Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Vâng, cháu thấy chú có lý của chú ạ…

– Nhưng sự lựa chọn của chú hình như vẫn thua xa và không mạo hiểm bằng quyết định của bố mẹ cháu khi bỏ cả cơ nghiệp, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả hạnh phúc và tính mạng mình đi tham gia kháng chiến, với niềm tin cả quyết chứ không lúc do dự, lúc đầy day rứt như chú!

– Vâng, cháu hiểu ạ. Cháu vẫn còn nhớ rõ ngày đầu tiên gia đình cháu rời Hà Nội…

– Ngẫm nghĩ cho kỹ, chú phải nói là chính bố mẹ cháu, chính đại gia đình họ Phạm ta cổ vũ chú hôm nay chấp nhận sự mạo hiểm đầy day dứt này!.

– Ôi chú!…

– Cháu hiểu được sự lựa chọn của bố mẹ cháu chứ?

Càng hiểu được chiều sâu những nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn của chú mình, Nghĩa càng bị cuốn hút vào chiều sâu những ưu tư khúc mắc của chú mình về vận mệnh của đất nước… Sau giây lát đắn đo, Nghĩa quyết vượt qua chính mình để lấy can đảm đi đến cùng:

– Thưa chú, nếu sự mạo hiểm lần này của chú là thảm bại thì sao ạ?

– Không nói như thế được! Không được nói thế! – ông Học xua xua hai tay như thể chối bỏ câu hỏi của Nghĩa. – Đến đây ông già Học đỏ mặt tía tai, ông đứng dậy gần như hét vào mặt Nghĩa: – Cháu có hiểu cháu đang tưởng tượng ra điều gì không? Cháu có biết không?

Nói xong, ông như người chết lặng, hai tay bám lấy thành bàn cho khỏi ngã.

Nghĩa bấm bụng chịu đựng, nhưng nhất định không buông tha chú mình, giọng nói gần như lạnh lùng:

– Cháu biết, người như chú không thể tránh né câu hỏi này ạ!

Ông Học thừ người ra, mãi rồi mới nói:

– Phải, cháu đã nói trúng ruột gan ta!

Nghĩa vẫn khoanh tay ngồi im, chờ đợi.

Thời gian bị đứt quãng.

Một lúc sau, giọng ông Học trâm trầm:

– Chú đã tự hỏi mình đúng câu hỏi ấy nhiều ngày, nhiều đêm.., từ nhiều năm nay cháu ạ… Danh dự của chú, lương tâm của chú! Không phải chỉ hôm nay đâu… Sự lựa chọn này có thể là một thảm bại lắm chứ!.. – ông Học ngửa mặt lên trời, tự nói với mình trong lòng: “Đã đến lúc ta phải quyết định thôi…” – Ông đi đi lại lại một một lúc rồi mới quay ra nói tiếp với Nghĩa: – Chú không nỡ… Nhiều điều khiến chú không nỡ… Chú không thể phản được kinh nghiệm của mình… Thế mà… Cuộc đời có sự lựa chọn biết phải trả giá mà chú vẫn lực chọn…: – Ông Học lại bỏ lửng câu nói.

– Chú vẫn còn một chút hy vọng hay một chút ảo tưởng ạ? – Hay là chú chấp nhận hy sinh ạ?

Ông Học cố tình im lặng?

– Cháu biết chú không tán thành Đảng của cháu. – Nghĩa gặng đến cùng.

Ông Học không trả lời thẳng vào câu hỏi của Nghĩa:

– Hay cũng là số phận hả Nghĩa? Cho đến nay chưa có một quyết định nào làm chú khổ sở như thế này cháu ạ.., đến nỗi có khi thím cháu nghi là chú mang bịnh. Những lúc phân vân như thế, chú cứ tự hỏi có phải là mình mềm yếu quá không? Gần kề miệng lỗ rồi… Không biết trong sự lựa chọn này cái máu lạnh hơi tiền của mình để đâu mất rồi?!. …Thôi đành một lần vậy… Đành một lần để cho con tim chi phối cái đầu… Lần cuối đời và cũng là lần cuối cùng cháu ơi… Có phải tuổi tác đã làm chú mềm yếu không hả Nghĩa? Hay là đau thương của dân tộc ta lớn quá! Nói đi Nghĩa! – Ông Học van lơn.

Nghĩa vẫn ráng sức ngồi im.

Ông Học rời chỗ ngồi, đi về hướng cửa sổ. Ông không muốn để Nghĩa thấy rõ tâm trạng day dứt đến tột độ của mình lúc này. Lời nói bay khỏi miệng mất rồi mà tâm trí ông vẫn chưa hết bàng hoàng…

… Hôm nay ta đã nói ra điều ta cuối cùng phải nói! Ta đã quyết định…

… Lúc này trong đầu ông Học nhớ lại những lời mình khấn trưa hôm lên thắp hương trên đền Hùng, tại đền Thượng, giữa lúc trời đang nắng bỗng nhiên mưa ào ào đổ xuống…

Hôm ấy mọi người, kể cả bà Học và Nghĩa.., đều chạy dạt vào hiên chùa trú mưa, nhưng một mình ông Học vẫn quỳ giữa sân đền Thượng, đầu gục xuống hai tay chắp vào nhau…

Đứng bên bậu cửa sổ, ông Học nhớ lại những lời mình đã khấn hôm ấy. Hôm nay trong lòng ông tự nhủ với mình điều thầm kín nhất.

… Xin Người hôm nay hãy nhận lấy quyết định của con như sự tạ tội… Xin hãy nhận ở con quyết định này… Con không cầu xin tha thứ… Vì từ khi sinh ra và cả đời mình, con đã trót là như thế mất rồi… Ôi Tổ quốc… Xin hãy ban cho con ơn huệ là chấp nhận quyết định duy nhất này trong đời con… Xin hãy giúp con vững lòng với điều con đã lựa chọn…

Nghĩa hiểu cử chỉ của ông Học, nhưng trong Nghĩa vẫn khăng khăng một sự thôi thúc ghê gớm. Nghĩa tự tha thứ cho mình về những điều làm cho mình áy náy, tự định thần một lúc, Nghĩa hỏi vọng theo:

– Như vậy là chú vẫn không né tránh được nỗi lo thảm bại, có phải thế không ạ? – Nghĩa quyết một ly không rời, nhưng trong lòng chua xót thầm trách đã xử tệ với chú mình.

Thời gian nặng nề trôi, ông Học lặng lẽ trở về chỗ ngồi của mình, uống xong ngụm chè, ông mới thong thả nói tiếp:

– Phải… – Ông Học ôm ngực một lúc rồi mới nói tiếp được: Cháu ơi, nếu xảy ra như thế, thì đấy sẽ là lần đầu tiên chú thực hiện xong được một nghĩa vụ công dân của mình đối với Tổ quốc, và cũng là lần duy nhất… Cháu ơi, trong tim ta vẫn còn một Tổ quốc… và… và…

– Xin chú cứ nói ạ.

– Và sẽ là lần đầu tiên đồng thời cũng là lần cuối cùng chú có dịp tạ nghĩa được với Đảng của cháu! Nếu được phép, chú còn muốn nói… thảm bại này nếu xảy ra, sẽ là sự tạ từ mãi mãi của dân tộc ta đối với Đảng của cháu!.. – giọng nói của ông Học gần như hụt hơi, người đổ vào tựa ghế.

– Ôi chú!

– Nghĩa đưa hai tay ôm lấy tay chú mình trên bàn như để níu lấy ông già khỏi ngã.

Lần đầu tiên trong đời Nghĩa cảm nhận thêm được những khía cạnh mới sâu sắc về dân tộc mình và về Đảng của mình.

Thu thêm can đảm, muốn nghe chú mình khẳng định dứt khoát, Nghĩa lại hỏi:

– Thưa chú, rốt cuộc nếu chỉ có một đảng cầm quyền, dù là cộng sản, nhưng làm được sứ mệnh dân tộc trao phó, chú vẫn chấp nhận? Có phải chú nghĩ thế không ạ?

– Cháu nhìn lại xem, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan thời kỳ mở đầu sự phát triển thực chất là thời kỳ một đảng cầm quyền, nhưng cả ba nước này đều phải nhăm nhăm vào hai khâu: phát triển thị trường và mở rộng dân chủ. Có lẽ đấy là cái nút, là bước đi ban đầu…

– Nhưng ngay từ đầu cả ba nước này đã có kinh tế thị trường chú ạ! Vả lại không có nhiều quốc doanh như mình!

– Phải. Mỗi nước đều có đặc thù của riêng mình, nhưng cái chung nhất là phải tạo ra được một thể chế.., chẳng có đạo đức nào thay thế được đâu… Một Đảng không nhất thiết như đinh đóng cột là phải chuyên chế, phải độc quyền. Đương nhiên trong trường hợp này nguy cơ chuyên chế độc quyền lớn lắm, phải thông qua sự nghiệp phát triển toàn diện đất nước để tạo ra tự do và dân chủ…

Nghĩa ngắt lời ông Học:

– Nhưng thưa chú, Đảng của cháu nhấn mạnh độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội!

– Chú biết! Chú biết! Cương lĩnh của Đảng cháu ghi rành rành như thế!

– Thế mà chú vẫn mạo hiểm chọn Đảng của cháu?

– Đúng thế. Cái chủ nghĩa xã hội của nhiều nước đã sụp đổ thì tự nó đã chứng minh là không đúng, chú chắc là Đảng cháu không theo đuổi nó nữa. Hy vọng là thế… Cái chủ nghĩa xã hội đang hướng tới thì chưa ai nói rõ được nó là cái gì. May mắn là ở chỗ này Nghĩa ạ!

-Trời đất, sao chú lại coi cái gì đó còn chưa rõ ràng lại là điều may mắn ạ? – Nghĩa chưa hiểu ngay ý của ông già Học.

– Điều may mắn thật đấy cháu ạ, vì hãy còn đất cho sáng tạo và sự lựa chọn… – ông già Học cười về câu hỏi của Nghĩa. -… Nếu chủ nghĩa xã hội là: Toàn Đảng toàn dân đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh… như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc của Người, sao chú lại không chấp nhận? Nếu chủ nghĩa xã hội ở nước ta đúng là nhằm vào dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, thì người Việt Nam nào lại đi phản đối mục tiêu này? – Ông già Học tìm nắm bàn tay Nghĩa trên bàn, bóp chặt. Lát sau ông lại lên tiếng:

– Tóm lại, chuyện sống còn của đất nước, chuyện phát triển của đất nước hiện nay là đảng của cháu phải nhằm vào cái đích là có tự do dân chủ để phát triển. Suy cho cùng tự do dân chủ và phát triển mới là lẽ tất yếu.., dù phải trải qua con đường quanh co khúc khuỷu thế nào đi nữa vẫn sẽ là lẽ tất yếu… Đi đến cái tất yếu này bằng con đường phát triển, hay bằng con đường đổ vỡ? Đấy là sự lựa chọn lịch sử mà Đảng của cháu phải lựa chọn.

– Sao đấy lại là sự lựa chọn lịch sử của Đảng, chứ?

– Vì đó là cơ hội duy nhất chỉ Đảng của cháu mới có mà thôi.

– Là duy nhất?

– Phải. Lịch sử vẻ vang lãnh đạo dân tộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước, mối quan hệ gắn bó chưa thấy ở nước nào giữa nhân dân và Đảng, tất cả quá trình này mang lại cho Đảng của cháu vị thế tốt nhất trong xã hội nước ta ngày nay để trở thành người đi đầu khai phá con đường phát triển Việt Nam hiện đại trên cơ sở tự do dân chủ. Nhưng cũng đừng phí phạm tọa hưởng thành quả của lịch sử!

– Chú nói vậy thì cháu xin thưa là… chú còn duy ý chí hơn cả cháu và sự lựa chọn của chú đầy cảm tính đấy ạ! – Nghĩa thấy bụng như mở cờ. Nghĩa định xin chú mình sẽ khép lại cuộc đối thoại nhưng ông Học uống cạn ly nước, lại tiếp tục:

– Chính quá trình lịch sử cách mạng của Đảng cháu tạo ra cơ hội này, không phải một chính đảng nào khác cũng có được. Cơ hội lựa chọn con đường trường tồn với dân tộc trong những bước đường phát triển tiếp theo của đất nước. Có phải như vậy không?

Tác giả: