Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Bà trẻ ơi, những chuyện này đối với cháu bây giờ là cơm áo gạo tiền, thờ ơ làm sao được ạ. Nếu có nhà đầu tư nào, trong nước ngoài nước đều được cả, hễ họ nhảy vào khu công nghiệp ở đây là cháu xông ra tham gia đấu thầu xây dựng ngay! Quân xây dựng của cháu thuộc loại mạnh trong tỉnh này! Nông dân Thái Bình làm ăn giỏi là thế, có thể nói là vô địch trong cả nước về chịu thương chịu khó, người Thái Bình đi kiếm sống khắp nước, thế mà Trung ương hàng năm vẫn phải hỗ trợ quá nửa ngân sách của tỉnh, chỉ là vì chưa thoát khỏi số kiếp tỉnh nông nghiệp ông bà trẻ ạ!

– Chết thật, lâu nay mình cứ ngỡ là Trung ương chỉ phải hỗ trợ mấy tỉnh miền núi hay vùng sâu vùng xa thôi chứ! – Ông Lê Hải thốt lên.

– Sang Nam Định cháu thấy bà con sản xuất được khá nhiều thứ. Có xí nghiệp gia đình làm gia công đến 70 – 80 phần trăm phụ tùng cho những hãng làm bếp ga nổi tiếng như Sinai, Rinnai… Đến Ý Yên cháu thấy có nhà làm đồ đồng đã đúc được tượng nặng ba mươi tấn theo phương pháp đúc liên hoàn mới sợ chứ, rất thủ công nhưng lại rất khoa học ông bà trẻ ạ. Thảo nào vùng này hồi chiến tranh phá hoại đã là một trong những nơi cung cấp chính về phụ tùng xe đạp gia công cho cả miền Bắc, có thuyền xi măng lưới thép của vua Đê(*) [(*) Một trong những ví dụ điển hình của hiện tượng “phá rào” thời bao cấp ở miền Bắc trước 1975.] , ngay lúc còn thời tem phiếu mới kinh chứ ạ!.. Nhưng đến Đa Hội bên Bắc Ninh, ngay lập tức cháu phải ngả nón bái phục. Hỏi ra, khối lượng sắt thép làng này làm ra xấp xỉ với sản lượng cả khu gang thép Thái Nguyên, ông bà trẻ thấy có đáng kính nể không ạ?

– Cháu có nói ngoa không đấy?

– Thưa ông trẻ, một trăm phần trăm thật ạ! Chỉ có điều chất lượng sắt thép Đa Hội không thể so với Thái Nguyên được. Bắc Ninh còn làm nhiều thứ khác nữa, hàng nhái khá nhiều và giỏi lắm. Ông bà phải bớt chút thời giờ đến đấy mà xem!

– Cậu đang kể chuyện khoa học viễn tưởng à?

– Gọi như thế cũng được ạ, và hầu như Nhà nước không phải đầu tư lấy một xu cho những sản phẩm này. Nhưng cháu lo sẽ có nhiều cái mất lớn, ông bà trẻ ạ.

– Mất cái gì mà mất lớn?

– Cháu xin kể làm ví dụ như thế này: Chất lượng sắt thép Đa Hội thấp, làm những công trình nhỏ và chịu tốn một chút thì có thể không sao ông ạ. Nhưng nếu để cho các công ty đấu thầu gian lận đưa vào những công trình lớn thì hiểm hoạ khôn lường!

– Nhà nước không kiểm soát?

– Cháu nghĩ là có đấy, nhưng chỗ nào cũng đày rẫy tiêu cực, ông trẻ có tin là kiểm soát được hết không? Mua và bán ở Đa Hội theo kiểu gì cũng được ông bà trẻ ạ, trời cũng không kiểm soát nổi. Đã thế thường là vài ba năm sau khi nghiệm thu công trình, hậu quả mới phát sinh.

– Nghe mà rợn cả người. Thế theo cậu phải dẹp cái làng nghề sắt thép Đa Hội à?

– Dạ không, mà có muốn dẹp cũng không dẹp nổi ông trẻ ạ. Nghề làm hàng sắt ở Đa Hội tồn tại đến nay là hơn bốn trăm năm rồi! Phải ra sức khuyến khích nó là khác. Cái chính là tạo mọi điều kiện cho nó phát triển sản xuất kinh doanh đúng với những đòi hỏi của loại sản phẩm này. Ông bà trẻ cứ đến Đa Hội mà xem, người và thiết bị thì chật như nêm, nơi sinh hoạt và nơi sản xuất chen lấn nhau. Nóng, ồn ào, khói bụi mù mịt, vệ sinh công nghiệp và an toàn môi trường ở đấy thì khủng khiếp ông bà trẻ ạ. Cháu xin lỗi, nói rằng nhà nọ ị lên đầu nhà kia cũng không ngoa đâu ạ! Đây là cái mất rất lớn, thậm chí có thể không cứu vãn được! Các tiêu chuẩn độc hại về môi trường ở đấy đều gấp hàng chục hàng trăm lần mức cho phép, chính người Đa Hội kể cho cháu nghe như vậy. Chuyện này thì tự dân Đa Hội có ba đầu sáu tay cũng phải quỳ gối đầu hàng thôi, trong khi đó ruộng đất của làng thì cho những người làng bên đến thuê để canh tác.

– Thế sao không đưa bớt cơ sở sản xuất ra khỏi làng? – Ông Lê Hải hỏi.

– Cháu hỏi rồi, dân Đa Hội muốn lắm nhưng tự mình không làm nổi ông ạ. Xã cũng đã mạnh dạn trích ra hơn chục héc ta thu gom các hộ sản xuất sắt thép lại một chỗ, thế là bạo phổi lắm đấy ạ. Nhưng diện tích này không đủ, lại thiếu trình độ tự quy hoạch, nên lộn xộn, không quản lý được. Cuối cùng chỉ là mở rộng cái lộn xộn trong làng ra ngoài đồng thôi!

– Thế không ai giúp đỡ xã quy hoạch à?

– Chắc là có ạ. Nhưng cái việc chính quyền cần làm thì lại làm không tốt hoặc không làm được, y hệt như ở quê mình vậy thôi ông bà trẻ ạ.

– Ô hay, dân đóng thuế nuôi chính quyền chỉ để thuê họ làm những việc này cơ mà?

– Ông trẻ nói hệt như cái anh Việt kiều bên Tiệp đi dịch cho cháu ở Bôhêm!

– Thôi chết rồi, tiêm nhiễm phải nọc độc dân chủ tư sản rồi anh Hải ơi! – Bà Hậu rũ ra cười.

– Bà trẻ đang chỉnh đốn lại cho ông trẻ đấy ạ. Cháu thấy ở ta không có chuyện thuê với mướn gì cả, mà chỉ có một điều nhờ ơn Đảng và Chính quyền quan tâm chỉ đạo giúp đỡ, hai điều nhờ ơn Đảng và chính quyền quan tâm chỉ đạo giúp đỡ thôi ạ. Nói chuyện với ông trẻ cháu có cảm tưởng ông trẻ lâu lâu rồi không sinh hoạt chi bộ, có phải thế không ạ?

– Nói bậy, từ ngày về hưu tôi chưa nghỉ một buổi sinh hoạt nào! – Vốn điềm đạm như ông Hải mà cũng phải bật lại.

– Nhưng sao cháu thấy ông trẻ lời lẽ cứ lạc lạc thế nào ấy ạ. Ở chi bộ, ở địa phương người ta nói khác cơ…

– Em nói không sai mà, anh trở thành phần tử lạc hậu mất rồi! – Bà Hậu vẫn chưa chịu buông tha chồng.

– Cháu mạn phép nói hỗn thế với ông trẻ một tý cho vui thôi ạ. Tại Đa Hội, cháu thấy không thể lấn đất nông nghiệp một cách vô tội vạ được đâu!.. Một số hộ ở đây đã kéo nhau đi chung vốn đầu tư một xí nghiệp cán thép theo công nghệ hiện đại vào khu công nghiệp ở Bắc Giang. Cháu hy vọng đây là một ví dụ tốt. Cháu chỉ lo phát triển làng nghề không khéo mà bò phải vết xe đổ của nhiều xí nghiệp hương trấn ở Trung Quốc thì khốn to. Cháu đã đến xem tận nơi, không thể chấp nhận được…

– Chưa đánh đã hàng à?

– Cháu làm kinh tế khác với ông trẻ làm tướng đánh giặc ạ. Ông trẻ thì lo đánh trận nào dứt trận ấy, còn cháu lại lo đánh trận trước là để mở đường cho trận sau, to hơn, phức tạp hơn. Bên Trung Quốc bây giờ đang có nhiều chuyện cam go cho xí nghiệp hương trấn đấy ông bà trẻ ạ, có người nói với cháu có đến hàng trăm tỷ đô la hàng thừa ế vì đủ các loại lý do khác nhau! Có lẽ vì thế cách đây mấy năm nhà máy xi măng lò đứng và nhà máy đường cỡ nhỏ bên ấy cứ như là được lắp chân vào để chạy sang nước ta, còn bây giờ là các dây chuyền xe gắn máy… Còn cái gỉ cái gì nữa!.. Chẳng lẽ cứ cái gì họ thải ra đều là tốt, ta đều hốt lấy tất hay sao ạ!

– Thế không ai rút kinh nghiệm chuyện này hả Tịch?

– Thưa ông trẻ cháu làm sao biết được ạ, đấy là việc của nhà nước, mà toàn là nhà nước các tỉnh hốt về thôi. Cháu đã nói rồi mà, nước ta có chạy đằng trời cũng không thoát khỏi công nghiệp hoá, nhưng công nghiệp hoá như đang diễn ra về lâu dài là không ổn, hoàn toàn không ổn. Càng lắm quốc doanh thì càng tham nhũng và độc quyền, mà đã độc quyền thì cái gì tốt đến mấy cũng sinh ra thối nát cả cho mà xem!

– Đảng viên mà nói năng về kinh tế quốc doanh như thế hả?

– Ông trẻ ơi, cháu không nói khác được. Ông trẻ có theo dõi thời sự đều không?

– Chuyện gì thế?

– Có một đống các tổng công ty 91, 92 rồi mà vẫn khối chuyện chưa đâu vào đâu. Bây giờ đang có ý định hình thành các tập đoàn kinh tế nữa. Cả nước có chừng mươi tập đoàn mạnh thì sẽ có ngày những tập đoàn này sở hữu Đảng, sở hữu đất nước cho mà xem! Còn nếu những tập đoàn này mà yếu thì sẽ kéo cả đất nước vào sự đổ vỡ của chúng!

– Coi chừng, cháu ăn ốc nói mò đấy! – Miệng nói thế, nhưng ông Lê Hải cảm thấy rờn rợn trong lòng.

– Đúng là ông trẻ ít quan tâm đến thời sự! – Tịch sôi nổi. – …Nước Nga đang khốn khổ vì các tập đoàn kiểu mafia như thế đấy ông trẻ ạ! Sang Nga tìm kiếm thị trường, cháu được anh chị em người Việt ở đấy kể cho nghe vô khối chuyện. Ông Putin khốn đốn lắm mới bỏ tù được ông chủ tịch tập đoàn dầu khí Yukhos… Còn ở nước ta ông trẻ ạ, chừng nào còn loằng ngoằng giữa công ty vợ và công ty chồng, giữa quốc doanh và ngoài quốc doanh, giữa kinh tế và đặc quyền đặc lợi, còn huy động vốn ngân sách hay vốn nhà nước cấp để cho quốc doanh kinh doanh theo cơ chế nhiều sơ hở như thế này, cháu cam đoan với ông trẻ sẽ có ngày sống mà ăn cám!..

– Liệu anh có trứng khôn hơn vịt không? – Ông Lê Hải muốn nghe nữa cho rõ ngọn ngành.

– Báo chí đã đặt câu hỏi rồi đấy ạ: Cả nước bây giờ đã sản xuất được hơn bốn triệu tấn thép, tiêu thụ chỉ hết ngót nghét ba triệu tấn, thế mà tại sao quốc doanh vẫn cứ gào chính phủ cấp vốn đầu tư mở rộng thêm sản xuất thép?! Giá lại đắt lên quá xá so với giá nhập khẩu! Ông trẻ hình dung xem nếu bây giờ chúng ta cho ra đời tập đoàn thép!.. Tập đoàn than có lẽ sắp ra đời rồi đấy ông trẻ ạ, cháu không hiểu mỗi năm hàng trăm triệu tấn đất đá phải đào bới Tổng công ty than đem đổ đi chỗ nào! Tính chi ly ra thì là lỗ… Rồi năm này qua năm khác… Táng tận lương tâm đến thế là cùng! – nói xong Tịch thở dài.

Tác giả: