Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Anh bạn này nhanh trí. – ông Tám thừa nhận. – …Chúng ta trở lại chuyện làm ăn chui cho hết nhẽ đi.

– Vâng ạ. Rõ ràng là việc làm ăn chui của chúng cháu được thực tế cuộc sống biện hộ. – Bảo Vân đỡ lời chồng. – Khoảng sáu bảy chục phần trăm xã viên của cháu là con em cán bộ công nhân viên nhà nước. Phần còn lại mới là người không có nghề, là các bà nội trợ.

– Cô gái này đáo để quá! Thế tại sao… – ông Tám định bụng không để cho Bảo Vân cầm chịch câu chuyện.

Nhưng Bảo Vân đã chen ngang:

– Bác giảng cho chúng cháu nghe về giai cấp, về bóc lột đi ạ.

– Vâng, bác giảng đi, cho chúng cháu đỡ phân vân. – Quân về hùa với vợ.

– Ghê thật, các cháu lại quay sang truy kích bác. – ông Tám cười hiền hậu. – …Thôi được, lúc nào đó bác sẽ đề nghị cho các cháu đi học, nếu các cháu thích học. Hôm nay bác chỉ nói đơn giản thế này: Các cháu cứ bám chắc luật pháp và chính sách. Các cháu cứ làm những việc luật pháp không cấm hoặc luật pháp cho phép.

– Hoan hô bác Tám! Bác nói dễ hiểu quá!.. – Cánh trẻ vỗ tay reo ầm lên, người lớn cũng vui lây.

– Bác hỏi tiếp, thế tại sao các cháu lại đặt vấn đề tương lai là tuỳ thuộc Đảng dồn các cháu vào con đường nào? – ông Tám kiên trì tìm hiểu suy nghĩ của bọn trẻ.

– Thưa bác, chúng cháu nghĩ đơn giản thôi. Thế hệ nội chúng cháu, rồi đến thế hệ cha chú cháu gắn bó với cách mạng như vậy mà còn bị đánh lên đánh xuống, thế hệ bọn cháu không là cái đinh gỉ gì… – Quân đáp lời.

– Bác Tám ạ…

– Vũ định nói thêm gì?

– Thưa bác, em Quân cháu dùng từ “đánh”, nghe đã thấy đau rồi. Cháu xin lỗi bác, tính thanh niên chúng cháu không nói loanh quanh được, mà nói theo chúng cháu nghĩ trong bụng thì đau lắm bác ạ. Chúng cháu không muốn nói dối, nhưng chúng cháu cũng không thích người ta nói dối bọn cháu. Bác là đảng viên cao cấp của Đảng, mong bác thấu hiểu nỗi đau của tụi cháu!

– Tại sao đến mức vầy mà các cháu không nghĩ đến chuyện xin ra Đảng? – Ông Tám muốn thẩm tra tiếp.

Vũ trả lời: – Hai anh em cháu đã tâm sự với nhau nhiều lần về đề tài này rồi bác. Có thể chúng cháu bi quan. Cuộc sống không đẹp như chúng cháu mong tưởng. Lý do đơn giản là cả hai chúng cháu xin vào Đảng theo lý tưởng đã trở thành lời thề của mình, nuôi hoài bão lớn. Còn nếu hai chúng cháu vào Đảng vì bất kể một lý do gì khác thì có lẽ chúng cháu đã bỏ Đảng từ lâu rồi. Riêng cháu còn là đảng viên Điện Biên Phủ nữa.

– Vũ trẻ thế mà tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ à? – ông Tám ngạc nhiên.

– Không ạ. Lúc đang học cháu đã được là cảm tình Đảng. Tốt nghiệp xong cháu xung phong lên công tác ở Điện Biên Phủ và được kết nạp Đảng tại đấy. Cháu rất tự hào về điều này. Hơn một năm sau cơ quan của cháu giải thể vì cải tổ bộ máy nhà nước, cháu được trả về Bộ.

– Thì ra là Điện Biên Phủ vỏ thôi, – ông Tám cười.

– Bác Tám ạ. Cái dở nhất của chúng cháu có lẽ chỉ vì muốn trở thành người tử tế trong cái xã hội ngày càng nhiều chuyện không tử tế! Chúng cháu không bỏ qua một chuyện nào của người lớn!.. – Quân không muốn câu chuyện chệch sang hướng khác.

Mọi người lớn căng thẳng lộ ra mặt. Riêng ông Tám càng bị bọn trẻ cuốn hút:

– Các cháu tránh nói đến những người không tử tế?

– Vâng ạ. Chúng cháu vẫn cố thận trọng. – Vũ đáp lời ông Tám. – … Hình như kháng chiến xong rồi, nhiều người bây giờ có quyền xả láng!.. Nhiều lúc cháu cứ tưởng cơ quan của cháu là một câu lạc bộ chia chác bác ạ. Chia tem phiếu, chia quyền lợi, chia ghế, chia sự lười biếng… Có ngày làm việc bắt đầu từ việc gọi nhau í ới đi chia… – Vũ trả lời, nhưng mắt nhìn tận đâu đâu: -… Thưa bác, hồi ở ngoài Bắc cháu có hai thằng bạn cùng chi bộ ạ. Cả hai đều đi lao động ở Cộng hòa Dân chủ Đức rồi. Bây giờ cả hai đều bỏ sinh hoạt Đảng từ mấy năm nay, nhưng trong đó một đứa còn tiếp tục đóng đảng phí đều đặn… Nó thư về cho cháu: dù thế nào cũng không nên quên ơn Đảng. Nhưng…

– Nhưng làm sao cháu?

– Nhưng nếu Đảng đến một lúc nào đó không còn như chúng cháu nghĩ, thì Đảng trong tim chúng cháu và Đảng khai trừ chúng cháu sẽ là hai Đảng khác nhau mất rồi bác ạ.

– ???

Câu chuyện đột ngột tắt ngấm trong giây lát.

Các chén nước vẫn đầy nguyên trên bàn. Không khí trong phòng khách bỗng lặng ngắt, nghiêm trọng, có vẻ căng thẳng nữa… Không ai nghĩ đến uống nước. Mấy tiếng cọt kẹt của một hai cái ghế hay chân bàn nào đó nghe rõ mồn một. Sức nặng của cuộc đối thoại trong phòng quá lớn…

Riêng bà Sáu nghĩ thầm: “Gậy thần nội trao cho tụi bay rồi, tụi bay phải tự đương đầu”.

Bản thân ông Tám cũng không ngờ câu chuyện có thể quyết liệt đến mức như vậy…

Một lúc sau, ông là người đầu tiên cầm chén trà đã nguội lên tay, uống một mạch hết cả chén, vì miệng khô đắng:

– Hai cháu nghĩ như thế, bác còn hy vọng, rất hy vọng nữa là khác. Bác cứ chất vấn mình mãi vì sao phải để cho các cháu chọn con đường hợp tác xã đồ đồng nát để khởi nghiệp cả đời mình..? – ông Tám như đang giãi bày cảm nghĩ của mình đối với bọn trẻ.

Sự im lặng lại kéo dài. Mãi Vũ mới xin thưa:

– Bác ạ, qua sách báo, chúng cháu thấy thế giới có nhiều người đi lên bằng những con đường độc đáo. Chủ tập đoàn Sony khởi nghiệp bằng mấy cái radio gỉ, công việc đại thể cũng na ná cái nghề đồ đồng nát của hợp tác xã chúng cháu. Cái ông buôn tiền Soros đi lên từ cái nghề buôn nước bọt trên các thị trường chứng khoán. Thật ra họ chẳng là siêu nhân quái đản gì hết. Chung quy lại họ chỉ là những người dám thử sức với rủi ro. Điều quan trọng nhất là họ có trí tưởng tượng và có quyền làm như vậy, họ tự chịu trách nhiệm đầy đủ về những việc mình làm… Chúng cháu không có cái quyền ấy, không có cả môi trường dung nạp những cuộc thử sức như thế.

– Đúng như thế bác ạ. Đấy là cái họ có mà chúng cháu không có. Chúng cháu chẳng có gì để tự chịu trách nhiệm cả! – Quân tiếp sức cho anh mình.

– Chỉ vì thế các cháu phải đi con đường đồ đồng nát? – ông Tám hỏi tiếp.

– Vâng ạ. Hay là cách mạng đã thành công rồi, chế độ mình không cần những loại người như thế, vấn đề dân tộc, vấn đề giai cấp bây giờ cũng mang nội dung khác trước. Có phải như thế không hả bác? Bác nói thật đi! Vì càng đọc, càng trải nghiệm, và bây giờ chúng cháu ngồi nghe bác nói, cháu càng không hiểu!.. – Vũ khẩn khoản nhìn ông Tám.

Ông Tám thấy lưng ớn lạnh, nhớ lại những câu chuyện vỡ đầu của mình ở An Giang, Long An.., đắn đo một lúc:

– Các cháu cảm thấy như vậy à? Nhưng những người làm lợi cho đất nước thì bao giờ cũng cần chứ.

– Nhìn vào thực tế, cháu thực tình vẫn chưa hiểu ý bác. – Vũ phân vân.

Ông Tám phân vân chưa biết nên giải thích cho Vũ như thế nào vì còn nhiều chuyện chưa tiện nói, may quá Bảo Vân chen ngang vào:

– Con đường đồ đồng nát! Ôi bác khái quát lại hay quá! Nhưng không phải là đồ đồng nát Sony đâu ạ.

– Chúng cháu thực chưa khái quát hoá được vấn đề lên mức như bác vừa nói. Đúng là con đường đồ đồng nát thật bác Tám ạ! – Vũ tán thưởng ông Tám Việt. Nhưng trên mặt ông Tám lại thoáng một nét nhăn mới…

– Đấy là sự lựa chọn của chúng cháu, bác Tám ạ. – Quân nói thêm vào. – …Bốn anh chị em chúng cháu bàn đi bàn lại nát ra rồi, cuối cùng mới đi đến cái triết lý: Phải chiến đấu theo tinh thần Quốc tế ca!

– Đấu tranh nay là trận cuối cùng, nghĩa là không có gì để mất!

Mọi người lớn ồ lên vì ngạc nhiên, vì không hiểu Quân định đưa câu chuyện vào cái bẫy gì đây. Nhưng bốn thanh niên lại khúc khích nhìn nhau.

– Tụi bay hôm nay có khùng quá không đấy? – bà Ngân đe bọn trẻ.

– Đừng khủng bố các cháu, chị Hai. Tự do tư tưởng mà! – Bảy Dự can vợ Hai Phong.

– Tụi bay cứ nói hết lòng mình đi, đừng ngại! Không mấy khi có ông Tám ở đây! – Ba Khang cổ vũ.

Gian phòng ồn lên những tiếng cười động viên.

– Vâng, nếu mẹ không giận thì con xin nói tiếp – Quân cố giữ cho giọng mình thật bình tĩnh – Quốc tế ca có câu hát nổi tiếng: Đấu tranh nay là trận cuối cùng! Ai không thấy trong lòng mình hừng hực khi hát câu này ạ?! Từ đó bọn con mới nghĩ đến phải làm ăn theo khí thế: Không có gì để mất! Làm ăn theo Quốc tế ca là chúng con dám liều với khí thế: Không có gì để mất!

– Lập nghiệp bằng con đường đồ đồng nát, chúng cháu không có gì để mất thật, bác Tám ạ! – Bảo Vân nói chen vào.

Ông Tám buột miệng:

– Chịu tụi cháu!

– Chúng cháu nghĩ mãi rồi, – Quân nói tiếp. – …trong cung cách làm ăn của Đảng và Nhà nước ta bây giờ, chính sách là một việc, thực hiện là một việc khác. Chỉ có cái triết lý làm ăn không có gì để mất là phù hợp thôi bác ạ. Nghĩa là hai cái hợp tác xã đồ đồng nát này nếu thất bại đối với tụi cháu cũng không thành vấn đề! Thành công thì thắng to!

Ông Tám trong lòng đầy lo âu, nhất là kinh tế đang ngày một kiệt quệ, viện trợ bên ngoài đến lúc này thực sự không còn nữa, lẽ ra cả nước phải tìm hết cách khơi dậy mọi tiềm năng của mình… Thế nhưng bọn trẻ của bà Sáu Nhơn… Cả nước có bao nhiêu người lựa chọn con đường không có gì để mất!.. Còn tổn thất nào lớn hơn thế?..

Ông Tám vẫn tự răn mình phải kiên nhẫn ngồi nghe.

– Kinh doanh mà lúc nào các cháu cũng phải bảo nhau làm theo cách không có gì để mất như vậy thì làm sao dốc hết sức mình được? – ông Tư bày tỏ sự thông cảm.

Tác giả: