Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Hay là cậu trả thù đời xong rồi? – ông Tư lúc này đã lấy lại được lòng tự tin trong khi tiếp chuyện.

– Bác Tư ơi là bác Tư! Bác vẫn khắt khe với tôi y như hồi còn ở cái nhà in Ánh Sáng.

– Cậu Hai này, đến bây giờ Ba Khang vẫn còn ân hận với bà Sáu Nhơn về cách đối xử của chính quyền, của cậu vừa qua đối với gia đình bả.

– Tôi biết bác Tư à. Tôi mong lúc nào đó sẽ được nói rõ mọi chuyện như đang ngồi nói với bác. – Hai Hân trầm ngâm một lúc rồi mới nói tiếp: – Điều kỳ lạ là từ khi tôi không có yêu cầu trả thù đời nữa, cũng là lúc tôi bắt đầu ý thức được thế nào là trách nhiệm. Tôi chưa lúc nào có cảm giác mãn nguyện, mà lúc nào cũng chỉ vắt óc nghĩ xem bác đã điều hành cái nhà in của ông Học như thế nào, rồi tôi tìm cách vận dụng vào xí nghiệp của mình. Thú thực tôi bắt chước được ở bác nhiều lắm.

– Tôi phải phục cậu đó, thời buổi bây giờ nuôi được bốn năm trăm con người có dễ đâu! Cậu không làm kinh doanh như tôi trước đây, nhưng cậu chèo chống trong hoàn cảnh bao cấp hiện nay như vậy là giỏi lắm. Cậu đi xa hơn tôi nhiều về mặt này! – ông Tư vọng xuống bếp: – Chúng tôi đói lắm rồi bà ơi!

– Xin đợi cho chút nữa, sắp xong rồi đây. – bà Tư trong bếp nói vọng ra.

– Bây giờ mới xin nói với bác cái lý do tôi đến thăm bác hôm nay: Tôi mời bác ra phụ trách toàn bộ công việc quản trị kinh doanh giúp tôi. Chỉ có bác tôi mới tin được.

Ông Tư ngồi im.

– Bác nhất định phải ra giúp tôi. Chỉ có bác mới có khả năng lập lại được trật tự phân minh, công việc của xí nghiệp mới suôn sẻ. Khi lập xí nghiệp, người ta đã khuyên tôi mời bác ra, nhưng lúc ấy tôi đã gạt phắt đi, chỉ vì lo bác sẽ nổi hơn tôi, sẽ trả thù tôi…

Ông Tư vẫn ngồi im.

– Thôi được, tôi xin tối mai bác cho biết ý kiến. Ở vào địa vị bác, tôi cũng phải đắn đo như vậy thôi.

– Không cậu Hai, không phải thế. Tôi không có gì phải đắn đo cả.

– Thế thì bác cho ý kiến đi.

Ông Tư lại ngồi im một lát nữa.

– Cậu Hai chịu nghe thì tôi sẽ nói thẳng ý kiến của tôi, không dễ lọt tai đâu.

– Ít nhiều tôi vẫn chưa sạch cái máu Hai Hân ngày xưa đâu. Bác khỏi lo.

– Vậy hả? Để xem đã.

– Bác vẫn coi thường tôi?

– Không. Nhưng cậu không đủ sức!

– Bác đừng đánh giá thấp cái máu Hai Hân! – hai tay Hai Hân phanh ngực ra trong khi nói.

– Bình tĩnh! Bình tĩnh, ý tôi là như vầy: Cậu nhất định thất bại, mặc dù về nhiều phương diện cậu đã tiến xa hơn tôi. Có mười Tư Cương ra giúp đi nữa, cậu vẫn thất bại!

Hai Hân cảm thấy người loáng choáng, hai tay vò đầu:

– Bác cho tôi chén nước nữa!

Ông Tư tiếp nước, Hai Hân uống xong chén trà mới, vẫn ngồi im suy nghĩ. Ông Tư kiên nhẫn chờ.

– Bác nói rõ ý bác xem nào!

– Có một điều khác nhau như nước với lửa. Khi là Tư Cương của ông Học, tôi toàn quyền quyết định mọi việc, miễn là thực hiện đúng ý đồ kinh doanh của ông Học và có lãi. Hà Văn Hân là giám đốc xịn đấy, nhưng lại không được toàn quyền như cái lão Tư Cương làm thuê ngày xưa đâu. Tôi bây giờ có ra giúp cậu thì chẳng qua là giúp một người không có toàn quyền. Cậu tính đi, toàn quyền cậu không có thì một trăm Tư Cương cũng là đồ bỏ!

Hai Hân ớ người ra. Trong đầu Hai Hân lục cục một mớ các cuộc tranh luận dây cà ra dây muống trong hàng ngũ các cấp lãnh đạo Đảng, đoàn thể, ban giám đốc.., những cuộc chạy ngược chạy xuôi xin ý kiến, nhất là cuộc nói chuyện với bí thư đảng uỷ…

“Cái chuyện đấm con người ta gãy răng còn chưa giải quyết xong, đồng chí tính xem có nên thế không”.

“Đồng chí phải…”

“Đồng chí phải…”

Bỗng nhiên Hai Hân cảm thấy hàng trăm cái đinh đóng vào đầu mình. Hai Hân ngồi im, ôm đầu… Chúa Giê-su khi bị đóng đanh câu rút không biết có phải chịu nhiều đau đớn như thế này không?..

Ông Tư để Hai Hân ngồi một mình, xuống bếp giúp bà Tư bê cơm canh lên.

Ông Tư xưa nay vốn kính nể tài nấu nướng của vợ, Khi mâm cơm đã bày xong, ông lại càng phục sự tháo vát hiếm có của vợ trong điều kiện mời khách đột xuất.

– Vậy mà tôi cứ lo trong nhà hôm nay lỡ dịp mời cậu Hai ăn cơm. – Ông Tư vừa mừng, vừa khen vợ.

– Thật ra trước cải tạo, cậu Hai với nhà mình là một, chứ đâu có phải khách khứa gì. Có phải vậy không cậu Hai? – Giọng nói của bà Tư Cương như không còn vẻ e dè, sợ sệt.

Trong chốc lát Hai Hân bỗng quên những điều đang giày vò mình:

– Được nghe bà Tư nói câu ấy là tôi mát lòng mát ruột. Nghĩa là hai người bây giờ không ghét bỏ thằng Hai này!

Trong khi bà Tư sắp bát, so đũa, ông Tư vội chạy sang phòng bên. Lúc quay trở ra, tay xách chai rượu đế:

– Câu chuyện của cậu hút mất hồn vía tôi, chút nữa tôi quên thứ đưa đẩy này. Hồi này hư đốn rồi, bữa cơm nào cũng phải nhấp nháp một tý mới trôi được. – Ông Tư rót đều hai ly rượu, đưa cho Hai Hân một ly – Gác mọi chuyện lại đã. Chúc sức khoẻ!

– Xin chúc sức khỏe hai bác! – Hai Hân nâng ly cụng ly với ông Tư – Cả chục năm, hôm nay mới được cụng ly với bác!

– …

Rượu vào, lời ra. Cái khoảng cách đằêng đẵng mười năm như không còn nữa. Họ bộc bạch chuyện riêng tư. Chuyện xí nghiệp. Chuyện thời cuộc. Cả những chuyện bất bình, phẫn uất về bản thân, về sự đời… Họ lại cụng ly.

Những ly rượu đẩy trôi sự bực bội, những ly rượu của sự đồng cảm…

Khi hai người quay trở lại chỗ sa-lông, bà Tư xuống bếp rồi về phòng riêng, để hai người thoả sức trao đổi suy nghĩ của mình. Câu chuyện lại tiếp tục sôi nổi.

– Cậu phải hiểu cho tôi. Không phải là tôi ngại khó hay không tin cậu. Tôi biết cậu từ vụ Tám rỗ, nghĩa là trước khi cậu về nhà in của ông Học cơ!

– Ôi thôi, bác nhắc lại chuyện Tám rỗ làm gì! Cái thằng Hai Báu mà còn ở lại Sài Gòn thì thuộc loại tư sản phải đem ra bắn, chứ không phải là cải tạo! Tự tay tôi sẽ xin đi bắn nó.

– Thằng này vừa ác, vừa phản động, suýt nữa nó cũng cho ông Học tiêu luôn. – ông Tư nhớ lại.

– Tôi biết chuyện này. Hai Báu đã quỵt công, hiếp bồ của tôi rồi còn cho người giết cô ấy để phi tang. Hồi đó đã mấy lần tôi nghĩ đến tự tử vì tình, vì không thiết sống nữa, vì uất ức quá. Định bụng trước khi chết phải tìm cách khử con quỷ này, tiếc rằng chỉ chém cụt được cánh tay phải của nó. Vì thế nó mới thuê băng Tám rỗ hạ thủ tôi.

– Trong vụ này, cô bồ của cậu chết thay cho cậu đó… Nếu không cậu đừng hòng nghĩ đến chuyện thoát khỏi tay thằng dâm tặc! Cả một xã hội đen hầu hạ dưới trướng của nó…

– Thôi quên chuyện ấy đi. Bác cố ra giúp tôi có được không? – Hai Hân năn nỉ.

– Tôi không là thày bói. Những gì tôi nói với cậu trước lúc ăn cơm là ngẫm nghĩ của tôi mấy năm trời quan sát công việc làm ăn của xí nghiệp Tự Lực.

– Thật vậy không bác?

– Thật. Vợ chồng Thắng chịu ơn bà nhà tôi trông cháu cho, nên thỉnh thoảng vẫn qua lại đây, xí nghiệp có chuyện gì họ kể cho tôi nghe hết. Cái chuyện đấm vỡ mồm thằng cha say xỉn tôi cũng biết tường tận…

Hai Hân thấy không còn đường thuyết phục ông già Tư Cương, mất hết cả kiên nhẫn, đứng dậy:

– Bác không giúp tôi, thì trên đời này tôi, tôi… thật sự hết bạn rồi! .

Hai Hân thất thểu, dợm bước đi, ông Tư lật đật kéo Hai Hân ngồi xuống:

– Tôi hiểu cậu mà cậu Hai! – Giọng ông Tư bỗng hạ thấp: Hai Hân à, không sợ trời, không sợ đất, thì cũng đừng sợ sự thật.

– Ý bác muốn nói là tôi cũng không được sợ tôi sẽ thất bại?

– Phải!

– Sao bác có thể nói như đinh đóng cột vậy?

– Cậu cứ thử sức mình đi.

– Thử thế nào?

– Cậu cứ thử đuổi cổ cái thằng cha say xỉn đi. Cậu sẽ thấy cậu bất lực như thế nào.

– Không, tôi không thèm bẩn tay với hạng đó. Tôi muốn tống cổ con mụ kế toán trưởng ra khỏi xí nghiệp. Hai Hân này đã nói là làm, rồi đấy bác xem.

– Vẫn giữ được cái máu Hai Hân! Nhưng cái lửa trong cậu sẽ đốt cháy cậu.

– Mụ này là kẻ phá hoại số một trong xí nghiệp! Nếu tôi là Chủ tịch nước thì tôi cho xử tử lâu rồi!

– Tôi thành đồ vô dụng rồi, nhưng còn đủ kiên nhẫn chờ xem cậu ra tay thế nào!

Hai Hân chợt nảy ra một ý kiến:

– Nếu tôi chứng minh nói được là làm được, thì bác ra giúp tôi chớ?

– Cậu chỉ cần làm được một nửa như thế, là tôi ra giúp cậu!

Hai Hân đứng bật dậy, xiết tay ông Tư:

– Quân tử nhất ngôn!

– Cậu coi tôi là quân tử thì quân tử!

…Ngày ấy, trong lúc làm nhiệm vụ thăm dò đường dây liên lạc do Ba Khang giao cho, do khinh suất, Hân bị mật vụ Sài Gòn bắt tại quận 11 và chờ cảnh sát xét xử để tống giam vào khám Chí Hoà. Ba Khang phải cầu cứu má Sáu Nhơn, nếu không thì cả đường dây nguy khốn. Nể lời mẹ, chính Năm Thịnh đã chi tiền cho đám quân cảnh tạo dựng các chứng cứ ngoại phạm giả cho Hai Hân. Chỉ có NĂM Thịnh mới có tiền, có mối quan hệ với cánh Tôn Thất Loan và mới có gan làm việc tày trời như vậy, nhờ đó Hai Hân thoát chết…

Đến hôm nay Hai Hân vẫn còn nhớ như in tâm trạng mình lúc “đấu tố” NĂM Thịnh: …Hân ơi, khi cần đạt mục đích, chẳng có sự đểu cáng nào đối với mày là bẩn thỉu cả!..

Hân nhớ rất rõ:… Lúc tiến hành cải tạo mình day dứt như vậy trong bụng, nhưng trong hành động thì vẫn tìm mọi cách truy Năm Thịnh tới đường cùng.

Tác giả: