Dòng Đời – Nguyễn Trung

Trong đêm khuya tịch mịch, hai người đứng lại với nhau đến gần một giờ đồng hồ ở cổng. Những điều Lê Hải vừa mới được thông báo buổi chiều hoàn toàn khớp với những gì Nghĩa biết.

– Như thế là Thạch làm đúng như đã nói đấy anh Nghĩa ạ. Câu chuyện Thạch Thất đã rõ ràng?

– Kết luận là rõ ràng. Chỉ có như vậy thôi.

– Theo anh những gì dẫn dắt đến câu chuyện Thạch Thất là chưa rõ ràng? – Nghĩa hỏi.

– Cũng rõ cả thôi. Chỉ có điều là chúng ta phải tự hiểu lấy!.. – Lê Hải ngẫm nghĩ một lúc rồi nói tiếp – Tôi cho là Thạch đã trả lời rất chuẩn xác câu anh hỏi cuối cùng trước khi anh lên xe rời Thạch Thất về Hà Nội.

– Đúng thế, anh ạ. Thạch là một tay cự phách về nghiệp vụ và đầy tinh thần trách nhiệm.

– Thôi được, anh và tôi có đủ thông minh để hiểu những điều phải tự hiểu. Bây giờ anh quyết định thế nào?

– Lo xong công việc cho mẹ tôi, tôi xin nghỉ hưu. Anh có ba đầu sáu tay thì cũng không phá đám tôi được nữa.

– Tướng về hưu dĩ nhiên là bất lực rồi!

– Tôi đã cố hết sức, nhưng có nhiều việc hoàn toàn ngoài tầm với của tôi anh ạ. Nếu còn tại chức, anh cũng không cản được tôi nữa!

– Tôi hiểu, anh Nghĩa ạ. Có lẽ… tôi phải xin lỗi anh. Nếu tôi để anh giải ngũ hồi đó thì có khi không xảy ra câu chuyện Thạch Thất.

– Cũng không thay đổi được gì nhiều, anh đừng bận tâm. Trên đời không có chữ nếu này lại có chữ nếu khác anh ạ. Ví dụ nếu anh không đi Cửa Lò, chưa hẳn tôi đã phải đi Thạch Thất! Cuộc đời cứ nếu như thế thì không phải là cuộc đời nữa!

– Bây giờ thì tôi ủng hộ việc anh xin giải ngũ, dù hơi chậm một chút…

Ngày hôm sau, tuy cùng với mọi người trong nhà bận rộn lo các việc tang lễ cho mẹ, đôi lúc Nghĩa lê chân đi tìm một góc vắng ngồi thừ một mình, vì đau xót gánh nặng mất mát đổ xuống gia đình lớn của mình, vì điên giận những điều trớ trêu, vì có lúc cảm thấy không thể chịu đựng nổi những điều đang phải chịu đựng, vì thú nhận sự bất lực của chính mình. …Trời ơi, mình sẽ ân hận như thế nào nếu mẹ phải ra đi không được nhìn mặt mình! Chỉ cần Thạch có một sai sót nhỏ, điều gì sẽ xảy ra? Hiểm hoạ gì sẽ xẩy ra!?. Lúc này Nghĩa hiểu rõ hơn bao giờ hết: Sức chịu đựng của mình thực là có hạn. Sức chịu đựng ấy có thể gần như vô nghĩa nếu… Lại giống như người bí thư chi bộ là bố Hậu à? Thà rằng viên đạn đại bác ở Quảng Trị hôm nào không phải là nổ bên cạnh, mà là nổ ngay vào đầu mình còn hơn! Không! Không! Nếu hiểm hoạ Thạch Thất xảy ra thực thì còn tồi tệ hơn thế ngàn vạn lần! Mình – thể xác, tinh thần và danh dự của mình, tình yêu của mình, tình yêu của mọi người yêu thương mình, tất cả những gì mình cống hiến cho cuộc sống này, tất cả những gì cuộc sống này ban cho mình… tất cả sẽ bị hiểm hoạ này diệt và huỷ diệt cùng với con người mình! – Như người ta khi diệt một tên phản quốc và tất cả những gì thuộc về nó trước đó và sau đó, tất cả những gì cuộc sống đã ban cho nó trước đó và những gì còn dư lại sau đó! Ai lường hết được hiểm hoạ này? Dù sau hiểm hoạ này, mình tồn tại hay không tồn tại… Mà như thế cũng chưa đủ, tất cả những người yêu thương nó cũng phải gánh chịu lây một nỗi nhục, một gánh nặng tinh thần không sao rũ bỏ được! Mọi sự minh oan vinh dự nhất có thể có được – cứ giả thiết là như thế đi, như việc người ta khôi phục lại danh dự cho bố Hậu… – sẽ có nghĩa lý gì đối với con người đã bị diệt và bị huỷ diệt này? Cùng lắm điều này có thể có ý nghĩa nào đó cho hậu thế… Nhưng con người đã bị diệt và bị huỷ diệt này cùng với những “kẻ liên quan” với nó có thể chờ đợi gì vào sự minh oan của hậu thế!?.. Trong những ngày ở Thạch Thất ta đã nghĩ nát óc rồi, hiển nhiên hiểm hoạ còn đẻ ra hiểm hoạ, giáng lên đầu nhiều người vô tội khác… Ta không yếu bóng vía đến nỗi hoang tưởng… Song còn những điều gì khác nữa có thể xảy ra nếu Thạch chỉ vô lương tâm một chút, sai lầm một chút, yếu kém một chút!? Ôi sức chịu đựng của mình như thế sẽ trở nên vô nghĩa… Mẹ ơi, xin mẹ dắt con đứng dậy! Mẹ hãy giữ cho con đừng ngã lòng!..

Sự mềm yếu trong thâm tâm khiến Nghĩa cầu mong mọi thách thức trong đời đừng vượt quá khả năng chịu đựng của mình. Vào lúc này Nghĩa hiểu mình đang cầu mong vào số mệnh!..

Không biết ta nên cảm ơn Thạch hay nên cảm ơn trời Phật!.. Đến giờ phút này ta vẫn chưa hoàn hồn…

Ngồi thừ một mình, Nghĩa mong có ai đi qua đánh thức mình ra khỏi sự mềm yếu này. Có lúc Nghĩa phải gắng gượng, loạng choạng tự đứng dậy…

Bức điện báo tin cụ Tuyên bà mất gây xúc động lớn cho vợ chồng ông già Học, gia đình Lễ và gia đình Hoài. Mọi người đều cảm ơn sự thông cảm của họ Phạm ở Hà Nội về chuyện xa xôi cách trở. Tuy vậy vợ chồng ông già Học vẫn muốn đi Hà Nội, vì tình chị em, nghĩa tử là nghĩa tận.

– Các cháu ơi, chú chịu ơn mẹ các cháu nhiều lắm, tần tảo giúp chồng nuôi các em… Các chú nhà ta đều xứng đáng với công lao của mẹ các cháu và không ai phải hổ thẹn với đời… – ông Học rên lên với chính mình…

Song cả gia đình Lễ và gia đình Hoài đều khuyên ông bà đã cao tuổi, định đi thì phải chuẩn bị kỹ về sức khoẻ, không thể đùng một cái là đi ngay được. Lễ thì long sòng sọc chạy hết nơi này đến nơi khác để xin giấy tờ xuất cảnh đi Việt Nam chịu tang mẹ. Nơi nào Lễ cũng nhận được một câu trả lời giống nhau đến gần từng chữ, còn mức độ lạnh lùng thì không nơi nào thua nơi nào:

– Xin tuỳ ông, trong vòng 24 giờ có thể cấp giấy cho ông ra khỏi nước Mỹ, vì đây là đất nước tự do. Còn với quy chế nhập cư dành cho ông, nếu ông không đợi được đến khi có thẻ xanh hoặc xong việc quốc tịch, việc xin nhập cảnh trở lại vào Mỹ sẽ hoàn toàn là việc của riêng ông.

– Khổ quá, tôi chỉ xin về chịu tang mẹ tôi rồi quay trở lại ngay.

– Xin đừng quên ông chưa đến thời kỳ được xét cho cư trú vĩnh viễn.

– ???

Vài ngày sau Lễ gửi về Hà Nội ảnh bàn thờ bố mẹ, ảnh từng người họ Phạm mặc tang phục thắp hương cúng cụ Tuyên bà.

11.

Bước vào năm 1983 kinh tế trong nước ngày càng khó khăn, lạm phát phi mã trở thành siêu lạm phát. Tại chiến trường Campuchia, Khmer đỏ vẫn ngoan cố tiến hành chiến tranh du kích. Hễ có bất kỳ một cố gắng nào được đưa ra cho việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình thì hoạt động du kích của Khmer đỏ lại rộ lên để át đi. Một lãnh tụ quân sự của Khmer đỏ tuyên bố: Khmer đỏ có thừa tiền bạc súng đạn để chiến tranh du kích 10 năm, 20 năm, 50 năm cho đến khi diệt hết Duôn(*)![(*) Từ miệt thị, chỉ người Việt.] Đàm phán Việt-Trung về biên giới phía Bắc tiếp tục bế tắc. Các chiến dịch tuyên truyền báo chí trên thế giới chống Việt Nam tiếp nối nhau hết đợt này đến đợt khác. Các biện pháp bao vây cấm vận của Mỹ được tăng cường. Sau sự kiện “Công đoàn Đoàn kết” ở Ba Lan, sự nhộn nhạo trong tất cả các nước Liên Xô – Đông Âu ngày càng gia tăng, tác động sâu sắc vào sự tồn vong của nước ta. Tất cả tình hình này đè nặng lên tâm trí bất kỳ người dân nào, người cán bộ nào có ý thức. Tình hình nhức nhối đến mức Nghĩa cảm thấy việc xin giải ngũ lúc này cắn rứt ý thức người đảng viên và lương tâm người công dân của mình.

… Nhưng làm thế nào được? Không xin giải ngũ thì còn làm được gì ở cái Viện này? Mà bây giờ đang trên đường trở thành học viện… Về hưu sẽ làm gì? Đương nhiên không ai nghĩ đến chuyện chết đói, nhưng chắc chắn mình không thể là con người ăn không ngồi rồi được! Câu hỏi Nguyệt nêu ra cho Lê Hải trong bữa cơm hôm nào thật đáng sợ. Thân phận hẫng hụt của người về hưu… Hay là tiếp tục ở lại cái Viện này, mọi chuyện cứ mũ ni che tai, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy?..

… Ta đã không còn khả năng cầm vũ khí trên chiến trường, thì đành chịu vậy. Nhưng bây giờ ta chịu hạ vũ khí trong lương tâm? Một cuộc đời như thế hay là một cuộc đời vật lộn với sự ăn không ngồi rồi của chính mình? Ăn cơm chúa múa tối ngày, cần quái gì! Cái việc dễ ợt như thế sao không chọn lấy nhỉ?..

Tâm trạng ngổn ngang muôn nẻo trên đoạn đường từ Thạch Thất trở về nhà hôm nào lại trỗi dậy trong Nghĩa.

… Nam ơi, chẳng lẽ chú đã cổ vũ cháu đi vào chỗ chết, bây giờ chú lại phản bội cháu? Chú đã chẳng hết lời khuyên bảo cháu dũng cảm nhận nhiệm vụ là gì!?.. Lẽ đời làm sao có thể như thế được hả cháu? Ôi, giá mà lúc ấy chú bớt là chú đi một chút, có khi cháu không phải ra trận!.. Giá mà chú có thể đi thay cháu… Trời đất ơi… Chẳng lẽ chính tôi đã khuyên cháu tôi đi vào chỗ chết?..

Nghĩa không rõ những suy nghĩ như thế mấy tuần nay đã đánh vật với nhau bao nhiêu lần trong đầu mình. Hôm nay thủ trưởng mới lại mời lên gặp riêng, không nói rõ lý do. Mở đầu một chuyện “Thạch Thất 2” chăng? Nghĩa sắp xếp lại giấy tờ trên bàn làm việc, đồng thời cũng sắp xếp các suy nghĩ của mình: Đây là cơ hội rất tốt để giải quyết dứt khoát việc mình xin về hưu!

Bước vào phòng của thủ trưởng mới, Nghĩa thấy cả Lê Hải.

– Xin chào các đồng chí. Hôm nay có cả thiếu tướng dự nữa, chắc lại có chuyện dữ rồi! – Nghĩa cố cười chào mọi người, nhưng không giấu được vẻ lạnh nhạt.

– Chào lại đi, tôi là tướng về hưu. – Lê Hải trêu Nghĩa.

– Nghĩa lặng thinh.

– Tôi mời anh Hải đến, vì anh Hải cũng đóng vai chính trong câu chuyện chúng ta sẽ nói tới. – Người thủ trưởng mới trịnh trọng rót nước mời khách.

Tác giả: