Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Cái kim của xí nghiệp cậu to nhỉ! – bà Hà vừa bình vừa tủm tỉm cười.

– Anh Tiến à, thường thường ở nhà ta bao lâu thì anh chị thay bóng đèn một lần?

– Cậu hỏi gì mà vớ vẩn thế…

Ông Tiến chịu không trả lời được câu hỏi của Hân. Điện thì phập phù, nhà phải dùng ổn áp, lâu lắm rồi – không biết là mấy tháng hay có khi cả năm nay ông có thấy nhà mình thay bóng đèn bao giờ đâu! Đã khó chịu về cái tội nói năng linh tinh của Hân, lại thêm khó chịu về cái kiểu vừa thỉnh thoảng chêm một câu vừa tủm tỉm cười của bà Hà, ông càng tìm cách dồn Hai Hân:

– Đã làm đến giám đốc như cậu mà chỉ toàn đi vào những chuyện vặt vãnh. Ngoài này trên công trường, buổi sáng thì công nhân mang cặp lồng cơm đi làm, buổi chiều ra về thì cặp lồng đầy xi-măng. Cô văn thư thỉnh thoảng cũng phải thó cái bút chì hoặc thếp giấy để cho con đi học. Dầu đun hết, điện không công tơ, lúc có lúc mất, thỉnh thoảng phải đun ấm nước uống bằng tàu ngầm(*) [(*) Tên gọi dụng cụ đun nước tự làm lấy khá thông dụng thời bấy giờ: lấy một đoạn dây mai-so nối vào hai đầu dây điện rồi thả trực tiếp đun trong nước. ]… Chẳng lẽ những chuyện cả nước đâu đâu cũng có như vậy mà cậu không thể thông cảm được à?

– Ông ơi, hàng xóm nhà ta hàng ngày còn đun bằng tầu ngầm cả một nồi cám lợn to đùng cơ. Đồng chí cùng cơ quan với ông đấy! – bà Hà xỉa vào.

Hai Hân thấy bí, vì hiểu rằng tiếp tục câu chuyện như thế này chỉ làm cho sư phụ thêm bực mình. Còn ông Tiến thì bị cái nồi cám lợn của ông hàng xóm làm cho ngắc ngứ. Bà Hà phải tìm cách lấp chỗ trống:

– Thế hai vợ chồng cậu Hân vẫn quyết tâm son rỗi mãi thế này à?

– Tại số cả, chị ạ. Tụi em chẳng biết làm thế nào.

Khi ra bàn ngồi uống nước, Hai Hân mở túi quà ra:

– Em không biết mua gì biếu anh chị, vợ em bảo biếu hai bác yến gạo nếp và ký lạp xưởng là thiết thực nhất.

– Phụ nữ bao giờ cũng chí lý. – Ông Tiến khen.

– Sao cậu cho anh chị nhiều thế? Cô Hai rất tình cảm. Anh chị cảm ơn. – BÀ HÀ chân thành.

– Vợ chồng Lợi đã đi Đức chưa ạ. Em nghe nói chuẩn bị từ mấy tháng nay rồi cơ mà.

– Vợ chồng em nó đi được gần một tháng rồi cậu ạ, có lẽ đã bắt đầu làm việc.

– Rất may là gần đến ngày đi, thì chồng cũng xin được cho vợ đi cùng, có thể là thương binh nên được trên chiếu cố. – Ông Tiến kể cho Hân nghe.

– Chồng làm quản lý lao động, vợ đi lao động, thế là hợp lý hoá số một, có phải không anh chị?

– Cũng may là chúng nó chưa vướng víu gì con cái nên cũng gọn nhẹ.

– Không biết là vợ chồng Lợi kế hoạch như vậy, hay là… – bà Hà buột mồm, nói đến đấy rồi dừng lại, đổi hướng – …Một nách hai con sòn sòn năm một như vợ chồng Thắng thì gay lắm.

– Gia đình em Thắng hôm nay đi vắng ạ?

– Chúng nó tối nay ăn giỗ bên ngoại, chắc sắp về. Hôm nay là ngày giỗ ông nội của vợ Thắng.

Qua câu chuyện, Hai Hân biết gia đình nhỏ của Thắng lủng củng hết khó khăn này đến khó khăn khác. Chuyện ghen tuông nhau và đòi ly dị vượt qua được rồi, ít nhất cho đến lúc này là như vậy. Cái lo cơm áo gạo tiền của hai người lớn phải tự lập và hàng trăm thứ lo khác cho hai đứa trẻ – đứa lên hai, đứa lên ba – đủ sức đánh bạt biết bao nhiêu chuyện huyễn hoặc, viển vông. Ông bà Tiến cũng phải phụ trợ nhiều cho vợ chồng Thắng. Cũng may là những nhu cầu thiết yếu nhất cho đời sống hàng ngày thì đã được bảo đảm bằng tem phiếu. Đây là điểm sáng vô cùng quan trọng, ông Tiến dựa vào, phát triển thêm, viết thành những luận cứ sắc bén phê phán những người hoài nghi đường lối kinh tế của Đảng. Trong loạt bài đả Lê Hải có những luận cứ này. Nếu vợ chồng Thắng không một nách hai con nhỏ thì ông Tiến cũng sẽ tìm mọi cách xin cho đi lao động ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Cả bốn anh chị em cùng một chỗ như vậy thì còn gì bằng. Đã có lúc bà Hà bảo vợ chồng Thắng để bà nuôi hai cháu ở nhà, hai vợ chồng cứ làm đơn xin đi xuất khẩu lao động để kiếm tý gì về thay đổi cuộc đời, sống mãi thế này khổ lắm. Vợ chồng Thắng nghe ra, nhưng vợ Thắng không chịu nổi cảnh xa con, nên đơn đã gởi đi lại rút về!

– Thật ra đơn không rút thì chắc cũng bị bác thôi, cậu Hân ạ. Không thể ưu đãi một lúc cho bốn người trong một gia đình đi xuất khẩu lao động được. Còn phải dành phần cho những gia đình khác chứ! – bà Hà giải thích.

– Hay là anh chị cho vợ chồng Thắng vào Thành phố làm chỗ em đi. Nhà ở em lo được, nên vấn đề hộ khẩu không có gì khó khăn. Em mới nảy ra kế hoạch đột xuất: Em cần người giúp em quản lý mảng kế hoạch 3. Thắng có bằng đại học kinh tế, xin với Thành phố chắc cũng dễ thôi.

– Cậu thì lúc nào cũng đột xuất. Có cái gì trong đầu? Phát minh trong kỳ nghỉ phép này đấy à? – ông Tiến chưa đi thẳng vào đề nghị của Hai Hân.

– Lúc nào cũng đột xuất! Anh nói hay quá! Rất đúng với cái chất trong con người em. Em đã nói rồi, để nuôi một lúc thực ra bây giờ là 3 xí nghiệp in, em cần phải mở ra một loạt hoạt động kinh tế khác. Em đang thiếu người giúp việc này. – Hai Hân gần như vừa nói vừa cười một mình.

– Cậu nói đùa đấy à? Sao vừa nói vừa tủm tỉm thế?

– Dạ không, em nói nghiêm chỉnh đấy ạ. Em cười chuyện khác. Chuyện riêng của em thôi.

– Mình khó tin lắm.

– Em nói thật mà. Hai chữ đột xuất của anh làm em nhớ đến chuyện hai vợ chồng em trêu chọc nhau. Việc em ra học ngoài này khởi đầu bằng hai chữ ấy đấy ạ! – Hai Hân lại tủm tỉm cười mặc dù đã cố nhịn, vì không sao quên được cái bữa hôm ấy với vợ…

– Đồ khỉ, cậu nói câu chuyện nghiêm túc như thế mà lại vừa nói vừa cười được.

– Khổ quá, anh thông cảm cho em.

– Phải xem lại đi, ý kiến của cậu có thực tế không? – ông Tiến giữ kẽ, vẫn chưa chịu trả lời đề nghị của Hai Hân.

– Hoàn toàn thực tế ạ. Tất cả trong tầm tay của em mà.

– Ôi thế thì may quá! Cậu giúp anh chị đi. – bà Hà không kiên nhẫn được nữa, nói phăng suy nghĩ của mình.

– Cậu tiến hành sớm đi, anh chị rất mang ơn. Vào trong ấy thay đổi không khí biết đâu chúng nó có thể mở mày mở mặt. – thấy bà Hà nói tuột ra rồi ông Tiến mới chịu nói thêm vào.

– Chắc chắn là em không để cho Thắng ăn mãi cái lương tập sự tốt nghiệp đại học rồi! Anh chị yên tâm đi.

Hai Hân đề nghị ông bà Tiến cố thu xếp mọi thủ tục, sao cho khi Hai Hân mãn khoá trở về thì việc chuyển gia đình Thắng vào Thành phố cũng hoàn tất. Mọi việc liên quan đến Thành phố Hai Hân lo, mọi việc liên quan đến thủ tục ngoài này thì ngoài này lo. Hai Hân cũng cho biết thêm là hai loạt bài báo của ông Tiến, một chống tư tưởng hữu khuynh, một uốn nắn những quan điểm lệch lạc về một số vấn đề lớn, gây tiếng vang trong Thành phố, một số bài được đọc hoặc trích đọc trên đài phát thanh trong mục “Học tập nâng cao ý chí chiến đấu”, nêu rõ tác giả là giáo sư Đoàn Danh Tiến.

Lúc Hai Hân đứng dậy ra về, thì vợ chồng Thắng và hai con cũng vừa ở bên ngoại về. Ngay lập tức bà Hà bàn việc chuyển vào trong Nam công tác của vợ chồng Thắng, ông Tiến thỉnh thoảng mới thêm một câu. Tuy đã hai con, nhưng cặp vợ chồng này vẫn nhảy cẫng lên như hai đứa trẻ, vì mừng quá.

– Chúng em đang khao khát thay đổi không khí !

Ngay tối hôm đó, sau khi ở nhà ông Tiến về, Hai Hân gọi điện thoại đường dài với người phó của mình giục làm nhanh hai việc: triển khai các hoạt động đã bàn của xí nghiệp và làm các thủ tục xin Thành phố cho phép tuyển Đoàn Danh Thắng. Hai Hân dặn kỹ phương châm xử thế và mục tiêu của xí nghiệp: kế hoạch 1 Trung ương giao gì nhận nấy, miễn là có kinh phí và vật tư đi kèm; kế hoạch 2 thì ăn cây nào rào cây ấy, cố phục vụ yêu cầu của thành phố trong phạm vi cho phép; mọi khả năng khác phải dồn hết cho kế hoạch 3 của xí nghiệp trên cơ sở giá thoả thuận. Hai Hân nhấn mạnh phải cố làm sao hàng tháng có thêm một tháng lương tối thiểu cho từng người trong biên chế. Hai Hân tin tưởng sẽ thắng trong việc phân chia mọi hoạt động của xí nghiệp thành 3 kế hoạch theo những kinh nghiệm mới đã học được gần như trong khắp cả nước. Đấy là kết quả có ý nghĩa nhất, mặc dù không có trong chương trình của những tháng học tập ở ngoài này. Đã thế còn biết bao nhiêu kinh nghiệm sống trong các cuộc đi tham quan thực tế tại một số xí nghiệp Hà Nội, nơi thì gọi là “3 kế hoạch”, nơi thì gọi là “kế hoạch 3”. …Thì ra mỗi nơi thực hiện 25CP một khác, chắt lọc lấy cái hay nhất, thích hợp nhất mang về cho xí nghiệp mình thế nào cũng trúng!.. Nhất là Hai Hân thấy những báo cáo tổng kết về công tác căng-tin, công tác công đoàn và công tác đời sống của nhiều doanh nghiệp trong Nam ngoài Bắc rất bổ ích. Trước khi về nghỉ giữa khoá, Hai Hân còn được nghe một số báo cáo ngoại khoá về các hiện tượng “xé rào” trong công nghiệp, trong thương nghiệp, trong khoán quỹ lương, nhất là phần tổng kết việc bù giá vào lương của Long An… Ngay lập tức trong đầu Hai Hân hình thành những ý tưởng mới cho xí nghiệp lớn của mình. Thời gian ngồi tàu hơn hai ngày từ Hà Nội vào Thành phố cho phép Hai Hân phác hoạ chi tiết từng kế hoạch và kết nối 3 kế hoạch với nhau. Hai Hân để ý thấy hiện tượng “xé rào” ngày càng nhiều, song không thấy các bài giảng trong lớp học này phê phán gay gắt như cách đây một, hai năm. …Như thế là Trung ương đang “bật đèn vàng” hay đang xét lại vấn đề này? Bây giờ chương trình “3 kế hoạch” của mình đã bắt đầu khởi động rồi, cần làm mọi việc để tăng tốc!..

Tác giả: