những người còn lại, họ hỏi khá nhiều.

– Chọn khách sạn này, ba đáng được thưởng quá! Từ khi tốt nghiệp con chưa có dịp nào trở lại vùng Bordeaux. – Thảo nắm lấy tay ông già Học. Xưa nay Thảo vẫn thường gọi ông như vậy, vì ông rất quý Thảo. Bố Thảo hiện giờ là luật sư cố vấn cho ông già Học.

– Chọn La Cigale thoạt đầu chỉ là vì chúng ta thích gu Pháp thôi. Không ngờ nó lại có xuất xứ là Bordeaux, đến đây ba mới biết.

– Ba con cố tình chọn La Cigale để được khen đấy. – bà già Học trêu ông già.

– Khi Sài Gòn thất thủ thì ba đang thương lượng mấy cái affairs về tài chính ở Paris. Trong chuyến đi năm ấy ba kết hợp đi chơi, có đến thăm Bordeaux.

– Hôm ấy ở Pháp bác có hồi hộp không ạ? – Tôn Thất Loan hỏi.

– Thú thực Sài Gòn còn hay mất có can hệ gì với tôi đâu. Hôm ấy tôi chỉ nghĩ và lo cho gia đình Lễ, gia đình Tư Cương và một số họ hàng bạn bè khác. Cái bệnh muốn đứng ngoài cuộc của tôi nó thâm căn cố đế như vậy đấy. Khi bỏ Sài Gòn ra đi, tôi hiểu là đã vứt lại phía sau tất cả!

Lúc này một người hầu bàn nam đến phục vụ, trong tay quyển sách vàng về rượu. Người này trình bày, trả lời một số điều với ông già Học, rồi mở trang ông già Học định chọn trong cuốn sách vàng. Ông già Học ngẩng lên hỏi ý kiến mọi người:

– Hôm nay chúng ta uống rượu gì? Chọn rượu xong, chúng ta sẽ chọn thức ăn theo rượu. Có dòng Bordeaux, dòng Grenace. Hay là dòng Monteverdi của Ý? Vang Mỹ ở đây có dòng California. Hay là chọn dòng Tokay của Hung?..

– Chú chọn cái gì khác Bordeaux đi, thứ này chúng ta dùng mãi rồi. Cháu muốn xem thế giới của chúng ta đáng sống đến mức nào. – Lễ có ý kiến.

– Được, chúng ta cố làm cho anh Hai này yêu đời thêm một chút. – ông Học vừa nói vừa chỉ tay về phía Lễ, rồi quay ra bàn nói tiếp với người bồi bàn. – …Được rồi, năm 1975 Breziers(*) [(*) Vùng trồng nho miền Nam nước Pháp.] có mùa vang ngon vì nắng nhiều, chúng ta chọn Voutenay Grenache 1975, tất cả đồng ý chứ?

– Chú uống mừng chiến thắng của Việt cộng ạ? – Lễ vừa cười vừa hỏi.

– Và nuối tiếc Sài Gòn thất thủ nữa, có phải thế không thưa bác? – Tôn Thất Loan muốn thử xem ông già này sẽ trả lời như thế nào.

– Hay đấy… – ông già Học cười hà hà. – Ông và Lễ trả lời hộ tôi rồi. Họ Phạm chúng tôi có tư cách để nâng cốc với cả hai lý do này! Chúng ta nhất trí chứ?

Vợ Tôn Thất Loan khẽ khẽ vỗ tay tán thưởng, cả bàn đồng tình. Câu chuyện trên bàn râm ran hẳn lên. Loan lắc đầu tỏ ý chịu phục cách đối đáp của ông già Học. Sau khi người hầu bàn đi rồi, câu chuyên vẫn còn ít nhiều dính dáng đến vùng Bordeaux.

– Nhà hàng này biết làm marketing đấy. – ông già Học nhận xét. – Tại bang này có khá nhiều cửa hàng ăn Việt Nam, nhưng chưa có một khách sạn nào có được tên tuổi cỡ như La Cigale.

– Bác ạ, nhà hàng Hoa kiều như thế cũng chưa có, huống chi là ta. Chỉ cần nhìn bãi đỗ xe của khách sạn này thì rõ. – Tôn Thất Loan nêu nhận xét của mình.

– Về vốn liếng, công nghệ, kỹ thuật, tôi nghĩ rằng trong cộng đồng người Việt ta ở đây có không ít người thừa sức làm việc này. Nhưng cái mà chúng ta thật sự thiếu là đầu óc và văn hoá kinh doanh cần thiết cho một nhà hàng như thế này. Tiếc rằng tôi già rồi, phải nghỉ ngơi bây giờ đã là quá muộn.

– Cháu chịu chú. Nhìn vào bất kể thứ gì, ngồi trong khung cảnh nào, chú cũng đều nhìn thấy khả năng làm ra tiền! – bác sĩ Nhân, chồng Hoài, vốn ít nói, bây giờ mới lên tiếng. – Thưa ông bà Loan và anh chị Lễ, cái bệnh viện nha khoa của em là ý tưởng của chú Học em đấy ạ: khai thác triệt để đặc thù hệ thống bảo hiểm rất cạnh tranh và phân tán của Mỹ! Nếu ở Canada hay ở Tây Đức kiểu bệnh viện như của em không sống được, chứ đừng nói đến cạnh tranh.

– Nhìn thế này thôi, nhưng không đơn giản đâu. – ông già Học nói thêm cho Nhân hiểu. – Ý tưởng kinh doanh cốt lõi của nhà hàng này, cháu quan sát kỹ mà xem, đó là chọn lọc đối tượng và phục vụ tốt đối tượng chọn lọc. Nhà hàng đã chọn đúng thị trường và làm mọi việc để đáp ứng tốt thị trường họ chọn.

– Nhìn giá trên thực đơn cháu thấy nhà hàng này rất mắc, chú ạ. – Lễ hỏi ông già.

– Đúng thế Lễ ạ, nhưng vì khẩu vị và sở thích của mình chúng ta tự nguyện tìm đến đây cơ mà! Đến đây một lần, sẽ có một kỷ niệm đáng nhớ, rồi chắc sẽ phải đến lại, rồi người nọ truyền miệng cho người kia, rồi quảng cáo… Nguyên lý sơ đẳng của kinh doanh chỉ có một câu đơn giản thôi: Trước hết là phải có con mắt và cái đầu chọn đúng thị trường cho mình, rồi mới tính đến những cái khác.

– Tôi thì lại cứ tưởng rằng định làm ăn thì phải có vốn, vốn đến đâu thì làm đến đấy, bác Học ạ. – Tôn Thất Loan nêu ý kiến của mình.

– Ông Loan ơi, khi mới bước vào nghề kinh doanh, tôi cũng nghĩ như ông vừa nói. Nhưng rồi sạt nghiệp hai ba phen, cũng có nghĩa là mất ăn hai ba phen, tôi mới vỡ lẽ ra là không phải như vậy. Bây giờ thì tôi có thể nói là cả đời mình tôi chỉ tìm cách học một câu đơn giản ấy thôi mà vẫn chưa dám nói là thuộc.

– Bác viết thành sách đi.

– Nếu thế quyển sách của tôi chỉ có độc một câu ấy, ông Loan ạ! – mọi người đều cười, ông già Học chờ một chút rồi nói tiếp: – Người đi buôn, một doanh nghiệp, một công ty, một quốc gia.., tất cả đều phải tuân thủ nguyên lý dễ hiểu nhưng khó thực hiện này. Đó là: Phải có con mắt và cái đầu chọn đúng thị trường cho mình.

Vợ Tôn Thất Loan nghĩ mãi vẫn chưa hiểu ra, mạnh dạn hỏi:

– Thưa bác, đắt như ở đây thì làm sao cạnh tranh được ạ? Lựa chọn kiểu gì mà lại toàn chọn làm của đắt để bán hả bác?

– Tôi xin cắt nghĩa thế này bà Loan ạ. Nhà hàng này chọn cho mình loại khách thích cơm Pháp, yêu văn hoá Pháp. Đối với loại khách này đạt được sở thích và được thưởng thức mới là điều quan trọng. Chất lượng là quyết định, hưởng cái gu Pháp là quyết định, tiền nong đối với loại khách này chỉ là chuyện phụ. Lựa chọn khách hàng như thế những kẻ kinh doanh khác khó với tới được. Mà phải thật giỏi mới dám lựa chọn thị trường này! Bà xem, từ thành phố ra đây gần 30 dặm, thế mà khách muốn có một bàn riêng như chúng ta là phải đặt trước vài ngày, có khi một tuần!

– Ba phải nói thêm con đi hơn ba trăm dặm mới tới đây! – Thảo chen vào.

– Chú ạ, thế sao chủ nhân ở đây không bành trướng cái La Cigale này, hoặc mở thêm vài cái mới? – Lễ hỏi.

– Như thế nó sẽ phải là La Grande Cigale, hay Les Cigales, và sẽ không còn là La Cigale nữa, nghĩa là không còn các khách chọn lọc, người kinh doanh hạng bét nào cũng làm được, như thế thì thua thiệt và sẽ mất hết! Nếu chú là chủ nhân nhà hàng này, chú sẽ làm mọi việc để chỉ có La Cigale duy nhất này mà thôi. Nếu kẻ có gan nào tìm cách bắt chước cho ra đời một nhà hàng tương tự thì phải cạnh tranh không thương tiếc đánh đổ liền! Hoặc chấp nhận bị đánh đổ!

– Chịu bác. Bái phục bác. – Tôn Thất Loan kêu lên.

Lúc này người hầu bàn nam mang rượu đến cho ông già Học nhấp thử. Câu chuyện tạm gián đoạn, vì mọi người đều chăm chú nghe người hầu bàn giới thiệu thêm vài nét về chai rượu năm 1975 anh ta đang có trong tay. Anh ta gắn thêm vào lời giới thiệu một huyền thoại ngắn về tình yêu của xứ sở Bordeaux, nói chuyện rất có duyên và có phong cách một nghệ sĩ rót rượu. Anh ta kết thúc việc rót rượu bằng một câu đầy triết lý: Thưa quý bà, quý ông, Tình yêu! Chỉ có tình yêu giữ bạn mãi trong vĩnh hằng!..

Tác giả: