Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Anh Tám ạ, Đảng đã lãnh đạo dân tộc mình đấu tranh để tự giải phóng mình khỏi kiếp nô lệ và mối nhục mất nước. Dân bây giờ là chủ đất nước. Rõ ràng không thể có chuyện đòi hay trao ở đây! Quyền là của dân cơ mà! Theo em, giác ngộ vai trò lãnh đạo có lẽ là Đảng phải giúp dân thực hiện được quyền của mình! Đấy là phương án tốt nhất!

– Thế phương án tồi nhất?

– Hình như bà Sáu Nhơn và anh đã nói ra rồi ạ…

– Cậu nói cái gì?

– Hỏi thế là anh hiểu ý em rồi đấy ạ. Em còn đang suy nghĩ tiếp…

Ông Tám Việt im lặng mất một lúc:

– Có thể… Có thể… Câu chuyện là thực hiện, chứ không phải là nói lý… Vấn đề hệ trọng quá… Cậu thu xếp thời giờ lúc nào đó ta vần nhau vấn đề này được không? Kéo ai có đầu óc cùng tham gia cho vỡ lẽ…

– …

Tám Việt ra về, nhưng ở nhà bà Sáu Nhơn, câu chuyện giữa mẹ con và bà cháu rôm rả mãi. Đặc biệt, đề tài sữa chua trở thành công cụ khám phá ra một đời sống kinh tế rất tự nhiên của Thành phố, khác hẳn với đời sống tem phiếu đang làm cho ông Tám Việt lo lắng. Ngồi nghe các cháu kể người dân tự mua bán, đổi chác với nhau để giải quyết nhu cầu hàng ngày của cuộc sống, má Sáu nhận thấy các cháu mình đã thông thạo hơn nhiều, đã hiểu biết ít nhiều thế nào là làm ăn, má rất vui. Bà Ngân và con dâu con gái làm xong việc dọn dẹp, rửa bát cũng ra góp chuyện. Cuối cùng má Sáu phải đứng dậy giục con cháu mình đi ngủ, để còn tiếp tục công việc ngày mai. Bích Ngọc đã trở về buồng với con từ lúc nãy…

Riêng má Sáu còn ngồi lại một mình hồi lâu. Hôm nay má cảm thấy rất vui, vì có dịp nói cho người có chức có quyền hiểu suy nghĩ của mình, vì thấy các cháu mình khôn ngoan lên nhiều…

Trước khi trở về phòng riêng, má Sáu ngồi nán lại một mình hồi lâu trước bức hoạ chân dung ông Sáu Nhơn, được vẽ vào cái năm hãng sơn Geko phá sản… Từ đó đến nay bao nhiêu cuộc bể dâu… Đã bao nhiêu lần má ngồi một mình như thế trước bức chân dung này, mỗi khi quá xúc động…

Cái tấm kính của tranh bị nứt làm đôi, bụi bặm và thời gian làm cho vết nứt thành một vết đen lớn, khiến bức tranh trông cứ như bị xé. Đôi ba lần Bảo Vân còn nàn nỉ tiếp với má cho thay tấm kính vỡ này, nhưng lần nào má Sáu cũng một mực:

– Con không được đụng tới… Đó là một kỷ niệm buồn…

Ai biết được dòng suy nghĩ của người mẹ già này bắt nguồn từ đâu, hôm nay đang hướng về đâu…

12.

Vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, xí nghiệp in Tự Lực được Thành phố tặng cờ thi đua quyết thắng. Xí nghiệp đã có nhiều sáng kiến huy động các nguồn bên ngoài kế hoạch chỉ tiêu để bảo đảm nhiệm vụ in ấn theo kế hoạch trên giao cho, đồng thời còn tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho tất cả mọi người trong xí nghiệp. Hôm nay Đoàn Danh Thắng báo cáo với giám đốc Hai Hân sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm 1985 về thực hiện toàn bộ mảng “kế hoạch 3” của xí nghiệp in quốc doanh Tự Lực.

Đoàn Danh Thắng là con Đoàn Danh Tiến. Với sự tháo vát của Hai Hân, ý tưởng chuyển cả gia đình Thắng từ Hà Nội vào trong này sinh sống được thực hiện mỹ mãn, có hộ tịch đàng hoàng. Đáp lại, Thắng luôn luôn cố gắng tỏ ra là một trợ thủ xứng đáng.

Làm gì thì Hai Hân quyết, nhưng thực hiện mọi hoạt động của “kế hoạch 3” theo cái CP25 thì Hai Hân giao hết cho Thắng, vì là chỗ tin cậy được, hơn nữa đúng là Thắng có sở trường cho loại công việc “tạp-pí-lù”. Về biên chế Hai Hân giao cho một người khác phụ trách. Hai Hân muốn tách bạch ra như vậy để dễ quản lý. Anh ta học lỏm được bí mật này từ Tư Cương trong những năm vẫn còn nhà in của ông Học. Ngoài nhiệm vụ chính của xí nghiệp là làm các sản phẩm in ấn theo kế hoạch Nhà nước trung ương hay Thành phố giao, tính ra xí nghiệp quốc doanh in Tự Lực bây giờ có tới 16 sản phẩm, nghĩa là 16 loại việc, cơ sở hay dịch vụ làm các nghề khác nhau trong “kế hoạch 3”.

Báo cáo xong kết toán thu chi, Thắng lắc đầu bái phục Hai Hân:

– Em chịu anh đấy, Anh kiếm đâu ra bằng ấy công việc để nuôi bây giờ là gần bốn trăm con người, cũng có nghĩa là già nửa số bốn trăm gia đình!

– Cậu nói cái gì, đã lên đến con số 400 rồi à? Sao dắt díu nhau vào nhanh thế?!.

– Nhanh hay chậm thì em không biết. Nhưng cứ tính sổ phụ cấp mà em phải chia vào sổ lương hàng tháng thì con số chuẩn xác là 397 suất.

– Mức phụ cấp bình quân một tháng lương tối thiểu còn giữ được chứ?

– Được ạ.

– Đà này một năm nữa thì lên đến một nghìn chắc? Cậu có biết khi tôi mới dựng lên xí nghiệp Tự Lực, biên chế này có bao nhiêu người không?

– Em đoán cỡ một nửa hiện nay ạ.

– Làm gì! Có hơn sáu chục thôi, sau đó tuyển thêm, rồi lại sáp nhập thêm 2 xưởng in nhỏ nữa, tất cả cũng chưa đầy một trăm hai mươi người! Cứ thế này thì lấy gì mà nuôi cả một huyện người? – nỗi lo hàng ngày của Hai Hân lại bục ra.

– Có như thế mới cần đến CP25 chứ ạ.

Hai Hân ngồi im, hai tay chống cằm, nhìn gục xuống bàn. Thắng thấy thủ trưởng như vậy cũng không dám nói tiếp nữa.

Trong đầu Hai Hân lại vật lộn quyết liệt với những ý kiến của các cuộc họp đảng ủy và ban giám đốc xí nghiệp. Lúc thì Hai Hân là đối tượng bị đả kích, lúc thì Hai Hân là người tấn công tới tấp. Loại ý kiến đả kích thì cho là Hai Hân lộng quyền, dám ngồi lên trên đảng uỷ và ban giám đốc, làm chệch hướng nhiệm vụ chính trị của xí nghiệp… Hai Hân phản công lại bằng cách vạch ra sự bất lực và những công việc vô tích sự của đảng uỷ và ban giám đốc trước những vấn đề nóng bỏng của xí nghiệp và của cuộc sống sáu bảy trăm con người! Vì ai đi làm mà không có gia đình…

Thu nhập thực tế giảm nhanh hàng ngày so với tốc độ lạm phát, đồng thời khả năng cung ứng các nhu yếu phẩm của nhà nước ngày càng hạn chế. Thực tế này làm cho tâm trạng nhiều người trong xí nghiệp bất ổn, có lúc từ trạng thái lo lắng, chán nản, chuyển sang bất bình.

Đứng trước tình hình này, đã ba bốn lần đảng uỷ đề nghị phải tăng thêm số buổi đọc báo trong giờ làm việc, để giữ vững tinh thần và củng cố lập trường tư tưởng!.. Hai Hân như muốn phát điên trước những đề nghị như vậy, nhưng phải ngậm miệng. Hai Hân tính toán: …phê phán toạc ra chắc chắn sẽ bị chụp mũ, mà như thế sẽ đi đứt hết… Nhiều khi ấm ức quá, Hai Hân dằn lòng, nói lầu bầu trong bụng: “Mẹ kiếp, không biết ở đâu ra lắm cái thứ Đoàn Danh Tiến nữa vời thế! Muốn sống bằng không khí với nhau thì tha hồ nói xuông. Còn muốn có gạo, có thịt, có phụ cấp chia nhau, xin các vị yên đi cho Hai Hân này nhờ!…”.

Rủa thầm như thế làm cho Hai Hân như đi nhẹ đôi phần… Cương vị đứng mũi chịu sào cả một con thuyền mang nguồn sống của mấy trăm gia đình ngày một ngày hai đã làm phai mờ thần tượng Đoàn Danh Tiến trong đầu Hai Hân từ lúc nào không biết. Hai Hân cũng tự xỉ vả mình: “…Cái thứ khoe mẽ bên ngoài học được từ Đoàn Danh Tiến cho khởi nghiệp mình đã xài hết rồi. Cái thời cần mấy thứ lý luận trang trí để giễu võ giương oai cũng chấm dứt rồi. Học được xong là thấy chán ngấy! Cuộc sống xí nghiệp này đã mấy lần cho ta ăn những cú đấm vỡ mặt!.. Bây giờ cứ mài mãi những thứ võ mồm ấy ra xài tiếp thì cả cái xí nghiệp quốc doanh to đùng này đi tong mất!…”.

Sự cọ sát của cuộc sống, sự chai sạn trước những lời hùng biện tăng lên, rốt cuộc những điều học được từ Đoàn Danh Tiến chỉ còn vương đọng lại trong đầu Hai Hân sự khinh ghét cái thói ba hoa chích choè lý thuyết suông của bất kỳ ai.

… Hay là bây giờ mình mới thực sự trưởng thành? – Hai Hân tự hỏi mình. Nhưng rồi những chuyện cơm áo gạo tiền cho cả một huyện người như thế nhiều lúc không cho Hai Hân thở nữa, nói chi đến những câu hỏi triết lý vớ vẩn!

Số người tham gia kháng chiến nhưng sau giải phóng không có việc làm được tổ chức đưa về xí nghiệp ngày một nhiều, khó từ chối lấy một người!.. Xí nghiệp cứ thế đông mãi lên, những người không nghề nghiệp chuyên môn trong xí nghiệp cũng tăng theo. Song cái khó lớn hơn nhiều cho Hai Hân là trong số này có những người là bậc đàn anh của Hai Hân về nhiều phương diện: tuổi Đảng, quá trình tham gia kháng chiến, chức vụ đã giữ trong Đảng, huân chương, thương binh… Họ chỉ thua Hai Hân là chưa bao giờ làm việc trong một xí nghiệp, ít hiểu biết về kinh tế, lại càng không hiểu được những gì Hai Hân muốn làm theo Tư Cương. Những người này khá đông, không dễ gì lấn át được họ. Trong suy nghĩ của những người này khuôn vàng thước ngọc rất rõ ràng: Xí nghiệp là của Nhà nước, Nhà nước trả lương nuôi cán bộ công nhân viên chức, xí nghiệp làm nhiệm vụ Nhà nước giao, không có “kế hoạch 3, kế hoạch 4” gì hết, như thế mới là xã hội chủ nghĩa!..

Bí thư chi bộ của Hai Hân trong xí nghiệp là đại úy phục viên. Hai Hân trực tiếp xin anh ta về làm công tác Đảng khi xí nghiệp Tự Lực mới thành lập. Song cũng chính người bí thư này đã có lần đề nghị khai trừ Hai Hân ra khỏi Đảng, vì cho Hai Hân là con ngựa bất kham, là độc đoán, vi phạm đường lối chính sách của Đảng. Từ ngày xí nghiệp có thêm mấy chi bộ, ông này trở thành bí thư đảng uỷ, càng ghen ăn tức ở với Hai Hân…

Cuộc đời phiêu dạt thời niên thiếu rèn cho Hai Hân cái tính lì. Hai Hân không mảy may nghĩ đến đầu hàng trước những đòn đả kích như thế. Tranh luận không ngã ngũ được trong những cuộc họp hẹp, Hai Hân tìm cách hoãn binh, rồi chờ dịp đưa những vấn đề gay cấn ra các kỳ hội nghị cán bộ công nhân viên chức, với những câu hỏi dứt khoát:

– … Một bên là mở thêm cho mỗi phân xưởng một căng tin nữa thì may ra có thể giữ nguyên hoặc tăng thêm chút ít thu nhập phụ. Một bên là không căng tin thì giảm nữa thu nhập phụ, vì biên chế ngày càng đông. Xin tuỳ toàn thể hội nghị lựa chọn…

– … Hoặc mở thêm căng tin, hoặc giảm ba chục phần trăm biên chế! Phương án nào tôi cũng xin thi hành nghiêm túc!..

Tác giả: