Dòng Đời – Nguyễn Trung

Sau khi bỏ tiền vào hòm công đức, bà Nguyệt thắp hương rồi đưa cho từng người để mỗi người tự tay cắm trên bàn thờ gian chính. Tất cả cùng nhau vái lễ rất cung kính, rồi đi thăm các gian trong đền. Lúc này bà Hậu mới võ vẽ đọc các chữ Nho trên các hoành phi, các câu đối, các ảnh, các phướn đặt trong đền. Bà Hậu đọc chậm, vì cũng quên nhiều, song cũng vẫn còn đọc được nhiều và giảng cho ông Hải và ông bà Nghĩa cùng nghe.

– Vốn liếng chữ Nho của em ông nội dạy cho mười bây giờ chỉ còn một hai, anh Hải ạ.

– Còn hơn là anh mù chữ hoàn toàn.

– Chị Hậu còn hơn tôi, hồi ở Quế Lâm, tôi có học được vài chữ Hán, giờ hầu như không còn chữ nào. Nhưng chữ tôi học là chữ Hán giản tự, tôi chỉ đọc được đôi ba chữ ở đây. Chữ này có lẽ là chữ phúc, chữ này là chữ tâm, đây có lẽ là… là chữ thư…

– Thì ra đền này thờ đức thánh Trần cùng với nhiều vị học sĩ khác của nước ta, bây giờ anh mới biết, Hậu ạ.

Khi mọi người quay ra, bà Hậu đột nhiên chỉ tay lên bức tường đối diện với bàn thờ chính:

– Anh Nghĩa nhất định phải đọc được hai đại tự kia! Không biết chữ cụ nào viết mà đẹp thế!

– A, đấy là tên tôi! Trung Nghĩa! – ông Nghĩa gần như reo lên, – …Hai chữ này tôi đọc được dễ dàng. Chết thật, tôi không ngờ tên mình lại được viết ở đền, nhưng hai hàng chữ lạc khoản hai bên tôi chịu chết!

– Anh Nghĩa nói thế là phạm thượng. Các cụ viết hai đức tính quý báu để dạy con cháu, đâu có phải viết tên anh! – Bà Nguyệt chấn chỉnh lại suy nghĩ của chồng.

– Cô giáo dạy văn của anh nghiêm khắc quá. – Ông Nghĩa xuýt xoa.

– Hai hàng chữ lạc khoản là thế này – Bà Hậu đọc: …Thư Điền Trần Mỹ Tân bái đề, hàng bên kia là …Tuế tại Đinh Mão thu. Nghĩa là hai chữ Trung Nghĩa do cụ Trần Thư Điền, hiệu là Mỹ Tân viết kính dâng đền này, viết vào mùa thu năm Đinh Mão… – Bà Hậu nhẩm một lúc. – …Năm Đinh Mão là năm 1927.

– Ôi anh Nghĩa, đấy là chữ của ông ngoại! Trần Thư Điền, hiệu là Mỹ Tân. Đấy chính là tên và hiệu của ông ngoại! Thế mà bây giờ em mới biết! Ông ngoại ngày xưa đoạt giải nhất thi về bút pháp ở Hà Nội. Hồi mợ còn sống ở trên Việt Bắc, mợ đôi ba lần kể cho em nghe chuyện này. Hồi ấy em còn nhỏ nên không để ý lắm, lại mù chữ Nho nên em không nghĩ đến chuyện này nữa. Ông ngoại mất lúc em một hay hai tuổi, mợ kể lại thế…

– Anh vẫn nhớ em kể nhà ông ngoại ở phố Hàng Nón, số nhà 22, bây giờ vẫn còn… Hôm lên thăm chị Chiêm đi qua anh thấy hình như người ta đang xây lại nhà này Nguyệt ạ.

– Thỉnh thoảng đi qua em vẫn dừng lại đứng nhìn. Em không thể nhớ được ông ngoại hình dáng thế nào, nhưng mỗi lần đứng nhìn như thế lại nhớ đến mợ, ngôi nhà này đã sinh ra mẹ mình… Từ lâu ngôi nhà này không phải là nhà mình nữa rồi anh ạ. Tý nữa trên đường về em phải kể cho anh Kỳ anh Ngạn biết ngay chuyện này mới được anh Nghĩa ạ!

– Anh Kỳ và anh Ngạn là hai ông anh của Nguyệt, anh Hải chị Hậu ạ. – Ông Nghĩa giải thích.

– Năm mới, anh chị Nghĩa chắc chắn sẽ có điều gì may mắn lớn, hôm nay coi như là tìm lại được cội nguồn… – Ông Lê Hải chia vui.

– Sẽ có thể có thêm cháu nội hoặc cháu ngoại! Anh chị Nghĩa ạ… – Bà Hậu nói thêm vào.

Vợ chồng ông Nghĩa và vợ chồng ông Lê Hải đã quay trở ra đến Tháp Bút mà vẫn còn quyến luyến chưa muốn về. Họ định cùng nhau đi bộ tiếp ra đầu đường Tràng Thi, cố đi thật chậm, vì có nhiều chuyện vui để nói, vì dùng dằng chưa muốn chia tay nhau…

Đến chỗ đối diện với nhà bưu điện, từ xa xa họ nhìn thấy một ông già ngồi bệt xuống đất, bên cạnh cái ghế đá, áo quần bạc thếch, xộc xệch, dáng điệu ủ rũ, tóc tai rũ rượi bẩn thỉu, thật là ngược hẳn với cảnh đời chung quanh. Càng đến gần, ông Nghĩa càng thấy hình dáng ông già này có vẻ quen quen.

…Tại sao ông ta lại ngồi bệt xuống đất thế kia? Ghế đá ngay bên cạnh lại không ngồi?..

Ông Nghĩa tập tễnh bước rảo lên phía trước, đến chỗ ông già:

– Ôi anh Tiến! Anh Đoàn Danh Tiến!

– Trời ông Nghĩa! Phạm Trung Nghĩa!

– Vâng tôi là Nghĩa.

– Anh Tiến, sao anh lại ngồi bệt xuống đất thế này? Để tôi đỡ anh lên ghế!

– Đoàn Danh Tiến chết rồi!

– Anh làm sao thế? Chắc anh đi đường bị mệt!

– Để tôi yên! Không còn Đoàn Danh Tiến nào cả! – Ông Tiến phát bẳn.

– Trời ơi, anh là anh Tiến, bố của cháu Thắng, cháu Lợi. Chị nhà là chị Hà. Anh còn sống thế này sao nói gở thế? – Trong lòng ông Nghĩa đầy lo lắng.

– Tất cả chết hết rồi, vì Đoàn Danh Tiến đã chết rồi! Không Hà, không Thắng, không Lợi gì hết!

Lúc này ông Lê Hải, bà Hậu và bà Nguyệt cũng vừa đi tới nơi. Ông Lê Hải ngơ ngác một lúc, song cũng hiểu ra ngay có chuyện chẳng lành, liền một tay cầm lấy tay ông Tiến, một tay xốc nách, cùng với ông Nghĩa đỡ ông Tiến ngồi lên ghế đá:

– Anh Tiến, ngồi lên đây anh! Chắc anh đang mệt lắm.

– Lại thêm cả ông Lê Hải nữa!

– Anh còn nhớ tên tôi, như thế là anh chỉ bị mệt thôi.

Ông Tiến lúc này ngoan ngoãn ngồi lên ghế, khác hẳn với thái độ cáu bẳn lúc mới gặp ông Nghĩa. Bà Nguyệt và bà Hậu ái ngại đứng nhìn, nhưng không hiểu chuyện gì xảy ra nên không dám tham gia câu chuyện.

– Để tôi gọi taxi đưa anh về nhà nhé? – Ông Nghĩa ân cần.

– Chúng tôi đưa anh về nhà anh, hay là bây giờ mời anh về nhà chúng tôi. Xin tuỳ anh. Nhưng chúng tôi không thể để anh ngồi một mình thế này được, lại năm hết Tết đến rồi… – ông Lê Hải dỗ dành.

– Mời anh năm nay đến ăn Tết cùng chúng tôi…

– …

Ông Tiến vẫn ngồi im, ngây dại, có lúc hai lòng đen trong mắt như là bé xíu lại hay là biến đi đâu mất, lúc lại lờ đờ… Ông Nghĩa và ông Hải vẫn ra sức dỗ dành.

Bỗng nhiên ông Tiến khóc rống lên, than vãn:

– …Tôi không ngờ lại đến nông nỗi này… Thằng Thắng là kẻ giết người, nhà cửa của tôi đã bị mấy con đĩ chiếm mất, do tôi trót dại… Trời đất ơi bây giờ chúng rước thêm cả mấy thằng đầu gấu nghiện hút về làm đĩ đực ngay trong nhà!.. Thực ra cơ sự này cũng là tại tôi… Khổ thân tôi quá trời ơi!

Bỗng nhiên ông Tiến đứng dậy rồi hét vào giữa mặt ông Nghĩa và ông Lê Hải: Đoàn Danh Tiến chết rồi! Các người biết không, Đoàn Danh Tiến chết rồi!… – Dứt lời ông Tiến vụt chạy biến.

Tiếng gào thét tuyệt vọng, phẫn uất của Đoàn Danh Tiến cứ đuổi theo Lê Hải và Phạm Trung Nghĩa. Tiếng gào càng lúc càng thêm khàn đặc. Tiếng gào vô vọng ấy cứ đuổi theo hai người, theo mãi…

Lê Hải và Phạm Trung Nghĩa vừa ái ngại vừa xót thương cho Đoàn Danh Tiến – một con người từng ham muốn tột cùng đỉnh cao danh vọng và đã không từ bỏ bất kỳ một mưu mô và hành động đớn hèn nào kể cả việc lập mưu đẩy Lê Hải đến đường cùng, đẩy Phạm Trung Nghĩa vào chỗ chết… Hòng đạt được tham vọng cuồng điên đó.

Và đau đớn hơn, chính con người như Đoàn Danh Tiến lại từng là đồng chí của Hải và Nghĩa và cũng đã từng có những khoảnh khắc thiêng liêng đứng tuyên thệ dưới cờ Đảng…

Trên nét mặt của Lê Hải và Nghĩa, niềm vui đi chợ Tết trở thành nỗi đăm chiêu day dứt.

Một cao lênh khênh, một tập tễnh, hai người lính già này đi giữa biển người và hoa mà lòng nặng trĩu. Họ bước đi trong bão táp những suy nghĩ riêng tư của mình và hầu như không nhìn thấy gì xung quanh. Bóng dáng họ nhập lại làm một, nhòa dần vào biển người đi chơi chợ Tết.

30.

Tết đã đến.

Đây là cái Tết thứ tư, thứ năm, thứ sáu gì đó tổ chức bắn pháo hoa trong cả nước kể từ khi cấm pháo… Tiết xuân năm nay cũng chiều lòng người, trời rét khô nhưng không cóng, ban ngày nắng xuân chan hoà. Tính bù thêm ngày nghỉ cuối tuần, Tết năm nay được nghỉ bốn ngày rưỡi, thời gian thoả thuê cho một cái Tết vui vẻ, ấm cúng. Đường sá Hà Nội lúc nào cũng đông, người Hà Nội đi chúc Tết nhau, bà con các tỉnh kéo về Hà Nội ăn Tết và đi chơi Tết. Khách du lịch ngoại quốc đến ăn Tết Hà Nội cũng đông hơn mọi năm. Ai cũng thừa nhận Tết ở Hà Nội vẫn có một cái gì đó rất riêng, rất Hà Nội. Năm nay lại càng như vậy. Đã từng trải qua bao thác ghềnh trong dòng đời của mình, Hà Nội cùng với cả nước bước vào xuân mới với tất cả hy vọng và sức sống mới…

Nét đón xuân chưa từng có của Hà Nội năm nay là buổi biểu diễn âm nhạc sáng mùng hai Tết trên sân vận động Hàng Đẫy, quyên tiền trợ giúp các trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất độc màu da cam. Chương trình biểu diễn cho thấy những ca sĩ nam nữ, những tốp ca, tốp nhạc nổi tiếng nhất trong cả nước đều hăng hái góp phần. Từ trong năm, ông bà Nghĩa đã mua vé và sắp xếp thời giờ đi dự buổi biểu diễn này, mời cả Yến đi cùng. Ông bà Nghĩa đi đâu cũng rủ Yến đi vì chỉ lo cháu mình buồn trong những ngày Tết. Cháu Trung Nam, con trai Yến, lúc này đã chuyển sang học ở Mỹ. Ba người rủ nhau thuê taxi đi sớm để được xem gương mặt Tết của Hà Nội, Yến đã cho người lái xe riêng của mình về quê hôm hai mươi tám Tết…

Còn hơn nửa giờ nữa mới đến giờ khai mạc, nhưng các chỗ ngồi trên các khán đài và cả trên sân vận động đã lấp kín. Biển người trên sân vận động là biển của niềm vui, của hân hoan dạt dào tình người. Những lời chào hỏi nhau, những lời chia sẻ với nhau những ấn tượng ngỡ ngàng vì chưa bao giờ được sống trong không khí ấm cúng bao la như thế của Hà Nội, những lời chúc Tết nhau với những người chung quanh, dù quen biết hay không quen biết… Trong ánh nắng vàng nhạt hiền hòa, cái rét nhè nhẹ hình như chỉ để làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn…

Tác giả: