Dòng Đời – Nguyễn Trung

Thảo rất vui. Bóng dáng ưu tư trên nét mặt của Lễ bỗng nhiên biến mất.

Câu chuyện chuyển dần sang bàn việc mời ông bà Chính và ông bà Nghĩa sang chơi bên này, để biết đó biết đây, kết hợp đi thăm một số nước châu Âu luôn thể. Bây giờ ông bà Chính và ông bà Nghĩa đều đã nghỉ hưu, xin visa đi thăm Mỹ và mấy nước châu Âu cũng dễ, chắc việc đi thăm không có gì trở ngại. Riêng bà Nguyệt thì chưa muốn đi đâu cả, Mai vừa mới sinh công chúa. Bà ngoại không muốn rời cháu lấy nửa bước. Tân kể lại chuyện Mai đi siêu âm, em bé xấu hổ nên mãi đến lúc cất tiếng khóc chào đời mọi người mới biết là con gái. Cả nhà rất thích thú, ai cũng khen bà Nguyệt có sự nhạy cảm đặc biệt của bà ngoại.

– Chỉ có anh cu Tín nhà ta trước sau vẫn là anh cu Tín thôi! – cô Hoài chọc cháu mình.

– Trời ơi, ông tiến sĩ có hạng của người ta mà em cứ gọi mãi cháu là anh cu! – Nhân, chồng Hoài, bác sĩ nha khoa, vốn rất ít nói, lên tiếng bênh cháu.

– Cháu chỉ lo cô Hoài không đủ tiền mua quà cưới tặng cháu thôi.

– Có thật vậy không con? – Thảo hỏi Tín – Nếu đúng như vậy, má cho cô Hoài vay, bao nhiêu cũng được!

– Thôi được, nếu cháu không thích cái tên anh cu Tín thì cô tặng cháu cái tên anh hùng rơm vậy. – Hoài nói.

– Anh hùng rơm là cái gì ạ? – Linda hỏi Hoài.

– Dịch là gì bây giờ nhỉ? – Hoài suy nghĩ một lúc. – …Thôi thế này, tạm dịch là straw puppet(*)![(*) Bù nhìn bằng rơm.]

– Chết chết, cô dịch thế thì chết cháu! Anh hùng rơm không phải là straw pupet! – Tín giãy nảy lên.

– Trời ơi, cô Hoài tặng Tín cái tên hay tuyệt! Em rất xứng đáng với cái tên ấy. – Tân đế thêm vào.

– Linda đề nghị cả nhà thông cảm với Tín.

– Cháu đề nghị cả nhà thông cảm với Tín điều gì? – ông Học hỏi lại Linda.

– Thưa ông, Tín còn đang ở trong tình trạng: Tìm em như thể tìm chim, chim ăn bể Bắc, anh tìm bể Đông!

Mọi người cười phá lên!

Riêng bà Học lấy khăn tay che miệng, cố ngăn bớt tiếng cười của mình mà không được, mấy giọt nước mắt cứ tự nó trào ra.

– Đúng là cả nhà nên thông cảm với nỗi khổ của straw puppet!.. Ngày xưa ba đi học mới chỉ có truyện Nỗi thống khổ của chàng Werther(**) [(*) Một trong những tác phẩm văn học đầu tay của W.Goethe.] thôi, Tín ạ. Có lẽ ba sẽ cầm bút viết truyện về Nỗi thống khổ của Straw Puppet Phạm Trung Tín! Việc này ba làm được đấy…

Tất cả mọi người lại cười.

– Lại cả ba cũng về hùa với cô Hoài nữa. Nhưng hôm nay cả nhà sẽ thua con cho mà xem. Giỏi như Linda cũng thua! Cô Hoài cũng thua!

– Tín ơi, nếu con không chứng minh được cả nhà thua, thì cái tên cô Hoài tặng con là hoàn toàn chính xác đấy, má không cho đổi lại đâu Tín ạ. – Thảo không bỏ lỡ dịp này muốn hiểu con mình.

– Thế này thì hết đường chạy rồi Tín ơi. Mi ra toà Thị chính xin đổi tên mới đi là vừa! – Tân chạm cốc chọc em mình.

– Anh Tân đừng lo cho em. – Tín dừng lại, tự tay đi rót rượu cho mọi người thật đầy đặn rồi trở về chỗ ngồi của mình, trịnh trọng – Thưa ông bà, thưa ba má, thưa cô chú, hôm nay con xin long trọng đề nghị cả nhà cho con cưới vợ! Nếu cả nhà cho phép, xin uống với con hết ly rượu này. – Giọng Tín tỉnh bơ, nhưng trang nghiêm, tay nâng ly rượu ra phía trước, chờ đợi…

Tất cả các khuôn mặt ngơ ngác, không biết là Tín nói đùa hay nói thật. Nhưng mọi người đều lục cục xích ghế ra, đứng dậy, tay nâng ly rượu như những người máy, song ai cũng đứng yên như vậy, chưa chịu uống.

– Con xin cụng ly với ai trước? – Lễ hỏi.

– Con xin cụng ly trước với ông bà! – Tín đi ra khỏi chỗ ngồi, trịnh trọng xin chạm cốc với ông bà, rồi với bố mẹ, với cô chú Hoài, với Linda, với bé Lisa. Tân là người Tín chạm cốc sau cùng.

– Rượu uống rồi, bây giờ con giới thiệu con dâu của má đi! – Thảo là người giục đầu tiên, trong bụng vẫn bán tín bán nghi.

– Thưa ông bà… – Tín dừng lại một chút, vì bản thân cũng xúc động. – …Thưa ba má, thưa cô chú, Linda và anh Tân, và cả cháu Lisa nữa. Con xin cả nhà ưng thuận cô dâu mới của họ Phạm nhà ta là con cô Trang và chú Lâm. Anh Tân ạ, chú Lâm là người đã cứu bác Nghĩa tại Quảng Trị và đã hy sinh ngay sau đó!

– Tín!.. – Tân ngơ ngác.

– Trời ơi Kim! Con dâu của má sẽ là Kim? – Thảo bỏ chỗ ngồi chạy lại ôm chầm lấy Tín.

– Vâng, thưa má, chúng con yêu nhau 3 năm nay rồi!

– Con nhắc lại đi. Con dâu của má sẽ là Kim? – Thảo hỏi lại một lần nữa.

– Thưa má đúng là như vậy ạ!

– Bố dượng của Kim là chú Võ Sang? – Lễ muốn hỏi lại để tự tai mình được nghe thấy.

– Vâng, đúng thế ạ.

Đến lượt mọi người nâng cốc chúc mừng Tín.

Riêng Tân vẫn còn bồi hồi mãi cảm xúc khó tả khi Tín nhắc đến người đã từng hy sinh để cứu sống bố mình, bây giờ lại thêm một sợi dây gắn bó tình nghĩa nữa!.. Đứng giữa mọi người mà Tân vẫn cảm thấy muốn ôm tất cả mọi người vào vòng tay mình… Ôi cuộc sống đầy đau thương này có vô vàn điều đáng sống!..

– Thế này thì anh chắc chú Lễ phải đổi tên truyện rồi: Niềm hạnh phúc của straw puppet! Nhiệt liệt chúc mừng em! – Tân uống hết ly rượu với em mình, nhìn vào tận mặt Tín: – Không thể tưởng tượng được Tín ơi! Anh phải cảm ơn em rất nhiều – Tân đặt ly rượu xuống bàn, ôm xiết em mình.

– Trong trường hợp này, em đồng ý giữ lại cái tên straw puppet của cô Hoài tặng! – Tín đáp lại, rồi lại ôm lấy anh mình.

Khi Tín theo bố mẹ đến thăm vợ chồng Võ Sang nhân chuyến về nước cùng với ông bà Học, Kim và Tín gặp nhau trong ánh mắt, tìm thấy nhau trong ánh mắt. Cũng có lúc Tín thú nhận cái tính bướng bỉnh và ý chí tự lập của Kim thu hút hết mọi tâm trí của Tín. Thư đi thư lại rồi họ yêu nhau. Có khi họ “chat” với nhau trên internet cả giờ đồng hồ trong đêm khuya. Không một năm nào, không một lần nào có việc gì về qua khu vực Đông Nam Á mà Tín lại không tạo cớ về thăm Kim và gia đình cô chú Võ Sang. Điều thuận lợi lớn là cô chú Võ Sang đều quý mến sự nhiệt thành và tính giản dị của Tín. Giữa Kim và Tín có một thoả thuận chung: Khi nào công việc của mỗi người ổn định, thì cả hai cùng chính thức thưa chuyện với hai bên bố mẹ. Tuy gặp nhau trong ánh mắt, nhưng câu chuyện tình yêu giữa hai người lại bắt đầu từ những cuộc đối thoại bằng một thứ ngôn ngữ bất đồng, với các nguyên lý, các con số và những công thức toán vô cùng khô khan, kéo dài hàng tháng, hàng năm…

…Khi Kim bắt đầu học đại học Ngân hàng năm thứ hai thì Tín đang làm CFA cấp 3 và chuẩn bị làm Ph. D. Lần đầu tiên trên email, Kim hỏi Tín một số vấn đề liên quan đến lập bản cân đối thu chi cho một cơ sở kinh doanh theo chuẩn quốc tế, một vấn đề ABC của ABC về tài chính – ngân hàng mà bất kể ai làm nghề gì liên quan đến tiền nong, sổ sách, kế toán, tài chính… đều phải học. Thư đi thư về mà cứ ông chẳng bà chuộc mãi. Thì ra nguyên do là hai người có hai cách học và học ở hai loại trường khác nhau, dẫn đến các phương pháp luận khác nhau. Có những cái theo Tín bắt buộc phải tiền tệ hóa rồi đưa vào hạch toán và cân đối thu chi, nhưng bài Kim được nghe giảng ở trường lại không dạy thế. Có những thứ trên thực tế là chi “kép” hay chi “khống”, vì dưới dạng nào đó nó là tàn dư của các khoản bao cấp trực tiếp hay gián tiếp còn sót lại từ ngân sách nhà nước, theo Tín nhất thiết phải nhặt ra, không được đưa vào giá thành đề hạch toán, thì các bài giảng Kim được học lại bỏ qua. Có những khoản nợ khó đòi theo Tín dứt khoát phải nhặt ra đưa sang phần chi, sau này nếu đòi được thì đưa trở lại vào phần thu cũng không muộn, nhưng trường lại không dạy Kim như vậy… Khấu hao không phải nộp vào ngân sách thì không được đưa vào phần chi, nhưng bài giảng lại bảo nên đưa vào phần chi để giảm gánh nặng cho xí nghiệp, vì xí nghiệp còn nhiều nghĩa vụ xã hội chủ nghĩa khác phải thực hiện – Tín nhất định không chịu… Có lần chỉ vì nghe Tín “xui dại” – Kim viết cho Tín như vậy – nên một bài thi học kỳ của Kim suýt bị đánh trượt…

– Anh ơi, nếu so sánh các điều trái nghịch nhau thế này, em có thể viết được một tập sách giáo khoa đấy.

– Sách giáo khoa?

– Sách viết về sự khác biệt giữa hệ thống tài chính tiền tệ của ta và của thế giới. Có thể viết ra thành nhiều quyển cho từng chủ đề…

– Em viết gì cũng được. Nhưng viết là em trái nghịch với anh thì anh chết mất!

– Em sẽ viết thật mà, nhưng sách em viết sẽ không liên quan gì đến luận án tốt nghiệp. Vì luận án của em thì bắt buộc phải viết theo giáo trình.

– Vậy em viết sách bàn việc gì?

– Quyển đầu tiên em sẽ đưa ra những suy nghĩ của mình về quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước theo những tiêu thức của ngân hàng thương mại. Em coi đây là bước đầu xóa bỏ tệ những nạn do cơ chế chủ quản gây ra.

– Em to gan đấy!

Họ “chat” với nhau trên mạng như vậy. Cũng từ đây Tín bận bịu với công việc sưu tầm một số sách báo có liên quan để giúp Kim chuẩn bị. Tín đã bất ngờ về tiến bộ của Kim trong học tiếng Anh, bây giờ lại thêm bất ngờ mới. Trông Kim hiền lành nhưng thật táo tợn!.. Thư đi thư về, nhắn đi nhắn lại, tính cách của họ bộc lộ ra với nhau, họ ngày càng trở nên thân thiết với nhau và không ai biết được tình yêu đến từ khi nào. Càng ngày, trong thư nói về học hành càng ít, về nhớ, về thương, về yêu ngày càng nhiều, rồi đến những đêm hàng giờ trên internet về đủ mọi chuyện trên đời.., khiến Tín mong ngày mong đêm sớm có những dịp đi đi về về khu vực Đông Nam Á để có cớ tạt vào Sài Gòn thăm cô chú Võ Sang, thực ra trước hết là thăm Kim.

Tác giả: