Dòng Đời – Nguyễn Trung

Ai đó buột miệng kêu lên một tiếng “À há!..” nghe rất rõ, nhưng Tân không để ý, chỉ lo sắp xếp lại ý nghĩ trong đầu rồi nói tiếp:

– Các bạn Thụy Điển nói với cháu là Việt Nam vẫn là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Thụy Điển, vẫn chiếm được mối cảm tình đặc biệt của nhiều người, chỉ tiếc rằng vị thế Việt Nam bây giờ, không được như các bạn ấy mong đợi…

– Sao? Cháu vẫn nói với bác là Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội lớn như bây giờ cơ mà? – Ông Chính hỏi.

– Vâng. Ta có cơ hội lớn… Đúng là thời vận lớn chưa từng có ạ.

– Lớn đến mức nào? – Mai trêu em mình.

– Chị Mai mà tay đôi với em thì chỉ có thua thôi!

– Huyên thuyên! Huyên thuyên! – Mai không chịu.

– Em nói thật đấy. Em dám nói là cơ hội hay là thời vận của nước ta hiện nay lớn đến mức là ta làm ăn còn nhiều chuyện dở như thế mà vẫn phát triển, có mặt phát triển ngọan mục là khác, vẫn nhiều đối tác muốn vào làm ăn… Chị có thừa nhận không?

– Nói tiếp đi! – Mai chưa trả lời ngay.

– Em nói thật với chị nhé, nếu còn thời chiến tranh lạnh, thì có nằm mơ cũng không dám nghĩ nước ta có thể phát triển được như hiện nay đâu! Không đổi mới như vừa qua thì cũng chẳng có được quan hệ với cả thế giới như thế này đâu!

– Các bạn cháu có nói rõ tại sao vị thế của Việt Nam còn thấp không? – Ông HAI PHONG HỏI NGAY, KHÔNG MUốN Để CHO TÂN VÀ MAI LạC Đề.

– Dạ có ạ. – Tân trả lời – …Thấp hay cao là phải so với tình thế và điều kiện cho phép ạ. Thụy Điển mong muốn ta có một vị thế cao hơn trong hợp tác, nhưng vì nhiều lẽ ta với không tới. Gần đây nhiều công ty Thụy Điển muốn đưa xí nghiệp của mình ra nước ngoài để hạ giá thành. Bạn muốn vào ta lắm nhưng thấy ta không đủ điều kiện về nhiều mặt. Bạn muốn vào Nga cho gần, nhưng thấy tình hình Nga chưa ổn, một số công ty của bạn tìm đường vào Phần Lan và thành công lớn ở đấy. Bạn nói với cháu quan hệ hai nước mà chủ yếu chỉ khuôn vào hữu nghị không thôi thì hạn chế lắm! Có mở rộng hợp tác thì mới trở thành đối tác của nhau được. Từ bạn lên đối tác còn một quãng đường dài dài nữa ạ… Ngoài ra còn biết bao nhiêu đề tài khác nữa cần mở rộng hợp tác, như hòa bình, môi trường, dân chủ, quyền con người, các vấn đề tôn giáo.., nhưng ta cứ tránh né.

– Trời ơi một trăm phần trăm âm mưu diễn biến hòa bình! Thế có chết người ta không! – Ông Hai Phong nói to, làm Tân phải dừng lại.

Tân chớp mắt liên tục nhìn ông Hai, vì bị bất ngờ, nhưng lại trấn tĩnh được ngay:

– Dạ… Thưa bác tại sao là nước xã hội chủ nghĩa mà ta cứ phải tránh né những đề tài này ạ? Chẳng lẽ chúng ta dị ứng với những thứ này ạ?

– Sợ chứ! Sao lại không? – Khái nói ngay.

– Em hiểu anh Khái nghĩ gì… – Tân trả lời.

– Nói thực đi, theo cháu không có âm mưu diễn biến hòa bình có phải không? – Ông Hai Phong truy Tân.

– Thưa bác, Thụy Điển thì có ý đồ gì đối với ta ạ?

– Hỏi thế là cháu bí rồi! – Vẫn ông hai Phong.

– Không phải thế đâu ạ. Lúc nào cũng sợ nơm nớp thì cũng không được yên thân đâu ạ…

– Lý sự cùn! – Ông Hai Phong lắc đầu.

– Theo cháu, mặt nào ta còn yếu, còn kém, ta cố làm cho tốt hơn, có gì mà phải tránh, phải sợ ạ? Ta đã làm được nhiều việc rồi đấy chứ ạ? Cái quyền số một là việc làm thì ta đã đi được một bước dài đấy chứ ạ?!. Dựa vào dân, tin vào dân, truyền thống của Đảng ta mà, lo cái gì ạ?.. Hay là…

– Tân ơi nói mồm như cậu thì quá dễ! – Khái vẫn chưa chịu.

– Thế em không nghĩ đấy là vũ khí của diễn biến hoà bình hả Tân? – Mai truy kích.

– Nhưng em cũng không nghĩ chống diễn biến hoà bình là dị ứng với những thứ này… Đừng có thụ động đối phó mãi như thế! Nước ta chung sống hòa bình với cả thế giới mấy chục năm rồi, có làm sao đâu? Chẳng lẽ quan hệ với Thuỵ Điển chỉ có hữu nghị là chính thôi hả chị Mai? Ở Thụy Điển phong trào ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ qua lâu rồi, không thể mài mãi lịch sử ra mà sống được đâu…

– Hay, hay! Không thể mài mãi lịch sử ra mà sống! Nói câu này được! Khá lắm Tân ơi! – Khái cổ vũ.

– Bạn lo rằng vị thế Việt Nam trong chính sách đối ngoại các nước khác chắc còn khó khăn hơn nhiều các bác các chú ạ! Lại còn thêm cái vị thế nước bên thứ ba nữa… – Tân giãi bày.

– Ôi, phải nói đấy là những nhận xét chân tình của bạn, cháu ạ! – Ông Chính bình.

– Cháu cũng nghĩ thế. Họ vẫn cho rằng chưa bao giờ ta có vị thế tốt như bây giờ, câu chuyện chỉ là tận dụng vị thế này ra sao mà thôi…

– Thôi đi, một điều nhân quyền, hai điều lại nhân quyền! Cháu còn quên chưa nói đến xã hội dân sự nữa đấy! Hệt như các luận điệu CIA khuyên bảo ta, thế mà cháu lại đang ăn phải đũa của họ! – Ông Hai Phong cắt ngang Tân.

– Anh Hai! Xin anh Hai… Chúng ta đã thỏa thuận để cho Tân nói hết tim đen của mình mà! – Lê Hải phải giơ cả hai tay lên trời can ngăn:

– Theo cháu, – Tân nói tiếp – bi kịch của một con người, một cộng đồng hay một quốc gia nào đó thường bắt đầu từ sự ngộ nhận cuộc sống chung quanh mình. Bi kịch của sự ngộ nhận thường đau đớn và hài hước.., đến mức có thể gây chết người ạ. Cố tình ngộ nhận nữa thì chẳng kém gì tự sát!

– Ngôn ngữ cháu sặc mùi tư sản, chẳng định hướng, chẳng lập trường gì hết trọi! – Ông Hai Phong không chấp nhận.

– Đừng đi vào triết lý nữa Tân! – Ông Nghĩa nhắc.

– Vâng ạ … Cháu xin nói rõ với cả nhà như thế này ạ: Có để cho lao động và trí tuệ của từng người dân nước ta chủ động phát huy hết mức sức sáng tạo của mình thì mới đi tới đích ta muốn được. Kết luận này cháu rút ra được từ cuộc sống của nhân dân Thụy Điển!.. Xin thưa… tất cả những gì cháu học được trong những năm học và làm việc ở đại học Stocholm không quan trọng bằng kết luận này đâu ạ!

– Ăn nói linh tinh! Sặc cái mùi xã hội dân chủ! – ông Hai Phong không chịu được.

– Tân, con nên nói về khía cạnh văn hoá xem nào! – ông Nghĩa gợi câu chuyện đi vào khía cạnh mới để làm Hai Phong bớt bực.

– Vâng, đây là vấn đề hệ trọng, là nền tảng tinh thần, là hồn thiêng của mỗi dân tộc bố ạ. Đi thăm các nước, tham quan một số vùng trong nước, con nghiệm thấy là ở đâu kinh tế phát triển mà văn hoá không phát triển theo thì sớm muộn sẽ trở thành nền kinh tế dã thú và cuối cùng là không phát triển được.

– Thế cháu không đọc các nghị quyết của Đảng về văn hóa à? – Ông Hai Phong lại hỏi.

– Cháu biết ạ. Cháu còn biết là có cả chủ trương chăm lo xây dựng văn hóa Đảng nữa… Xin miễn cho cháu bàn chuyện này. Điều cháu muốn nêu ra ở đây là cả thế giới tiến bộ, trong đó có nước ta, đang phải đối mặt với cuộc xâm lăng khôn lường của văn hoá hủy diệt, con tạm gọi nó là phản văn hóa với nghĩa rất xấu của khái niệm này!

– Ngôn ngữ của con về văn hoá sao đầy mùi thuốc súng hả Tân! – bà Nguyệt bình.

– Thế có nghĩa là con diễn đạt giỏi phải không mẹ? Mẹ phải thưởng cho con.

– Mẹ thưởng cho con thêm một bát chè nữa! – bà Nguyệt cười..

– Trong cuộc xâm lăng này kẻ xâm lược là sự tha hóa từ bên trong và đồng minh của nó là dịch bệnh ngoại lai bên ngoài. Cháu rất lo lắng về tình trạng này ở nước ta.

– Diễn biến hòa bình thì không lo, mà lại đi lo chuyện vớ vẩn! – Thoạt đầu là tai, rồi đến mặt ông Hai Phong lại đỏ chín dần lên đợt mới.

– Thưa bác, thực lòng cháu sợ điều này hơn cả diễn biến hòa bình ạ.

– Đổ hết mọi chuyện cho cơ chế thị trường, cho diễn biến hòa bình là xong tuốt, việc gì phải đánh giá hả Tân? – Khái chọc vào.

– Không được. Em nói nghiêm túc đấy. – Tân trả lời – Trong thời đại khoa học và thông tin ngày nay, theo cháu không một quốc gia nào có thể chống đỡ cuộc xâm lăng của phản văn hoá bằng sự phô trương, bằng bức tường lửa bưng bít sự thật, hay là bằng chính sách ngu dân được đâu ạ. Còn muốn cùng nhau uống thuốc an thần để tự ru ngủ, tự hủy diệt thì là chuyện khác ạ! Cũng không một quốc gia nào có thể tấn công chống lại cuộc xâm lăng của phản văn hoá bằng nghèo nàn lạc hậu, bằng tinh thần dân tộc yếu đuối. Xin các bác các chú hãy tin cháu điều này!

– Thế thì vũ khí của chúng ta là gì hả Tân? – ông Nghĩa hỏi con.

– Bố ạ, theo con, chỉ có một thứ vũ khí duy nhất, đồng thời cũng là bức tường lửa duy nhất bất khả xâm phạm thôi ạ.

– Là cái gì vậy? – vẫn ông Nghĩa.

– Thưa bố, đấy chính là ý chí bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ cộng đồng dân tộc của mình trước cuộc xâm lăng này! Ý chí này phải được xây dựng bằng sức đề kháng của mỗi con người được giác ngộ ạ. Nghĩa là phải phát huy khả năng và quyền con người của từng cá nhân cũng như cả cộng đồng của một dân tộc đã được giải phóng!

– Nói gì mà cứ như đọc trong sách của mấy nhà lý luận quốc tế xã hội dân chủ thế hả Tân? – Khái vặn lại, vẫn chủ yếu là để khiêu khích mấy ông già.

– Đừng dị ứng với bất kỳ cái gì anh Khái ạ, lẽ phải thì nghe, có thế thôi. Cũng đừng có nói chung chung về giải phóng con người, lập trường giai cấp như mấy nhà lý luận đang lên lớp cho bọn anh. Em chẳng bao giờ mê những thứ này cả. Theo em nâng cao trình độ văn hóa và năng lực của mỗi con người, làm cho mỗi con người tự chủ được cuộc sống của mình, có công ăn việc làm và tự phát huy được hết khả năng của mình, đó là đòi hỏi sống còn của mỗi quốc gia anh Khái ạ. Tóm lại, đó là làm cho con người có tri thức, và tự do dân chủ.

Tác giả: