Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Đã thông báo trên tivi thu hồi văn bản này từ hồi nảo hồi nào rồi cơ mà?

– Vâng, đúng thế ạ. Sau đó có văn bản mới quy định chiều cao lưu không của xe chở công-ten-nơ là bốn mét hai (4,20m). Thế nhưng tiêu chuẩn quốc tế phổ biến lại là bốn mét ba lăm (4m35 m) ạ.

– Trời đất ơi, tinh vi quá, dã man quá! – Ông Tám rên lên, hai tay nắm lại…

– Vâng, vô cùng tinh vi chú ạ. Chú có cách gì chém được các xe chở công-ten- nơ thấp bớt đi mười lăm phân không ạ?!

– ??? – Ông Tám ngơ ngác, mãi mới kêu lên – …Mười lăm phân khốn nạn!

– Chú ơi chưa hết đâu, giới kinh doanh kêu dữ quá đến tai Thủ tướng. Gần đây Bộ lại cho ra văn bản mới, quy định chiều cao này là từ bốn mét hai đến bốn mét ba lăm.

– Tại sao không quy định dứt khoát là bốn mét ba lăm? – Ông Tám hỏi lại.

– Có mà trời biết chú ạ. Phải có mấy phân du di cho mấy chú công an mới có đất mà làm luật chớ! Nhưng quy định mới này rõ ràng làm lòi tói sự thật là xe chở công-ten-nơ bốn mét ba lăm vẫn đi được trên đường sá của ta, có phải thế không chú?

– Nghĩa là quy định nào cũng vẫn cài sẵn cái bẫy tiếp tục hành doanh nghiệp?

– Theo cháu biết quốc lộ thường có nhiều vốn ODA(*) [(*) Official development Assistance: Nguồn vốn vay viện trợ phát triển của chính phủ các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển, với những điều kiện thanh toán ưu đãi, nhưng lại ràng buộc với những điều kiện chính trị, với công trình hoặc vấn đề kinh tế cụ thể, đòi hỏi nước đi vay phải có khả năng góp một phần vốn đối ứng để thực hiện công trình.] , phải xây theo tiêu chuẩn quốc tế. Cháu cứ tưởng là sau cái bận y tế có cái văn bản chỉ cho phép làm mát-sa đến bẹn thì các Bộ khác phải rút kinh nghiệm chứ, ai dè…

– ???

Ông Tám đờ người ra, chẳng nói chẳng rằng.

…Thì ra bây giờ các người nhà nước làm ăn như thế! Sau mười lăm năm đổi mới, đất nước vẫn đang trên đường đi tới một ngã ba quyết liệt chăng?..

…Một ngã ba: Hoặc là… Hay là…

Nỗi lo lắng này dẫn dắt ông Tám đi thăm khu trồng bạch đàn Kiên Phong và Cụm 9 lần thứ hai, với những kinh nghiệm và hiểu biết ông vừa mới thâu lượm được trong chuyến đi bị bà Tám gọi là vi hành. Ông tin rằng mình đã hiểu được ngọn ngành mọi chuyện…

Ông quyết định đến thăm chín Tạ, sau gần một năm “vi hành”…

Dự định đơn giản này, ngay từ đầu bị biến tướng tức khắc. Chín Tạ không để cho ông đến thăm tại cơ quan, mà lại mượn cớ tình xưa nghĩa cũ, mời ông bà Tám đến ăn cơm tối tại nhà.

Chín Tạ nói là tình xưa nghĩa cũ, nhưng mấy năm nay vào đây vợ chồng ông Tám chẳng thấy mặt mũi Chín Tạ đâu cả, điện thoại cũng không. Từ ngày ông bà về trong này nghỉ hưu, vợ chồng Chín Tạ chỉ đến thăm có một lần, chừng mươi mười lăm phút, ngay hôm đầu tiên ông bà vào tới trong này.

– Về hưu cũng là một thước đo tình người. Ông không nghĩ thế hay sao? – Bà Tám hỏi chồng.

– Đành là vậy, nhưng bây giờ Chín Tạ đã có lời mời.

– Tôi hiểu lắm chứ, nhưng có lẽ tính tôi cố chấp.

Thế là ông Tám phải đi một mình.

Từ phòng tắm hơi, ông Chín trần như nhộng tồng ngồng đi sang bồn tắm đấm lưng bằng nước nóng. Ông xoay bên nọ, xoay bên kia, lúc nằm ngửa, lúc ôm lấy thành bồn như đang ôm một ai đó, hướng các đấm nước vào những nơi trên thân thể tạo ra cho ông những khoái cảm kích thích nhất. Ông lim dim nhắm mắt, cố tưởng tượng ra Bạch Liên đang mơn trớn, xoay vần thân thể mình, có lúc đấm nước mang lại cho ông khoái cảm cực độ như khi đang hành lạc…

Đánh vật thoả thuê với cái bồn đấm nước nóng, ông Chín leo ra khỏi bồn, khoác lên người cái áo tắm rồi ra nằm dài trên cái ghế mây ngả lưng để thư giãn. Gió hiu hiu qua hành lang khiến ông thiếp đi một lúc mà không biết, Bạch Liên và mấy cô ô- sin bị bà Chín đuổi lại hiện lên quanh quẩn bên ông…

Khoan khoái là thế, nhưng ý nghĩa bữa cơm mời Tám Việt quan trọng quá, ông cố xua đuổi cái ngủ đang gạ gẫm đôi mắt ông, đầu óc lục lọi những điều Bạch Liên giảng giải… Hai mắt ông lim dim không dám nhắm hẳn lại, nhưng bên tai ông, tiếng Bạch Liên như chim hót đưa ông vào hết đề tài này đến đề tài khác, những câu hỏi hóc búa cần chuẩn bị để ứng khẩu với ông Tám Việt… Ông mơ mơ tỉnh tỉnh nhẩm nhẩm những lời Bạch Liên dặn dò trong cả một tuần lễ vừa qua…

Nói nôm na là mọi chuyện đã được phân công chu đáo từ mấy tuần nay. Để bữa cơm của ông Chín đãi ông Tám Việt được hoàn mỹ, bà Chín phải nấu nướng những món ăn độc đáo miền Đông Nam bộ, còn Bạch Liên phải làm các bài tập cho ông Chín đối thoại trôi chảy với ông tám Việt về bất kể đề tài gì có thể đụng chạm tới trong bữa ăn hôm nay.

– Phải làm cho cái lão Tám này lác mắt và bớt cái thói hợm mình là cán bộ lão thành cách mạng… Chín Tạ thời nay không còn là cậu bé cần vụ năm nào nữa đâu… – Chín Tạ giao nhiệm vụ cho Bạch Liên.

– Em hiểu. Em hiểu…

Song Bạch Liên lên lớp mới được có hai buổi, ông Chín đã thấy ngán:

– Mời ổng ăn có một bữa cơm mà sao bắt người ta chuẩn bị dữ thế? – …Ông Chín thấy có những bài tập không nuốt được.

– Thế là anh chẳng hiểu gì ông Tám Việt hết! Một là ông này sẽ làm anh cứng họng nhiều chuyện. Hai là anh phải chủ động lôi ông ta vào câu chuyện của mình. Anh chọn cách nào thì tùy…

– Ừ ừ… Được! Nhưng mà nói thế nào cho người ta dễ nhớ chứ!.. Ai lại lôi mọi chuyện trên trời dưới biển vào bữa ăn thế này!.. Lại cả chuyện văn hóa nữa! Mà tôi thì hiểu gì về văn hóa hả cô Bạch?

– Bây giờ đang là mốt đấy, nếu anh không muốn bị cái lão Tám dắt mũi anh vào các bẫy của lão ta…

Càng nằm nhẩm các bài tập, ông càng thấy thèm ngủ. Ông vùng đứng dậy. Đi đi lại lại một lúc, ông thấy đầu óc minh mẫn hơn… Bây giờ ông thấy những lời dặn của Bạch Liên thật rành rọt, dễ nhớ… Ông tỉnh táo ngay, vì dù sao trưa nay đã được ngủ đẫy mắt. Ông sắp đặt trong đầu các tình huống… Ông xem đồng hồ, hãy còn nhiều thời giờ lắm.

Phải chủ động cho cuộc đối thoại lịch sử này… – ông Chín tự nhủ với mình.

Chín Tạ vốn hiểu khẩu vị ông Tám, lại rất sành những món ăn đặc sản của vùng đồng bằng Nam bộ, nên bữa cơm được chuẩn bị rất công phu…

Xem đồng hồ lần nữa, ông Chín đứng dậy, chải chuốt đầu tóc, mặc bộ quần áo đũi tơ tằm ông đã chọn sẵn, rồi đích thân đi xem lại phòng ăn. Ông Chín không muốn cho vợ chồng Hai Tấn dự bữa cơm này, vì sợ Hai Tấn dễ lộ chuyện trong gia đình, mà vợ Hai Tấn thì quá đỏng đảnh, người không ra người… Chín bà không hiểu ý này, nên bàn ăn vẫn cứ sắp xếp đủ tám ghế, bát đũa cũng thế…

– Bà Chín ơi! Bà Chín!..

Ông Chín gọi toáng lên mấy lần, nhưng không thấy bà Chín đâu cả. Ông chạy xộc xuống nhà bếp, ngơ ngác nhìn bà Chín đang xồn xồn mắng người ô-sin mới.

– Sao mày ngu thế. Tao đã dặn trưa nào cũng phải trộn cơm cho con Ki đúng bữa, buổi sáng là sữa mi-lô (Milo), thế mà đến giờ này mày vẫn chưa cho nó ăn!

– Thưa bà trưa nay quá bận việc chuẩn bị cơm khách, nên con quên mất.

– Mày có nhịn được bữa nào không mà bắt nó nhịn hả? Mày để nó chết đói thì mấy mạng của mày cũng không đổi được con chó nhà tao đâu!..

Bà Chín tay đã quơ được cái cán chổi, toan đập cho người ô-sin vàì đập thì con Ki đã nhảy cẫng lên quấn lấy chân bà, rúc vào trong ống quấn lấy chân bà, rúc vào trong ống quần bà liếm liếm khắp nơi. Bà Chín đang giận dữ là thế mà quăng cái chổi đi, bế con ki lên vuốt ve, hôn hôn hít hít, để cho nó liếm cả vào mặt:

– Ôi Lúc-ki! Lúc-ki! Con của mẹ đây rồi! Sữa Mi-lô nhé?.. Mi-lô Lúc-ki nhé? Giờ này mà nó chưa cho con ăn thì con chết lả mất thôi!.. Mi-lô nhé! Ngon lắm… – Thực ra con chó bông này được Bạch Liên đặt tên cho là Lucky (lấc-ki), nhưng bà Chín không phát âm đúng tên được.

– Dẹp, dẹp!.. Sắp đến giờ khách tới rồi!.. – Ông Chín mắng ô-sin rồi quay sang mắng bà Chín – Dẹp ngay! Không lo đi thay quần áo mà cứ đứng đây ầm ĩ cãi nhau chuyện chó với má! Suốt ngày lúc nào cũng mi-lô với lúc-ki! Sốt cả ruột!..

– Cãi nhau? Thế nào là cãi nhau? Với ai? Lại bênh nhau chằm chặp hả! Gớm nhỉ!…

– Thôi! – Chín ông quát to rồi lôi Chín bà xềnh xệch lên phòng ăn, con Lucky tuột khỏi tay bà Chín rơi bịch xuống đất, ăng ẳng kêu đau như bị đòn…

Chật vật một lúc, cuối cùng thì hoà bình trật tự cũng được vãn hồi trong nhà Chín Tạ, phòng ăn được sắp xếp lại, mọi người vẫn còn đủ thời giờ sang sửa đầu tóc, quần áo chỉnh tề. Người ô-sin không quên cho Lucky vào giường riêng của nó và xích lại.

Nghe tiếng bấm chuông, ông Chín đích thân ra mở cổng. Thoạt đầu ông Chín không hiểu chuyện gì xảy ra. Ông đứng ngây người nhìn ông Tám móc ví trả tiền cho người lái xe ôm, rồi mới quay ra bắt tay mình. Ông Chín đinh ninh là có xe của thành ủy rước ông Tám…

…Hồi chiều mình còn dặn đi dặn lại Văn phòng Thành uỷ việc này cơ mà? Sao vợ không đi cùng?..

Ông Chín đon đả:

– Chào anh Tám ạ, thôi chết, xe Thành uỷ không đến đón anh chị hay sao mà anh phải đi xe ôm? Chị không đến hả anh? Em đã dặn kỹ Văn phòng Thành ủy việc này rồi cơ mà.

– Văn phòng Thành uỷ có điện hỏi, nhưng mình bảo họ khỏi đón. Bây giờ mình là người tự do!

– Anh Tám vẫn là người thích đùa. Chị không đến hả anh?

– Bả đang mệt, nên cáo lỗi.

– Em thấy anh hình như có vẻ mập ra?

Tác giả: