Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Thế là phải. Em suốt buổi cũng về hùa với các con truy kích anh thì anh thua là phải thôi.

– Đáng đời lắm… – Bà Nguyệt cười, tay lấy bánh cho chồng.

– Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận đấy là cuộc tranh luận lý thú, bọn trẻ thật là có trí tuệ.

– Đã bao giờ anh thắng được em chưa nhỉ?

– Hình như chưa.

– Thế thì mình em cũng đủ thắng anh rồi, việc gì em phải về hùa với các con!

Ngồi bên nhau trên sô-pha, ông Nghĩa quàng tay lên vai vợ:

– Nguyệt ạ, anh thừa nhận là con cháu trong nhà mà thuyết phục không xong thì mình còn hy vọng thuyết phục ai. Chẳng lẽ anh ngây thơ hơn cả bọn trẻ?

– Anh được Đảng giáo dục quá kỹ. Các con nói đúng đấy. Điều duy nhất anh thuyết phục được chúng nó là anh bênh Đảng đến cùng. Cứ như là anh một bên, chúng nó một bên!

– Em nói thế hoá ra con cháu chúng ta chống lại Đảng à?

– Con cháu chúng ta không chống anh mà chống tất cả những gì không thuyết phục được chúng! Nói thế công bằng hơn, đúng hơn!

– Thực ra có lúc anh hơi choáng, cứ như là võ sĩ đấu bốc khi suýt bị nốc-ao, vì quá bất ngờ. Nhưng trọng tài đếm đến sáu là anh đã lại xông trận tiếp…

– Chỉ vì anh quá mơ mộng… Hoặc là những điều anh nghĩ là đúng nhưng xa vời!

– Thế thì có gì khác nhau đâu em. Bọn trẻ làm anh lại nhớ đến buổi tranh luận đầu tiên với Lễ đêm hôm ở trại cải tạo về. Lần ấy anh đã thua và đành chịu mất Lễ.

Nghĩa lặng đi. Chờ một lúc, bà Nguyệt hỏi chồng:

– Chúng mình mất cháu Huệ thì chịu rồi, nhưng bây giờ anh có thể nói là chúng mình mất gia đình Lễ không?

Ông Nghĩa ngẩn ra một lúc:

– Gia đình Lễ là ruột thịt của gia đình chúng ta. Em hỏi gì mà lạ thế?

– Em chỉ muốn cho anh thấy cuộc sống phong phú hơn anh nghĩ.., và cũng ngang bướng hơn anh nghĩ, nghĩa là không theo sự sắp đặt trong đầu chúng ta, ngay từ trong cái nhà này thôi.

– Riêng điều này anh thừa nhận. Hôm nay lại càng rõ. Yến, Bân thuộc lớp trước không nói làm gì. Gia đình Loan, gia đình Mai, gia đình Tân đều có con đường riêng của chúng. Phải nói là chúng thực sự trưởng thành. Anh không thể ngờ được là gia đình Tín bây giờ gần như là công dân chính hiệu của Sài Gòn…

– Thời gian đi nhanh quá anh ạ, con của vợ chồng Tín – Kim đã lên hai rồi đấy. Nhưng nghĩ lại, em thấy bất ngờ nhất là con đại tá quân đội Sài Gòn trở thành con rể của liệt sĩ Việt Cộng. Anh có bao giờ tưởng tượng ra như vậy không?

– Lại là con rể của anh Lâm, người đã cứu sống anh, chứ không phải là một liệt sĩ vô danh nào! Dòng đời quanh co thế nào mà tự nó lại sắp xếp nên như thế hả Nguyệt?!

Bà Nguyệt rẽ lại tóc chồng, dịu dàng:

– Anh sẽ còn khốn khổ nhiều với cái tính khí của mình! Anh gọi những gì đang xảy ra là dòng đời quanh co… Còn em thì lại tin vào tình thâm máu mủ ruột thịt, vào cội nguồn…

– Trong nhà mình, thế hệ anh và Lễ mỗi người một bên chiến tuyến của đất nước bị chia cắt, kể cả sau khi đất nước đã thống nhất. Thế hệ vợ chồng Tín – Kim đã vượt qua được sự chia cắt này, thế là đi xa hơn chúng ta về mặt này!

– Chính vì thế em rất hy vọng, rất lạc quan, nhưng không lạc quan theo kiểu của anh.

– Anh và em lạc quan khác nhau thế nào?

– Anh là mơ mộng, nghĩa là lạc quan theo một trật tự anh tưởng tượng ra hoặc sắp xếp trong đầu. Còn em lạc quan vì tin vào con cháu mình, tin vào cuộc sống tự quyết định lấy của chúng nó… Khác với nhiều nhà khác, con cháu mình được giáo dục tốt và có học, chúng mình không cần phải cầm tay vạch đường chỉ bảo cho đứa nào.

– Em định nói anh quá thiên về lý thuyết?

– Em định nói là anh được giáo dục quá kỹ về cách nghĩ của mình. Suốt cả cuộc đời trong anh, nó thành nếp, thành bản chất của anh mất rồi.

– Có đúng thế không em?

– Anh phải tự kiểm nghiệm chứ. Anh quan tâm xây dựng cho mình tư duy để nhận biết cuộc sống, nhưng anh lại chưa quan tâm lấy sự vận động của chính cuộc sống xây dựng tư duy cho mình. Suốt buổi tranh luận giữa anh và đám con cháu nhà mình em thấy rất rõ điểm yếu này. Anh thua bọn chúng là không oan uổng!

– Anh là như thế mất rồi, làm sao là người khác, làm sao nghĩ khác, nói khác được?

Người giam chí lớn vòng cơm áo

Ta trí thân vào nợ nước mây…(*) [(*) Nguyễn Bính: Hành Phương Nam.]

– Nói được như vậy là phần nào đã tỉnh ra rồi đấy… Nhưng hình như vẫn không tự giác… Vẫn còn mơ mộng đất trời mây nước nhiều nhiều đấy anh ạ…

– Thật thế hả Nguyệt?

– Anh ạ, trong dạy sử và dạy văn, khó nhất đối với em là khi giảng cho học sinh về những nhân vật của bi kịch. Mỗi nhân vật có một bi kịch riêng không ai giống ai. Giảng mãi cho học sinh năm này qua năm khác, dần dần em nhận ra bi kịch thường xảy ra khi nhân vật và lịch sử đi trái chiều nhau, có lẽ đấy là cái chung nhất của họ.

– Sao bỗng dưng em lại lên lớp cho anh về triết lý này? – Nghĩa ngơ ngác hỏi vợ.

– Cứ nghe em nói đã… Từ Hải là một nhân vật không tự giác nhận ra được mình, cứ tưởng là cái thế giới mình đang sống cũng nghĩ theo cái thế giới quan và những thang giá trị như của mình. Anh xem, trong con mắt Từ Hải, Hồ Tôn Hiến được nhìn nhận là bậc mày râu tai to mặt lớn. Có lẽ vì thế Từ Hải nghĩ là nếu Hồ Tôn Hiến không trượng phu giống mình là bậc dọc ngang nào biết trên đầu có ai, thì Hồ chắc cũng phải trượng phu hơn mình vài con sào. Nếu Từ Hải không biết tin như thế, hay là không có khả năng nghĩ như thế, thì Từ Hải không còn là Từ Hải! Có phải thế không anh?

– Nghĩ thế mới chính là Từ Hải chứ!

– Anh nói đúng! Vì thế kết cục là Từ Hải chết đứng trước sự phản phúc của Hồ Tôn Hiến, như là một tất yếu anh ạ.

– Trời! Nghe em nói thì anh hết đường! – Nghĩa ôm riết lấy vợ.

– Bi kịch của Nguyễn Trãi còn đi xa hơn thế cơ. Ai hiểu triều Lê bằng Nguyễn Trãi? Một triều đại tự ông chung tay dựng nghiệp! Hiểu đến mức ông phải tự tìm đường về ẩn dật ở Côn Sơn… Thà từ bỏ cái thế giới có một phần công sức của mình xây dựng nên để khỏi phải từ bỏ chính mình, thế mà vẫn không thoát!..

– Trường hợp Nguyễn Trãi quả là nghiệt ngã!

– Anh ạ, nhân vật của bi kịch thường rơi vào tình huống, giữ được họ là họ, thì cái thế giới họ đang sống phủ nhận họ, thuận theo cái thế giới họ đang sống thì họ không còn là họ nữa. Lựa chọn theo cách nào họ cũng không tồn tại được. Cuộc sống có những bi kịch như thế đấy, anh có tin được không?

– Em giảng văn, giảng sử như thế anh chịu rồi. Em giảng về chính anh đi, để cho anh vỡ vạc ra. Anh còn thay đổi được không?

– Việc này em không làm nổi. Mà có lẽ không bao giờ em làm…

– Vì hai chúng ta quá gần nhau?

Ông Nghĩa cười xòa, ôm riết lấy vợ và nói thêm vào câu nói của mình:

– Ý anh muốn nói là giữa hai chúng ta thiếu hẳn một khoảng cách lịch sử cần thiết? – Ông Nghĩa vẫn muốn trêu vợ, muốn dồn vợ vào chỗ bí.

– Khoảng cách ấy sẽ không bao giờ có, không thể có… Quan trọng hơn có lẽ là anh sẽ không bao giờ trở thành một nhân vật lịch sử! Như thế có lẽ đúng hơn…

– Nói thế thì anh chịu. Nhưng em lôi văn, lôi sử ra giảng cho anh để làm gì?

– Để anh bớt mộng mơ. Anh hùng Don Quijote thì chỉ có một và một duy nhất mà thôi trong cái thế giới của Cervantes. Nhưng cách mạng nước ta sản sinh ra cả một lớp người Don Quijote đấy anh ạ.

– Họ là những ai vậy?

– Là những người như anh, anh Lê Hải, anh Tám Việt… Anh đừng quên là dù sao Don Quijote chỉ có trong thế giới của tiểu thuyết. Ở đây, trong thế giới đời thực này, các anh là những con người thực, đang đứng trên đôi chân của mình trong đời thực…

– Thật thế sao?..

– Còn cái cối xay gió trong đời thực này sẽ là những đòn trời giáng! Rồi các anh xem!..

– Em dọa anh?

– Em lo cho anh… – Giọng bà Nguyệt lắng hẳn xuống, bao nhiêu ý nghĩ xen vào làm cho câu nói chậm hẳn lại – …Từ ngày làm vợ anh, hình như lúc nào em cũng phải chung sống với mọi nỗi lo cho anh, hết chiến trường này đến chiến trường khác, rồi lúc anh từ cõi chết trở về, và bây giờ… Chính anh đã được trải nghiệm rồi đấy!.. – Trong tâm thức bà Nguyệt, chuyện Thạch Thất, chuyện về hưu của Nghĩa, của Lê Hải, và bao nhiêu chuyện khác… lại dấy lên bão tố…

Ông Nghĩa ôm chặt lấy vợ mình, không nói không rằng. Giây phút này thiêng liêng làm sao… Ông càng hiểu thêm bao điều sâu xa về vợ mình… Nhưng bà Nguyệt vẫn chưa dứt ra được khỏi dòng suy nghĩ của mình. Trong vòng tay ấm áp của chồng, bà cố giữ cho mình tỉnh táo:

– Qua tranh luận giữa anh và con cháu, em ngờ rằng Đảng trong cách nghĩ của anh và Đảng trong con mắt của đám con cháu mình là hai Đảng khác nhau anh ạ. Một bên là Đảng của lý trí thuần khiết, một bên là Đảng của những con người bằng xương bằng thịt. Đám con cháu bảo anh bênh Đảng đến cùng, là anh bênh Đảng của lý trí, đến mức anh Chính cũng phải mấy lần dẫn chứng ra cái bệnh chủ quan của anh. Nhưng đám con cháu lại nghĩ rằng trong thực tế lại đang tồn tại cái Đảng của những người bằng xương bằng thịt, dù có lý tưởng siêu phàm đến đâu cũng phải thể hiện qua những con người bằng xương bằng thịt không siêu phàm chút nào.

– Anh thừa nhận anh Chính thực tế hơn anh.

– Anh bắt đầu giác ngộ đấy… Vì con cháu chúng ta không tin vào những điều siêu phàm. Chúng đòi hỏi mọi điều phải chứng minh bằng hành động, bằng việc làm.., phải có thể chế làm khuôn khổ cho cái siêu phàm… – Bà Nguyệt vuốt ve chồng.

Tác giả: