Dòng Đời – Nguyễn Trung

Một cặp vợ chồng già ngồi ở hàng ghế trước quay lại nói chuyện với ông bà Nghĩa và Yến:

– Tôi sinh ra ở Hà Nội, sống cả đời ở Hà Nội, thế mà chưa lần nào được hưởng không khí Tết Hà Nội như hôm nay, ông bà ạ. – Cụ bà bắt chuyện một cách rất tự nhiên.

– Xuân tình thương! – Cụ ông một tay chỉ lên hàng chữ lớn trên sân khấu, một tay nắm lấy tay ông Nghĩa – Ai đặt cho buổi biểu diễn hôm nay cái tên khéo quá ông bà ạ, hợp cảnh hợp lòng người quá!

– Vâng ạ, hai cụ nhận xét đúng lắm ạ. – Ông Nghĩa đỡ lời. – …Thưa hai cụ, Hà Nội yêu dấu của chúng ta trong tình thương lại càng đẹp ạ!

– Ôi ông nhận xét rất hay! Ông có phải là nhà văn không ạ?

– Dạ thưa không phải ạ. Nhưng xin thưa với hai cụ, không biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội của tôi, và cả bản thân tôi nữa đã nhiều lần bị máy bay Mỹ giải chất độc da cam xuống đầu mình trong những năm trên chiến trường miền Trung ạ…

– Trời đất! Đã bốn chục năm, chứ có ít ỏi gì đâu! Đến thế hệ thứ ba rồi, thế mà vẫn có nhiều cháu sinh ra bị dị dạng, tật nguyền xuốt đời…

– Vâng, thưa hai cụ hậu quả ác nghiệt quá và kéo dài…

– Xin ông cho biết quý danh…

– …

…Đây Hồ Gươm, Hồng Hà , Hồ Tây… Đây lắng hồn núi sông ngàn năm… Đây Thăng Long… Bài hát dạo đầu buổi biểu diễn…

Biển người lung linh mọi màu sắc trào dâng trong lời ca thiết tha, hào hùng.

Không rõ vô tình hay hữu ý, chương trình biểu diễn các ca khúc gần như đồng hành với lịch sử của Hà Nội từ Cách mạng Tháng Tám… phần đầu với bài Bao chiến sĩ anh hùng.., Diệt phát xít… Những bài tình ca xen giữa hai cuộc kháng chiến… Ngồi nghe, nhiều lúc ông Nghĩa không rõ mình đang sống lại con đường hành quân vạn dặm của ngày hôm qua hay là đang đắm đuối trong biển nhạc chung quanh mình…

…Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi…

…Làng tôi xanh bóng tre từng tiếng chuông ban chiều…

…Hành quân xa tuy có nhiều gian khổ… hành quân xa…

…Con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi…

…Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về…

Ôi, khi tâm hồn con người hòa vào lời ca bất diệt của đất nước! Quyện vào làm một với đất nước!..

Ông Nghĩa nắm chặt bàn tay bà Nguyệt, cố nén những cảm xúc trong lòng…

…Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn… hai đứa ở hai đầu xa thẳm…

…Đảng đã cho ta một mùa xuân… Khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta…

…Tôi hát ngàn lời ca bao la hơn những cánh đồng… …Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người… Là một niềm tin…

– Ôi Nguyệt, anh nghĩ rằng anh đang được sống lại cuộc đời trai trẻ của mình!

– Anh của em xứng đáng được có cảm nghĩ này. – Bà Nguyệt xiết chặt tay chồng.

– Cháu hiểu lắm. Chú hoàn toàn xứng đáng được như thế chú Nghĩa ạ… Anh Nam cháu khi còn sống vẫn thường nói chú là tấm gương của anh Nam cháu… – Yến nói thêm vào.

– Ôi Nam của chúng ta!.. – Ông Nghĩa thốt lên.

– …

…Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng cánh chim xao xuyến gọi mùa xuân… Gửi lời chim yêu thương…

Biển người lắng xuống thiết tha trong giọng ca ấm áp của Lê Dung…

Yến phải gục đầu vào vai bà Nguyệt, thổn thức. …Đã bao nhiêu năm Yến hát trong lòng cho riêng mình nghe niềm hy vọng này, để có sức sống chờ Nam về…

Bà Nguyệt ôm riết cháu mình vào lòng, cảm thấy chính tim mình đang chảy máu…

Nghe Lê Dung hát bài này, trong lòng ông Nghĩa thầm cảm ơn cố nghệ sĩ Khánh Vân… Trong những những năm tháng khói lửa gian lao trên chiến trường miền Trung, qua đài Tiếng nói Việt Nam, những lời hát này của Khánh Vân đã mang đến cho chiến sĩ ta niềm tin sắt son… Hồi tưởng lại những năm tháng ấy, bất giác ông Nghĩa khe khẽ hòa giọng hát theo…

Không hiểu sao, hình như trong biển cả tình thương hôm nay, hay là do sự biểu diễn xuất chúng của các nghệ sĩ, bài ca nào, bài nhạc nào cũng thắm đượm một âm hưởng mới… Một hồn mới của đất nước thấm sâu vào lòng người… Những làn dân ca các miền khác nhau, những khúc ca trữ tình sống mãi với thời gian…

…Đợi anh về… Em đợi anh về, nắng đã tắt… Đứng một đời nơi đây… Gió giật mưa sa… Ngày nối ngày xót xa… Dù cỏ cây hóa đá… Cùng năm tháng nơi đây… Em đợi anh suốt đời…

Yến không cầm lòng được nữa, bật thành tiếng khóc nghẹn ngào trong vòng tay bà Nguyệt…

Sau bài Người ơi người ở đừng về… nữ ca sĩ Thanh Tâm, giọng hát vàng của giải Sao mai, người có sáng kiến đề xuất tổ chức buổi biểu diễn Xuân tình thương hôm nay được vinh dự hát bài Ước gì… kết thúc chương trình biểu diễn…

Khi Thanh Tâm hát sang đoạn hai, cả biển người không ai bảo ai nắm tay nhau cùng đứng dậy. Nối vòng tay lớn, sóng người bao la trùng điệp nhấp nhô theo lời hát. Cứ mỗi lần đến đoạn điệp khúc, tất cả cùng cất lời hát theo…

…Ước gì…

…Đường đời chân cứng đá mềm

…Đôi tay sải cánh bay cao

…Ước gì…

…Ước gì vầng dương chan hòa

…Sưởi ấm niềm tin khát khao

…Ước gì…

…Nụ cười luôn thắm môi em

…Nắng vàng sáng mãi mắt em

…Ước gì…

…Ước gì cuộc sống yên lành

…Đời em mãi mãi có anh…

…Ước gì…

Lời ca ngân xa, lòng người bịn rịn…

Như đã hẹn nhau từ trước, sau buổi biểu diễn, ông bà Nghĩa và Yến gọi taxi đi chúc Tết vợ chồng ông bà Lê Hải.

Ngồi trong xe, bà Nguyệt gợi ý với chồng:

– Bài hát Ước gì… đúng với lòng người trong những ngày Tết anh ạ. Năm mới em định sẽ chúc anh chị Lê Hải có ý chí dám mơ ước như cậu Tịch.

– Ôi, Nguyệt! Mơ ước của những lớp người như Tịch có lý lắm… Nhưng em nhớ hộ cho là anh Hải năm nay bước vào tuổi tám ba, nghĩa là hơn Tịch khoảng ba mươi tuổi đấy nhé!

– Vui thật, thế mà đến thăm lần nào cháu cũng thấy bác Lê Hải và cô Hậu cứ anh anh em em líu ríu như đôi vợ chồng trẻ mới cưới chú thím ạ. – Yến ngồi phía trước quay hẳn người lại góp chuyện.

– Đấy là cặp uyên ương cấp cụ đấy cháu ạ. – Bà Nguyệt bình.

– Nguyệt ơi, em không đọc báo Tết à? – Ông Nghĩa hỏi vợ -…Hà Nội mới có hẳn một trang và nhiều ảnh dành cho cụ Phạm Quang Giáng ở phường Ngọc Hà. Cụ một trăm tuổi, khoẻ như voi, vẫn đạp xích lô chở hai tạ hàng, vẫn yêu đời. Thương binh hạng nặng đấy, huân chương đầy ngực.

– Có, em có đọc, xem cả tivi nữa. Cả nước có lẽ chỉ có một cụ Giáng! Anh thử đoán xem vợ chồng anh Lê Hải sẽ chúc chúng ta điều gì?

– Nhưng từ năm ngoái đến giờ anh vẫn đang chờ đợi em chúc anh điều gì.

Bà Nguyệt ôm lấy tay chồng, đầu ngả sát vào vai chồng, dịu dàng:

– Anh nhớ anh Thạch ở Thạch Thất chứ?

– Làm sao quên được anh ấy! Anh tin cuộc đời này còn có nhiều người như anh Thạch, em ạ?

– Ôi tóc anh bạc trắng rồi!.. Em chúc anh ngoan cố sống! – bà Nguyệt nắm lấy hai tay chồng, nhìn sát tận mặt chồng trong cái nhìn sâu thẳm.

– Tại sao anh lại phải ngoan cố sống?

– Em nghĩ lời chúc của anh Thạch ở Thạch Thất năm nào bây giờ càng cần thiết với anh… Đúng ra là với tất cả các đồng chí của anh…

– Vì sao thế hả em?

– Em biết, anh bộ đội Cụ Hồ của em bây giờ phải dấn thân làm nhiệm vụ mới.

– Em giao cho anh nhiệm vụ gì thế? – Nghĩa hiểu ý vợ nhưng vẫn cố hỏi trẹo đi.

– Em không giao cho anh nhiệm vụ nào cả, nhưng anh bộ đội Cụ Hồ của em bây giờ phải làm nghĩa vụ mới…

– Nghĩa vụ gì thế em?

– Góp phần trang trải với lịch sử và giữ lấy lòng tin của tương lai.

– Ôi Nguyệt!..

– Làm sao nói anh hiểu được nỗi niềm mỗi lần tiễn anh ra trận… Anh không thể…

– Thím Nguyệt nói đúng đấy chú ạ. Chú không thể nào hiểu hết nỗi niềm người ở lại phía sau, lo lắng.., đợi chờ…

– …

Nghĩa cầm tay vợ lên, ngồi im…

Giữa ngày Tết mà sao ông thấy ruột gan mình tự dưng cứ như đứt ra từng khúc, dù chiến tranh đã qua đi hàng chục năm rồi…

Càng nghe bà Nguyệt và Yến nói, lúc này ông Nghĩa mới thấu hiểu hết nỗi lo của hậu phương, của vợ con mình những năm tháng trước đây. Đầu óc ông miên man những buổi tranh luận không dứt với ông Lê Hải, ông Tám Việt, với ông Chính, rồi Lễ.., ông nhớ đến những điều trăn trở của bà Sáu Nhơn, của chú Học.., những suy tư của lớp trẻ con cháu trong nhà.., ông nhớ đến Nam, Huệ.., ông nghĩ đến những buổi trò chuyện thâu đêm với vợ về bi kịch con người, về bi kịch cuộc đời…

Ôi quán tính lịch sử bất khả kháng hay định mệnh của chính mình?.. Hay là làm người thì như thế!..

Một thoáng nghĩ hay một cảm giác tê dại dồn lên trí não, ông Nghĩa không làm sao phân biệt được… Dĩ vãng chát chúa trong tâm thức, toàn thân ông rơi dần vào trạng thái bất động… Ông đem toàn sức lực cố nhúc nhích cái chân giả của mình để thức tỉnh lại chính mình. Cái chân giả ương bướng không nhúc nhích… Ông nắm chặt hai tay lại, lên hết gân cốt để cử động… Nhưng cái chân giả càng lì ra, ương bướng:

– Không được phản bội một hy sinh nào!

Ông Nghĩa nhìn chằm chằm vào cái chân giả.

– Không một mất mát nào được bỏ qua!

Ông Nghĩa hình như đang nghe thấy cái chân giả hét lên với mình như vậy… Ông liên tưởng đến cuộc sống đang diễn ra và những nỗi lo phía trước…

– Lần này có lẽ lại càng như thế anh Nghĩa ạ… – Bà Nguyệt nói với chồng.

Ông Nghĩa bừng tỉnh, ôm choàng lấy cánh tay vợ.

– Anh chưa thấu hiểu hết bao nỗi lo này đâu!.. – Bà Nguyệt vịn vào vai chồng, nhắc lại suy nghĩ của mình, mắt nhìn về nơi xa xăm phía trước, mãi một lúc sau mới nói tiếp: – Em linh cảm trước thấy nhiều điều…

– Vì sao thế?

– Anh và các đồng chí của anh đang phải bắt tay dấn thân vào nhiệm vụ khó nhất trong đời mình…

– …, ông Nghĩa lặng người.

Bà Nguyệt nắm lấy hai tay chồng lắc mạnh, đầu gục vào ngực chồng:

– Ôi anh Nghĩa!.. Anh ý thức được điều em nói chứ?

– Ôi Nguyệt!.. Lần này anh hiểu…

Ông Nghĩa cầm tay vợ lên, ấp ủ vào lòng hai bàn tay của mình như để san sẻ nỗi lo của vợ. Thấy tay vợ mình run run, ông nắm chặt lại, như để sưởi ấm cho bà… – Ông không rõ là trời hôm nay rét hơn mọi khi hay là mình vẫn chưa hình dung hết những nỗi lo của vợ…

Võng Thị, Tây Hồ – Hà Nội.
22 giờ ngày 22 tháng 7 năm 2003.
Cơn bão số 3 của năm 2003.

Tác giả: