Dòng Đời – Nguyễn Trung

Trong tầng lớp sĩ quan cao cấp ở Sài Gòn không ai mách bảo ai, nhưng đều có chung một thông tin ngầm: Hễ có đại sự nguy khốn, bất kể thuộc loại việc gì – từ làm áp-phe (affairs) đổ bể, biển thủ, giết người, đến làm gián điệp, làm đảo chính… – bất kể bị khép vào tội nào, cách thoát tội cuối cùng là đút lót cánh Lý Lương Thân. Lòng nhân ái ra tay độ thế của cánh Lý Lương Thân được đo bằng đô-la. Sự việc mà đến mức Lý Lương Thân không cứu, không thèm cứu hoặc không cứu nổi nữa thì coi như bị xoá sổ Thiên Tào… Lễ bàn với Thảo, bao nhiêu tiền của kiếm được trong các áp-phe mấy năm gần đây dốc ra hết, nhờ cánh Lý Lương Thân minh oan. Chỉ còn cách ấy. Bố mẹ Thảo, chú thím Học và vợ chồng Hoài đã sang California mấy năm nay rồi, cậy đâu ra tiền. Cứu mạng sống là số một, rồi làm lại từ đầu vậy… Nếu thoát chết thì kỳ này là cháy nhà đợt hai! Sẽ không còn gì nữa để mà lo cháy…

… Ngày ấy, từ chiến trường quân khu I, lo lót mãi mới chuồn được đi học bồi dưỡng lớp sĩ quan cao cấp 18 tháng ở trường Cao đẳng quân sự. Tiền lót tay có hạn, lại chỉ là lớp bồi dưỡng, nên mãn khoá Lễ chỉ được thêm cái lon trung tá. Lon chưa kịp nhận, đã có giấy gọi quay trở lại quân khu I. Lập tức Lễ phải đâm bổ ngay về nhà, của cải kiếm được trong các áp-phe bao nhiêu năm trời phải nướng hết cho các đấng bề trên để chạy cho bằng được cái chân chuyên viên, nói thực là loong toong cao cấp, trong Văn phòng Bộ Quốc phòng, rồi sau này chuyển sang Ban thư ký Bộ Tổng tham mưu… Lúc ấy chú Học cũng phải phụ thêm vào khá nhiều mới đủ. Thế là trắng tay, nhưng dù sao cũng còn hơn đi ăn đạn của Việt cộng ngoài mặt trận… Đấy là trận cháy nhà đợt một!..

Lý Lương Thân chỉ là một thương nhân Hoa kiều, giàu có đầu bảng ở Sài Gòn, đồng thời là trùm sỏ cánh thương nhân người Hoa, nắm giữ huyết mạch kinh tế Sài Gòn. Điều đặc biệt quan trọng là một trong những người tình của Lý Lương Thân là chị ruột vợ tổng thống. Bản thân Lý Lương Thân là thượng khách của Bộ chỉ huy CIA ở Sài Gòn, không hiểu sao được đặc cách có hộ chiếu Mỹ.

Nằm thêm hai tuần nữa tại trại giam đặc biệt ở Thủ Đức, Lễ được thả. Nhưng lần này do một bức thư ngắn:

“Thượng cấp đã xem xét lại, ông bị oan. Đền bù cho sự thương tổn này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân nói với tôi sẽ thăng cấp cho ông lên đại tá. Chúc may mắn. Tướng Đặng Văn Quang.”

Một mảnh giấy suýt làm mình toi mạng. Một mảnh giấy khác đưa mình ra khỏi tù và thăng cấp, nhưng làm cho mình khánh kiệt! Cả hai mảnh giấy đều bằng cái lá đa! Đời ơi là đời!

– Trung tá, ấy chết, xin lỗi, đại tá, xin đại tá nhanh chân lên. Huế thất thủ ngày hôm qua rồi. – Người chỉ huy trại giam đặc biệt cố giữ vẻ bình tĩnh trong khi tiễn Lễ ra đến cổng.

– Tướng Ngô Quang Trưởng tử thủ ở Huế có sao không?

– Tướng Ngô Quang Trưởng đã bình an về Sài Gòn cách đây một tuần rồi ạ. – Người chỉ huy trại bắt tay Lễ rồi quay trở vào.

Lon, mũ, quân phục chỉnh tề, chờ mãi ở cổng trại giam đặc biệt, chẳng có xe nào của Ban đến đón. Lại nóng ruột về nhà, Lễ lao ra giữa đường, giang tay chặn một xe tải đi nhờ về thành phố. Qua cầu Phan Thanh Giản xe đi hướng khác, Lễ đành nhảy xuống đi bộ.

Thất thểu bước đi trên hè, mấy lần suýt bị những người vội vã xô ngã. Mắt Lễ chăm chú nghiêng nghiêng ngó ngó xuống mặt đường hỗn loạn, cố tìm cái tắc-xi. Mấy lần giơ tay ra hiệu, chẳng có tắc-xi nào thèm đỗ, vì tất cả đều đầy khách. Mới có bốn tuần trong trại giam đặc biệt, Lễ thấy mình đang bước đi trong một Sài Gòn khác. Phố xá có nhiều nhà đóng cửa. Hỏi thăm được biết hồi này thường xảy ra tống tiền, cướp phá cửa hàng. Cuốc bộ thêm một quãng nữa, tới cửa hàng uốn tóc nữ Kim Hoa trên đường Phạm Đăng Hưng, tiếng gào thét dữ dội cùng với tiếng quát chửi làm cho Lễ đứng sững lại. Nhìn vào trong cửa hiệu, Lễ thấy một tốp có tới sáu, bảy tên lính Cộng hòa mặt mũi đỏ gay. Chúng điên cuồng hành hung, cướp phá như những con quỷ – vì chán chường, vì tuyệt vọng… Một thằng trong bọn đứng án ngữ cửa ra vào, bàn tay trái bị cụt, bàn tay phải cầm tiểu liên chĩa thẳng vào ngực Lễ:

– Đ… mẹ cái thằng này! Sĩ quan mà lại không chịu ra trận! Thích đứng đây ăn đạn của tụi tao phải không!

Lễ lùi được vài bước theo bản năng, mồm há hốc và cứng đơ như bị đóng hàm thiếc. Một tràng tiểu liên chói chang. Mọi người chung quanh chạy tán loạn. Riêng mình Lễ chết đứng. Tên lính khoác súng vào người rồi bước đến trước mặt Lễ, bồi cho Lễ mấy cái bạt tai ngã dụi xuống đất:

– Muốn sống thì cút mẹ mày đi!

Lễ đã chồm dậy định xé xác tên lính cụt tay, nhưng ngay lập tức họng súng đen ngòm nhìn thẳng vào mặt Lễ. Thêm một cái tát nữa này đom đóm mắt giúi Lễ ngã chúi mặt xuống đất… Một tràng súng thứ hai đanh sát bên tai, đất cát tung lên thành một vệt dài trên mặt hè sát bên người Lễ. Lễ lồm cồm đứng dạy theo bản năng, máu me be bét đầy mặt. Lễ vừa tự sờ đầu, sờ ngực, đến lúc này mới biết là mình còn sống. Tên lính say chỉ bắn doạ. Lễ bỏ đi một quãng ba bốn nhà rồi mới quay đầu nhìn lại… Một người trong nhà cạnh nơi Lễ đứng chạy ra kéo tay Lễ lôi tuột đi. Người này nói sát vào tai Lễ:

– Chạy nhanh đi! Mặt trận An Lộc vỡ rồi. Mấy ngày nay bọn lính thoát chết đổ dồn về đây đông lắm. Hung hăng như chó điên.

– Gọi giúp tôi quân cảnh!

– Quân cảnh cũng chịu thua. Ông đeo lon sĩ quan, lại tay không. Tránh xa chúng ra…

Mãi cho đến khi leo lên được cái xích-lô, Lễ mới có thời giờ lấy khăn tay lau máu trên mặt. Mấy lần tay Lễ bị hất ra khỏi mũi, có lần suýt rơi cả khăn tay, vì lúc thì xe ô tô, lúc thì xe máy quệt vào bên hông xe xích-lô, cầu hàng không ầm ầm trên đầu. Người đạp xe xích lô phải nói như hét vào tai Lễ: ngoài sân bay Tân Sơn Nhất ra, trong thành phố có tới cả chục địa điểm di tản bằng trực thăng cho các gia đình nhân viên quân sự Mỹ, các ông bà lớn và những người nhiều tiền…

Những người đi trên đường phần đông tay xách nách mang, chỉ mải miết chạy loạn, bỏ mặc mọi chuyện xảy ra. Sài Gòn phảng phất cái không khí 24 giờ quân hồi vô phèng(*) [(*) vingtquatre heures sans lois] của các đội quân lê dương thất trận trước khi tháo chạy khỏi một thành phố. Lễ đã từng được đọc cảnh tượng này trong mấy quyển sách nào đó nói về chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trên đường phố, tướng tá mang quân phục và còn đeo nguyên lon, các quan chức cao cấp, người giàu có… ngồi trên các loại xe, hở mui, kín mui, xe tải, các xe gắn máy Honda, Vespa… thi nhau chạy ngược chạy xuôi…

Càng vào sâu trong thành phố, càng kẹt đường. Cũng may Lễ gặp được người đạp xích lô nhanh nhẹn, lách rất giỏi và có sức dẻo dai kỳ lạ. Nhưng khi qua đường Mạc Đĩnh Chi ngoặt vào đại lộ Thống Nhất, xích lô thỉnh thoảng mới nhích được từng bước một. Tới ngã tư gần đại sứ quán Mỹ, các rào chắn được đẩy ra đến tận giữa lòng đường, chỉ để lại lối đi một chiều ngược lại. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ và quân cảnh Cộng hòa, tiểu liên AR15 trên vai, luôn mồm thổi còi, vung dùi cui bắt các xe quay lại. Lễ đành trả tiền cho người đạp xích lô, nhảy xuống đi bộ. Hơn một giờ sau Lễ mới len lách được về đến chỗ ngoặt trái sang đường Pasteur để lần mò về nhà mình ở ngã tư Hàn Thuyên. Quãng đường này lúc dạo bộ thường ngày Lễ chỉ cần khoảng mươi phút.

Bước vào nhà: Thảo đang nằm liệt giường, hai mắt nhắm nghiền. Kết quả của một tháng chạy tiền, bán của cải, lo lót các cửa để cứu Lễ ra khỏi trại giam đặc biệt Thủ Đức.

– Ông Thành nghi rằng má có lẽ bị tai biến nhẹ mạch máu não, vì huyết áp tăng đột ngột, ba ạ. – Huệ nói cho Lễ hiểu. Ông Thành là chú ruột của Thảo, sống độc thân, làm nghề bác sĩ tư, chỗ dựa của gia đình Lễ về mặt sức khoẻ.

Hôm sau, đến phòng làm việc ở Bộ Quốc phòng, Lễ thấy đồng nghiệp của mình vãn quá nửa. Những cái bắt tay hờ hững. Chẳng ai ngạc nhiên hay vui mừng việc Lễ được tha về.

Đọc xong mảnh giấy có chữ ký của Đặng Văn Quang do Lễ đưa cho, Lê Minh Đạo, “sếp” trực tiếp của Lễ trong Ban thư ký Bộ tổng tham mưu, lúc này đã lên cấp tướng, bĩu môi quẳng mảnh giấy xuống bàn:

– Lon giấy. Đại tá giấy. Tổng thống bây giờ đang bận chỉ huy quân gia đóng gói của cải đưa lên máy bay, làm gì có thời giờ ký quyết định phong đại tá!

Lễ thấy mình như bị nhét giẻ vào mồm, vì uất ức, vì không còn gì để nói.

– Các ông biết chưa, tướng Phạm Văn Phú vừa mới bị Tổng thống cho người hốt đi tối qua, lại cũng có chuyện gì đó loanh quanh với ông Kỳ.

– Tổng thống bây giờ đa nghi hơn Tào Tháo.

– Hình như năm nay là năm đại hạn của các tướng sĩ có họ Phạm! – đại tá Quách Minh Châu, sĩ quan trực chiến của Ban đang ghi ghi chép chép cũng bô bô góp chuyện.

– Tính “Tào Tháo” này có cái lý của nó đấy.

– Phải đấy. Đại sứ Mác-tin thích cái phong thái yêng hùng của ông Kỳ, nhưng đánh giá cao hơn tính mưu lược của ông Thiệu. Ông Thiệu chúa ghét những lời chê bai của ông Kỳ…

– Ổng lại càng không yên tâm về năm sáu lần mưu mô đảo chính!

– Thế giằng co mà các vị! Thẳng tay loại ông Kỳ, ông Thiệu cũng trắng tay luôn.

– Thẳng tay thì không biết ai loại ai. Chỉ có Mác-tin loại ai thì chắc chắn kẻ đó bị gạch bỏ, ba đầu sáu tay cũng thế thôi.

Trố mắt đứng nghe, chưa bao giờ Lễ thấy trong Ban ngôn từ thẳng thừng đến như vậy. Trước khi Lễ bị tống giam, những tin tức hay câu chuyện đại loại như vậy có thể sẽ làm cả Bộ Quốc phòng, thậm chí cả thành phố Sài Gòn náo loạn. Nhưng bây giờ những câu chuyện như vậy chỉ tạo ra được vài phút không khí rôm rả cho các ly rượu trên bàn. Lễ cũng không biết từ bao giờ mọi người trong Ban uống rượu mạnh ngay từ buổi sáng.

Tác giả: