Dòng Đời – Nguyễn Trung

Mọi người hết nhìn nhau rồi lại nhìn Lý Lam. Mãi mới có người đáp lại:

– Thưa ông Lý Lam, tôi e rằng cả hai việc ông yêu cầu đều nằm ngoài khả năng của nhà chùa. – Một vị chức sắc của chùa nói ý kiến của mình.

– Tôi biết chư vị sẽ nói như vậy, nhưng vẫn phải vác mặt đến. Không biết ông Lễ có cao kiến gì hơn không ạ?

– Ông Lý ạ, xứ này là tự do báo chí mà, nên việc thứ nhất dù chúng tôi có muốn cũng không giúp ông được. Việc thứ hai, nếu ông Lý cho tôi biết tên và địa chỉ những người phát đơn kiện, tôi hứa sẽ cố giúp. – Lễ trả lời.

Lý Lam cân nhắc một lúc:

– Tôi nghĩ ông Lễ trả lời thật lòng. Thôi đành vậy, được một việc còn hơn không được việc nào.

– Ông yên tâm, tôi sẽ làm đúng như tôi nói. Nhưng tôi không thể không băn khoăn là khẩu hiệu tự do tín ngưỡng ông trưng lên hình như chỉ nhằm tự do phá tín ngưỡng. Có phải vậy không ông Lý?

– Sư cộng sản thì làm sao nói được tín ngưỡng để mà tự do, để mà tín ngưỡng, thưa ông Lễ? Các chư vị có lẽ không biết, tôi đã ngồi nghe suốt buổi, từ đầu chí cuối. Hoà thượng nói na mô Phật thế đấy, nhưng trong lòng một bồ dao găm. Tất cả các chư vị đây chắc không lạ gì chuyện này chứ?

– Tôi xin ông Lý, tất cả các tôn giáo cần được kính trọng. Chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng mà! – Lễ khẩn khoản.

– Xin lỗi ông Lễ, ông nhầm to rồi, hay là đánh trống lảng? – Lý Lam xách mé.

– Điều này thì xin tuỳ ông nhận thức theo tâm địa của ông, tôi không nhận thức giùm cho ông được. Tôi thật không hiểu vì sao ông thù ghét đất nước đến cùng như thế, ông Lý ạ. – Lễ bác lại, cố giữ điềm đạm.

– Thú thực, chính tôi cũng không hiểu vì sao cả hàng chục năm nay ông Lễ nằm im đắp chăn, bỗng dưng ông thành phật tử đầu đàn như hôm nay. Ông quả là có tài tổ chức, mọi việc chu đáo không ngờ…

– Sắp tới ông Lý định làm gì? – Lễ hỏi.

– Trước mắt chúng tôi sẽ vận động bang Cali này và bang Virginia tẩy chay cờ đỏ sao vàng của Hà Nội, cờ Việt chính thức ở đây vẫn phải là quốc kỳ Cộng hoà của chúng ta. Tiến tới sẽ không cho một phái đoàn chính thức nào của cộng sản Hà Nội được bén mảng đến mảnh đất này!

– Ông Lý Lam quyết như vậy? – Một ai đó từ phía trong hỏi vọng ra.

– Xin chư vị yên tâm, chúng tôi đã thắng trong vụ cá basa, chúng tôi sẽ thắng tiếp và không chịu nghỉ ngơi đâu. Các chư vị cứ chờ xem.

– ???

Lễ thấy tiếp tục câu chuyện như thế này chỉ tổ mất thời giờ và thêm bực mình, toan đứng dậy cáo lui, thì một vị chức sắc của chùa vặn lại Lý Lam:

– Bây giờ tôi xin hỏi, ông Lý Lam đang là công dân Mỹ chống lại Việt Nam, hay ông là người Việt đang chống lại nước mình?

– Tôi xin lỗi, rõ ràng là luận điệu của Phật giáo. Người Thiên chúa giáo chúng tôi không tự hỏi mình câu hỏi ngớ ngẩn như vậy. – Lý Lam đáp lại, mặt thản nhiên.

– Chết, ông Lý Lam lại bài xích cả đạo Phật của chúng tôi nữa? – Một vị chức sắc trong chùa lên tiếng. – …Tôi hỏi ông về tính cách con người ông là ai chống lại nước mình, thế mà ông lại đả kích đạo của chúng tôi. Như vậy có nên không hả ông Lý Lam? – Vị chức sắc nọ từ tốn.

Lễ thấy câu chuyện có chiều hướng nguy kịch, vội đứng dậy can:

– Xin các chư vị bình tĩnh. Tôi đề nghị cả ông Lý cũng thế. Các vị có thể tranh luận với nhau hết nhẽ về mọi vấn đề các vị quan tâm. Nhưng tôn giáo là chuyện thiêng liêng, bên giáo cũng như bên lương, tôi chân thành xin các vị đừng đem tôn giáo ra bài bác nhau.

– Tôi biết đạo Phật của các ông từ những ngày còn ở Sài Gòn cơ, chớ không phải chờ đến hôm nay. – Lý Lam tỏ ra bình tĩnh, phớt lờ ý kiến của Lễ. – …Lẽ ra bây giờ là lúc các ông phải hồi tâm lại, tính sổ xem các cuộc nổi dậy của phong trào phật tử các ông trong những năm ấy đã góp phần làm suy yếu Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta đến mức nào, đã đóng góp bao nhiêu phần trăm vào cái ngày ba mươi tháng tư khốn kiếp thì mới đúng chứ!

– Tôi tán thành ý ông Lễ. – Vị chức sắc vừa mới nói lại lên tiếng. – …Chúng ta không nên bài xích tôn giáo của nhau nữa. Nhưng ông đã lên tiếng trước, tôi cũng xin có lời thế này: Tôi cũng có thể nói xấu Thiên chúa giáo không kém ông nói xấu Phật giáo. Nhưng tôi không muốn thế. Vì vậy tôi xin mách ông cuốn sách “Catholic Plot Against Buddhism” của Hội Phật giáo Thái Lan xuất bản. Đọc nó ông sẽ hiểu ngay Thiên chúa giáo đã làm gì chống lại đạo Phật, chống lại quốc gia.

– Sách dễ mua lắm, ông Lý Lam ạ. – Một vị chức sắc khác đỡ lời. – …Nhà xuất bản Mont Dora, Florida 32757. Ông có thể nhờ ông Chu Vân Trì ở Florida giúp cho, mua bao nhiêu cuốn cũng được. Một lần nữa tôi xin ông miễn cho việc tự tôi phải nói xấu đạo của ông. – Vị chức sắc của nhà chùa giữ một giọng đều đều.

Lễ đứng dậy một lần nữa, hai tay khoát sang hai bên như người giảng hòa:

– Khổ quá, xin cả hai bên tự kiềm chế đi. Tôn giáo là điều thiêng liêng. Tôi xin các vị…

Lý Lam coi như không nghe thấy gì, cũng không thèm nhìn về phía Lễ, vẫn một giọng ngang nghiên:

– Rõ ràng là vị Hoà thượng chiều nay đã nhồi nhét vào đầu các vị nhiều điều mê hoặc. Tôi cũng xin nói thực lòng là tôi hoàn toàn không hiểu tại sao các vị đến nông nỗi phải lưu lạc sang đây mà vẫn giữ lòng tin, hay chí ít là thiện cảm với chế độ Hà Nội, một chế độ cộng sản khét tiếng là tàn bạo. Các vị lẫn lộn quê hương với chế độ này! – Lý Lam càng nói giọng càng quyết liệt.

Mọi người chung quanh nhìn nhau cười, tỏ ý không muốn tranh luận với Lý Lam nữa và cũng chờ đợi hắn ta đứng dậy ra về. Nhưng chuyện này không xảy ra. Lý Lam cầm chén nước đứng lên uống, rồi thách thức:

– Lý tôi nói trúng tim các vị rồi, có phải thế không ạ?

Tiếng cười ran lên. Lễ đã đứng dậy từ lúc nãy, bây giờ lại phải ngồi xuống. Chờ cho tiếng cười ngớt đi, Lễ mới lên tiếng:

– Tôi đã định ra về rồi, nhưng ông Lý nói năng ngang tàng quá, nên đành ngồi lại tiếp chuyện ông Lý lúc nữa vậy. Tôi nghĩ đơn giản thế này thôi, cứ cho là ông Lý có lý đi, nhưng xin hỏi, giả thử chế độ Hà Nội đúng như ông Lý nói, thì liệu ông Lý – và cả tôi nữa – có được ngồi đây thân thể vẹn toàn như thế này để khích bác lẫn nhau được không?

– Trí nhớ ông Lễ hồi này suy tàn rồi.– Lý Lam đĩnh đạc.

– Chiến tranh băm vằm đất nước mình tàn khốc là thế, chém giết lẫn nhau bao nhiêu năm là thế mà ông Lý vẫn chưa chán hả?

– Nói thế là quên mất cả quốc hận nữa rồi ông Lễ ơi! – Lý Lam dè bỉu.

– Ông Lý đừng đánh trống lảng.

– Ông Lễ này, nói toạc ra với nhau đi! Tôi thực lòng không hiểu vì sao ông cứ lầm lẫn coi cái chế độ chính trị Hà Nội và tổ quốc là một thế hả ông? Ông không đọc báo mấy hôm nay à? Ông không thấy mấy tù chính trị vừa mới được Hà Nội thả ra đang có mặt ở Washington để vận động mấy ngài thượng nghị sỹ Mỹ đứng ra can thiệp, giúp đỡ cho lộ trình dân chủ hóa Việt Nam à? Xưa nay tôi vẫn tưởng ông là người thông tuệ…

– Lễ ngồi im.

– Sao lại câm như hến vậy, ông Lễ?

– Tôi không có gì để bình luận cả ông Lý ạ. Đơn giản là vì tôi không tìm thấy được sự khác nhau bao nhiêu giữa những việc mấy ông tù chính trị này làm và những việc ông đang làm. – Lễ điềm đạm trả lời.

Lý Lam bị hẫng mất một lúc, vì không ngờ Lễ đáp lại như vậy, song ngay lập tức lại cố cười lên thật to một tràng dài:

– Ha ha ha!.. Thế là được tẩy não “hết xảy” rồi!..

Chờ cho Lý Lam im hẳn, Lễ mới thong thả nói tiếp:

– Tôi thấy tiếng cười của ông Lý chứng tỏ sức khỏe ông tốt lắm… Ông và tôi, cả hai chúng ta nên cố nhớ lại xem những ngày ở trại cải tạo B7 ở Bảo Lộc có bị một nhục hình nào không nhỉ, hay là cả hai chúng ta đều được nuôi béo phây… Trong khi đó người dân không đủ gạo ăn và phải ăn độn cả hạt bo bo! Không có chuyện ấy thì làm sao có được tiếng cười đầy sinh lực của ông hôm nay nhỉ?

– Thế ông Lễ quên khuấy mất chuyện mỗi ngày ông ghánh bao nhiêu thùng nước? Cuốc mấy luống rau? Trí nhớ suy tàn rồi à?.. – Lý Lam moi móc.

– Lễ lặng im, không nhúc nhích. Chính Lễ cũng không rõ vì lẽ gì cho đến nay chưa một lần Lễ kêu ca, dù cả với Thảo, về những khổ sở thân thể và vật chất phải chịu đựng trong suốt thời gian ở trại cải tạo. Ngay cả khi chỉ có hai mẹ con ngồi nói chuyện với nhau, cụ Tuyên bà hỏi chuyện này, Lễ vẫn tìm cách lảng tránh câu trả lời… Sự chịu đựng bền bỉ hay lòng tự trọng của nam giới?.. Chính Lễ cũng không rõ…

– Sao, ông Lễ làm thinh à?…Hay là ông Lễ bây giờ u mê rồi? – Lý Lam không buông tha.

– Lễ vẫn lì ra, ngồi im.

– Ông Lễ thực lòng không biết gì về bao nhiêu gia đình các sĩ quan bị tan nát vì phải sống không thời hạn trong trại cải tạo hay sao? Người thì vợ bỏ đi lấy chồng khác, người thì con gái phải đi làm điếm để kiếm sống. Ông không hay biết gì về số phận của biết bao nhiêu thuyền nhân xấu số? Chính ông bây giờ có lẽ cũng quên mất cô gái rượu của mình chết chìm dưới biển có phải không?!.. Có phải ông bây giờ là như thế không hả ông Lễ? – ngón tay trỏ của Lý Lam chĩa thẳng vào mặt Lễ.

– Lý Lam! – Lễ gầm lên, bật dậy khỏi ghế. Thảo cắn răng cố sức kéo Lễ ngồi xuống. Nhưng Lễ vẫn đứng vùng dậy, xông đến trước mặt Lý Lam, một tay Lễ đã túm lấy ngực Lý Lam, một tay nắm lại…

Tác giả: