Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Chuyện nội tình Liên Xô ta bàn sau, quả thực tôi chưa hết bàng hoàng, lúc nào cũng có cảm giác như đang ngồi trên lửa. Nhưng chúng ta làm gì được hả anh Thu?

– Bây giờ phải làm ngay mọi việc để nước ta không đổ theo!

– Liên Xô giúp cả thế giới. Nhưng cả thế giới không ai giúp được Liên Xô!.. – ông Lê Hải rên rỉ.

– Tôi lo cho nước mình quá. Có biết bao nhiêu chuyện lình xình bí bét cả mười năm nay rồi! Kho quỹ chỗ nào cũng gần như trống rỗng…

– Thế mới biết dân mình vừa kiên cường, nhẫn nại chịu đựng, vừa bao dung…

– Quả là thế. Nếu giống như ở Liên Xô – Đông Âu thì cũng đổ theo từ đời tám hoánh rồi anh Hải ạ.

– Vào giờ phút này tôi càng thấm thía nhận xét của anh!

– Phải tự cứu mình để tồn tại rồi mới có thể nghĩ đến những chuyện khác anh Hải ơi!

– Cứu K8 của anh?

– Đúng thế. Mỗi người phải làm ngay việc của mình! Không thể nói chung chung được!

Tướng Trần Thu vào đề luôn, không để cho chủ nhà hỏi han gì thêm. Trong khi ông nói, chủ nhà lật đật pha chè, bóc thuốc mời khách. Bà Hậu đi dạy học chưa về.

Tướng Trần Thu bộc bạch hết khó khăn của mình với bạn.

… Học xong về nước được gần một năm nay, nhưng Yến vẫn tìm cách trì hoãn nhận nhiệm vụ mới. Đơn vị cũng tốn khá nhiều tiền chi cho Yến đi khảo sát các xí nghiệp dược thuộc phạm vi dân sự, quân sự, trong quốc doanh, ngoài quốc doanh, trong Nam ngoài Bắc.

Các báo cáo hàng tháng đều đặn của Yến lên lãnh đạo K8 không quá một trang giấy, cộc lốc mấy dòng liệt kê công việc đã làm, lần nào cũng kết thúc bằng mấy chữ: Xin cho thêm thời gian… Họp chi bộ, khi được hỏi đến, Yến cũng rất ít lời về công việc của mình. Nhiều người trong K8 ghen ghét.

… Cô nương được chiều chuộng quá xá!

… Gái mất chồng, chạy lăng quăng!

… Vợ liệt sĩ thật, nhưng ưu ái gì cũng phải mức độ thôi chứ!..

… Ai ngờ đi học về chỉ hơn người ở nhà mỗi cái xe máy Pơ-giô!..

… Cưng của thủ trưởng đấy!..

Những lời xì xèo như thế rỉa rói tướng Trần Thu. Uy tín ông quá lớn nên không có đất cho những lời ác khẩu hơn nữa. Với chức thiếu tướng mới được đề bạt, trách nhiệm của ông mở ra toàn tuyến, công việc càng bận. Dư luận ghen tỵ với Yến một, ông sốt ruột mười. Các nước Đông Âu đã theo nhau đổ, Liên Xô tan rã và đang náo loạn. Từ hai năm nay chi viện của các nước bạn cho ta không còn một giọt. K8 của ông tuy ở xa những quốc gia này hàng nghìn, hàng nghìn cây số, nhưng ông lại cảm thấy như chính mình đang bốc cháy. Chiến tranh ở Campuchia đã kết thúc với quân đội ta mấy năm rồi, nhưng bây giờ mới là lúc hàn gắn vết thương đúng với nghĩa đen của từ này. Các trạm quân y và điều dưỡng quá tải. Các kho quân dược trống rỗng. Trong cơ chế giá thị trường, ngân sách phân bổ về bị lạm phát ngoạm hết phần này phần khác. K8 và những đơn vị mới trên tuyến ông phụ trách quanh năm vật lộn với thiếu thốn…

Trong khi đó cả nước tìm đường chuyển sang làm ăn theo cơ chế mới…

Quá nóng ruột, đã có lúc ông phải tự hỏi: …Hay là Yến không đủ can đảm đứng mũi chịu sào? Hay là mình đã chọn nhầm người?!.. Nhưng thách thức không biết chờ đợi…

Cuối cùng, tướng Trần Thu nhận được một bản tường trình dày cộp của Yến. Lúc đầu ông hỉ hả lắm. Song đọc đi đọc lại nhiều lần, ông càng không tin vào những điều trong bản tường trình. Ông phân vân không biết nên gọi đấy bản khai tử, khai sinh, hay tái sinh K8… Điều chắc chắn là làm theo đề án nêu trong tường trình này, K8 không còn là K8 như nó đang tồn tại.

– Cháu có quá ngông cuồng không Yến ơi!?.. – ông Thu đã có lần kêu lên như vậy với Yến.

– Bác muốn cháu dồn mọi cố gắng nâng cao phân xưởng dược, chứ có giao cho cáu nhiệm vụ cải tạo hay xoá sổ K8 đâu? – thiếu tướng Trần Thu căn vặn Yến.

– Vâng, thưa bác cháu nhớ nhiệm vụ bác giao. Thời chiến, khi tình hình bắt buộc, có thể cần gì làm nấy, với bất kỳ giá nào, miễn là đạt mục đích. Thời bình không thể lấy đâu ra tiền của duy trì kiểu làm ăn như vậy được bác ạ.

– Chính vì thế bác mới cử cháu đi học.

– Thưa bác, phân xưởng dược đặt trong K8 là hoàn toàn không hợp lý trong thời bình. Bắt nó hoạt động như một đơn vị sản xuất trong khuôn khổ của K8 lại càng không thể được ạ. Cháu đi gần khắp nước Anh, nhưng không thấy một bệnh viện nào dám tự xây riêng cho mình một phân xưởng dược, dù là nhỏ nhất.

– Họ làm gì có hoàn cảnh chiến tranh như ta.

– Vâng cháu hiểu ạ. Bác thử tính xem, riêng thiết bị thí nghiệm hoá dược của phân xưởng cháu hiện nay đủ công suất phục vụ toàn bộ công việc thí nghiệm của xí nghiệp Dược phẩm I và xí nghiệp Dược phẩm II của cả miền Bắc, song lại rất lạc hậu về kỹ thuật. Đã thế phân xưởng của cháu bây giờ mỗi tháng chỉ có thuốc thử và mẫu thử cho vài ngày, có dược liệu để bào chế chỉ đủ khoảng hai ngày – toàn những loại thuốc quá thông thường. Riêng thuốc chữa bỏng tồn kho của phân xưởng cháu có thể đủ bán khắp cả nước trong một năm…

– Cháu đã tính toán kỹ chưa?

– Xin bác đọc phụ lục liệt kê các thiết bị, so sánh công suất thiết bị với công suất thực tế phân xưởng cháu đang sử dụng. Kho I của phân xưởng cháu để chứa sản phẩm bây giờ biến thành nhà mồ cho nhiều thiết bị không dùng đến nữa ạ. Nơi nào cũng lủng củng những thứ vô dụng nên chật cứng! Bệnh viện Hoàng Gia nổi tiếng rộng thênh thang nhất nước Anh, thế mà toàn bộ khuôn viên của nó nhỏ hơn khuôn viên của K8 nhiều.

– Được rồi, được rồi… Nếu cho phép cháu toàn quyền quyết định, cháu sẽ làm gì?

Yến không đắn đo:

– Phương án cháu mong muốn nhất là giải thể phân xưởng dược. Vì cắt bỏ hẳn đi như thế còn hơn là chắp vá. Nhưng cháu biết không thể đề nghị như thế được. Tính đi tính lại mãi cháu lựa chọn phương án thoả hiệp.

– Kiến nghị làm tan hoang K8 mà cháu còn gọi là thoả hiệp à?

– Lỗi tại chiến tranh và tại chúng ta chậm nhận ra lỗi này thôi bác ạ. Điều cháu thấm thía nhất trong chuyến du học này là nước ta nghèo nhưng lãng phí ghê quá.

– Nếu đề án bị bác?

– Thì cháu xin tuỳ bác phân công cho cháu công tác khác. Đừng để cho cháu làm gì về dược nữa!

– Cháu ra tối hậu thư cho bác?

– Dạ không ạ. Để nguyên hay bớt đi một người trong cái phân xưởng dược không còn hoạt động được nữa thì cũng thế thôi ạ. Còn cháu thì nóng lòng làm một việc gì đó để phục vụ, để khảo nghiệm hiểu biết của mình.

Thiếu tướng Trần Thu thừa nhận khó bác bỏ những lý lẽ Yến trình bày. Nhưng…

… “Đề án này tư sản hoá K8. Đây là đòn đánh vào quân đội ta từ bên trong…”. Bút phê của đại tá bí thư đảng uỷ Đỗ Chính.

Lời phê viết bằng bút bi đỏ, chữ to bằng quả mận, chiếm hết cả góc trái trang nhất bản tường trình. Đỗ Chính vốn nổi tiếng chữ xấu, nhưng các nét chữ của bút phê lại ngay ngắn, nắn nót khác thường. Ai cũng hiểu dụng ý của đại tá: Dòng chữ bút phê này phải in vào mắt mọi người! Những chữ viết đè lên các dòng chữ của bản tường trình được Đỗ Chính tô đi tô lại, hằn lên mấy trang sau, thủng cả giấy…

– Mầm mống trào lưu đi theo vết xe đổ của Ba Lan, Ru, Đức… đang lan đến K8! – Phát biểu của đại tá phó giám đốc thứ nhất Nguyễn Đình Cận trong cuộc họp thẩm định của lãnh đạo K8.

– Nhiệm vụ của cô Yến chỉ là lo cho phân xưởng dược, đề án này phải chăng có ý đồ leo lên cao để lũng đoạn K8? – nhận xét của đại tá phó giám đốc thứ hai Vũ Miêu.

– Xưa nay tôi chỉ biết quân đội là quân đội, chứ không phải là xí nghiệp! Tôi thực tình không hiểu… – Phát biểu của trung tá Nguyễn Bân, đại diện cho lớp sĩ quan trẻ, làm công tác nghiên cứu khoa học trong đơn vị.

Nguyễn Bân vốn là phó của Nam trong những ngày trên chiến trường Campuchia. Năm 1989 trạm quân y của Bân là đơn vị cuối cùng rút về nước. Bân được giao tạm thời phụ trách phân xưởng dược trong khi Yến đi học. Việc sắp xếp này là dụng ý có thiện chí của tướng Trần Thu.

… Vốn trong lòng chết đứng chết ngồi về Yến, Bân rất nhạy cảm để hiểu tất cả. Nhưng cũng không thể vì thế mà nói liều về đề án. Mà nói thế này không biết Yến sẽ nghĩ gì về mình đây!..

… Rõ ràng từ khi về nước Yến vẫn cố giữ một khoảng cách nào đó, mặc dù cún Nam rất thích chơi với Bân. Nhiều lần Yến đồng ý để chú Bân dẫn cún Nam đi học bơi hay đi chơi suốt buổi chiều. Đôi ba lần Yến chủ động mời Bân cùng với mình đưa cún Nam và bé Dũng – con của Loan – đi chơi xa. Nhưng chưa một lần nào Yến để cho Bân đi xa hơn nữa về chuyện giữa hai người… Hoàn cảnh này càng làm cho Bân khó xử khi được yêu cầu thay mặt cho cánh sĩ quan trẻ phát biểu về đề án của Yến. Bân thừa nhận ngoài chuyên môn và ý chí phấn đấu làm người sĩ quan có phẩm chất, Bân chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải có những hiểu biết cần thiết khác để đánh giá đề án. Yến nói quá nhiều về cân bằng đầu vào đầu ra, cân đối vật tư, hạch toán thu chi, phương pháp quản lý mới, hợp tác với các doanh nghiệp dân sự, xúc tiến nghiên cứu triển khai, những đòi hỏi mới của khoa học và công nghệ, thành lập đơn vị kinh tế mới tách khỏi K8 với tính cách là doanh nghiệp… Có nhiều thứ nghe cũng chưa thủng, chứ đừng nói là hiểu và bàn.

… Quân đội, nhất là quân y sao lại nói đến hạch toán thu chi?

… Hay là đi Tây về, Yến đã Tây hoá mất rồi?..

… Đấy là nguyên nhân của khoảng cách giữa mình và Yến?

… Mình cứ nghĩ là đi học về thì bắt tay vào việc với chuyên môn cao hơn, trong phân xưởng dược chỗ nào cần cải tiến kỹ thuật thì cải tiến… Sao Yến lại bày ra lắm thứ chuyện thế này. Sải tay với lên cả những vườn trồng cây thuốc trên Vĩnh Phú, Tam Đảo, đi vào tít tắp trong Quỳnh Lưu… Kéo theo cả những doanh nghiệp dân sự Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vào đề án… Tán thành thì mình chẳng hiểu gì cả để tán thành, còn nói lơ lửng và có vẻ bàn ra như thế này, Yến có lẽ càng xa mình hơn…

Tác giả: