Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Trời ơi Nguyệt, em ác quá… – ông Nghĩa nhăn nhó, đưa hai tay ôm ngực.

– Em xin lỗi!

– Ôi Nguyệt ơi… – ông Nghĩa rên rỉ, mày chau lại vì thấy trong tim đau nhói về nhiều lẽ. Ông quàng tay ra, ôm chặt lấy vợ mình, không nói không rằng nữa, nước mắt tự nhiên giàn giụa.

…Trời ơi anh Nghĩa, sao lúc này tự nhiên em thấy nhớ mợ quá! Tại sao thế hả anh? Nói cho em biết đi! Tại sao thế hả anh?..

Những lời giục giã, thổn thức… của Lễ trong điện thoại như xé nát trái tim ông…

Ông Nghĩa cứ để yên cho những giọt nước mắt của mình lăn trên má vợ, càng ôm riết vợ vào lòng… Quá khứ cả đời mình ào ào đổ về trong tâm thức, ông run lật bật và cảm thấy như chính mình đang chết lặng…

– Ôi anh Nghĩa!.. – bà Nguyệt xiết chặt lấy chồng, hai mắt nhắm nghiền.

Việc Bạch Liên, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu có tiếng tăm và đang ăn nên làm ra, đột nhiên biến mất, không thể giữ kín mãi được trước dư luận. Vì thế công an đã phải đưa tin công khai trên báo chí: Bạch Liên chết đột ngột ở nhà riêng, các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ sự việc. Lúc đầu cái tin giải thích trên báo chí như thế làm rộ lên một số thắc mắc mới: …Chắc là lãi giả lỗ thật, bây giờ sập tiệm nên tự sát chăng? Thương trường căng thẳng, chết đột ngột vì stress?.. Tin đồn Bạch Liên đã ra nước ngoài xin tỵ nạn chính trị xẹp đi, những xôn xao về sự biến mất của Bạch Liên cũng lắng xuống. Người đời còn bận rộn với biết bao nhiêu việc kiếm sống hàng ngày, lại bận rộn với biết bao tin đồn mới khác, chuyện khác… Trong khi đó công ty xuất nhập khẩu Bình Tiến vẫn giữ đều nhịp điệu hoạt động của nó, vừa qua mới được báo chí biểu dương là đơn vị hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thuế cả năm và tích cực mua công trái xây dựng trường học…

Thời gian như đang làm lu mờ việc khởi sự lại vụ án heroin của Chín bà. Thời gian như đang đẩy cái chết của Bạch Liên vào lãng quên. Đôi ba lần ông Tám đã gặp riêng đồng chí trong Thành ủy trực tiếp thụ lý vụ án Chín Tạ, đều được trả lời: Đây là vụ trọng án, phức tạp lắm, còn đang thời kỳ điều tra bí mật, trên không muốn gây hoang mang hoặc rung chà cá nhảy… Ông Tám vô cùng phân vân. …Bí thư đã hứa rành rọt với mình giải quyết đến nơi đến chốn vụ này kia mà!..

Vào một buổi sáng khác, lại những lời rao của trẻ em bán báo làm chao đảo cả thành phố: Xuất hiện Tô Trường Giang mới!.. Tên sát nhân Tô Trường Giang mới đã bị bắt!.. Đã tìm ra kẻ giết hai chị em gái con một gia đình nông dân ở rừng Ea Kar cách đây hai năm! Thủ phạm không ai khác là Đoàn Danh Thắng. Tội ác được diễn ra trong một lần hắn đi săn trong rừng sâu.

Cả một ngày trời ông Tám Việt bàng hoàng với cái tin này đăng trên báo và những lời chất vấn gay gắt của người đọc. Buổi tối tivi lại đưa lại tin này, cũng đưa lại nhiều ý kiến phẫn nộ của những người dân Cà Mau, Đồng Tháp, Hà Nội và nhiều thành phố khác. Trong khi đó ông Tám vẫn chưa thấy Thành phố đả động gì đến vụ án bộ ba Chín Tạ – Thắng – Bạch Liên. Buổi tối ông Tám gọi điện thoại trực tiếp cho bí thư Thành phố, được biết bí thư đang ở Hà Nội bàn xử lý vụ trọng án này…

Ông Tám muốn bay ngay ra Hà Nội hỏi xem vụ án bộ 3 này đã lên đến cấp cao hơn nữa chưa? Vì sao ngâm cứu lâu thế?.. Lúc này mà có thêm cánh Nghĩa và Lê Hải để trao đổi thêm thì tốt biết mấy… Đấy là sự im lặng để đi đến một quyết định chín chắn? Đấy là sự im lặng của trạng thái cứt trâu để lâu hoá bùn? Đấy là sự im lặng để tìm một giải pháp thoả hiệp?.. Nói gì thì nói, không thể nói khác, đấy là sự im lặng đầy lo lắng, ngờ vực…

Giữa lúc này, ông Tám nhận được giấy mời đi dự lễ nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

…Một nửa thế kỷ đứng trong hàng ngũ của Đảng! Ôi vinh hạnh lắm chứ! Mãn nguyện lắm chứ! Nhất là khi ông đã là người có quyền nghỉ ngơi và nhìn lại sự nghiệp cả đời mình…

Nhưng ông Tám chỉ cảm thấy bứt rứt mung lung trong người. …Bứt rứt vì những câu hỏi đầy day dứt về Đảng. Mung lung vì những người như Chín Tạ, như Thắng, như Bạch Liên đang đứng chung một Đảng với ông, bọn này đang mang danh là đồng chí của ông!..

Ông tự hỏi những người đã ngã xuống vì đất nước này, vì Đảng này sẽ nghĩ gì về tội ác đó… Ông nghĩ về công tác xây dựng Đảng, về năng lực và phẩm chất của Đảng bây giờ? Ông nghĩ, nếu bà Sáu Nhơn biết được những chuyện này chắc bả cũng phải từ dưới mồ đứng dậy… Lương tâm người đảng viên, lương tâm người dân tin tưởng vào Đảng, ai có thể dửng dưng trước những tội ác này? Ai có thể dửng dưng trước thực trạng này…

Làm gì? Hành động gì? Trước thực trạng này? Chẳng lẽ câm lặng? Cứ nhận huy hiệu đi! Công lao ấy to lớn lắm! Công lao của mình, mình hưởng, nghĩ lung tung làm gì? Mà nghĩ như thế được gì? Gái goá lo việc triều đình!? Chuyện của Đảng, cả Đảng phải lo, đâu phải của riêng mình!.. Bây giờ nghỉ hưu rồi… Đã đứng sang bên lề cuộc sống rồi, là phó thường dân… Mình còn làm được gì nữa?.. Mình hoàn toàn có quyền nhìn lại một nửa thế kỷ hiển hách đứng trong hàng ngũ Đảng quang vinh chứ? Đã có một lần nào mình nhụt chí phấn đấu? Đã có một lần nào mình nói dối Đảng, dù chỉ là trong ý nghĩ! Đảng của mình là như thế, Đảng đối với mình là như thế… Ông nhớ đến những ngày đi tù ở Côn Đảo trước Cách mạng Tháng Tám, lúc ấy ông chưa được kết nạp Đảng và là người tù dưới tuổi vị thành niên. Ông bị mật thám bắt quả tang trong khi làm đường dây liên lạc của Đảng… Ông nhớ đến những ngày đi theo đồng chí Lê Duẩn trong bưng biền khắp vùng Nam bộ… Rồi đến những ngày đi mở đường Trường Sơn trên núi, đường Trường Sơn dưới biển, tất cả cho Mỹ phải cút, nguỵ phải nhào… đến những năm tháng vật lộn với cái đói, với cái thiếu đang muốn bóp chết Thành phố vừa mới được giải phóng… Lại những năm tháng lặn lội suốt chiều dài đất nước cho đường dây 500kilô vôn do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo… Cả đời mình ông không thể đếm được mình đã đi đi về về như thế bao nhiêu lần hết cả chiều dài đất nước, có lúc ông cảm nghĩ như đang đo chiều dài của đất nước bằng chính cuộc đời mình…

Càng nghĩ, ông Tám cảm thấy mãn nguyện thì ít, cảm thấy cay đắng trong lòng thì nhiều, cứ như chính mình là người mắc tội. Ông nghĩ mình là người gắn bó với Đảng như vậy, từng trải như vậy, mà còn mung lung xao xuyến đến thế về thực trạng hiện nay của Đảng, người dân bình thường vốn gửi gắm lòng tin của họ vào Đảng sẽ nghĩ sao đây? Lòng tin ấy còn nguyên vẹn không? Còn giữ được không? Hay là đã chuyển sang ngờ vực? Sang lãnh đạm? Sang mất lòng tin? Sang cảm nghĩ bị lừa dối?.. Có lúc ông ước ao trước mặt mình là chiến trường, và ông sẽ xả đạn hết cỡ vào những kẻ phản bội, những kẻ đào ngũ, những Chín Tạ, những Thắng, những Bạch Liên!..

Bứt rứt mung lung mãi rồi ông Tám cũng bình tĩnh trở lại, tìm lại được mình, trong lòng tự nhủ phải tiếp tục dấn thân vì Đảng!

…Phải bảo vệ Đảng đến hơi thở cuối cùng! Đúng như đám con cháu bà Sáu Nhơn nói: Đấu tranh nay chưa phải là trận cuối cùng! Cho đến khi mình nhắm mắt vẫn chưa phải là trận cuối cùng!..

Mấy ngày nay lác đác đã có các đồng chí cũ đến tận nhà ông chúc mừng ông 50 tuổi Đảng. Giáo sư Trần Văn, đảng viên trí thức và lão thành cách mạng, người thày dạy ông về chủ nghĩa, về triết học, về văn chương… đã sang tuổi 90, thế mà cũng bắt con cháu đưa đi, tay chống gậy thân chinh đến tận nhà chúc mừng ông Tám, một trong những học trò mà ông quý mến nhất và kỳ vọng nhất.

Nhiều người đến với ông Tám vào dịp mừng ông nhận phần thưởng vẻ vang này. Trong gia đình ông cũng tràn ngập yêu thương lẫn niềm tự hào về ông, một con người thủy chung trọn vẹn. Ông dần dần bình tĩnh trở lại. Nhưng trong lòng vẫn day dứt. Nỗi day dứt nhiều lúc cồn lên thành nỗi đau.

Lễ trao huy hiệu cho các đảng viên 40 năm và 50 năm tuổi đảng ở Thành phố là một đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt. Ban tổ chức có ý thức muốn sự kiện này góp phần vào công tác xây dựng Đảng. Từ mấy tuần nay báo chí đã đăng tải tin tức, bài viết chung quanh sự việc này. Vì trong số các cụ được trao huy hiệu có một số các cụ gần như cả cuộc đời hoạt động tại địa bàn Thành phố, hoặc nắm giữ những trọng trách vào những bước ngoặt trong lịch sử của Thành phố, nên báo chí có một số bài giới thiệu riêng về lịch sử đảng bộ của Thành phố, một số bài ca ngợi những nhân vật lịch sử của Thành phố đã hy sinh hay còn sống…

Có nhiều bài báo thuật lại cuộc mit tinh khổng lồ tổng khởi nghĩa giành chính quyền Thành phố, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch từ bao lơn dinh đốc lý công bố dánh sách Uỷ ban Hành chính lâm thời Nam bộ, đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn đọc hiệu triệu của xứ uỷ Nam bộ, cuộc mit-tinh chuyển sang biểu tình tuần hành có vũ trang với sự tham gia của hàng chục vạn người dân Thành phố và các địa phương lân cận… Chính quyền thuộc địa, hàng nghìn quân Nhật, Pháp vũ khí lăm le trong tay.., tất cả đều bị nhấn chìm trong biển người của Cách mạng và trong tiếng hát hào hùng của bài ca Lên đàng, bài Thanh niên hành khúc…

Đọc báo nghe đài, xem ti vi, một mặt ông Tám Việt hiểu thêm những vấn đề nóng bỏng của Thành phố, mặt khác ông hiểu sự quan tâm của dư luận đối với buổi lễ trao tặng huy hiệu cho đảng viên cao niên. Ông hiểu dư luận đang nhắn nhủ, gửi gắm rất nhiều vào Đảng… Trong lo lắng thầm kín, một niềm hy vọng bừng lên, thôi thúc…

Tác giả: