Dòng Đời – Nguyễn Trung

Ông bà Học cùng hội buôn bán với bà Sáu Nhơn hồi còn ở tỉnh Gia Định(*) [(*)Trước 1945 Gia Định là một tỉnh riêng, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh], nên biết anh em Năm Thịnh là lớp con cháu. Sang Mỹ, cánh Năm Thịnh thường lui tới chỗ ông Học để xin chỉ giáo điều này điều khác. Cánh anh em Năm Thịnh cho biết nhân dịp này sẽ làm lễ đại thượng thọ cho bà Sáu Nhơn, ông bà Học thích lắm, muốn dành cho bà Sáu Nhơn một niềm vui bất ngờ.

Đến Hà Nội, cánh ông bà Học trước tiên về quê thắp hương bàn thờ tổ, rồi đi thăm đền Hùng, chùa Hương, chùa Yên Tử, sau đó đi thăm một số đơn vị kinh tế quanh vùng Hà Nội.

Vào những ngày này, nhiều người đi hành hương ở những nơi trên không khỏi ngạc nhiên khi thấy một tốp người, đi đầu là một ông già và một bà già, miệng niệm Phật, tay chống gậy, nhẫn nại leo trên các đường mòn cheo leo vào thăm các chùa. Đó chính là ông bà Học. Lúc này ông Học bước vào tuổi tám mươi mốt. Bà Học kém chồng mười tuổi.

Hôm ở quê, ông Chính dẫn ông bà Học và các em các cháu đến thăm trường mẫu giáo mới khánh thành. Trường gắn một tấm biển nhỏ: “Ngôi nhà của lớp mẫu giáo này do các gia đình họ Phạm làng ta biếu tặng”.

Ông Học hoàn toàn bị bất ngờ, càng hiểu các cháu mình hơn.

Chương trình ông Học đi thăm các cơ sở kinh tế ngoài Bắc trong Nam được chuẩn bị chu đáo. Mọi việc ngoài Bắc ông nhờ hai anh em Chính, Nghĩa thu xếp. Chương trình đi thăm các cơ sở kinh tế trong Thành phố Hồ Chí Minh ông nhờ ông Tư Cương lo. Máu kinh doanh trong người khiến ông Học có chủ ý như vậy. Vì tính cẩn thận của mình, ông điện đi điện về cho anh em Chính, Nghĩa và ông Tư Cương từ trước khi ông rời Mỹ. Mấy tháng trước ngày đi, ông giao cho văn phòng luật sư của mình khai thác trên mạng các thông tin của RAND – Corporation(*) [(*) Viện nghiên cứu chiến lược của Mỹ, đặt tại Los Angeles.] các bài viết về Việt Nam, nhất là những dữ liệu và thông tin kinh tế. Tự ông dành khá nhiều thời giờ đọc, ghi chép những điều cần thiết, mặc dù trước đó ông mới đi mổ mắt về.

Bà Học kêu ầm lên:

– Trời đất ơi, ông vừa mới mổ chắp. Mắt ông vẫn còn mọng lên thế kia mà còn đọc đọc viết viết mãi để làm gì. Đã thế hồi này ông làm việc khuya quá!..

– Tôi biết liệu sức mình chứ.

– Về thăm con cháu chứ có phải về nước kinh doanh đâu mà ông phải đọc nhiều thế! Hay là ông có ý định trở về sinh sống trong nước?

– Ôi nếu tôi có gan như thế thì còn gì bằng!

– Coi chừng lại phải đưa ông vào bệnh viện. Quần áo của ông, quà cho các cháu thì chẳng thấy ông bảo chuẩn bị gì cả!

– Xưa nay tôi vẫn trông cậy vào sự chu đáo của bà mà!..

Nhưng rõ ràng bây giờ sự chuẩn bị của ông Học không phải là để tính toán công việc làm ăn mới. Ông chỉ muốn tận mắt xem đất nước thực sự đã thay đổi đến đâu. …Trăm nghe không bằng một thấy! Những bài viết ca ngợi công cuộc đổi mới của Việt Nam, dự báo Việt Nam có thể sớm trở thành con rồng… càng làm ông sốt ruột. Ông tiếc rẻ chuyến về thăm lần trước chẳng đi được bao nhiêu, chẳng thấy được gì nhiều!

Hai anh em ông Chính và Nghĩa dựa vào quan hệ thân quen của mình đã thu xếp cho ông Học một chương trình đi thăm thú khá phong phú, từ công trình thuỷ điện sông Đà, đến hợp tác xã trồng rau Tứ Liên, nhà máy cơ khí Sao Đỏ của Hà Nội, mậu dịch bách hoá Cửa Nam… Trong Thành phố Hồ Chí Minh, ông chủ tâm tìm hiểu khu vực kinh tế tư nhân, tập trung sự chú ý vào công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Vân.

Những ngày ông Nghĩa ròng rã đi theo ông Học là những ngày ông Nghĩa lặn ngụp trong những ấn tượng, trong những kiến thức của đời sống kinh tế đất nước đang đổi mới mà bây giờ ông mới có dịp tiếp xúc. Nói cho đúng, qua những điều mắt thấy tai nghe, những câu hỏi của ông Học, những câu trả lời nhận được, ông Nghĩa cảm thấy mình đang trải qua một lớp học về kinh tế trong đời thực, việc thực, không một trường học nào có thể thay thế được.

Cuộc hành trình tham quan các nơi coi như mỹ mãn. Ngồi trong nhà ông Tư Cương, hai chú cháu ông Nghĩa lại tiếp tục cuộc mạn đàm không dứt từ Bắc vào Nam.

– Chú chưa hết ngỡ ngàng về tiềm năng to lớn của miền Bắc, bây giờ lại được chứng kiến sự năng động của miền Nam. Chuyến về thăm nước lần này chú thu nhiều hơn chi! Phải nói là bội thu! Người thực, việc thực và bao nhiêu con số biết nói… – ông Học tự đánh giá công việc khảo sát của mình.

– Mời chú xơi nước ạ. Đi với chú từ ngoài Bắc vào đây, bây giờ cháu mới vỡ lẽ ra là con đường đồ đồng nát của đám trẻ nhà anh Hai Phong được lát toàn bằng vàng!

– Thế hả? Con đường gì mà đẹp thế? – ông Học hỏi lại.

– Thưa chú, chí ít là cho đến bây giờ con đường kinh doanh của đám trẻ nhà anh Hai Phong là tuyệt vời ạ… – Nghĩa vừa pha xong ấm trà mới, trong đầu còn đang sắp xếp những hiểu biết thu hoạch được qua mắt thấy tai nghe.

– Ô hay, sao cháu cứ quen miệng gọi họ là đám trẻ? Tất cả đã bốn mươi hay xấp xỉ bốn mươi! Đấy là tuổi trưởng thành, tuổi lập nghiệp. Mà rõ ràng họ đã nên ông nên bà cả rồi! – ông Học bẻ lại Nghĩa.

– Xin lỗi chú, tại cháu quen miệng và tại bên nhà bà Sáu Nhơn với chúng cháu chỉ là một, tướng về hưu Lê Hải là cái cầu nối giữa hai nhà.

– Không phải thế. Tại cái tính hãnh tiến của tuổi già đấy! Cháu không cảnh giác với điều này à?

– Thôi chết, chú nói đến thế thì cháu xin chịu!

– Hai cặp vợ chồng trẻ, sáu cơ ngơi! Thật quả chú không tưởng tượng nổi, Nghĩa ạ! Rất biết tính toán và có gan lắm. Song có con đường nào lát toàn bằng vàng đâu.

– Vâng, chú không lúc nào chấp nhận những nhận xét dễ dãi. Nhưng thưa chú bẩy chứ không phải sáu công trình chú ạ. Trong vòng chưa đầy mười năm, kể từ ngày đổi mới.

– Phải nói thêm là với hơn một nghìn công ăn việc làm chứ! Chú rất thích câu trả lời hóm hỉnh của Bảo Vân: “Vốn liếng của bốn anh em chúng cháu cộng lại là mười hai bằng đại học, mười hai năm đi bỏ sữa chua không còn thiếu một hẻm nào ở Sài Gòn và cây gậy thần của bà nội ban cho!”. Cháu xem, chất xám này quả là vô giá.

– Cháu thấy kiến thức và tiếng Anh của bốn anh em Vũ khá tốt!

– Đấy chỉ là cái nền thôi, Nghĩa ạ. Bốn anh em Vũ thừa hưởng ân phúc lớn của bà nội, của gia đình. Nếu so với chú khi lập nghiệp, họ hơn chú một trời một vực, đã thế lại đang gặp thời nữa!

– Cháu bái phục trí tưởng tượng của đám trẻ, thật là những cái đầu biết nghĩ. – Nghĩa vẫn quen mồm, không sao sửa được thói quen đã bị ông Học nhắc nhở.

– Các bài báo họ nói không ngoa, đổi mới ở nước ta vượt xa sự mong đợi của chú. Đến đâu cũng thấy không khí làm ăn nhộn nhịp, hàng hoá phong phú… Cầu chúc cho đất nước đi tiếp trên con đường này!

– Mười ngày nay đi theo chú, cháu càng vướng víu vào câu hỏi: Chi viện từ các nước Liên Xô – Đông Âu cũ không còn nữa, thế nhưng tại sao bây giờ kinh tế đất nước lại có thể bừng lên như vậy?

– Cháu tìm được câu trả lời?

– Ngẫm nghĩ mãi, cháu thấy thực chất của đổi mới là dân được tự phát huy sức mình và mở rộng dân chủ để cho dân làm.

– Có thể tiếp tục duy trì được xu thế này không cháu?

– Sao tự nhiên chú lại hỏi thế ạ?

– Phải hỏi chứ. Cái mừng là nước ta không đi vào thảm hoạ như nước Nga đang đi. Dân tình ở đấy bây giờ điêu đứng lắm cháu ạ. Họ đang phải trải qua thời kỳ chủ nghĩa tư bản ra đời, thai nghén bằng sự cướp giật các nguồn của cải quốc gia. Người thì gọi đấy là cơn đau đẻ của sự ra đời một trật tự mới. Người thì nói phá hẳn đi xây lại còn hơn là sửa chữa chắp vá!.. Có thể là như thế, một sự lựa chọn đứt ruột!

– Chú cũng nghĩ như vậy ạ?

– Chịu. Để cho tương lai phán xét. Còn ở nước mình thì không thể làm như thế được. Dân mình đã phải chịu đựng chiến tranh mấy thế hệ rồi, văn minh nước mình cũng chưa bằng Nga, nếu làm như Nga cái giá phải trả ở ta không biết sẽ là thế nào?

– Chú sợ những gì ạ?

– Một kịch bản mới của Thiên An Môn à? Nội chiến à? Chỉ có trời biết! Không thể hình dung được! Không thể chấp nhận được! Chết chóc và tàn phá như thế là đủ lắm rồi cháu ơi! Cho nên đổi mới như nước ta đang làm là chí phải. Đảng của cháu lựa chọn đúng, nhưng trước hết phải nói dân mình giỏi lắm. Câu hỏi hiển nhiên là sẽ tiếp tục như thế nào?!

– Chẳng lẽ cháu lại đem nghị quyết về định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng cháu ra nói với chú?

– Chú không quan tâm về chủ nghĩa, lại càng không tin những gì cháu nói về chủ nghĩa! Nhất là ở tuổi chú bây giờ. Điều chú băn khoăn là sau những kết quả tuyệt vời này, không biết chế độ ta đã có sự lựa chọn dứt khoát chưa.

– Chú lại nói đến hai con đường ạ?

– Cháu rất sính chính trị, rất sính ý thức hệ! Hai con đường chú muốn nói ở đây là sự lựa chọn giữa một bên coi đổi mới như một bản năng tự vệ, và một bên coi đổi mới là con đường tất yếu của phát triển. Nghĩa là sự lựa chọn giữa bản năng và tự giác.

– Sao chú lo xa như vậy ạ? – Nghĩa cảm thấy phần nào bị châng hẩng.

Thế hả? Cháu có nghe kỹ những điều trình bày của bốn anh em Vũ không?

– Có ạ.

– Cháu có thấy những việc họ làm được, một phần là nhờ nhiều chuyện chưa có luật, cũng có nghĩa là luật rất thoáng hoặc không cấm, song cũng có không ít chuyện của anh em Vũ luật pháp chưa với tới, cháu có thấy như thế không? Vì thế phải hỏi lấy cái gì bảo đảm công ty của bốn anh em Vũ trong tương lai mãi mãi lành mạnh và phát triển phù hợp với quốc kế dân sinh? Tại nhiều quốc gia, quá trình biến tấu thành các đường dây làm ăn phi pháp diễn ra nhanh chóng một cách dễ sợ, rồi có nơi còn đẻ ra các mafia nữa!

Tác giả: