Dòng Đời – Nguyễn Trung

Trước khi đi vào sản xuất chính thức, xảy ra một trục trặc nhỏ: Một công nhân bị sa thải vì khi kiểm tra đột xuất anh ta bị phát hiện trong nước tiểu có phản ứng với héroine. Cậy mình là cháu gọi ông bí thư tỉnh ủy là chú ruột, anh ta về nhà huy động cả nhà và họ hàng mang dao rựa gậy gộc ra uy hiếp.

Hôm ấy, vào lúc tan tầm, vừa lúc Yến bước ra khỏi xí nghiệp để lên ô-tô đi về Hà Nội, đám người này ùa ra vây chặt lối xe đi.

– Chính con mẹ này đuổi tao đấy! Đánh chết mẹ nó đi!

– Cho nó một mẻ át-xít vào mặt!

– Đánh cho nó biết đất này có chủ!

– Đ. mẹ nó lại dám đụng vào cháu vua à!

– Đánh! Đánh!…

Tiếng hô hoán ầm ĩ.

Công nhân xí nghiệp ngơ ngác, chạy lại chung quanh thành một vòng vây lớn. Mọi người rất ngạc nhiên thấy Yến không chạy trốn mà lại nhảy phắt lên đứng trên mui xe, đĩnh đạc:

– Tôi là giám đốc đây. Chính tôi ra lệnh đuổi anh này vì nghiện ma tuý. – Tay Yến chỉ thẳng vào mặt người cầm dao đứng gần ngay dưới chân Yến. – …Ai phản đối việc này thì đứng ra đây mà cãi đi!

Không khí náo loạn đột nhiên tắt ngấm. Nhiều người há hốc mồm nhìn Yến đứng trên mui ô-tô với oai phong khác thường, chẳng khác gì bỗng dưng có một nữ tướng xuất hiện giữa trời cao vời vợi. Thỉnh thoảng mới có tiếng gió vi vu nhè nhẹ qua các hàng cây, còn tất cả im phắc.

– Sao? Không có ai đứng ra bênh cho anh nghiện này à? – Yến chờ một lúc rồi hỏi lại.

Một lúc sau công nhân nhà máy ầm ầm hô lên:

– Anh em ơi… Đánh! Đánh bỏ mẹ thằng ma cô này đi!

– Đồ hỗn láo…

– Quân xì ke ma tuý!

Thoắt một cái mấy công nhân đứng gần đã đè dí tên nghiện xuống đường. Đám người nhà tên nghiện quẳng dao quẳng gậy chạy tán loạn.

– Thả anh ta ra. Không được đánh anh ta. – Yến ra lệnh.

Mọi người răm rắp làm theo. Tên nghiện câm bặt, mặt xám ngoét cắt không còn hột máu.

– Nếu anh ta không có gì để nói thì cho anh ta về. – Yến điềm đạm nói tiếp.

Những bàn tay buông ra. Tên nghiện lồm cồm đứng dậy rồi lủi đi. Được vài bước nó quay lại chửi tục một câu rồi co chân chạy. Yến cảm ơn mọi người rồi nhảy từ trên mui xe xuống đất. Mọi người xúm lại hỏi han Yến. Yến đứng lại nói chuyện với họ một lúc rồi bảo lái xe đưa mình đến thẳng nhà bí thư tỉnh ủy. “Xin đề nghị đồng chí xử trí tên này ngay tức khắc theo đúng pháp luật. Nếu không như vậy tôi sẽ chủ động đề nghị phía Ciba hủy bỏ hợp đồng liên doanh!”.

Hai ngày sau tên nghiện bị đưa đi cai ở trại Cát Bà. Đồng thời danh sách những kẻ đồng loã bị phạt vi cảnh được niêm yết ngay trước cổng xí nghiệp và loan báo trong toàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Trật tự và kỷ luật trong xí nghiệp bỗng nhiên có thêm một luồng gió mới.

Liên doanh bước vào thị trường vô cùng chật vật, vì thương hiệu của liên doanh lúc đầu rất ít người biết đến. Nhưng nhờ giai đoạn sản xuất thử tiến hành trôi chảy, nên ngay từ đầu sản phẩm cạnh tranh được trên cả hai phương diện chất lượng và giá cả. Hai năm trước xí nghiệp liên doanh đã hoàn tất giai đoạn phát triển II, đặt thêm hai dây chuyền bào chế gia công các loại biệt dược cho Hàn Quốc để xuất đi Mehico, Brasil, châu Phi.., bao gồm một số biệt dược chữa HIV/AIDS… Sản phẩm và tính hiệu quả kinh tế cao của liên doanh làm cho giới đầu tư nước ngoài ca ngợi liên doanh này là một điểm sáng của cải cách ở Việt Nam. Tiếng lành đồn xa…

Cuối bữa tiệc cưới của Loan, trong gia đình, cánh đàn ông tranh luận sôi nổi với nhau về bài báo của ông Đoàn Danh Tiến: “Chúng ta lựa chọn toàn cầu hoá nào?”. Đám con cháu họ Phạm hôm nay chỉ thiếu Yến. Võ Sang, Hai Phong, Hai Hân, Tư Cương, Bảy Dự ra dự đám cưới Loan nhân thể đi thăm Hà Nội cũng có mặt. Ngoài ra một số bạn bè là khách của ông Chính dự đám cưới Loan cũng được mời. Kẻ khen, người chê, tranh luận không phân thắng bại. Ông Nghĩa rủ họ đến nhà minh uống trà tranh luận tiếp. Mọi người đồng ý, với lại chẳng mấy khi có dịp hỏi Tân về mọi chuyện thế giới đó đây. Chủ đề tự do, ai muốn hỏi gì thì hỏi, nói gì thì nói…

– Cánh già đã nói hết ý kiến của mình rồi. Cháu Tân có lời bình đi. – Lê Hải đứng ra cầm chịch, giục

– Cháu cứ ngồi xuống mà nói cũng được. – Võ Sang ngồi cạnh kéo áo Tân.

– Xin phép các bác các chú cho cháu đứng nói cho thoải mái ạ. – Tân đáp lời. Cháu ngồi nghe, nhưng lại cảm thấy mình được nhắc nhở về nghĩa vụ công dân của mình. Cháu chưa đủ vốn sống để bình luận chuyện này chuyện nọ…

– Cứ nói đi, nghĩ nào nói thế, đừng sợ! Ít lý thuyết càng hay! – Nghĩa giục con mình.

– Vâng ạ. Trước hết cháu xin kể lể một chút, bắt đầu từ gần tới xa… Đầu năm nay cháu được Viện Toán của trường đại học Thanh Hoa mời sang thỉnh giảng ba tuần, chủ yếu là thuyết trình những bài toán mới. Sau đó cháu được mời đi tham quan Trung Quốc ba tuần nữa, chủ nhà đài thọ hết. Cái chính là họ muốn mời cháu hợp tác, dưới hình thức nào cũng được. Chuyến đi này cháu thừa nhận là đã phát hiện ra một nước Trung Hoa mới. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy các chú các bác ạ. Cả miền Tây Trung Quốc còn lạc hậu thật, nhưng sự phát triển của miền Đông nếu chỉ biết qua những phương tiện truyền thông mà không đến tìm hiểu tận nơi thì thật khó tin!.. Ví dụ, cháu không ngờ chỉ trong vòng 12 năm trở lại đây thôi Quảng Châu thay da đổi thịt hoàn toàn, bây giờ đã có một bộ mặt khang trang bề thế còn muốn hơn Hongkong, mặc dù mức độ phát triển chưa có thể so được với Hongkong.

Trung tâm thể thao Olympic của Quảng Châu thực sự là một công trình văn hoá đẹp, hiện đại, không phải các nước công nghiệp nào cũng có được đâu, cháu bị bất ngờ. Hỏi kỹ thì hoá ra là Trung Quốc thuê Mỹ thiết kế và xây dựng. Ra đảo Hải Nam, cháu còn ngỡ ngàng hơn. Cháu nhớ bài học địa lý cháu học phổ thông ngày xưa mô tả hòn đảo này là của dân chài và những người trồng rau nghèo khổ, có 30 hay 40 dân tộc thiểu số sinh sống… Nhưng Hải Nam bây giờ là một trung tâm du lịch lớn, một trung tâm hội nghị quốc tế.., mỗi năm gần hai chục triệu lượt khách và còn tăng nữa. Khắp đảo đang mọc lên những khu công nghệ cao, khu công nghiệp sạch, đồng ruộng của đảo chuyển sang phát triển nông nghiệp nhiệt đới hiện đại và các cây dược liệu quý hiếm. Sân bay Hải Nam có vài chục cái Boeing…

– Nhiều hơn hãng hàng không của nước ta à? – Ông Chính hỏi.

– Hiểu được, nước hơn một tỷ dân mà, anh Chính. – Nghĩa trả lời thay cho con.

– Vâng ạ. – Tân nói tiếp – …Chúng cháu có một kỷ niệm nhỏ ở Hải Khẩu, thủ phủ của đảo này. Hôm ấy chúng cháu đang ăn cơm trưa, có một ông già vận Âu phục rất chải chuốt, lõm bõm được vài câu tiếng Anh. Ông ta đến chào và gọi người ra rót rượu chúc mừng chúng cháu. Ông già nói biết cháu là nhà toán học của Việt Nam đang thăm Trung Quốc nên đến chào, vì ông ta rất biết ơn Nghệ An. Ông già kể cho nghe ngày xưa là dân chài, đi đánh cá bị bão dạt vào bờ, được dân chài Nghệ An cứu sống. Chuyện xảy ra năm 1942. Ông ta chính là chủ nhân khách sạn cháu đang ở, tương tự như khách sạn Daiwoo ở Hà Nội… Tại Tam A’, trên một công viên lớn, Trung Quốc dựng một đài viễn vọng bằng thép, cao khoảng hơn trăm mét gì đó, hướng tầm nhìn về phương Nam bao la của biển Đông…

– Nhưng người Trung Quốc thực dụng lắm, nghe nói có nơi họ còn kết nạp cả tư sản vào Đảng? – ông Hai Phong chen vào câu chuyện Tâm đang kể.

– Vấn đề bác hỏi cháu trả lời được ạ. Các bạn Trung Quốc chỉ lý giải việc họ đang làm bằng câu: Phát triển, phát triển và phát triển – hay là chết!

– Cháu chỉ có thể nói về những điều gì đập vào mắt cháu thôi ạ. Ấn tượng nhất là Trung Quốc thẳng thắn đặt ra cho mình nhiệm vụ tiến cùng thời đại để phát triển mạnh, sớm trở thành siêu cường.

– Thế chẳng lẽ họ từ bỏ chủ nghĩa xã hội cháu? – ông Hai Phong ngạc nhiên.

– Họ nói, đấy chính là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc ạ! Anh viện trưởng viện toán đại học Thanh Hoa nói với cháu: Phục hưng Trung Hoa, lấy lại 5 thế kỷ đánh mất và giành vị thế trung tâm thế giới, đấy mới là chuyện sống còn của chúng tôi, là thước đo sự trung thành với chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình! Trổi dậy hòa bình là như thế! Cháu nghe mà cứ ngây ra như vịt nghe sấm…

– Sao lại thế hả con? – ông Nghĩa hỏi.

– Bố ạ, nếu đúng như anh ta nói thì trên đời này ít nhất là có hai chủ nghĩa Mác, một của Việt Nam và một của Trung Quốc!

– Nói bậy! Có phải Trung Quốc thờ ơ đối với sự sụp đổ của các nước Liên Xô – Đông Âu không? – Vẫn ông Hai Phong.

– Cháu thấy sách báo Trung Quốc giải thích cho dân nói rõ sự sụp đổ này là tất yếu, do đổ vỡ từ bên trong và thua cuộc với bên ngoài. Trung Quốc cần rút ra cho mình bài học! Cháu nghĩ Trung Quốc có lý!

– Lại nói bậy! Sụp đổ là do Gorbachov và Yeltsin phản bội!

– Cháu thấy hiểu thế không được đâu bác Hai ạ! Nhưng cháu thừa nhận là hai ông này muốn cải cách để cứu vãn, nhưng không có phương sách phù hợp nên đã làm cho sụp đổ diễn ra nhanh hơn… và… và… hoành tráng hơn ạ!.. – Tân lúng túng không chọn được từ thích hợp.

– Hoành tráng hơn?.. Thái độ của anh như thế à? – Ông Hai Phong rất khó chịu.

Tác giả: