Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Thế thì cháu hiểu ạ… – Hai Hân nhận ra.

– Thế còn ở ta? – Ông Học trở lại câu hỏi của mình.

– ???

– Câu chuyện không phải chỉ có thế. – Ông Học giải thích thêm. – Tại Mỹ, tại nhiều nước Tây Âu khác, thậm chí ngay cả tại Nhật, tôi đã thấy tận mắt thị trường tràn ngập hàng may mặc, giày dép, đồ chơi của trẻ em, đồ dùng gia đình, đồ điện… do Trung Quốc sản xuất.

– Họ có cả một tỷ người làm việc, sao bì được hả chú?

– Cháu biết được như vậy mà không cảm thấy lo lắng gì hả Nghĩa? Rồi đây, ngay ở nước ta sẽ tràn ngập những mặt hàng nào khác nữa của Trung Quốc? Các chú nghĩ đi, ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra?

– Thưa cụ, các chợ của ta bây giờ đã ê hề từ cái tăm xỉa răng, bát đũa, đến quần áo may sẵn, giày dép, đồ chơi, nồi cơm điện, quạt máy Trung Quốc rồi ạ… Chất lượng không cao, nhưng rẻ như bèo, rất thích hợp với túi tiền của người nghèo. Với giá cả như thế có nhiều thứ nếu sản xuất ở ta thì tiền nguyên vật liệu cũng không đủ! – Hai Hân chia sẻ nỗi lo của ông Học.

– Các chợ ngoài Bắc nhiều khi còn đầy rẫy thuốc trừ sâu, trứng gà, thuốc chuột, thuốc tăng trọng… của Trung Quốc chú ạ – Nghĩa nói thêm.

– Thưa cụ các thứ anh Nghĩa kể trong này cũng có ạ, trừ trứng gà.

– Thật là không thể hiểu nổi chú ạ, giá trứng gà Trung Quốc chỉ bằng một phần ba hay một phần tư trứng gà ta. Nhà cháu đã mua về, đập ra thấy lòng đỏ chỉ nhờ nhờ, đem rán lên ăn thử chỉ thấy lòng trắng và rặt một mùi tanh của cá, nên không dám ăn. Báo đăng có người còn nói đấy là trứng hoá học, trứng giả, hay trứng nhân tạo.., nhưng cháu không tin.

– Thế mà đến nay cả nước vẫn yên lặng hả cháu?

– Cháu thừa nhận không thể cứ bình chân như vại trước thực tế này chú ạ!

– Đứng liền kề nền kinh tế khổng lồ có khả năng cạnh tranh đầy sức tàn phá như vậy, không hiểu nước ta ứng phó ra sao đây, tôi lo lắm – ông Tư Cương chăm chú theo dõi câu chuyện của ba người từ đầu, bây giờ mới biểu lộ suy nghĩ của mình.

Sau khi đưa ông bà Học lên thắp hương cho mộ Mạnh ở Bảo Lộc, tất cả kéo nhau đi gặp đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng: Ông bà Học thiết tha xin Ủy ban cho phép bốc mộ con trai mình, sĩ quan quân đội Sài Gòn Phạm Trung Mạnh, đưa về quê ở Hưng Yên. Có thể vì có Võ Sang và Lê Hải đi cùng, nên mọi việc được chấp thuận chóng vánh. Ông bà Học giao hẳn việc này cho Nghĩa, trong lòng cảm thấy như cất được một gánh nặng lâu nay bứt rứt khôn nguôi… Võ Sang đưa ông bà Học về tận Thành phố Hồ Chí Minh để trở về Mỹ. Còn vợ chồng Hai Hân mời vợ chồng Nghĩa và vợ chồng Lê Hải nghỉ lại Đà Lạt. Do tính nết bộc trực và chân thành, họ sớm trở nên gần gũi với nhau, mặc dù họ mới chỉ quen biết nhau nhân dịp đón tiếp ông Học.

Gần như từ ngày cưới đến giờ, vợ chồng Hai Hân mới thực sự có một cuộc đi nghỉ với đúng nghĩa là nghỉ ngơi như thế. Đơn giản là Đà Lạt ban phát cho họ sự thanh bình mà họ đang khao khát. Hơn nữa tâm trạng Hai Hân đã trở lại thăng bằng, bây giờ lại có bạn mới. Đã thế, nghỉ trong một nhà nghỉ cổ xưa, tự nhiên trong ý nghĩ của khách và chủ đều dấy lên tinh thần hoài cổ, cùng kể lại, cùng bàn với nhau không biết bao nhiêu chuyện ngày xưa của đất nước, của chính mình.

Trong những ngày ôn cố tri tân như vậy, họ biết và hiểu nhau hơn. Cũng trong dịp này, lần đầu tiên Hai Hân biết được hậu quả của những bản photo copy sưu tầm giúp cho ông Đoàn Danh Tiến, ngày càng hiểu rõ hơn “sư phụ” của mình. Hai Hân áy náy vô cùng và bộc bạch tất cả với Nghĩa và Lê Hải. Cũng qua những chuyện này, Nghĩa và Lê Hải càng hiểu con người Hai Hân, qua đó biết thêm những chi tiết đã góp phần tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời của chính họ… Tuy nhiên Nghĩa vẫn giữ kín câu chuyện Thạch Thất.

Hôm chia tay, trước khi lên xe. Lê Hải nói:

– Không thể ngờ được đường đời của chúng mình lại dẫn nhau đến đây!

– Cũng may là anh Hải và anh Nghĩa ở ngoài Bắc, nếu không thì hồi ấy có khi đã bị tôi gọi ra tố về cái tội liên quan đến tư sản rồi cũng nên! – Hai Hân cười nhưng vẫn thoáng vẻ bứt rứt – Chỉ tiếc là những người như hai anh không tiếp tục công tác giúp nước…

Nghĩa thấy vui vui trong lòng vì cả Lê Hải và mình đều đào sâu chôn chặt được câu chuyện Thạch Thất và được bù lại bằng mối quan hệ bằng hữu với con người lý thú này…

– Tiếc làm gì chú Hân! – Bà Nguyệt xen vào. – Người như ông nhà tôi không giỏi nghề gì hơn là cầm đèn chạy trước ô-tô, thế thì còn giúp dân giúp nước làm sao được!

– Em chuyển nghề cho anh từ bao giờ thế hả Nguyệt? – Nghĩa hiểu những điều day dứt vẫn ẩn náu đâu đó trong câu nói đùa của Nguyệt.

Lê Hải chỉ đứng yên, hết nhìn vợ chồng Nghĩa lại quay ra nhìn Hậu, mỉm cười một mình.

Nghĩa không rõ xe lăn bánh từ bao giờ. Tư lự một mình trên đường dài, những câu nói trêu chọc của Nguyệt làm cho trận tranh cãi tóe lửa giữa Nghĩa với ông Viện trưởng cách đây gần hai năm đột nhiên chiếm hết tâm trí Nghĩa…

Hôm ấy, ông Viện trưởng như phát khùng. Sau khi không chịu nổi những lời phê phán gay gắt của Nghĩa về những sai trái trong dự thảo báo cáo tổng kết công tác hàng năm của Viện, ông viện trưởng bắt đầu xẵng lời. Nhất là đến cái đoạn Nghĩa bác bỏ rất kiên quyết thành tích của Viện trong việc tham gia vào công trình nghiên cứu đề tài khoa học “Huy động vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài để phát triển kinh tế Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì Nghĩa không tự kiềm chế được nữa. Ông viện trưởng cũng nổ tung.

– Lẽ ra Viện ta phải lấy làm xấu hổ vì đã có những ca ngợi phản khoa học và thiếu trung thực về công trình nghiên cứu này thì mới đúng với lương tâm khoa học chứ! – Giọng Nghĩa gay gắt.

– Im đi! Anh thì biết gì về đầu tư nước ngoài mà ăn nói hồ đồ như vậy? – Ông viện trưởng vặn lại.

– Chính câu hỏi của anh đã chứng minh việc Viện ta tham gia vào đề tài này là không đúng chức năng, là ôm việc của ngành khác, lại còn thất lương tâm nữa! Anh thử hỏi xem cả viện ta hiểu như thế nào về đầu tư trực tiếp của nước ngoài?

– Ai cho phép anh ăn nói như vậy về đề tài khoa học tầm cỡ quốc gia?

– Tầm cỡ nào cũng mặc, sai thì phải nói! Anh hãy chỉ ra cho tôi xem trong đống đề tài này những gì ứng dụng được trong cuộc sống hoặc được cuộc sống công nhận! Anh hãy trình bày trên công luận tất cả những điểm ấy đi. Bản sao của các đề tài ấy còn cả đống đây này!.. – Nghĩa chỉ tay vào đống tài liệu trên bàn giám đốc – Đếm đi! Được bao nhiêu đề tài tất cả? Bằng ấy mà chưa đủ hả? Trong khi đó kệ thây biết bao nhiêu công trình nghiên cứu khác phải làm của Viện.

– Những công trình đó làm gì có kinh phí!

– Viện ta chuyển sang kinh doanh nghiên cứu để kiếm tiền từ bao giờ thế?

– Câm đi! Anh thì biết gì về nghiên cứu khoa học mà chõ mồm vào!

Nghĩa lặng người đi, hai tai đỏ dừ, hai bàn tay nắm chặt. Day dứt tích tụ bao nhiêu năm nay về tình trạng tha hoá trong Đảng và của đảng viên mà ông thường chỉ thổ lộ với Lê Hải, …bắt đầu thức tỉnh từ những lời đay nghiến của Lễ, cái tát của Năm Thịnh…, hôm bàn giao viện cho ông thủ trưởng này, buổi cùng với Lê Hải thắp hương cho Nam trên bàn thờ… nay quyện lại thành một thứ thuốc nổ trong Nghĩa.

Tuy thế Nghĩa vẫn cố bặm môi lại, lựa lời, giọng nói đột nhiên thấp hẳn xuống, gần như kêu van:

– Đồng chí viện trưởng ạ, xin cho tôi biết sự thật đi, các anh thực lòng tin vào những điều các anh viết ra thế này? Hay là các anh được yêu cầu, được thuê viết ra như vậy?

– Hỗn láo! Đảng viên mà ăn nói thế à?

Quả bom trong Nghĩa bắt lửa. Ông phanh cặp lôi ra một quyển sách đã nhàu nát, bên trong gạch đen gạch đỏ chi chít, vừa nói vừa lật các trang đánh dấu, có lúc dí trang sách vào sát tận mặt ông viện trưởng:

– Chính vì danh dự và trách nhiệm của người đảng viên nên tôi không thể không nói. Đây, đọc đi! Đề tài tầm cỡ quốc gia của các anh đây! Đọc kỹ vào! Anh cứ làm như thể khoa học chỉ một mình phe nhóm các anh được phép độc quyền chiếm lĩnh, muốn phán gì thì phán! Hãy tranh luận đi! Bằng diễn đàn, bằng hội thảo… Khoa học không thể đi trái với quan điểm của Đảng! Nghị quyết của Đảng nói phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đề tài của các anh lại chỉ một chiều nhấn mạnh đầu tư nước ngoài là con dao hai lưỡi! Khoa học gì mà đến mức dám bác bỏ cả nhà nước của dân, dám đòi từ nay trở đi chỉ cần xây dựng nhà nước của giai cấp và của hệ thống chính trị là đủ! Đọc cho kỹ vào! Đấy là thứ khoa học gì? Khoa học như thế là học phiệt!.. Nói đi, anh được chia bao nhiêu triệu, được thăng quan tiến chức gì mà cũng cho điểm đề tài này là xuất sắc, cũng thò tay vào ký nghiệm thu! – Nghĩa không thể dừng được nữa.

– Câm đi!

– Hãy nghe tôi nói đã! – Nghĩa càng gay gắt – Anh cố nhận ra việc mình làm sai trái của mình đi! Làm như anh là đang bán rẻ lương tâm mình, là tham gia vào cái trò chơi nghiền nát nhân cách những người khác. Anh hãy vì cả chính anh để nhận ra điều này đi!

– Câm ngay! Tôi cấm anh ăn nói như thế! Ngay từ giờ phút này tôi đuổi cổ anh ra khỏi cơ quan!.. Chủ trương chính sách đã có nghị quyết, không cần đến cái thứ người như anh! Viện này cần người làm việc chứ không cần người đâm ba chẻ củ! Càng không cần cái loại người cầm đèn chạy trước ô-tô!

Tác giả: