Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Anh không được làm khổ anh nữa, lại càng không được làm khổ Lựu. – Giọng nói của Yến gần như ra lệnh cho Bân.

– Nhưng sao em dám cả quyết như vậy?

– Còn hơn thế… Em chẳng những tin, mà em còn hiểu điều anh không hiểu…

– Nhưng anh sợ Lựu sẽ…

– Anh Bân, – Yến giơ ngón tay trỏ lên trước mặt, không cho Bân nói tiếp – Trước hết anh phải tự tin vào chính mình! Hứa với em như thế đi!

– Anh xin hứa…

Cuối năm ấy, đám cưới Bân – Lựu được tổ chức trọng thể, ấm cúng, theo đúng phong tục của xóm làng. Người vui nhất là mẹ Bân.

Đêm tân hôn, Lựu hờn mãi, Bân không làm sao dỗ được.

– Đi đi, cưới người ta mà làm gì!

– Em đuổi anh đấy à?

– Đi đi, em bảo anh đi đi mà!..

– Anh xin em! Nín đi! Tại sao cứ chờ anh mà không đi lấy chồng?

– Hỏi thế mà cũng hỏi được à? Tại anh đấy!

– Làm sao lại tại anh hả em?

– Không biết! Anh đi đi! Đã bảo là đi đi!..

– Anh xin, anh xin. Nín đi. Nhưng mà tại anh cái gì mới được chứ?

– Tại anh mãi không cưới vợ…

Từ đêm tân hôn, Bân vượt qua được nỗi mung lung trong lòng mình, cả quyết, nhiệt thành…

Yến đi đàm phán ở Hàn Quốc về đến nhà thì đám cưới Bân ở Thái Bình đã tổ chức xong được mấy hôm… Đây là chuyến đi khá dài ngày, vì công ty của Yến đang muốn mở rộng liên doanh để xuất khẩu một số biệt dược đi Brazil, nếu thuận lợi sẽ lan sang một vài nước châu Mỹ La-tinh khác…

Ông Chính bà Hương kể lại cho Yến nghe: Trước lễ cưới mấy ngày Bân đến thăm, ngồi lại khá lâu, nhưng ít nói, rầu rĩ, hầu như chỉ kể lại những chuyện cũ cùng với Nam ở Campuchia…

Trước khi ra về Bân xin lên gác thắp hương cho Nam, lúng túng mãi mới rút ra từ túi áo ngực một phong bì dán kín:

– Xin hai bác nhận cho và thông cảm cho cháu… Xin hai bác thông cảm cho cháu… – Bân chào từ biệt và đi ngay, như đang chạy trốn điều gì đó…

Bân đi rồi mà vợ chồng ông Chính vẫn còn ngỡ ngàng, khi mở bì thư ra mới biết đấy là giấy báo hỷ, gửi cho ông bà Chính, bố mẹ Yến và Yến.

Tối hôm ấy, khi ngồi một mình trong buồng riêng, Yến mở thiếp báo hỷ của Bân ra xem mãi, như đang đọc lại những năm tháng đằng đẵng, trống trải từ khi mất Nam.

– Hãy hiểu em cho em, anh Bân… – Yến bỗng bật lên thành lời, rồi ôm gối khóc nức nở…

Yến khóc mãi, bộc bạch thân phận cô đơn của mình với chính mình… Càng khóc, càng muốn khóc nữa…

Ngoài trời không trăng không sao.

17.

Đúng vào lúc các em của Vũ bắt tay xây dựng công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Vân, trụ sở cơ quan của Vũ bị cháy.

Đấy là vụ cháy nổi tiếng Sài Gòn năm ấy. Có người nói ngôi nhà bị cháy cao nhất thành phố, phát lửa do chập điện tầng trệt, phép màu làm cho nó chỉ cháy ba tầng trên cùng. Có người lại nói hoả hoạn này cứu vô khối người khỏi đi tù, trong đó có một số nhân vật quan trọng trong công ty của Vũ và một vài quan chức Thành phố. Thực hư thế nào không rõ, nhưng biết bao nhiêu hồ sơ, chứng từ, hoá đơn, sổ sách và nghe nói còn có cả một số tiền mặt nữa biến thành tro than. Không xảy ra thương vong. Những người không bị cháy của toà nhà này khai thế nào thì biên bản hoả hoạn ghi như vậy, không có cách gì kiểm chứng. Hoả hoạn này không để lại một hệ quả hình sự nào, vì được xem là hoả hoạn, một tai nạn… Câu chuyện dễ tin, vì tình trạng điện đóm cả Thành phố phập phù. Trong thành phố nhà này nhà khác bị cháy tivi, tủ lạnh vì điện áp lúc giảm lúc đột ngột tăng vọt… là chuyện cơm bữa. Một tiếng nói khác lại nói: Vụ cháy này âu cũng là cái giá phải trả khi chuyển sang kinh tế thị trường!..

Nhưng hoả hoạn này làm cơ quan của Vũ tan rã, cấp trên trù tính sáp nhập nó vào cơ quan khác. Vũ phải ra đi vì thuộc diện giảm biên chế. Vũ thở phào:

Thà bị đuổi như thế này còn hơn tự tay phải viết đơn xin thôi việc!

Vũ chỉ đề đạt một nguyện vọng duy nhất: Được chuyển sinh hoạt Đảng về chi bộ Hợp tác xã sửa chữa cơ khí của Quân cho danh chính ngôn thuận. Nguyện vọng được đáp ứng ngay. Thật ra từ nhiều tháng trước khi nhận quyết định nghỉ việc, Vũ đã làm việc ở đây rồi. Vì ngoài việc tháng tháng hai lần đến cơ quan nhận phụ cấp thôi việc, Vũ chẳng có việc gì làm. Thôi thúc Vũ tìm đường bứt khỏi cơ quan, Quân chỉ nhắc lại với Vũ lời của nội:

– Thời cơ nào cũng chỉ đến có một lần!

Về danh nghĩa, Vũ ăn lương tư vấn kinh doanh của cái hợp tác xã đồng nát này. Hợp tác xã có tên mới là Đồng Tâm. Trên thực tế hợp tác xã này và hợp tác xã may mặc 8-3 của hai chị em Bích Ngọc và Bảo Vân đã có người quán xuyến. Bốn anh em Vũ dành hết thời giờ chạy ngược chạy xuôi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Vân.

Chuyện động trời là giấy phép đăng ký cấp cho công ty Ngọc Vân ghi rõ: Kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề. Ông Hai Phong đọc đi đọc lại, chỉ tay vào mấy chữ này nói với các con mình:

– Coi đây! Ba chịu. Các con làm được một việc không ai dám nghĩ đến! Có lẽ người ký giấy phép bỏ sót không đọc mấy chữ cuối này khi cầm bút ký!

– Ba ơi, có lẽ tại chúng con là người đầu tiên đứng ra xin loại giấy phép này ạ.

Quả nhiên ông Hai Phong có lý. Vài ngày sau khắp Thành phố lào rào chuyện công ty Ngọc Vân được cấp giấy phép kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề. Không sao phân biệt được cái lào rào ấy là phản ứng tự nhiên trước một hiện tượng đổi đất đổi trời hay là dư âm của những dè bỉu về một hiện tượng tiêu cực… Điều hiển nhiên là sau đó Thành phố tới tấp nhận được đơn xin thành lập công ty kinh doanh. Hình như những lá đơn này ém sẵn nơi kín đáo, bây giờ rộ lên như các đàn bướm từ đâu đó bay về.

… Đã kinh doanh tổng hợp rồi lại còn đa ngành nghề! Làm ăn cái gì cũng được, miễn là luật pháp không cấm? Thế thì định hướng xã hội chủ nghĩa ở chỗ nào? Một sơ hở của luật pháp hiện hành? Một thiếu sót của thực thi luật pháp? Quán triệt quan điểm nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của Hội nghị Trung ương 6(*)?[(*)Họp tháng 3-1989.] Bước đột phá nữa trong đổi mới? Hệ quả của sự giao thoa hay là tình trạng tranh tối tranh sáng giữa cơ chế kinh tế cũ và cơ chế kinh tế mới?.. Một số nhà kinh tế và báo chí nước ngoài cho rằng Việt Nam ở vào thời kỳ của nền kinh tế đang chuyển đổi…

… Tụi bay đích thị rời bỏ chủ nghĩa xã hội rồi! Ôi các con tôi!.. ông Hai Phong lo lắng, rầu rĩ.

Tha hồ bàn cãi.

Ai muốn nói gì thì nói, vào thời điểm này, vào không gian này, đấy là cái giấy phép đầu tiên cấp cho một công ty tư nhân, trong vòng 9 ngày, nói cho chính xác là tám ngày 18 giờ kể từ khi nộp đơn!..

Báo chí loan tin Thành phố đang cố gắng rút thời hạn xét cấp giấy phép xuống còn 5 ngày!.. Nhiều người có cảm tưởng mặt đất của cả Thành phố đang rậm rịch chuyển động.

Về pháp lý, công ty do Bích Ngọc và Bảo Vân làm chủ. Vũ và Quân giữ vai làm thuê, họ giữ ý như vậy vì cả hai đều là đảng viên.

… Nắm bắt được nhu cầu xây dựng nhà cửa trong thành phố tăng lên đột ngột, một năm sau khi thành lập, công ty cho ra đời xí nghiệp sản xuất đồ nội thất và công ty xây dựng. Phương thức huy động vốn và chất xám cho hai đơn vị kinh tế này trước đây đã được vận dụng cho hợp tác xã sửa chữa cơ khí Đồng Tâm và hợp tác xã may mặc 8-3, nhưng nay được bổ sung mạnh mẽ bằng huy động nguồn vốn có xuất xứ từ kiều hối. Đó còn là kết quả khả quan nhất của vận dụng bài học “lấy chữ tín làm đầu” mà bà nội Sáu Nhơn đã truyền đạt cho họ. Khi xảy ra một số vụ giật hụi, vỡ hụi đầy tai tiếng ở Thành phố, ở Hà Nội, rồi lan ra Hải Dương, Minh Hải, An Giang.., một vài tỉnh khác, luồng kiều hối càng dồn về công ty Ngọc Vân như nước đổ về chỗ trũng. Lẽ đời là ai mà chẳng muốn đồng tiền của mình được ở nơi an toàn và sinh sôi nảy nở đôi chút.

Từ những thuận lợi ấy, cách đây mấy năm, một chi nhánh của Công ty xây dựng Ngọc Vân 1 trở thành Công ty xây dựng Ngọc Vân 2, có pháp nhân độc lập, chuyên kinh doanh địa ốc. Ngọc Vân đi sang một vùng trời mới. Đất được giá, càng nhiều người cho vay, càng mua được nhiều đất… Công ty Ngọc Vân phất lên nhanh chóng. Luật pháp không cho phép mua bán đất, do đó hoạt động của Công ty xây dựng Ngọc Vân 2 là làm chui, dưới những tên gọi: Thuê dài hạn, chuyển nhượng quyền sử dụng, thế chấp, đổi chác, bao thầu… Đương nhiên là những chuyện làm ăn chui như thế về đất đai đầy rẫy ngoài đời, trở thành một thứ luật không luật. Mua bán với nhau cả một ngôi nhà, một khu đất… có khi cũng chỉ cần một cái giấy viết tay!..

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, công ty Ngọc Vân dần dần trở thành khách hàng nặng ký của một số ngân hàng cổ phần. Tuy lãi suất cho vay của những ngân hàng này khá cao, nhưng dễ vay. Công ty Ngọc Vân ước ao có thể tiếp cận được với những nguồn vốn của ngân hàng thương mại quốc doanh để tăng thêm khả năng cạnh tranh, song đấy là điều không tưởng – trừ phi có những đường dây không tưởng tượng được.

Khi công ty Ngọc Vân được phía đối tác Việt Nam cử làm đại diện đứng ra đàm phán liên doanh với Adidas may quần áo thể dục thể thao xuất đi châu Âu, một loại hình liên doanh hồi ấy được coi là đi tiên phong, dư luận tặng ngay cho bốn anh em nhà sáu Nhơn biệt danh “tứ quái”.

Bốn anh em Vũ lo nhiều hơn vui, vì hợp đồng đàm phán mấy tháng ròng vẫn chưa đâu vào đâu, miệng thế gian đã ầm lên.

Tác giả: