Dòng Đời – Nguyễn Trung

Ông Thành, ông Tư Cương tiếp tục uống trà. Bà Tư đặt thêm ấm nước sôi thì bỗng có tiếng chuông. Ông Thành tranh lấy việc ra cổng mở cửa.

Khách vào đến trong nhà, ông bà Tư Cương nhận ra ngay một người là Hai Hân, và hai người khách lạ. Hai người lạ trẻ hơn Hai Hân phải đến mươi mười lăm tuổi, ăn mặc lịch sự. Riêng người con gái còn đeo một chiếc vòng vàng ở cổ tay, điều rất hiếm thấy ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Nghĩa là chỉ cần nhìn cái vòng này là có thể đoán trúng đến chín phần mười cô ta nhất định nếu không là con phe thì cũng phải là người từ đâu đến.

Trong khi khách tìm chỗ dựng hai cái xe Honda đen ngoài sân, bà Tư bê vội mâm cơm vào phòng bếp, ông Tư sửa soạn tách chén, trong bụng nghĩ thầm: Anh chàng Hai Hân này không bao giờ vô cớ đến thăm mình, càng chưa có một lần thăm nào mang lại cho mình tin tốt lành!..

– Chào ông bà Tư. Ông bà mạnh giỏi chứ? Tôi bận quá nên ít có dịp thăm ông bà.

Bao năm rồi mà sao hai tiếng ông bà của hai Hân nghe vẫn lạnh tanh. Ông Tư cố tự trấn tĩnh mình:

– Chào ông Hai. Cảm ơn ông Hai, nhờ trời cũng sống được.

– Xin giới thiệu với ông bà Tư và ông Thành đây là đồng chí Đoàn Danh Thắng, cán bộ xí nghiệp tôi. Đây là cô Hồng, vợ đồng chí Thắng.

Sau chào hỏi qua loa, Hai Hân đi thẳng vào công việc. Tính Hai Hân xưa nay vẫn thế, ông Đoàn Danh Tiến rất thích cái tính nói năng dứt khoát, làm việc dứt khoát của Hai Hân.

– Ông Thành và ông bà Tư như thế đã rõ chưa ạ.

– Thưa ông Hai, nhà chúng tôi chỉ để ở, không cho thuê, cũng không thể cho ai đến ở nhờ được ạ. – Ông Thành đáp lại rất lễ phép.

– Tôi biết căn nhà này là thế nào. Không có chuyện ở thuê hay ở nhờ. Đây là chuyện phân phối nhà cho cán bộ nhà nước!

– Thưa ông Hai, hồ sơ địa ốc, văn tự ngôi nhà này của cháu tôi rất đầy đủ ạ. Bản gốc hẳn hoi, có cả giấy ủy nhiệm tôi và ông Tư Cương quản lý ngôi nhà này trong khi cháu tôi đi vắng.

– Có bán đứt cũng chẳng được, chứ đừng nói là uỷ nhiệm. Vì thế tôi nói tôi rất biết căn nhà này.

– Thế thì quý quá, chúng tôi hoàn toàn không có ý định cho thuê hay cho ở nhờ.

– Ông Thành hiểu lầm tôi rồi. Nhà này là của sĩ quan nguỵ cao cấp Phạm Trung Lễ. Xin nói lại, ngôi nhà thuộc diện cải tạo nhà đất. Ông Lễ và gia đình đã đi di tản, nên toàn bộ ngôi nhà này thuộc diện Nhà nước quản lý. Ông rõ chưa?

– Dạ không, ông Lễ đi được hơn ba năm gần bốn năm rồi. Với giấy ủy nhiệm của ông Lễ chính quyền đã để chúng tôi quản lý ngôi nhà này từ bấy giờ đến nay. Chúng tôi hiểu như thế là chính quyền đồng ý giữ nguyên trạng về pháp lý của ngôi nhà ạ.

– Ông Thành lại nhầm nữa, còn ông Lễ thì không hiểu gì luật pháp. Tôi nhắc lại, ngôi nhà này thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Có thể chính quyền ở đây bỏ sót, không có chuyện giữ nguyên trạng pháp lý đâu.

– Nếu thế tôi sẽ đi thưa với chính quyền xem xét để giữ nguyên trạng pháp lý của căn nhà này ạ.

– Tùy ông. Chỗ thân tình với ông và ông bà Tư Cương đây, tôi đưa vợ chồng anh Thắng đến xem nhà trước, để các vị làm quen với nhau. Chính quyền sẽ làm việc cụ thể với ông, ông Thành ạ. Xin chào ông và ông bà Tư. – Hai Hân quay ra nói với vợ chồng Thắng: – Tạm thế đã. Chúng ta về thôi.

Từ đầu câu chuyện vợ chồng Thắng chỉ ngồi nghe. Khi bắt đầu đứng dậy, Thắng nói với Hai Hân:

– Có lẽ ta đi các tầng xem nhà một tý, anh Hai ạ.

– Khỏi cần, để chính quyền làm việc trước đã, hôm nay là để biết địa điểm và cũ mới biết mặt nhau thôi.

Hồng toan nói thêm câu gì nữa, Thắng kéo tay vợ lại không cho nói.

Không khí quá căng thẳng. Đã thế cánh ông Thành hoàn toàn bất ngờ, vì không thể tưởng tượng đã hơn ba năm yên ổn mà bỗng dưng lại có thể xảy ra chuyện này. Phía Hai Hân cũng bất ngờ, vì cứ nghĩ rằng chỉ cần nói một câu thì những người đã dính đến nguỵ, đến tư sản cải tạo sẽ co dúm lại và răm rắp nghe theo. Vì thế khi Hai Hân và vợ chồng Thắng ra về, cả khách và chủ đều quên chào nhau.

Suốt buổi, ông Tư Cương gần như há mồm đứng nghe, phần vì bàng hoàng, phần vì biết rằng không được hỏi đến thì khôn hồn lánh ra, đừng dại gì mà gây sự với Hai Hân.

Không khí trong nhà bỗng dưng lặng lẽ như có đám tang. Bà Tư Cương quên cả việc dọn cơm. Cả ba người cứ đứng nhìn nhau rồi nhìn ra đường, như thể lo rằng cánh Hai Hân sẽ quay lại!..

– Thế này thì tôi chẳng hiểu ra sao cả ông Tư à – ông Thành vừa nói vừa giậm chân bạch bạch trên mặt đất, hai tay run lên.

– Ông chưa biết Hai Hân, tay này nói là làm liền!

Ông Tư đột nhiên kêu lên:

– Chỉ còn một nước thôi! Ăn nhanh lên, rồi hai chúng ta sang hỏi ý kiến anh Hai Phong.

Thấy hai ông già đến vào giữa trưa thế này, Hai Phong đoán ngay có việc gì không ổn.

Nghe xong câu chuyện, Hai Phong biết mình không đoán nhầm, nhưng chẳng có phương kế gì. Thảo luận với nhau giữa ba người đến hơn nửa giờ đồng hồ, chỉ có một kết quả duy nhất:

– Bây giờ thì tôi tin là ông Hai thực bụng muốn giúp tôi. – ông Thành thở dài.

– Xin cảm ơn ông. – Hai Phong đáp lại. -… Cái khó là muốn vận dụng chính sách gì cho ngôi nhà của ông Lễ cũng được. Có thể hơn ba năm qua là chính quyền găm lại, có thể chờ cho việc gì đó nên tạm để nguyên trạng, hay là quên.., còn bây giờ thấy cần vận dụng một thứ chính sách nào đó… Tài thánh cũng không đoán được!

Cả ba lại ngồi nhìn nhau. Ông Thành hết kiên nhẫn:

– Ông Hai ơi, cách nào ông cũng cho là không được, thế thì còn làm gì nữa? Báo cáo chính quyền, không ăn thua. Khiếu nại, không ăn thua. Xin chiếu cố xem xét, chẳng có lý do gì thoả đáng để được chiếu cố xem xét! Nghĩa là hết nước!

Chẳng ai trả lời ông Thành. Riêng ông Hai Phong ra sức rít thuốc lá.

– Ông Thành ơi, hình như Hai Hân không hỏi chúng mình trong nhà có những ai. Ông nhớ lại xem, có đúng thế không? – ông Tư Cương như chợt nghĩ ra điều gì.

– Đúng! Đã bàn bạc gì đâu. Mới nói với nhau được vài câu là khách đã không muốn nhìn chủ, thế là bỏ đi…

– Xem hộ tịch thì biết, cần gì phải hỏi. – ông Hai Phong xen vào.

– Tôi chắc ngày một ngày hai chính quyền sẽ cho cặp vợ chồng trẻ ấy đến ở cho mà xem, chúng ta không thể chần chừ được. Nếu Đoàn Danh Thắng đúng là con Đoàn Danh Tiến thì lời tôi nói sẽ như đinh đóng cột. Tôi nghĩ thế này, ông Thành và anh Hai xem có được không: Anh Hai cho gia đình một trong hai cháu của anh đến ở với chúng tôi. – ông Tư nêu suy nghĩ của mình.

Ông Thành ngước lên nhìn Hai Phong, dè dặt:

– Ông Hai, tôi hỏi thế này không phải, các cháu có là cán bộ nhà nước không ạ?

– Anh Hai, – ông Tư nói chen vào – Ý ông Thành muốn hỏi các cháu có là Việt cộng không. Khổ quá ông Thành ơi, sao ông cứ cho hết mọi người vào một duộc!

– Chú Tư ạ, sáng kiến của chú không ổn đâu.

– Ông Thành và anh Hai có sáng kiến gì hay hơn thì đưa ra coi! Tôi cũng không thích ở cùng với người của Hai Hân!

Cả ba lại ngồi im.

– Bây giờ tôi cũng chưa biết xin vào ở chùa nào, lại chờ giấy của cháu Thảo. Thôi thì tôi cũng xin ông Hai chấp thuận ý kiến của ông Tư vậy.

Hai Phong nhất định từ chối.

Tối ngày hôm ấy, Ông Tư Cương và ông Thành lại đến nhà Hai Phong một lần nữa, nhưng lần này đến là để thuyết phục má Sáu Nhơn và cả gia đình Hai Phong.

Mấy lần ông Tư giục má Sáu nói, nhưng trước sau má chỉ nói:

– Hai ông và anh Hai cứ bàn đi, tôi còn nghĩ đã.

Mãi đến khuya ồng Thành, ông Tư và Hai Phong mới mới ngã ngũ với nhau cách đối phó. Ông Tư Cương vật nài bằng được Hai Phong phải cho gia đình vợ chồng Vũ đến ở cùng, với lý do Vũ là trong biên chế cán bộ của Thành phố, đang chưa có nhà ở, chính quyền có muốn đuổi Vũ ra khỏi nhà Lễ cũng khó. Gia đình Vũ phải ở lầu một để cách ly người của Hai Hân. Người mới đến sẽ phải ở lầu hai…

– Bà Sáu ạ, chúng tôi định như thế, bà thấy có được không? – ông Tư hỏi ý kiến má Sáu.

– Sớm muộn ông Thành cũng sẽ đi Mỹ, có phải thế không ạ? – má Sáu hỏi lại.

– Vâng, nhưng tôi không biết phải chờ bao lâu mới được giấy tờ. Cháu Lễ còn phải chờ hàng năm, huống chi là tôi!

– Thế thì tôi nghĩ hơi khác chút ít. Ông Thành lên ở lầu hai. Gia đình cháu Vũ ở lầu một. Ông bà Tư ở tầng trệt. Thế là kín hết cả cái nhà, không cho ai vào cả.

– Má gan thiệt, làm sao mà giữ được cả cái nhà không cho ai vào? Có thể viện hàng chục loại chính sách để làm việc này!

– Chưa đánh đã hàng hả? Chính sách nào đi nữa thì cũng vẫn còn tuỳ thuộc vào người vận dụng! Tại sao bấy nhiêu năm trời để yên, bây giờ lại khuấy lên? Đã thế Đoàn Danh Thắng lại là con Đoàn Danh Tiến nữa! Rất đáng nghi hai điều này. Đừng bàn lùi hai ông ạ!

– Bà Sáu ơi, tôi ngán mặt cái tay Hai Hân này lắm rồi. – ông Tư không tán thành.

– Tôi cũng giáp mặt anh này trong mấy cuộc họp Thành phố, đã có lần vác mặt đến nhà tôi đòi khai báo tài sản nữa chớ!.. Chỉ tại ông Tư hiền quá thôi. – má Sáu bác lại.

– Dạ, tôi biết mấy lần anh này nói năng xách mé bị bà mắng lại thẳng thừng. Nhưng khổ quá, tôi ở vào địa vị khác, bà Sáu ạ. Làm gì có danh hiệu là cơ sở cách mạng như bà!

Tác giả: