Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Nhưng nhìn xí nghiệp bị bọn lưu manh ngày ngày cướp trắng thì tôi không cam tâm. Nó còn là cuộc sống của mấy trăm gia đình nữa bác ơi. – Hai Hân xuống giọng nài nỉ…

Ông Tư đành bước lại kéo tay Hai Hân đứng dậy. Ông Tư nhìn được hết tâm địa Hai Hân, lo lắng cho xí nghiệp của anh ta, nhưng bản thân ông thực sự không dám mở miệng nói với má Sáu, ông chỉ còn cách là nhờ Hai Phong hỗ trợ! Đâu còn cách nào khác! Hai Hân ơi là Hai Hân, cậu sinh ra hình như chỉ là để suốt đời làm rầy rà tôi!..

Má Sáu Nhơn vẫn ngồi im không nhúc nhích sau khi nghe ông Tư và Hai Phong nói rõ đầu đuôi việc Hai Hân nhờ má Sáu giúp.

Ông Tư và Hai Phong cũng rịn mồ hôi. Cả hai thấy má Sáu môi mím chặt, đầu ngả vào tựa ghế, mắt lừ lừ nhìn khoảng không trước mặt. Hai Phong có cảm tưởng từ đôi mắt của mẹ mình có hai ngọn lửa đang ngùn ngụt cháy. Đứng gần, Hai Phong thấy rõ hai bên thái dương mẹ mạch đập mạnh.

Má Sáu vẫn ngồi im, xiết chặt hai tay lên tay vịn của ghế, mặt trắng nhợt…

Cả đời mình Hai Phong chưa bao giờ nhìn thấy mẹ trong trạng thái giận dữ như vậy.

Thời gian như chết đứng, mặc dù cái đồng hồ treo trên tường vẫn vọng lên rõ mồn một những tiếng tích tắc, tích tắc đều đều…

Mãi má Sáu mới hỏi lại con mình:

– Lải nhải như thế đã đủ chưa Hai Phong? – Rồi bà Sáu quay sang ông Tư: – Tôi xin lỗi ông Tư. Xin ông cho phép tôi mắng con tôi!

Ông Tư và Hai Phong đột nhiên cấm khẩu, đứng yên như hai cây trời trồng giữa nhà.

Hai Phong thấy người mình lạnh toát. Cả đời mình chưa một lần ông bị mẹ mắng gay gắt đến mức như vậy. Ông còn nhớ khi ông bị Năm Thịnh mắng trước lúc bỏ đi di tản, má Sáu còn cản không cho Năm Thịnh quá lời. Sau này đôi lần má Sáu còn tìm cách an ủi ông… Nhưng bây giờ, khi nêu lên đề nghị của Hai Hân, Hai Phong có cảm giác mọi dồn nén trong tâm can mẹ mình bao nhiêu năm nay đột nhiên bùng nổ, không gì cản giữ nổi.

… Không lẽ cứ đứng chết thế này? Đắn đo mãi, Hai Phong lên tiếng:

– Con xin má, con nói điều gì sai, xin má bảo cho…

– Tôi cũng thành thực xin lỗi bà Sáu. – ông Tư nói thêm vào. -Mọi lỗi là do tôi, chứ không phải tại anh Hai. Chẳng qua tôi muốn giúp Hai Hân tìm cách cứu xí nghiệp mình đang khốn đốn, đấy là thực lòng của cậu ta…

– Nghe mủi lòng quá ta!.. – Má Sáu nói, vẻ mặt nghiêm khắc. – Bao nhiêu năm nay tôi ngậm đắng nuốt cay. Tôi không còn nước mắt nữa. Bao nhiêu đêm tôi khóc thầm trong lòng, có ai cứu tôi không? Tôi thuộc loại gần đất xa trời rồi, liệu tôi có thể gặp lại các con cháu tôi không? – má Sáu quay sang nhìn thẳng vào mặt ông Tư: – Ông Tư, gia cảnh tôi mẹ con bà cháu chia lìa nhau như thế này có ai cứu ai giúp không? Có ai không?.. Cả ông nữa!.. Có ai nghĩ đến điều này không? Thế mà bây giờ các người lại bắt tôi đi cứu con người đã nhúng tay vào việc gây ra cảnh chia lìa trong gia đình tôi hả?

Cả hai vẫn đứng yên.

– Nói đi chớ!.. – má Sáu giục.

Ông Tư và Hai Phong đưa mắt nhìn nhau.

– Hai Phong! – má Sáu nói như rít lên: – Khi bị Năm Thịnh mắng, con cảm thấy như bị tát, thế nhưng má mất các em con, các cháu con, thì con không cảm thấy gì, có phải vậy không?

Hai Phong giật nảy người, đưa hai tay ôm ngực. Lần này không phải là một cái tát… Hai Phong cảm thấy một ngọn roi buốt quất thẳng vào tim mình, hai chân muốn khuỵu xuống, miệng không làm sao nói lên lời…

Má Sáu vẫn san sát:

– Tôi hỏi mà các người không nói? Các người quên mất nói rồi sao?.. Gần mười năm… Mười năm, các người có nghe thấy tôi hé răng kêu ca một lời nào về cải tạo tư sản đối với gia đình tôi không? Nhưng không bao giờ tôi có thể tha thứ việc chia lìa mẹ con bà cháu tôi. Hiểu chưa Hai Phong? Ông Tư hiểu chưa!?

Nghe má Sáu gọi đích danh mình, ông Tư giật nảy người, lùi lại mấy bước, mặt tái nhợt. …Thôi chết, cái đề nghị này chạm vào chỗ đau nhất trong tâm khảm bả rồi, sao mình có thể ngu đần đến thế là cùng… – ông Tư đứng yên, trong lòng tự trách mình.

Hai Phong cảm thấy trời đất bỗng dưng tối sầm lại!

Má Sáu Nhơn đứng dậy, đi vào nhà trong, bỏ mặc hai người. Khi đi qua phòng thư viện của ông Sáu, má ngồi lại trước bức chân dung ông Sáu, tay chống cằm, đầu gục sang một bên. Đây không biết là lần thứ bao nhiêu ông Hai Phong nhìn thấy mẹ mình ngồi như vậy mỗi khi có điều gì phiền muộn. Lúc này, trong lòng mình Hai Phong muốn chạy vào quỳ xuống chân mẹ mình để xin lỗi. Ông muốn như thế lắm nhưng không dám, ông không nhấc nổi chân mình.

Vài ngày qua đi, vào sau bữa cơm tối, nhân lúc Vũ ngồi lại một mình kể cho má Sáu nghe những chuyện ngoài xã hội quan trọng nhất theo thường lệ hàng ngày, Vũ thưa với nội:

– Nội ạ, con thấy ông Tư mấy ngày nay rầu rĩ… Lần đầu tiên trong đời ông ấy bị nội mắng. Nhưng ông ấy nói với con là bị mắng không oan.

– Ông ấy khổ sở lắm sao?

– Vâng ạ.

– Hôm đó… nội không tự kiềm chế được.

– Ông Tư nói với nội chuyện này đúng là vì ông Tư lo cho đời sống mấy trăm gia đình trong xí nghiệp Tự Lực thôi. Vì thế ông ấy mới cả gan thưa chuyện với nội.

– Ông Tư có giải thích cho con vì sao ổng lại nhận giúp Hai Hân không?

– Chính con hỏi lý do. Ông Tư nói với con là ông hiểu con người Hai Hân và ông tha thứ cho Hai Hân, cho nên mới không nề hà việc thưa chuyện với nội. Trong khi nói chuyện với con, ông cứ tự đấm ngực vì ân hận.

Má Sáu Nhơn ngồi im ngẫm nghĩ. Vũ không dám nói gì thêm.

– Ông Tư biết tha thứ cho người là biết cách ăn ở đó. Còn chuyện gì mới nữa con kể tiếp đi.

– Dạ còn một chuyện, nhưng con đắn đo chưa dám thưa với nội lúc này.

– Lại chuyện gì nữa?

– Nội ạ, con nằm trong danh sách bị giảm biên chế.

– Họ có nói lý do không?

– Có ạ, đơn giản ai là người mới đến thì phải giảm trước ạ.

– Họ có đánh giá năng lực làm việc của con không?

– Việc trước tiên là cơ quan xét giảm những người mới thu nhận vào, trong đó có đủ các loại xấu, tốt, hay, dở… Họ không nói thẳng ra, nhưng con hiểu là …tự dưng anh ở đâu đến, bây giờ thì xin mời anh ra đi trước cho chúng tôi nhờ.

– Con là đảng viên mà người ta cũng không giữ lại à?

– Không nhất thiết ạ, trong trường hợp này tiêu chuẩn chính trị không có ý nghĩa gì, có nhiều quan hệ thì tốt hơn.

– Bao nhiêu quan hệ thì đủ? Con có đề nghị họ xem xét lại không?

– Không khi nào nội ạ. Con có lòng tự trọng của mình.

– Nếu họ thải con ra, con định thế nào?

– Con sẽ ra đi ngay tức khắc. Vì trong môi trường như thế, con xin ở lại chỉ thêm hèn, thêm cùn đi thôi…

– Phải. Thế là phải. Con cháu họ Huỳnh ta phải như vậy.

Hai bà cháu trò chuyện với nhau một lúc nữa, Vũ đứng dậy xin ra về. Má Sáu nói với theo:

– Con sang nói với ba con là nội cho phép ba con đứng ra mời Hai Hân dự đám cưới của chú Sang…

Bữa tiệc cưới trang trọng, ấm cúng không khí gia đình như mong muốn của má Sáu.

Tuy sâm-banh đã được rót sẵn trên bàn, khi mọi người ai ngồi chỗ người ấy theo đúng sơ đồ lễ tân của má Sáu – cách nói của Bảo Vân – ông Tư nổ một chai mới báo hiệu buổi tiệc bắt đầu. Cả nhà vỗ tay. Má Sáu ngồi giữa bàn tiệc, một bên là cháu Kim, một bên là Bảo Vân – có lẽ đấy là hai đứa cháu gái má cưng nhất. Đối diện với má Sáu là ông Tám Việt, một bên là cô dâu chú rể, một bên là vợ chồng Hai Phong.

Má Sáu đứng dậy:

– Thưa ông Tám, xin cảm ơn ông tới dự lễ thành hôn của hai con chúng tôi là Nguyễn Thị Trang và Võ Sang. Trước khi mời ông nói lời chúc mừng hôn lễ của hai cháu, tôi xin phép trao đôi nhẫn cưới này cho hai cháu… – má Sáu rời chỗ ngồi bước tới chỗ cô dâu chú rể, tự tay đeo nhẫn cho hai người: …Hai con rất xứng đáng với nhau! Má hôm nay thấy mừng quá, vui quá. Chúc hai con hạnh phúc…

Trang ôm lấy má Sáu, lấy tay gạt giọt nước mắt lăn trên má bà, nhưng nước mắt lại nhoè nhoẹt trên mặt Trang… Võ Sang cả hai tay nắm lấy tay má Sáu, không nói nổi lời nào.

Khi má Sáu trở về chỗ ngồi của mình, cả Trang và Sang, chẳng ai bảo ai, cùng chắp tay lạy má Sáu ba lạy. Võ Sang, thường ngày nói năng oang oang, hôm nay chỉ nói được mỗi câu lí nhí, nhưng đầy xúc động:

– Chúng con tạ ơn tái sinh của má!

Niềm hân hoan chia vui rạng rỡ trên nét mặt mọi người.

Má Sáu đứng dậy trịnh trọng:

– Xin kính mời ông Tám nói vài lời với cô dâu chú rể.

– Thưa bà Sáu Nhơn, thưa cô dâu chú rể, thưa cả nhà.. – ông Tám Việt nói chậm rãi, vì xúc động nhiều hơn là vì cân nhắc. – Ai đã đi qua những đoạn trường của cô dâu chú rể, mới hiểu được giờ phút hạnh phúc hôm nay! Không lời nào nói xiết được! Có lẽ tôi được phép nói, tôi cảm nhận được điều này, cảm nhận sâu sắc. Tôi xin chúc mừng cô dâu chú rể. Nhưng đúng ra tôi muốn cảm ơn cô dâu chú rể. Bởi vì hạnh phúc của cô dâu chú rể càng ghi tâm khắc cốt đoạn trường tôi đã đi qua. Bởi vì hạnh phúc của cô dâu chú rể càng thôi thúc tôi hướng về phía trước, con đường tôi đang đi… Xin chúc mừng. Xin cảm ơn… – trong khi nói, những ngày tháng sống chết giành giật nhau quyết liệt ở chiến khu Củ Chi hiện lên trong tâm khảm ông Tám… Rồi đến cái tin sét đánh …chiếc ca-nô chở vợ con ông bị Mỹ nguỵ ném bom…

Tác giả: