Dòng Đời – Nguyễn Trung

Thấy mọi người vẫn ngồi yên, Lý Lam nói luôn:

-Các vị về dự 20 năm ngày 30 tháng Tư sao về nước muộn thế! Chắc còn phải đợi tổng thống Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ, các vị mới dám bước chân về, có phải vậy không?

Mọi người chưa ai bắt lời.

– Tôi ở Sài Gòn được cả tháng nay rồi. Visa được gia hạn thêm tám tuần nữa. – Lý Lam nói liền một mạch, cố ra vẻ tự nhiên.

– Ông Lý về kiểm tra trận địa có phải không? Ông có đi được nhiều nơi không? – Tôn Thất Loan đá lại câu nói móc của Lý.

– Thoải mái, các vị ạ. – Lý Lam bị chạm nọc nhưng tỉnh bơ. – …Đi đến đâu cũng được. Đi xa tôi gọi taxi, trong thành phố tôi dùng xích-lô để tìm hiểu phố xá, thuận tiện vô cùng.

– ???

Những người ngồi bàn ăn không ai muốn nhắc đến trước mặt Lý Lam sự việc một sĩ quan nguỵ lái máy bay thể thao thuê của Thái Lan đột nhập bầu trời Thành phố để rải truyền đơn trước ngày 30 tháng Tư vừa qua… Câu chuyện trên bàn ăn tẻ nhạt gần như độc thoại.

Không tìm đâu ra những câu hỏi thăm xã giao nữa để nói tiếp, Tôn Thất Loan ngồi chờ một lúc rồi nói với Lý Lam:

– Ông Lý còn nhớ ông trung tá Phạm Trung Nghĩa chứ, bây giờ là đại tá, nhưng đã về hưu rồi. Cái nhà ông Nghĩa đến nói chuyện với chúng ta ở trại Bảo Lộc ấy mà?.. Ông Nghĩa là anh ông Lễ ngồi đây này! Nhớ chứ? – Tôn Thất Loan chỉ vào người cấm khẩu ngồi đối diện là Lễ.

– Nhớ! Ông Nghĩa ấy làm sao quên được. – Lý Lam nói ngay.

– Vợ chồng cụ Phạm Trung Học và vợ chồng ông bà Phạm Trung Nghĩa cũng có mặt tại đây đấy, ngồi ăn ở phòng trong. Chúng tôi đến muộn nên không đặt được một phòng riêng. Ông Lý vào chào một câu chứ?

– Dạ. Cảm ơn ông Loan. Xin chào tất cả các vị. – Lý Lam đứng dậy bắt tay mọi người.

Mọi người chăm chú nhìn Lý Lam lần theo lối đi giữa các bàn ăn và ngạc nhiên: Lý Lam không ngoặt vào phòng trong mà lại hướng ra phía đại sảnh rồi đi thẳng…

Tập 3
Lõm Nước

18.

Ôn lại những năm bươn chải kinh tế căng tin trong thời bao cấp, Thắng thừa nhận mình đã được trải qua một trường học vô giá. Học ở xí nghiệp một, học ngoài đời một trăm. Còn mọi thứ đã được nhồi nhét vào đầu khi còn ngồi ở ghế nhà trường thì gần như là đồ bỏ…

Ngoài công việc cho kinh tế căng tin và kế hoạch 3 của xí nghiệp, Thắng dành đến chín phần mười thời giờ làm việc của mình cho những công việc chạy vạy và lại quả, do cơ chế xin – cho đẻ ra. Nhờ cái nghề tay trái này, nên mọi ngõ ngách đời sống kinh tế và các mối quan hệ quyền lực của Thành phố, Thắng đều tỏ tường như trong lòng bàn tay. Sự thành thạo này giúp Thắng luôn luôn tìm được câu trả lời chuẩn xác cho câu hỏi việc gì? đến đâu? gặp ai? Tuy chẳng chức vụ vương tước gì, nhưng nhiều người ở nhiều thang bậc xã hội khác nhau phải tìm đến Thắng để nhờ vả, và phần lớn là được việc. Rồi chính sự nhờ vả và được việc này dần dà mang lại cho Thắng một thứ quyền lực đối với những người có quyền lực.

Bửu bối cho thành công của Thắng là chịu chơi với những người cần phải chơi.

Vụ cháy trụ sở cơ quan của Vũ năm nào gây ra phản ứng gay gắt trong Thành phố. Dư luận cho rằng mười mươi đây là vụ cháy để phi tang mọi bằng chứng tham nhũng, thua lỗ và tội lỗi. Chỉ cần biên bản hiện trường thêm thắt một vài chi tiết kỹ thuật để luật sư có thể dựa vào đó chứng minh vụ cháy là hoả hoạn với đúng nghĩa đen của nó, mọi chuyện lại êm đẹp như không có vụ cháy xảy ra. Thắng đã làm tốt nhiệm vụ con thoi cho việc mua và bán những chi tiết bạc triệu này trong biên bản.

Vụ ông Bảy Hội đứng đầu cơ quan đầy thanh danh trong việc dạy dỗ đạo đức kỷ cương cho con người, cặp bồ không may có thai với vợ một người khác. Thắng được giao nhiệm vụ môi giới cho việc sắp đặt anh chồng mọc sừng vào một chức tước mới. Kết quả mỹ mãn, cả ba đều hỉ hả.

Nghĩ lại các “kỳ tích” đã đạt, một hôm bỗng dưng Thắng vỗ đen đét vào mông vợ:

– Hay lắm! Hay lắm!

– Điên à? Đừng có rửng mỡ!

– Hay lắm, rất hay là khác!

– Hay cái gì?

– Người ta cứ chê kinh tế thời bao cấp, đấy là chuyện của người ta. Đất nước thì xác xơ, đấy là chuyện của đất nước. Nhưng anh lại tích luỹ được nhiều nhất từ kinh tế bao cấp.

– Thôi đi, mới có vài đồng bạc rủng rỉnh, vài ba thứ tiện nghi trong nhà hơn người đã tự cho mình là ông hoàng. – Kim Hồng gạt đi.

– Em nhầm. Anh giàu hơn tất cả mọi người anh biết trong cái Thành phố này.

– Bốc phét!

– Anh tìm ra cả một kho tiền!

– Này, lây bệnh bò điên của nước Anh từ bao giờ thế?

– Cái vốn ít người có hoặc không có nhiều như anh trong đổi mới là gì, em có biết không?

– Là gì?

– Là quan hệ. Nghĩa là anh gõ cửa nào cũng được!

– Ghê nhỉ? Cái thứ đi hầu hạ người ta như thế có làm ra tiền không?

– Bây giờ thì chưa.

– Thế thì bao giờ?

– Còn trong giai đoạn tích luỹ mà, rồi sẽ biết…

Sau lần đụng độ với kế toán trưởng và bí thư Đảng ủy, Hai Hân, thủ trưởng trực tiếp và là người đỡ đầu của Thắng, trở thành đối tượng đả kích của nhiều thế lực bên trong và bên ngoài xí nghiệp. Song nhờ hiệu quả của kinh tế căng tin và nhờ sự mẫn cán của Thắng trong việc lập lại trật tự của xí nghiệp, Hai Hân được yên ổn. Cái chính là kinh tế căng tin của vợ chồng Thắng vẫn đủ tài lèo lái nuôi tốt cả cái cộng đồng bám vào nó, kể cả xí nghiệp Tự Lực của Hai Hân.

Cho đến nay, dù thăng trầm thế nào trong cái cơ chế không còn giá bao cấp, tháng nọ bù tháng kia, tính bình quân toàn xí nghiệp Tự Lực đại thể vẫn giữ được cho mỗi người mỗi tháng một phần thu nhập phụ từ kinh tế căng-tin tương đương với một tháng lương. Về mặt nào đó, vợ chồng Thắng còn là cái bình phong đỡ cho bao chuyện sóng gió của xí nghiệp. Bản thân Hai Hân cũng nhận thấy sự phụ thuộc của mình vào cái bình phong không thể thiếu được này, ngày càng giao cho cái bình phong ấy nhiều quyền hành. Thắng và Kim Hồng ngày càng có nhiều hoạt động kinh doanh ngoài tầm mắt của Hai Hân, bao gồm kinh doanh hợp pháp, bất hợp pháp, hoặc nửa nọ nửa kia.

Thắng và Kim Hồng càng ăn nên làm ra. Chỉ sau mấy năm, doanh số trong sổ sách kinh tế căng tin do Thắng và Kim Hồng phụ trách cao hơn doanh số của toàn bộ 3 phân xưởng in đến hàng chục lần. Số người làm trong bộ phận kinh tế căng tin – trong biên chế nhà nước hoặc theo hợp đồng, đông quá gấp đôi số người trong 3 phân xưởng in, số đảng viên ở đây cũng đông hơn.

Nhờ tìm được mối manh, lại vừa có lực, vừa có thế quốc doanh, Thắng dựng lên Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại Bình Tiến, một sự kiện kinh tế mới mẻ của Thành phố, một thành quả không thể bác bỏ nói lên sự khôn ngoan của Thắng. Cũng có thể xuất phát từ gợi ý của một cánh tay phải nào đó…

Những lô đất đai, nhà xưởng của xí nghiệp và của nhiều cơ quan khác bỏ hoang trước đây, nay bỗng dưng biến thành những kho vàng. Những tài sản này, phần thì được góp vào những liên doanh mới – trong nước hoặc nước ngoài, làm khách sạn, làm siêu thị, trung tâm khiêu vũ.., phần thì trở thành vốn góp vào đầu tư trực tiếp của nước ngoài để sản xuất giấy ăn, đồ nhựa, đồ sứ vệ sinh… Thắng thốt lên với vợ: “Không tưởng tượng nổi những thứ đồ bỏ này chỉ qua đêm đã biến thành núi vàng!”.

Từ khi Trung tâm ra đời, kinh tế căng tin vẫn được Thắng chăm sóc ngó ngàng. Vì đấy là các chân rết không thể thiếu được của Trung tâm. Song gần đây Thắng hầu như giao hết loại việc này cho vợ mình phụ trách để bản thân rảnh tay lo việc lớn… Nối liền những đơn vị kinh tế mới ra đời vừa nêu trên của Trung tâm với kinh tế căng tin là một số tụ điểm karaoke. Những tụ điểm này tạo thành những đường dây liên hệ vô hình nhưng linh hoạt. Thắng có một nhóm thân cận riêng lo sự an toàn cho những tụ điểm này. Trung tâm còn làm môi giới cho nhiều xí nghiệp trong Thành phố với giới đầu tư nước ngoài. Trung tâm đã với tay sang kinh doanh địa ốc, ngay trong Thành phố và mấy tỉnh lân cận – nhất là Đồng Nai và Bình Dương.., đang tìm địa điểm để mở trụ sở cho cơ quan đại diện Trung tâm ở Hà Nội, Đà Nẵng…

Về nhiều phương diện, Trung tâm còn hoạt động như một đơn vị hậu cần cho cơ quan của Thành phố, là Mạnh Thường Quân cho nhiều việc và nhiều hoạt động… Nội thất của một anh cần được tân trang, đã có Trung tâm hào hiệp… Văn phòng tiếp tân của cơ quan tiêu biểu cần được trang bị lại, Trung tâm xắn tay vào. Cái xe của chị Bảy tèng tèng quá, chuyện nhỏ, để Trung tâm lo. Chú Tư cần ít ngoại tệ cho con đi Đài Loan chữa bệnh, ôi xin đừng nghĩ ngợi, chữa bệnh cũng như cứu hỏa! Toàn là những nơi thân quen cả! Những việc vặt ấy xong loáng, vui vẻ, chu đáo…

Giới đầu tư nước ngoài đến Thành phố làm ăn bảo nhau: Muốn công việc nhanh chóng, ngoài các thủ tục chính thức ra phải tìm đường đi qua Trung tâm! Tuyến cò và một số người thính mũi khác trở thành khách ra vào thường xuyên của Trung tâm. Sau một số chuyến đi nước ngoài, bản thân Thắng cũng khôn ngoan hẳn lên, đúng với nghĩa đi một ngày đàng, học một sàng khôn – kể từ ăn mặc, đến cách nói năng… Thắng sắm hai máy điện thoại cầm tay, một cho mình và một cho lái xe, đặt một máy điện thoại cố định có người làm bộ lọc kiêm đầu mối cho sự liên hệ giữa các đường dây quan hệ khác nhau. Công nghệ mạng của Thắng tỏ ra rất hữu hiệu.

Nhờ “chiêu hiền đãi sỹ”, Thắng tìm được một đối tác là một người đẹp, Thắng vừa thích, vừa thèm, vừa phục, vừa sợ và cũng thấy chính mình chết mê chết mệt nữa: Cù Lê Phán Lâm Thuỵ Bạch Liên, về danh nghĩa chính thức là thành viên Ban quản trị của Trung tâm, phụ trách công tác đối ngoại.

Tác giả: