Dòng Đời – Nguyễn Trung

Khi từ cửa sổ quay vào, Lê Hải nói:

– Đúng đấy anh Nghĩa ạ. Chúng ta nợ lịch sử, nợ con cháu mình nhiều lắm! Đảng ta phải đứng ra trang trải với lịch sử thì mới giữ được lòng tin của tương lai, mới bớt được tổn thất và mở đường đi tiếp được… Điều này sẽ quyết liệt lắm!..

– Lại đến lượt lớp đảng viên chúng ta phải xông lên đi đầu như đánh Pháp đánh Mỹ ngày xưa có phải không anh Hải?!

– Lớp đảng viên chúng ta?!.

– Còn ai nữa?.. Anh nghĩ lớp đảng viên chúng ta được đặc ân rút về hậu tuyến?

– Làm đảng viên lúc này thật là vô cùng khó có phải không anh Nghĩa?

– Vâng

– Mỗi đảng viên chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để tự đổi mới và chỉnh đốn…

Lê Hải bỏ dở câu nói… vì không chịu nổi cái viễn cảnh ghê lạnh có thể xảy ra, nếu… Trong ký ức ông rộn lên những chặng đường thăng trầm của đất nước, của chính thân phận mình…

Ông Nghĩa thấu hiểu tâm trạng ông Lê Hải lúc này. Ông lặng yên chờ đợi, mãi mới gạn ý bạn:

– Dứt khoát phải tổng kết chặng đường ba mươi năm đầu tiên anh Hải ạ.

– Vâng, không thể nói khác được. Đấy chính là giác ngộ con đường của tư tưởng Hồ Chí Minh!.. Chính vì lẽ này, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong chặng đường mới ngày nay, theo tôi phải bắt đầu từ thu phục nhân tâm về một mối anh ạ!..

Lê Hải nắm lấy tay bạn:

– Ôi, xây dựng Đảng của thời kỳ chấn hưng đất nước trên cơ sở thu phục nhân tâm về một mối!.. Có lẽ anh nói đúng đấy! Khởi sự của mọi khởi sự!.. Có thể đây sẽ là nhát búa đầu tiên đập tan một mắt xích của quán tính lịch sử. Có phải như thế không anh Nghĩa?

– Tôi tán thành!.

– Nếu thế bây giờ tôi có thể nói dứt khoát mình không phải là kẻ cuồng tín! Tôi khẳng định.

– Tôi cũng nghĩ là ngoài nghĩa vụ đối với dân tộc, chúng ta không có gì khác phải băn khoăn, phải lựa chọn anh ạ.

– Chúng ta phải là đảng viên của Đảng như thế!

– Anh Hải ơi, cái giá phải trả cho Tổ quốc độc lập và dân tộc thống nhất không gì có thể so sánh được… – Ông Nghĩa lặng đi hồi lâu, bao khúc đường đời đã trải qua lúc ẩn lúc hiện trong tâm trí…

Ông Lê Hải cảm thấy ngực mình nặng trĩu. Ông đứng dậy đi đi lại lại, mãi mới quay lại nói với ông Nghĩa:

– Tôi hiểu… Tôi sống thì mang trong tim mình, chết thì mang theo những lời má Sáu Nhơn tôi nói cho biết vì sao tự tay bà đã xé Tuyên ngôn độc lập…, rồi lại chính tự bà cất đi, gìn giữ… để trao lại cho con cháu… Đảng ta còn nặng nợ với dân tộc nhiều lắm – Lê Hải lặng đi một hồi rồi tiếp – Riêng tôi, cũng nợ anh rất nhiều anh Nghĩa ạ… Tôi sẽ chung sức với anh… May ra hai chúng ta góp được phần mình vào tiếng nói chung bảo vệ Đảng, bắt đầu từ bảo vệ lý tưởng của Đảng anh Nghĩa ạ…

– Bây giờ là vì dân tộc tự do của đất nước độc lập tự do!..

– Nhất quyết không thể để mất thời gian vàng phía trước của đất nước, anh Nghĩa ạ!

Hai bà đã thức dậy sau giờ nghỉ trưa, cắt ngang câu chuyện của hai người. Bà Hậu toan rủ chồng ra về, nhưng bà Nguyệt không muốn rời khách, vì hiếm khi có cả một ngày trọn vẹn với nhau như thế này.

– Năm nay chúng ta phá lệ đi Hậu ơi!

– Chị định làm gì.

– Bây giờ chúng mình rủ nhau đi lễ.

– Xưa nay chị có đi lễ bao giờ đâu.

– Thế mới gọi là phá lệ.

– Chị định đi lễ ở đâu?

– Có lẽ… đền Ngọc Sơn. Vừa là để nhớ đến tổ tiên của đất nước, vừa đi xem người xem cảnh. Kết hợp xem chợ hoa ở phố Lê Thạch và vườn hoa Nhà Kèn(*).[(*)Tên gọi dân dã vườn hoa này của người Hà Nội, vì không thích tên gọi chính thức của nó là vườn hoa Paulbert (toàn quyền Paulbert). Sau Cách mạng Tháng Tám đổi tên là vườn hoa Chí Linh.]

– Em nhất trí! – Bà Hậu gần như reo lên.

Nguyện vọng của hai bà là mệnh lệnh tối thượng đối với hai ông. Uống xong ấm trà sen ngày Tết và thưởng thức món mứt khế do bà Nguyệt tự làm rất công phu, hai cặp vợ chồng già quyết định lên đường…

– Nhân danh tiểu đội trưởng, tập hợp một hàng dọc! Đi đều bước! – Ông Nghĩa vừa hô vừa chống tay lên bàn đứng dậy.

– Anh Nghĩa, để em gọi taxi đã! – Bà Nguyệt can lại.

– Ai lại cưỡi ngựa sắt xem hoa thế! Đi bộ mới vui!

– Anh vừa mới thay chân mới, em sợ anh không đi bộ nhiều được.

– Em yên chí, anh tập cả tuần nay rồi mà!

– Không được đâu anh yêu ơi. Anh quên mất những lời cảnh báo của bác sĩ rồi à? Từ một năm nay huyết áp anh thất thường, đã thế nhịp tim của anh hồi này chậm quá và không ổn định!

– Đừng lo. Có lẽ em muốn trách hồi nay anh yêu em không bằng ngày xưa, có phải không? – Nghĩa chống chế.

– Có chuyện tim mạch thật hả anh Nghĩa? Sao anh lại giấu tôi? – Lê Hải lo lắng.

– Chuyện thanh gươm Damocles lơ lửng trên đầu mọi kẻ già nua ấy mà, anh Hải. – Nghĩa cười.

– Tim anh Nghĩa đập chậm như thế mà Đảng theo còn không kịp, đập nhanh hơn nữa thì chết người ta à! – Bà Hậu trêu Nghĩa.

– Thôi đi Hậu ơi, đừng làm cho anh Nghĩa phổng mũi. – bà Nguyệt kêu lên.

– Em đồng ý. Chị Nguyệt nói đúng đấy, em thấy đi taxi thôi. Đến Bờ Hồ anh tha hồ đi bộ, anh Nghĩa ạ!

– Phụ nữ bao giờ cũng về một phe với nhau! – Ông Nghĩa vẫn chưa chịu.

– Hay là lấy biểu quyết vậy? – Ông Lê Hải chen vào.

– …

Đúng là người già thường hay có những chuyện của con nít. Chỉ có mỗi việc đi bộ hay đi taxi mà ông Lê Hải tranh thủ hút gần xong điếu thuốc vẫn chưa ngã ngũ được giữa bốn người với nhau.

Cuối cùng là sự thoả hiệp: Đi taxi, đến ngã tư Hai Bà Trưng – Phan Chu Trinh thì đi bộ…

Hà Nội những ngày đón xuân đẹp lên muôn phần, vui lên muôn phần. Chung quanh Bờ Hồ càng đẹp, càng vui. Chỉ tiếc là không có cụ Nguyễn Du để tả lên cảnh đẹp người đẹp ở đây! Có kém gì ngựa xe như nước áo quần như nêm..!

Tại chợ hoa bạt ngàn là hoa…

Hình như chưa năm nào hoa mai vàng miền Nam, lan và hồng Đà Lạt, hoa đào Sa Pa… ở Hà Nội nhiều và đẹp như năm nay. Nói là hoa cả nước về Hà Nội khoe sắc cũng không quá lời. Có hẳn nhưng khu riêng dành cho hoa oải hương từ Côn Minh, nhiều loài hoa thuỷ tiên mới từ Bằng Tường, từ Đông Hưng.., các loại hoa phong lan quý từ Thái Lan… Hoa người, hoa trên đường đi và khắp nơi, hoa đèn, hoa điện… Nhưng đẹp nhất có lẽ là hoa trên nét mặt mọi người. Ngay đến cả những câu chuyện của dòng người áo quần như nêm… hầu như cũng chỉ nói về hoa, bình về hoa, xuýt xoa mua trượt cành đào này, hoan hỉ mua được cây mai nọ, ước ao cây hải đường kia…

Có một đám đông lạ lạ, vợ chồng ông Lê Hải và vợ chồng ông Nghĩa cố len vào: Mọi người đang xúm lại bình phẩm và tấm tắc khen chậu trà Kim Đỉnh…

– Anh Nghĩa ạ, xưa nay chẳng ai biết Kim Đỉnh là ở đâu. Thế mà từ ngày cái thú chơi hoa trở thành phong trào, hoa trà của cái làng Hà Tây này nổi tiếng cả miền Bắc!

– Tôi biết làng này từ những ngày tập luyện để đi B anh Hải ạ! Hồi tôi bị triệu vào biệt thự Thạch Thất, làng này và cả huyện Thạch Thất đói khủng khiếp.

– Đứng giữa trời và hoa thế này anh nói đến câu chuyện Thạch Thất làm tôi chạnh lòng… – Giọng ông Lê Hải bỗng dưng nghẹn lại.

– Cuộc sống hôm nay đã chuyển từ ăn Tết sang chơi Tết, có phải không anh Hải? – Ông Nghĩa bối rối, cố chuyển hướng câu chuyện.

– Tôi vẫn nhớ ngày nào cứ Tết đến là phải lo cho cơ quan sao cho đủ chia nhau mấy lạng thịt, mấy cân gạo nếp… Ôi, cành đào kia mới đẹp anh Nghĩa kìa! Dáng đẹp, hoa thưa và mập!

Lại một đám đông nữa: Bồn hoa uất kim cương đủ bốn màu, lần đầu tiên tạo giống được ở Đà Lạt… – người bán hoa giới thiệu…

Nhiều lúc ông bà Lê Hải và ông bà Nghĩa chân như bị dính xuống đường vì bị cái đẹp của người và của hoa lôi cuốn. Cũng có khi vì đông người quá, không còn lối mà đi… Có lúc hai ông lạc mất hai bà, ông Nghĩa phải kéo ông Hải lại đứng nguyên một chỗ để dễ tìm nhau.

– Không ra đường như thế này không biết Hà Nội đón Tết như thế nào chị Nguyệt ạ!

– Hậu ơi, nam thanh nữ tú áo quần năm nay đẹp ơi là đẹp…

Loanh quanh mãi bốn người mới ra đến đường Đinh Tiên Hoàng. Khi sang bên kia đường, người đông ơi là đông. Ông Nghĩa được thể nói với vợ:

– Em thấy chưa không đi taxi là đúng!

– Anh ơi, nếu không đi taxi đến Phan Chu Trinh thì còn lâu chúng mình mới đi được tới đây.

Ông Nghĩa xem đồng hồ:

– Thế mà ở chợ hoa gần hai tiếng đồng hồ rồi đấy em ạ!

– Đi xem chợ hoa mà hai anh cứ giục như giục tà đằng sau! – Bà Hậu hãy còn tiếc rẻ.

– Em thích, mai chúng ta lại đi nữa, Hậu ạ. – ông Lê Hải an ủi vợ.

– …

Khi qua cầu Thê Húc để vào đền Ngọc Sơn, cả bốn người không ai bảo ai đều thú nhận với nhau không nhớ được kỳ đi thăm đền lần cuối là bao giờ và năm nào, mặc dù họ hầu như hàng tháng hay hàng tuần đều có việc đi trên đường Đinh Tiên Hoàng.

– Chỉ riêng điểm này chúng mình mất tiêu chuẩn người Hà Nội rồi! – Ông Nghĩa nói với vợ.

– Em cũng không thể nhớ là lần chót vào thắp hương đền này là năm nào, chắc chắn là từ khi nghỉ hưu thì chưa. Hồi còn đi dạy, thỉnh thoảng em có đưa học trò đến đây trong những buổi ngoại khoá.

– Thế mà cứ khoe mình là Hà Nội gốc đấy!

– Có lẽ tại bọn chúng mình không có thói quen đi lễ bái các đền chùa, đã thế lại cho là Hà Nội thì biết hết rồi, chỉ để ý tham quan tận đẩu tận đâu… – Ông Lê Hải thú nhận.

– …

Tác giả: