Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Anh là thiên tài không ai thay thế được!

– Chúng ta vẫn thích cho nhau đi tàu bay, có phải không? – Nghĩa nhỏ nhẻ, cười cười.

– Cũng phải trêu nhau một tí cho cánh lý luận chúng ta đỡ già cỗi.

– Chẳng qua tôi là người đầu sai được ông bếp trưởng ưa dùng thôi, anh Tiến ạ!

– Từ hồi anh Lê Hải nghỉ, tôi ít được dịp mời sang chỗ Viện anh nên không được gặp anh.

– Đang trên đường đổi thành Học viện anh Tiến ạ.

– Đồng chí giám đốc hôm nay không đến được hả anh?

– Ông ấy cử tôi đi thay.

– Không sao, một số thủ trưởng khác cũng cáo bận anh Nghĩa ạ. Tôi đã có kinh nghiệm chuyện này. – Tiến tỏ vẻ thông cảm.

– …

Tiếng chuông rung lên. Hội nghị bắt đầu.

Lúc này Nghĩa mới để ý hội nghị họp theo kiểu bàn tròn, nghĩa là không phân biệt chủ toạ, người thuyết trình, người nghe, vừa tạo không khí dân chủ, cởi mở, vừa thuận lợi cho cách làm việc của hội nghị. Tất cả có mười sáu người, đại diện cho các cơ quan nghiên cứu khác nhau. Theo lời mở đầu của ông trưởng Ban thì có tới 9 thủ trưởng vắng mặt, cử người đi thay. Lướt nhìn những thủ trưởng có mặt, Nghĩa thấy toàn loại tép riu, trong thâm tâm Nghĩa thừa nhận các thủ trưởng cỡ có máu mặt khôn thật!..

Trước khi đi họp, Nghĩa đã đọc kỹ giấy mời của thủ trưởng đưa cho, nghe thủ trưởng gợi ý một số vấn đề Nghĩa nên phát biểu…

Song ngay bài thuyết trình đầu tiên của Tiến đã làm Nghĩa thất vọng.

…Tại sao Tiến khuyến khích mình phát biểu cởi mở tại cuộc họp này, thế nhưng bản thân Tiến lại đọc nguyên văn bài tổng hợp những bài báo của Tiến viết ra trong một vài năm gần đây, trích ra không biết bao nhiêu là nghị quyết, lời phát biểu của anh này, anh kia…

Nghĩa rất thất vọng, nhưng tự an ủi mình: …Có thể người thuyết trình thứ hai sẽ khá hơn…

Hy vọng, rồi thất vọng, rồi hy vọng, rồi lại thất vọng…

… Nếu là nghe giảng bài thì mình không cần đi dự cuộc họp này! Các nghị quyết, chỉ thị quan trọng viện đã tổ chức học tập nát ra rồi… Nghĩa không hiểu ra sao cả, đã nghĩ đến chuyện bỏ dở cuộc họp, nhưng ý thức kỷ luật và phép lịch sự tối thiểu buộc chân Nghĩa lại.

Sau người thuyết trình thứ tư, không khí hội nghị xẹp hẳn xuống. Ông trưởng Ban của Tiến chủ trì cuộc họp gợi ý mấy lần, nhưng không có thêm bài thuyết trình nào nữa. Ông toan đề nghị chuyển sang phần tự do thảo luận, thì Tiến đứng dậy:

– Như tôi đã giới thiệu lúc khai mạc, Viện anh Nghĩa xưa nay vẫn đưa ra nhiều ý kiến sắc sảo, kích thích tư duy của chúng ta trong nhiều lĩnh vực. Tôi chắc hôm nay anh Nghĩa cũng sẽ đem đến hội nghị nhiều điều bổ ích mới. Xin đề nghị hội nghị nghe anh Nghĩa trình bày xong rồi hãy chuyển sang phần thảo luận.

Cả hội nghị lao xao đồng ý. Nghĩa bị dồn vào chân tường, buộc phải đứng dậy.

… Tay này xạo quá! Bằng mọi giá mình phải coi như không tồn tại câu chuyện Thạch Thất!.. Nghĩa khó nhọc lắm để không thốt lên thành lời, cố giữ giọng ôn tồn:

– Xin cảm ơn anh Tiến quá khen. Có thể tôi không đọc kỹ giấy mời, hoặc đọc nhưng không hiểu. Thực tình tôi không chuẩn bị bài thuyết trình nào cả… Tôi chỉ là người đi họp thay, nên xin được ngồi nghe thôi ạ. Đến bây giờ chúng ta đã được nghe cả thảy là 4 bài thuyết trình làm rõ các chủ trương chính sách. Tôi nghĩ rằng ngần ấy bài cũng đủ cho chúng ta thảo luận cả buổi sáng nay rồi ạ. – Nghĩa ngồi xuống.

Ông trưởng Ban can thiệp:

– Anh không hiểu sai giấy mời đâu, anh Nghĩa ạ. Trên giao cho chúng tôi làm nhiệm vụ lấy ý kiến các ngành về đánh giá tình hình đất nước hiện tại, đúng như ghi trong giấy mời. Chúng ta có nhiệm vụ tư vấn cho lãnh đạo, mục đích hội nghị hôm nay là như thế… Nghĩa là phát biểu tự do, không cần chủ đề. Có lẽ bốn anh đã phát biểu đều là các báo cáo viên chuyên nghiệp, nên quen với tác phong thuyết trình theo bài bản. Nếu anh Nghĩa có những ý kiến muốn nêu ra, xin mời anh phát biểu, không câu nệ vào bài vở. – Ông nói được một mạch, lưu loát, nhưng tiếp theo là một cơn ho dữ dội kéo dài. Cả hội nghị phải chờ.

Một người đã có bài thuyết trình đứng dậy thanh minh:

– Mong anh Nghĩa thông cảm. Cách diễn đạt của chúng tôi chẳng qua nhiễm bệnh nghề nghiệp hơi nặng một chút, nên câu nệ vào sách vở…

Hội nghị rơi vào im lặng.

Trong không khí chờ đợi như vậy, Nghĩa cảm thấy chạy đằng trời cũng không thoát. Còn đứng lên phát biểu suy nghĩ của mình giữa cả một thế giới những người đã đọc mòn các nghị quyết, các chủ trương chính sách như thế này thì mình nói cái gì? Nghĩa lại nhớ đến các bài báo tạo không khí cho việc đá Lê Hải, đến những ngày đêm không thể nào quên ở Thạch Thất, nghĩ đến người đang ngồi kè kè sát mình…

… Nói gì với những cái đầu này? Họ không ngu đâu, nhưng muốn ta lại bắt đầu chuẩn bị chất liệu cho những loạt bài báo mới, cho người viết kịch bản Thạch Thất 2. Rồi họ cho sẽ cho mình sắm vai gì nữa đây trong màn kịch mới?.. Mình không ngu ngọng đến nỗi mù tịt về những chuyện đã xảy ra trong cuộc sống này…

Nghĩa cố giữ bộ mặt hiền lành để ghìm chặt những ý nghĩ đang sục sôi trong đầu, đồng thời cũng muốn tỉnh táo cân nhắc lúc này nên làm gì .

Trưởng Ban, Tiến, một vài người khác nữa lại thay nhau thúc giục.

Nghĩa thừa nhận trưởng Ban và những người phát biểu khác không nhất thiết cùng một giuộc như Tiến. Trong lời thúc giục của họ hình như có điều gì đó khác với Tiến. Có điều gì đó có thể họ chưa tiện nói ra, …hoặc ít nhất là họ muốn nghe những điều gì mới khác, hay là muốn chờ đợi cơ hội mượn mồm người khác để nói suy nghĩ của mình?..

Toàn bộ câu chuyện với Lê Hải về thời thế hôm cùng nhau bỏ cơ quan về nhà đi thắp hương cho Nam sống lại trong đầu Nghĩa. Ông nhớ lại nhiều chuyện cũ, đắn đo lắm. Ông đưa mắt nhìn mười mấy cái đầu trong phòng họp. Tất cả đang ngọ nguậy, lắp bắp, thế mà chẳng cái đầu nào chịu hé ra điều gì.

… Ai cũng nói năng theo cái kiểu ngậm miệng ăn tiền như thế này thì mọi chuyện sẽ đi đến đâu?..

Bị thúc ép dữ quá, cuối cùng Nghĩa phải đứng dậy một lần nữa:

– Các anh nhiệt tình quá, tôi không được phép thất lễ. – Thực tình là tôi không có bài thuyết trình nào cả nên chỉ lo làm hỏng hội nghị. Xin cho phép tôi nêu lên vài ba cảm nghĩ thôi. Một là kinh tế đất nước đang có nhiều vấn đề trầm trọng quá, nhất là vấn đề lạm phát, chi viện từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em ngày càng eo hẹp vì những nước này đang có nhiều rối ren. Hai là vấn đề di tản, vấn đề người Hoa đang tiếp tục gây thêm những căng thẳng mới và đồng thời tạo cớ cho bên ngoài tiếp tục bôi nhọ ta. Ba là các thế lực quốc tế chống Việt Nam rõ ràng đang câu kết với nhau, họ muốn kéo dài chứ không phải muốn tìm cách giải quyết vấn đề Campuchia, họ muốn nước ta phải kiệt quệ nữa, kiệt quệ đến tan vỡ, đến phải đầu hàng mới thôi! Thưa các anh, đấy là ba vấn đề theo tôi rất đáng bàn lúc này. Tôi thực tình không rõ chúng ta đã dành cho ba vấn đề này sự quan tâm đúng mức chưa… Xin lưu ý thủ trưởng của tôi dặn kỹ tại hội nghị này tôi chỉ nói ý kiến cá nhân của tôi thôi ạ. Tôi xin hết ý kiến. – Nghĩa ngồi xuống.

Hội nghị lúc đầu vô cùng kinh ngạc, người miệng há hốc, người xuýt xoa… Nhưng ngay sau đó hình như tất cả đều châng hẩng.

Mọi người đưa mắt nhìn nhau, kể cả ông trưởng Ban.

Châng hẩng, vì những vấn đề Nghĩa đưa ra quá nhậy cảm mà không thấy Nghĩa đưa ra kết luận gì ngoài cách nói khá tế nhị.

Châng hẩng là vì trên chưa có một nghị quyết công khai nào về những vấn đề này nên không biết dựa vào đâu mà phát biểu.

Châng hẩng vì thói quen quán triệt, thói quen minh hoạ cùng với biết bao nhiêu thói quen và quán tính khác nếu không kìm hãm thì cũng làm tê liệt con người tư duy trong mỗi người…

Hội nghị rơi vào điểm chết. Chỗ này chỗ khác bắt đầu rì rào những lời bán tán riêng.

Bất đắc dĩ ông trưởng Ban phải lên tiếng. Ông ho lụ sụ mấy tiếng, khạc khạc mãi trong cổ, cuối cùng ông nói được thành lời:

– Tôi rất muốn… Hừm… Tôi rất muốn được nghe ý kiến của những anh khác. Hừm… nhưng các anh có lẽ thận trọng quá. Hừm… Trước khi sang phần thảo luận, tôi đề nghị anh Nghĩa nói ngay những suy nghĩ của mình về ba vấn đề anh nêu ra.

Hội nghị im lặng trở lại, tất cả các con mắt dồn về phía Nghĩa. Nghĩa quyết định không bỏ trốn. Anh đứng dậy:

– Thưa các anh, tôi xin nói vắn tắt ý kiến riêng của mình như sau. Về vấn đề thứ nhất, tôi thấy mảng đời sống kinh bên ngoài khuôn khổ kế hoạch và tem phiếu vô cùng phong phú. Giá như có cách gì nối hai mảng kinh tế này lại với nhau thì hay quá! Về vấn đề thứ hai, nên thực hiện nghiêm túc chính sách đối xử đúng đắn của Nhà nước ta đối với những gia đình có người đi di tản, kiên quyết trừng trị các đường dây phạm tội trong vấn đề di tản, làm tốt hơn nữa công tác dân vận để giữ gìn đoàn kết dân tộc. Về vấn đề thứ ba, chúng ta tiếp tục phấn đấu không nao núng cho việc thực hiện giải pháp hoà bình vấn đề Campuchia và chủ động khắc phục sớm vết thương trong quan hệ hữu nghị Việt – Trung, kể cả việc sửa lại lời nói đầu trong Hiến pháp(*) [(*) Hiến pháp năm 1980.] . Tôi nghĩ rằng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và thể diện của nước ta phải được bảo vệ bằng con đường chủ động khôi phục mối quan hệ hữu nghị lâu dài Việt-Trung. Tôi xin hết ý kiến.

Hội nghị im phắc.

Chỉ có bốn cái quạt trần thi nhau vù vù rít rít hết cỡ trong phòng họp.

Ông trưởng Ban lấy khăn tay chấm chấm mấy giọt mồ hôi trên cái trán đã lan rộng lên quá đỉnh đầu – phần vì hói, phần vì tuổi tác chỉ còn để lại cho ông lơ thơ vài sợi tóc chung quanh hộp sọ. Nhưng cái chính là Nghĩa đã đụng vào những vấn đề làm ông toát mồ hôi…

Tác giả: