Cả Kim Hồng và vệ sỹ không tin vào những gì họ thấy trước mặt.
– Đúng rồi! – Kim Hồng vỗ đùi giãy nảy lên. – …Một trăm phần trăm đây là xếp hàng mua xăng! Ngày kia sẽ bán xăng theo giá mới!
– Sao bà chủ biết?
– Nội bộ được tin lệnh bán theo giá mới đã phát đi từ sáng hôm qua, sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày kia.
– Thế nhưng từ ngày bỏ bao cấp nước mình có thiếu xăng bao giờ đâu?
– Họ găm lại để bán theo giá mới kiếm lời!
– Toàn xăng quốc doanh mà cũng đầu cơ à?
– Cơ chế thị trường mà! Tìm đường khác đi, nếu không sáng mai mới về đến Thành phố! – Kim Hồng nói như ra lệnh.
Vệ sĩ nháy đèn hiệu xin đường đi theo lối khác. Chật vật lắm xe mới ngoặt được vào một đường ngang. Xe bon bon được dăm mười phút không ngờ lại đi vào chỗ kẹt lớn hơn, đứng chết dí tại chỗ không biết bao nhiêu lâu rồi.
– Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa bà chủ ạ. Trạm xăng này còn bự hơn nữa! Lại đến giờ xe tải chạy rồi!..
– Người ngợm xe pháo đâu mà xếp hàng dài thế!
– Bà chủ chỉ nên nghĩ đến ngày vui hôm nay thì sẽ đỡ bứt rứt hơn!
– Kim Hồng bắt đầu nóng ruột, vì sáng mai có cuộc hẹn cho một áp-phe quan trọng.
Có cái trực thăng nào ở đây cẩu cái xe ra khỏi thành phố này thì may ra! Vệ sĩ cũng bắt đầu cảm thấy bực dọc.
– Hay là bà chủ chịu khó xuống xe xin đường cho tôi cài số lùi. Bây giờ lùi còn kịp! Nếu không phải ngủ lại trong xe thì không đầy đủ tiện nghi như ở phòng VIP đâu!
Kim Hồng làm theo lời vệ sỹ. Mất gần nửa giờ đồng hồ nữa xe mới ra khỏi chỗ kẹt để quay ra hướng biển tìm cách đi đường vòng…
– Thà đi đường xa gần gấp đôi thế này còn hơn kẹt xe bà chủ ạ!
– Tiên sư chúng nó làm khổ chúng mình! Tính sơ sơ ngày nay, ngày mai, ngày kia bọn bán xăng ở mấy thành phố này vớ bạc tỷ đấy!
– Dữ thế hả bà chủ?
– Tính đi, mỗi ngày mấy thành phố quanh đây tiêu thụ mấy trăm tấn xăng. Có lẽ đến cả nghìn tấn! Anh cứ đem nhân với khoản chênh lệch giá của vụ đầu cơ này thì ra ngay số tiền! Cả nước cũng sẽ có chuyện đầu cơ như ở đây!
– Lệnh gì mà chưa thực hiện đã lộ hả bà chủ? Mới chưa đầy một ngày..!
– Bọn này phải đem ra bắn hết!
– Ối, thế thì phải bắn cả nước, bà chủ ạ! Tôi lại lo chuyện khác!
– Vệ sĩ lo cái gì?
– Bà tính xem, mới thiếu xăng có mười mấy tiếng đồng hồ mà đã nháo nhác như vậy. Giả thử nói dại mồm dại miệng bị mất mùa hay bị thiên tai lớn thì ra sao đây!
– Ừ nhỉ, mười mấy năm nay không biết mất mùa là gì! Vệ sĩ mà cũng có câu hỏi đáng suy nghĩ đấy nhỉ!..
– Thôi chúng ta nói chuyện khác đi bà chủ! Nhiệm vụ của vệ sĩ là giữ cho bà chủ trẻ mãi cơ mà!
– Phải rồi, đừng làm hỏng mất dư âm hôm nay!
– …
Chuyện trò trong xe rôm rả là thế, nhưng lúc lúc Kim Hồng vẫn rít lên, giục vệ sĩ phải dấn ga về kịp Thành phố trước bốn giờ sáng. Kim Hồng đã có hẹn nhập bọn để lên Lâm Đồng đấu thầu 200 hecta xây dựng khu du lịch sinh thái Đan Kia vào 5 giờ chiều ngày mai… Cách đây một tuần Kim Hồng vừa mới đòi được một chân trong cánh đi tham gia đấu thầu này…
– Bà chủ để tóc dài đuôi ngựa như thế trẻ ra đến chục tuổi! – vệ sĩ cố lái câu chuyện ra khỏi nỗi lo của Kim Hồng.
– Gợi ý của Bạch Liên đấy. Phải chịu hắn ta là có gu lắm!
– Cầm chân được ông Thắng nhà mình thì phải là người có biệt tài rồi!
– Anh đi đằng anh, em đi đằng em từ đời ma củ tỷ củ tỳ nào rồi!
– Cùng chiến sỹ tự do với nhau cả mà! Bà chủ!
– Đúng thế, chỉ có tự do mới là vĩnh hằng!
– Ôi, siêu quá bà chủ! Thật là lời nói nhả ngọc phun châu… – vệ sĩ bỏ một tay khỏi vô-lăng, ôm riết lấy Kim Hồng mà hôn.
Cái hôn làm cho chiếc Mercedes ngoằn ngoèo trên đường một quãng dài dưới bầu trời đã rạng sáng. Các xe tải đi ngược, đi xuôi rú còi ầm ĩ phản đối. Tại một chỗ, cái Mercedes lạng quá xa sang bên trái, thế là chiếc xe tải đi ngược chiều và cả cái Mercedes đều phải dừng gấp lại. Người lái xe tải thò hẳn đầu ra ngoài ca-bin, chõ vào cái Mercedes mà chửi:
– …Đ. mẹ chúng mày! Có muốn ông nghiền cho tan xác không hả!..
Dứt lời chửi là một tiếng choang chát chúa! Người lái xe tải thẳng tay ném cái búa vào đối phương. Kính chắn gió của chiếc xe Mercedes mới khựng bung ra thành muôn vàn mảnh bi tròn tung toé trên mặt đường…
20.
Tiến sĩ toán Phạm Trung Tân bây giờ là giảng viên chính thức tại đại học Stockholm. Anh được mời và đã ký hợp đồng làm việc dài hạn với trường này. Ông bà Nghĩa vừa hân hoan vừa phân vân. Vui vì con mình thành người. Phạm Trung Tân trở thành một tên tuổi gắn liền với trường phái toán của Viện toán trường Đại học Stockholm. Học trong nước, Tân là học trò xuất sắc của những giáo sư hàng đầu Việt Nam. Được nhiều người đánh giá là môn đệ đáng nể trọng của L. Schwartz, B. Russel, C. Chevalley… Đơn giản là vì Tân đã tự xây dựng được cho mình ý chí để ngỏ cửa tâm hồn mình đối với trí tuệ…
Sau khi ra trường, ngay lập tức Tân bị cuốn hút vào những trận phong ba mới của các lý thuyết về cơ học lượng tử, những cơn bão táp mới được dấy lên từ thời A. Einstein, N. Bohr, L. de Broglie, W. Heisenberg, E. Schroerdinger… Dựa vào những quan điểm mới về “sự hỗn độn tất định” đang đảo lộn phương thức tư duy tuyến tính vốn có trong hầu hết các ngành khoa học từ nhiều thập kỷ nay, Tân đi sâu vào các bài toán của lý thuyết về phân bổ không đều, với hy vọng tìm ra những ứng dụng quan trọng trong môn vật lý…
Song ông Nghĩa vẫn băn khoăn, ông nói với vợ:
– Đất nước này nuôi nó thành người, nhưng nó lại đi làm thuê ở nước khác. Đành rằng khoa học không có biên giới quốc gia, nhưng chẳng lẽ đất nước mình nuôi nó công cốc? Hay là mình không cần người tài?
– Anh và em đều là đảng viên, chúng mình can đảm nhìn vào sự thật đi. Theo anh, Tân về nước liệu có tìm được chỗ làm việc phát huy được khả năng của con không?
– Anh đã hỏi thẳng con chuyện này. Con bảo đã thử mấy chỗ rồi nhưng thất bại. Toán thì học bao nhiêu cũng được, nhưng khôn ngoan thì con nói là không muốn học, nên tự cho mình chỉ số về khôn ngoan thấp và nó cũng không thích học khôn ngoan theo cách đó…
– Mai cũng đồng ý như em của nó! Mai nói với em: Bố mẹ đừng can thiệp vào làm Tân phải suy nghĩ. Tân làm khoa học, đừng để uổng phí tài năng của nó.
– Chết thật, cái Mai nhà này cũng nói thế à?
– Vâng, cái Mai còn nói với em: tụi nó cũng chung số phận như bà con nông dân khi chưa có khoán, phải sống vào mảnh đất 5%(*) [(*) Phần đất chia cho xã viên hợp tác xã nông nghiệp để làm kinh tế gia đình, là 5% diện tích ruộng đất bình quân của mỗi xã viên trong hợp tác xã.] của mình để làm những công việc khoa học chân chính, nghĩa là đích thực khoa học, Tân là một trong những người giúp đỡ bọn nó được nhiều việc.
– Trời ơi, trong trong khoa học cũng phải sống vào mảnh đất 5% à?
– Vâng. Trí thức ngày nay hèn quá phải không anh?
– Nói cho công bằng, anh và em có dũng cảm hơn con đâu! Cái đáng làm thì không làm hoặc không được làm, nhiều cái vừa lãng phí, vừa trái lè lè mà học thức quèn như chúng mình cũng phải nhắm mắt cho qua, huống hồ lũ trẻ nhà mình..! Ngoài ra còn phải kể đến tính đố kỵ nhau gần như cố hữu nữa trong giới khoa học em ạ.
– Có chuyện đó. Theo em hình như đố kỵ tuy rất cảm tính, nhưng về mặt nào đó cũng là cần thiết của khoa học anh ạ, chỉ có điều đôi lúc hơi thái quá, tệ hại hơn nữa là bị chính trị hoá thành bệnh tật. Làm nghề dạy văn, em thấy rõ chuyện này.
– Em làm anh nhớ đến chuyện chửi nhau loạn xạ cách đây vài hôm của mấy nhà văn nhà thơ trên mấy tờ tuần báo, lời lẽ mất hết cả tính văn học! Họ khinh mạt người đọc quá xá.
– Phải nói là mất hết cả văn hóa mới đúng chứ! Chuyện của Tân, tốt nhất để cho Tân tự lo anh ạ…
Nghĩa thực sự bí:
– Thế này thì chắc lại thêm một Đặng Thái Sơn nữa mất thôi! Biết làm thế nào… Thành tài rồi lại ra nước ngoài mất!
– Nhưng nếu thêm được một Đặng Thái Sơn như đang dạy ở Nhật thì cũng rạng danh cho nước ta, có làm sao đâu anh?
– Đành là thế… Nhưng…
– Anh chưa hiểu hết đâu…
– Anh chưa hiểu cái gì?
Bà Nguyệt đắn đo một lúc rồi mới nói với chồng:
– Anh phải thông cảm cho Tân về chuyện này anh ạ… Tâm sự với em, có lúc con thốt lên: …Mẹ ơi, thiên tài như Anh-stanh (Albert Einstein) trong môi trường xã hội của ông ta mà đã có lúc còn phải than thở là không thể thắng được thế lực của những kẻ ngu dốt, vì bọn họ đông quá!.. Huống chi trong cái xã hội này con chỉ được coi là cái đinh gỉ còng queo…
– Chết thật, Tân tự ví mình như vậy à?
– Vâng… Nhưng em lại lo chuyện khác.
– Chuyện Linda Palme?
– Chứ còn chuyện gì nữa! Đi Tây, nó sống theo kiểu Tây mất rồi.
– Em không thích con dâu Thụy Điển?
– Anh bênh nó à? Rõ là cha nào con ấy.
– Em thù dai thế? Natasa bây giờ chắc đã là bà nội hay bà ngoại mấy lần rồi…
– Nếu chúng nó thật sự yêu nhau thì cưới phắt đi. Vợ chồng mà không phải vợ chồng thì đạo lý ta không chấp nhận được.
– Thế hả?
– Anh đừng quên, Nam không còn nữa, đến lượt Tân phải làm nhiệm vụ trưởng nam của họ Phạm đấy!
Ông Nghĩa không nói gì thêm được.
Trong lòng thực ra Nghĩa không lo lắm nỗi lo của vợ. Ông hoàn toàn tin rằng con trai mình ý thức được đầy đủ về cuộc sống riêng của mình, chẳng có lý gì bắt nó nhất nhất rập khuôn theo lối sống của bố mẹ. Hiện Linda cũng là giảng viên của đại học Stocholm, tiến sĩ kinh tế, chuyên sâu về lĩnh vực phát triển quyền năng con người. Nhưng việc Tân không công tác trong nước lại làm ông suy nghĩ mung lung hơn nhiều…