Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Lễ, như thế nghĩa là em không tin vào chủ nghĩa xã hội khoa học?

– Bao giờ có chủ nghĩa xã hội khoa học? Nó là gì thế anh? Anh nói rõ cho em nghe xem nào?

– Nghĩa là em không tin cái cốt lõi nhất trong chủ nghĩa Mác: Gắn giải phóng cá nhân với giải phóng giai cấp, với giải phóng cộng đồng dân tộc. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là như vậy. Học thuyết Mác nhằm vào mục tiêu giải phóng cá nhân như vậy, chứ không phải là phủ nhận cá nhân.

– Nói đến như anh mà em thực lòng vẫn không tin, thế có chết không! Ha… Ha… Ha… – Lễ chua chát cười phá lên.

– Vì sao em không tin? – Nghĩa châng hẩng, mặt đỏ bừng, thận trọng ướm từng câu hỏi với Lễ: – Hay là em cho anh là cả tin, còn em thì quá thực dụng? Em nói rõ ý em xem nào! – Nghĩa thúc giục.

Ngẫm nghĩ một lúc, Lễ đáp lại:

– Anh Nghĩa ạ, đơn giản là làm sao thực hiện được cái việc gắn như anh nói! Thời nào mà chẳng có sự thống trị của cái tầng lớp thuộc về thời ấy, nói rộng ra là của cái chế độ ấy! Ngay cả cái gọi là chuyên chính giai cấp em cũng cho là tào lao, là dụng ý. Nếu coi đó là một khái niệm để tư duy, một công cụ quyền lực được nguỵ tạo ra cho mục đích như mọi công cụ khác thì em chấp nhận. Khi mổ xẻ đến tận cùng bản chất của quyền lực, anh cứ thử tách bóc mọi thứ người ta đắp điếm lên hai chữ giai cấp mà xem!..  –  Lễ càng nói càng sôi nổi, nhấn mạnh vào các từ ngữ xưa nay Lễ vẫn thường tranh cãi với nhiều người kể từ khi còn đang ở đại học, ở các buổi hội thảo do cơ quan nghiên cứu chiến tranh tâm lý tổ chức…

Khó khăn lắm Nghĩa mới chen ngang vào được:

– Nói như em thì xã hội không có giai cấp à?

– Có chứ ạ. Giai cấp và nhân danh giai cấp là hai chuyện khác nhau.

– Em cũng nghiên cứu về giai cấp à?

– Vâng. Nhưng em đi sâu vào cái gọi là nhân danh giai cấp, điều này mới thực sự quan trọng anh ạ. Đây không phải là lần đầu tiên! Chuyện này trong Sài Gòn những người có ý thức một tý không thể dửng dưng được. Ngô Đình Diệm đã nhân danh giai cấp cần lao nhân vị lê máy chém đi khắp nơi. Đúng ra phải nói đó là giai cấp mấy anh em nhà họ Ngô, chuyên chính của mấy anh em nhà họ Ngô, của chế độ họ Ngô!.. Anh đã thấy rõ sự lừa bịp chưa? Đến Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ cũng à la mode kêu gọi hữu ái giai cấp thì thật là không còn gì để nói nữa! Anh đã biết Thiệu – Kỳ hữu ái giai cấp với em như thế nào rồi!

– Như thế theo em là không có chuyên chính giai cấp?

– Dứt khoát không. Chuyên chính vô sản như tụi em được học ở B7 về chủ nghĩa xã hội khoa học cũng không! Chỉ có cái chuyên chính của nhân danh giai cấp!

Đến lúc này Nghĩa không giữ được bình tĩnh nữa, một điều hiếm khi xảy ra đối với Nghĩa. Ông hỏi dồn:

– Theo cậu là không có giai cấp hay chuyên chính gì hết?

Lễ đáp lại ngay:

– Có chứ anh. Tên gọi chuẩn xác là chuyên chính của cai trị đối với bị cai trị!

– Nhưng ít nhất cậu cũng phải hiểu mỗi nền chính trị có một chủ thuyết của giai cấp nó đại diện chứ!

– Chủ thuyết cũng chỉ là thứ người ta đưa ra để để bám lấy, nếu không thì chỉ để biện hộ thôi anh ạ. Chế độ nào cũng thế, em chưa thấy cái gì hơn ngoài cái cai trị và cái bị cai trị! May ra thì có sự khác nhau giữa cai trị tốt và cai trị xấu! Còn cái gọi là chủ thuyết của giai cấp như anh đang nghĩ trên thực tế nó luôn luôn trở thành chủ thuyết của cái nhân danh giai cấp!

– Cậu thực dụng hết chỗ nói. Phải cải tạo một trăm lần, một nghìn lần! – tay Nghĩa nắm lại, hết miết miết lại rồi đấm đấm trên mặt bàn. Cái giọng nhỏ nhẹ lúc đầu câu chuyện không còn nữa.

Trong ánh điện mờ mờ ban đêm, Lễ vẫn thấy mặt anh mình đỏ lên như người say rượu. Lễ biết anh mình đang giận lắm. Câu chuyện không còn anh anh em em nữa. Cách xưng hô của Nghĩa chuyển sang tôi tôi cậu cậu từ lúc nào không biết! Tự nhiên Lễ cũng thấy không muốn nhượng bộ anh mình:

– Anh cáu em đấy à?

– Tôi muốn tranh luận với cậu cho ra nhẽ!

– Nếu thế anh phải bình tĩnh. Chung quy lại em và anh đều kính phục Mác. Nhưng em thì hoài nghi và không chịu hy sinh. Anh thì lại dám hy sinh vì đã trở thành tín đồ!

– Ai cho phép cậu quy kết tôi như vậy?! – Nghĩa cáu thực sự.

– Chính câu hỏi của anh vừa nói đang chứng minh điều em nghĩ!

– Cậu thông tục hoá và hiểu sai Mác hết chỗ nói! Cậu không hiểu cái tinh tuý nhất của Mác là giải phóng con người à?! Giải phóng đến mức coi tự do của mỗi người là điều kiện cho tự do cho mọi người! Cậu đã thủng ra chưa!.. Tự do của mỗi người ở đây khác hẳn với cái tính ích kỷ của cậu!.. –  Nghĩa bực dọc bắn ra một tràng, bàn lại tay nắm lại, gõ gõ xuống mặt bàn.

Lễ ít nhiều thất vọng, nhưng vẫn kiên nhẫn chờ cho anh mình nói xong, mới lựa lời:

– Anh mắng em thế nào cũng được… Em muốn bộc bạch suy nghĩ của mình, nhưng anh đang từ cục đất bỗng dưng trở thành ông Trương Phi! Thế thì tâm sự với nhau làm sao được! – Lễ gần như rên lên, nhích ghế ra xa, muốn đứng dậy bỏ dở câu chuyện.

– Anh xin lỗi… Nói đi!.. Em nói tiếp đi!.. – chính Nghĩa cũng không hiểu bây giờ mình đang ra lệnh hay đang thúc giục, dỗ dành Lễ.

– Còn chuyện này em chưa kể anh nghe, nếu có thói quen tin vào chủ thuyết, thì có lẽ em đã không chọn con đường rốt cuộc đã dẫn đến trại cải tạo B7 ở Bảo Lộc. – Lễ vừa nói vừa kéo ghế trở về ngồi chỗ cũ.

Nghĩa ngồi im. Lễ không biết anh mình đang nghe mình nói hay đang ngồi nuốt giận. Lễ cố lấy lại không khí anh em:

– Anh ạ, câu chuyện là thế này. …Trước khi vào trường sĩ quan Đà Lạt, em đã đi học đại học kinh tế. Nhưng nghe giảng được gần hết học kỳ đầu, em nuốt không nổi, liền bỏ đi học cái khác.

– Cậu ghét môn này?

– Đơn giản là không nuốt nổi anh ạ. Người ta giảng cho em, nếu có cạnh tranh hoàn hảo, nếu có thông tin hoàn hảo, thị trường sẽ là bàn tay vô hình toàn năng đến kỳ diệu… Nếu nếu nếu… Nhưng anh ơi, trên đời này làm gì có chữ nếu và vì thế làm sao có được sự hoàn hảo ấy! Sở dĩ các mô hình kinh tế thường đi tới đổ vỡ, là vì khi thiết kế nó người ta phải đơn giản hoá nhiều điều, để dễ lập mô hình, dễ tính toán…

– Trời ơi Lễ, cậu phản khoa học đến mức đố kỵ với khoa học!

– Anh giải thích dùm em, sự hoàn hảo dựa trên chữ nếu không bao giờ có thì làm sao có mô hình kinh tế đúng được! Em thì không bao giờ tin vào chữ nếu ấy. Lại càng làm gì có khả năng thoả mãn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần ngày một tăng của mọi người như bài giảng nói về chủ nghĩa cộng sản của các anh! Trong trại người ta giảng thô thiển lắm. Thô thiển đến mức em cảm thấy mình bị xúc phạm, bị coi là đồ con nít! Thế mà còn gọi là hoài bão, là tiêu chí cao nhất của chủ nghĩa cộng sản mà nước ta đang mở đường đi tới… tụi em nuốt không được!

– Nhưng hiện nay chúng ta đã xây dựng chủ nghĩa cộng sản đâu?

– Tụi em hiểu chứ. Đấy là phần giảng trong bài học “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội”. Nhưng cái đích mơ hồ thì làm sao có con đường đúng? Sự thoả mãn ấy là không tưởng! Giả thử một khi đạt được sự thoả mãn ấy thì loài người sẽ tự huỷ diệt, nghĩa là không còn lý do để sống, vì chẳng còn điều gì để ham muốn, để hào hứng.

Càng nghe, Nghĩa càng thấy bứt rứt trong người. Nghĩa cướp lời của Lễ:

– Đã bảo là chúng ta mới còn đang ở bước đi ban đầu của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Học thế mà không  hiểu à?

Lễ cố cười để bớt gay gắt với anh mình:

– Khổ quá, em hiểu chứ. Nội dung cốt lõi của chế độ xã hội chủ nghĩa là chuyên chính vô sản dựa trên liên minh công nông và trí thức, là quan hệ sản xuất chủ yếu dựa trên sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể và nhờ vậy xoá bỏ được bóc lột, là đoàn kết dân tộc, là dân chủ của chế độ nước ta  gấp vạn lần dân chủ phương Tây… Anh không thể nói em không thuộc bài!

– Lễ, cậu giễu tôi hay cậu nói nghiêm túc đấy!

– Em xin lỗi đang làm anh giận, nhưng em nói thực lòng những điều được nghe giảng đấy.

– Giảng với giải gì mà toàn là khẩu hiệu thế! – Nghĩa cố ôn tồn giải thích lại cho Lễ. – Có thể ngày xưa, đã lâu rồi, đúng là giới nghiên cứu nước nào đó trong phe xã hội chủ nghĩa có đề ra một số tiêu chí cho lý luận về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Nhưng bây giờ đã thay đổi rồi. Bài giảng phải đi vào những vấn đề thiết thực đất nước phải giải quyết sau chiến tranh chứ!

– Không phải chỉ trong lý luận. Trong cuộc sống thực em cũng thấy có cái gì không ổn so với cách nghĩ của em anh ạ. Trong này tụi em trước đây đã được nghe đến đấu tố trong cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc, rồi đến phong trào hợp tác xã, đến cải tạo xã hội chủ nghĩa. Bây giờ thì em được biết loáng thoáng cải tạo xã hội chủ nghĩa ở trong này, đến sự vận hành của bộ máy chính quyền thành phố… Hai hôm nay ông Tư đã kể cho em nghe hết cả.

– Hay là vì nhà in của chú Học bị cải tạo mà cậu đặt ra cho mình câu hỏi đất nước này có còn là của mình hay không?

Lễ ướm đi ướm lại trong đầu ba, bốn câu trả lời, để xem câu trả lời nào đích thực là suy nghĩ trong tâm can mình. Lễ hiểu ngoài anh mình ra, không thể tìm được ai giúp mình đi tới những câu trả lời tin cậy cho những câu hỏi chính cuộc sống của Lễ đang đặt ra cho Lễ. Tách cà phê trong tay Lễ cứ xoay đi xoay lại mãi.

Tác giả: