Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Tôi cũng đang lo nhàn rỗi dễ phát phì lắm… – Ông Tám biết là Chín Tạ nói xạo cho qua chuyện, ở nhà bà Tám đang rên lên vì ông sút cân sau chuyến đi “vi hành”.

Lúc này cả nhà ông Chín, kể cả các gia nhân, đã ra đến cổng để chào ông Tám và đón ông vào nhà. Vợ chồng ông Chín, vợ chồng con trai ông Chín và các gia nhân thì không nói làm gì, nhưng trong số người đến chào ông Tám có hai người lạ mặt, quần áo sang trọng như khách mời, ông Tám không giấu được sự ngỡ ngàng của mình.

Khi tới trước mặt Bạch Liên, ông Tám sững lại, hình như ông bất giác lùi lại một bước. Không biết vì cái nhìn đa tình sắc như dao hay là vì một cái gì đó rất khó xác định của người đẹp lạ thường này… Ôi, chẳng lẽ mình hồn xiêu phách lạc trước cái đẹp này?.. – Ông Tám tự hỏi lòng như thế, nhưng cũng làm chủ được mình ngay:

– Hai cháu tôi đoán ra ngay, còn đây là… – Ông Tám chỉ vào Bạch Liên để lấy lại chủ động cho mình.

– Thưa anh đây là cô Bạch, gọi đủ tên là Bạch Liên, có họ về đằng nhà em và là trợ thủ quan trọng của nhà em.

Bạch Liên đưa cả hai tay ra bắt tay ông Tám, giữ tay ông khá ân cần:

– Dạ, em là Bạch Liên ạ. Em được nghe nhiều về anh lắm ạ…

– Vậy hả? – Ông Tám lúc này đã trấn tĩnh.

– Còn đây là cậu Thắng, cũng là người nhà, chút nữa em sẽ giới thiệu tiếp với anh. – Ông Chín đon đả, đoạn ông Chín quay về phía Bạch Liên và Thắng, liến thoắng: – …Anh Tám hơn tôi một giáp. Chúng tôi kết nghĩa anh em với nhau từ hồi còn ở Quân khu 9. Lúc ấy anh Tám đã tham gia lãnh đạo quân khu, còn tôi mới chỉ là liên lạc viên. Chính anh Tám đã kết nạp tôi vào Đảng, rồi bố trí cho tôi làm công tác dân vận… – Ông Chín quay sang ông Tám Việt – …Tính ra từ ngày ấy thế mà đã đã hơn 30 năm rồi anh Tám à…

– …

Ông Tám không khỏi ngạc nhiên là Chín Tạ đến bây giờ vẫn giữ mãi cái liến láu ngày xưa ở Quân khu 9. Cái giọng này chẳng phù hợp chút nào với những lời chín Tạ đả kích ông sau lưng, nhất là về những chuyện liên quan đến kinh tế quốc doanh và kinh tế tư nhân… Bất giác ông Tám Việt nghĩ đến ô dù mới của Chín Tạ. Bao phen ông đã đề nghị xếp cho Chín Tạ công tác khác, nhưng đều bị đâu đó gạt phăng đi, đã vậy ông Tám còn bị mang tiếng là thành kiến hẹp hòi, là cố chấp…

…Bạch Liên và Thắng mà anh em Vũ kể cho mình nghe là hai người này đây! Có phải là Bạch Liên mình đã..?

– Cơ ngơi này là con dâu em gây dựng nên. Thế hệ trẻ bây giờ hay lắm anh Tám ạ. Nhà em tháo vát là thế mà cũng chỉ đủ năng lực làm cái chân phụ việc cho cháu thôi.

– Cháu làm gì? – Ông Tám hỏi vợ Tấn.

Nhưng Chín Tạ trả lời thay:

– Cháu làm trong Hội đồng quản trị công ty xuất nhập khẩu lương thực của một tỉnh miền Đông. Còn chồng cháu làm ở Sở Địa chính Thành phố.

Ông Chín nói xạo. Thực ra con dâu ông Chín chỉ có tên trong công ty này, cô ta không làm gì cả ngoài việc suốt ngày môi son má phấn, sơn móng tay móng chân. Nghề chính của con trai ông là kinh doanh nhà đất, cái chức phó phòng kỹ thuật Sở Địa chính chỉ là phương tiện.

…Mỗi bước chân đi theo Chín Tạ để nghe Chín Tạ giới thiệu cơ ngơi của mình, ông Tám nhớ lại hồi ông đi ở làm thằng nhỏ trong một cơ ngơi đại điền chủ quê ông. …Còn ở đây đúng là mình đang đi thăm dinh cơ của một ô quan trọc phú thời hiện đại.

Càng đi ông càng thấy nhà cửa rộng thênh thang, nửa đình chùa, nửa hiện đại. Nhiều phòng, nhiều buồng, sân trước sân sau… Tiện nghi bày biện la liệt, đủ màu sắc rối mắt. Đồ Tây đồ Tàu, kê đặt lủng cà lủng củng. Đồ cổ và đồ hiện đại chen lấn nhau… Cái bể cá bằng kính to tướng, bên trong là những đèn xanh đèn đỏ với nhiều loại cá lạ… Nhưng ngay bên cạnh lại là cái bể xi măng thả cá vàng, trên là hòn non bộ rong rêu cổ kính, điểm một vài đồ sứ con con hình cái miếu, cái đền thờ, hình ngư ông ngồi câu cá… Hoành phi câu đối treo cùng một phòng với mấy bức tranh tĩnh vật của hội hoạ hiện đại, thêm mấy cái tranh Đông Hồ vây quanh… Một cái tượng bán thân bằng than đá đen bóng, ai đó đã thuê tạc biếu Chín Tạ, cái hột cơm bằng hạt quả nhãn tiêu bên cằm phải được tạc rất khéo, làm cho Chín Tạ không trộn vào đâu được. Đối diện cái tượng than đá này là một phụ nữ người Âu khoả thân, nặn bằng thạch cao trắng lốp. Cả hai đều được đặt trên một bàn kính rộng, khung i-nốc, chỉ có điều trông hơi kỳ kỳ là cái tượng trắng lốp cao gấp đôi cái tượng đen… Bàn thờ tổ tiên làm theo kiểu Đài Loan, cao gần bằng đầu người, đặt trong một gian phòng rộng. Dưới chân bàn thờ là một dàn karaôkê màn hình phẳng Sony 41 ing (inches)… Phòng khách khá rộng, bên trong kê bộ đồ ghế gụ làm theo kiểu đời nhà Thanh, đưa từ làng Đồng Kỵ ngoài Bắc vào, bên ngoài lại kê bộ sa- lông tây giả d mầu trắng… trên tường, các góc phòng… nơi nào cũng treo, kê đủ thứ, nào ảnh chụp với một vài đồng chí lãnh đạo, nào các bằng huân chương, sừng hươu, sừng bò tót… Ba ông Phúc Lộc Thọ đồ sứ Trung Quốc cao đến hơn một mét đứng trang nghiêm dưới đất đón khách, trên tường lại cũng bộ ảnh ba ông Phúc Lộc Thọ giát đến một hai cây vàng nhìn xuống chào khách… Mấy cây bon-sai cắt tỉa cầu kỳ đặt ở giữa, chia phòng khách ra làm hai phần Tây – Tàu rõ rệt, có lẽ tại phòng khách quá rộng…

Ông Tám vừa đi vừa nghĩ bụng: nhà này chắc có quá nhiều quà biếu, thẩm mỹ khác nhau, nên mới bày biện thứ nọ chen lấn thứ kia như thế! Mà toàn là những thứ đắt tiền. Đem những thứ trong nhà này kê đặt trong bốn hoặc năm cơ ngơi như thế này thì thoáng mắt hơn…

– Chú Chín này, đã xem phim Tể tướng Lưu gù chưa?

– Ôi phim ấy hay lắm, em không bỏ buổi nào! Sao tự dưng anh lại hỏi em chuyện xem phim?

– Tôi sợ rằng trong nhà này chú Chín bày biện theo dinh thự của Hòa Thân!

– Anh Tám lại đùa em rồi. Nhà em thì làm gì có một thứ đồ cổ đáng giá nào so được với đồ cổ Trung Quốc…

– …Tôi thấy gọi đây là nhà của Hoà đại nhân thu nhỏ là đúng nhất.

– Anh Tám chưa chi đã quy kết em!

– Tại hồi này mình rỗi rãi và xem nhiều phim Trung Quốc quá đấy Chín ạ.

– Anh tính, em thì tối ngày tối buổi bận việc cơ quan, có giúp nhà được việc gì đâu…

– Phải, chú bận ở cơ quan như thế làm sao để mắt được đến vợ con chú kinh doanh gì, làm gì… – Ông Tám nhận xét.

– Em là em cứ khoán trắng, anh ạ. Em chỉ giao hẹn là mọi việc phải làm đúng chính sách. – Chín Tạ rào chắn luôn.

Ông Tám vẫn thủng thỉnh bước theo Chín Tạ, mãi mới lên tiếng:

– Hiểu, hiểu… Chú mà không ngồi ở cơ quan như thế thì vợ con chú chẳng làm được việc gì!

Đáp lại câu nói của ông Tám là một tiếng “hứ!” rất nhẹ vọng lên đâu đó xa xa từ phía sau, khiến ông Tám phải ngoảnh mặt lại. Nhưng ông Tám không sao biết được tiếng “hứ!” này là của Bạch Liên hay của bà Chín phát ra. Còn ông Chín chân vẫn bước tiếp, nhưng bỗng dưng thành người không biết nói. Cả gian nhà lặng ngắt trong giây lát, mấy con mối trên tường đuổi nhau kêu “tặc tặc!” nghe rất rõ. Ông Tám lại phải tìm cách phá vỡ sự im lặng:

– Những con mối nhà này ban ngày mà kêu to dữ nhỉ. Có phải mối nuôi không đấy hả chú Chín?

– Anh Tám là chúa khôi hài! – Bạch Liên gỡ bí cho Chín Tạ, nhưng bấm bụng cười thầm về cái mặt nghệt ra của Chín Tạ.

– …

Cứ thỉnh thoảng lại chọc một câu như thế, ông Tám lững thững đi theo chủ nhà. Bạch Liên lẽo đẽo theo sau hai người nhưng vẫn giữ một khoảng cách khá xa, thỉnh thoảng cố giấu một cái cười tủm về những câu trả lời của chín Tạ và càng để ý đánh giá ông Tám Việt. Đôi lúc Bạch Liên thót tim vì thấy ông Chín không thuộc bài.

Vì mất tự chủ, suýt nữa ông Chín đưa ông Tám đi về hướng buồng tắm để khoe cái bồn mát-sa bằng đấm nước mà ông bà Chín rất thích, nhưng Bạch Liên đã kịp thời đưa mắt đổi hướng đi của ông Chín…

Bàn ăn dự định cho 6 người, là vợ chồng chủ nhà, ông bà Tám, Bạch Liên và Thắng, nhưng bà Tám không đến nên lại phải sắp đặt lại một lần nữa, dẹp bớt mất một ghế. Bạch Liên phải thay đổi cách sắp xếp chỗ, đặt ông Tám ngồi ở vị trí chủ toạ để tỏ lòng kính trọng, còn một bên là vợ chồng ông bà Chín, một bên là Bạch Liên và Thắng.

…Mình đang sống trong một gia đình chiến hữu cũ, hay là mình đang ngồi trong một hang ổ rắn độc do mình góp phần tạo dựng nên thế này?

Trong bữa ăn, ông Tám chủ tâm gợi ý cho mọi người nói thật nhiều., ông muốn nghe thật nhiều những lời họ tự nói ra…

– Trở lại làm dân Thành phố cũ của mình, tôi cứ ngỡ là mình bị lạc… – Ông Tám gợi chuyện.

– Em phải xin lỗi anh chị, từ hôm anh chị chuyển vào trong này tụi em chỉ đến thăm anh chị được có một lần. Thật là thất lễ quá. Nhờ anh nói lại với chị hộ chúng em…

– Bọn tôi bây giờ về ở hẳn trong này, lúc nào cô chú đến chơi chẳng được.

– Anh Tám được trên điều ra Trung ương đầu năm bẩy bẩy (1977), em còn nhớ lắm, đại loại cũng khoảng một phần tư thế kỷ rồi, ít ỏi gì. Với đà phát triển này, chẳng mấy chốc Thành phố sẽ vượt Bangkok cho mà xem. Anh có tin như thế không anh Tám. – Chín ông muốn đổi hướng câu chuyện, theo đúng bài bản của Bạch Liên, điệu bộ hào hứng,

– Tôi mong như thế, nhưng không biết bao giờ đạt được. Riêng vượt Bangkok về ách tắc giao thông và cái phố Pạtbông(*) [(*) Một phố hộp đêm và ăn chơi ở Bangkok.] thì tôi không muốn.

Tác giả: