Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Có thể xem đấy là biến tướng của cải tạo tư sản lần thứ ba được không, anh Năm? – Tôn Thất Loan nghi ngờ.

– Tôi chịu, không đoán mò được. Vì trong nước công khai minh bạch chưa đủ cỡ, nên còn nhiều điều khó đoán lắm, tính toán làm ăn lâu dài càng khó – NĂM Thịnh quay sang ông Học – Chú à, cháu ngờ rằng đấy là một trong những nguyên nhân làm cho đầu cơ vào bất động sản ở nước ta tăng lên một cách quá đáng so với sức chịu đựng của nền kinh tế. Lác đác cháu thấy trong nước có một vài kiến nghị đòi thận trọng và hạn chế hiện tượng hình sự hoá những hành vi kinh tế phạm luật. Điều này chứng tỏ nỗi lo của cháu là có lý…

– Còn nhiều trầy trật đau đớn lắm, Năm Thịnh ạ. Còn phải trả giá nhiều đấy, đất nước nào cũng thế thôi, dân tộc nào cũng thế thôi. Tôi chỉ mong những bài học ở nhiều nước châu Phi, ở Nga trong suốt thập kỷ 1990, ở các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 vừa qua.., sẽ được nước ta tôn trọng. Đấy là cái lợi của anh đi sau…

– Đầu năm nay cháu có việc qua Bangkok. Giá đồng Bath Thái Lan bây giờ chỉ còn một nửa so với mấy năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp trắng tay trong một đêm. Có mấy chủ doanh nghiệp tự tử. Các ngành kinh tế cứ dắt dây nhau sụp đổ như các lá bài domino. Thật không thể tưởng tượng nổi, chú à. Nhưng bây giờ họ khá hơn nhiều rồi. – Năm Thịnh thuật lại.

– Bác Học ạ, một số người lãnh đạo ở châu Á buộc tội George Soros là thủ phạm cuộc khủng hoảng này, có đúng thế không bác? – Tôn Thất Loan hỏi.

– Tôi xin lỗi, tiếng Việt xưa có câu rất tục nhưng diễn đạt rất đúng cách buộc tội kiểu như vậy: Tim la đổ vấy cho trâu! Câu này tục lắm, nhưng lột hết được sự việc. Tôi học được câu này từ bọn lính khố đỏ thời Pháp thuộc trong những ngày tôi phải đi kéo xe bò kiếm sống lúc thất cơ lỡ vận…

Mọi con mắt đổ dồn về ông Học.

– Đã có lúc bác phải đi kéo xe bò sao? – Năm Thịnh trợn trợn mắt.

– Sao bác lại ví von như vậy? – Tôn Thất Loan ngạc nhiên.

– Theo tôi George Soros chỉ có một tội duy nhất là người châm ngòi lửa vào cái thùng đã chứa đầy thuốc súng. Tội của ông ta chỉ có thế thôi! – Ông Học chậm rãi. – Ông Soros này không châm thì có ông Soros khác châm, vì chẳng có một nhà tài phiệt nào chịu khoanh tay ngồi nhìn cổ phiếu và vốn của mình có nguy cơ mất giá đồng thời có cơ hội vồ được món lớn. George Soros thính mũi hơn người ở chỗ đã ngửi thấy mùi bão trước khi cơn bão xảy ra. Quả nhiên khi đồng tiền của ông ta mới thoạt chạy khỏi Malaysia thì cơn bão đã đổ bộ ngay tức khắc lên toàn khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

– Thời đại kinh tế tri thức mà con người vẫn bất lực trước những hiện tượng như vậy sao chú? – Lễ hỏi.

– Đúng hơn nó là một phản sản phẩm của kinh tế tri thức, chú nghĩ như vậy Lễ ạ. Kinh tế tri thức trong trường hợp này chứng tỏ nó thông minh và xảo quyệt hơn so với những hiểu biết con người thu lượm được trong kinh tế tri thức. Về mặt tiền tệ thì càng như thế. Ví sự tai quái của tiền tệ với Mephistopheles như Tín đã phân tích thật là một ý tưởng tuyệt diệu đấy.

– Nhưng Tín chưa bao giờ là Soros chú ạ!

– Nhưng rõ ràng Tín hiểu được vấn đề! Sự thật vĩnh hằng là cuộc sống luôn luôn thông minh hơn con người.

– Trời ơi, nên gọi bác là kẻ thực dụng hay là một triết gia đây, bác Học?

– Ông Loan tặng tôi biệt danh gì cũng được. Tôi nói cho có đầu có đuôi như thế này: Thật ra trước khủng hoảng mấy năm đã có những lời cảnh báo khá gay gắt về những yếu kém của ngành tài chính – ngân hàng trong những nước này. Tôi là người trong nghề, tôi biết rất rõ. Rồi đến những lời cảnh báo về sự lũng đoạn do câu kết giữa các giới quyền lực chính trị và các chủ tập đoàn, nạn đầu cơ bất động sản và nạn đầu cơ tiền tệ, nhưng tất cả đều bị giới cầm quyền ở những nước này bỏ ngoài tai hoặc có lợi ích trong việc bỏ ngoài tai. Tất cả đã tạo ra các nền kinh tế bong bóng. Điều không ai biết trước được chỉ là khi nào các bong bóng ấy nổ tung và nổ như thế nào mà thôi. Các nước Đông Nam Á này cuối cùng đã rơi vào tình trạng tích tụ phát triển mấy thập kỷ để đổ vỡ tan hoang trong một trận bão! Kinh tế nước ta đứng ngoài tâm bão, thế mà cũng lao đao vì nó. Theo tôi, nước ta cố học lấy những bài học ấy, có lẽ đấy là cách tốt nhất để tiết kiệm mồ hôi, nước mắt và có lẽ cả máu nữa trong quá trình phát triển. Làm được như vậy, đất nước ta sẽ sớm tìm được đường ra, và các nhóm người Việt đầu cơ chính trị ở đây cũng sẽ khó có đường kiếm chác chính trị. – Ông Học giải thích.

– Chú luôn luôn trung thành với cái nhìn của người đi sau, có phải không ạ? Cháu thật không hiểu làm thế nào mà chú rất lạc quan, nhìn ra ánh sáng trong mọi tình huống. – Lễ hỏi chú mình.

– Có lẽ chỉ vì lúc nào chú cũng ham sống một cách tột bực. Gần suốt cuộc đời, chú vẫn coi tâm lý đầu hàng là kẻ thù không đội trời chung của mình.

Lấy xong hành lý tại sân bay San Francisco, Tín thuê một xe van rồi tự lái đưa vợ chồng Tân và Lisa đến chỗ bố mẹ mình, từ đó đón bố mẹ đến thẳng khách sạn La Cigale để cùng ăn cơm với ông bà Học và gia đình cô Hoài. Thời giờ quá eo hẹp, nên Tín tổ chức tất cả đi chung một xe để tận dụng hơn 5 tiếng đồng hồ chạy xe trên đường cho bố mẹ mình có dịp nói nhiều chuyện với vợ chồng Tân và cháu Lisa. Lần này Tân đến dự hội thảo tại đại học Maine, trên đường về hẹn gặp Tín ở San Francisco để hôm sau còn đi tiếp London dự hội nghị Toán học châu Âu, do Viện toán Greenwich tổ chức. Tín từ New York bay đi San Francisco để thực hiện cuộc gặp mặt này.

Gia đình lớn của ông bà Học có một buổi tối trọn vẹn tại La Cigale. “Cảm ơn các cháu, các cháu làm cho ông bà trẻ lại mấy tuổi”. Bà Học hết ôm Lisa, ôm Linda rồi lại ôm Tân, những giọt nước mắt lăn trên má.

Ông Học, vợ chồng Lễ, vợ chồng Hoài, Tín cứ đứng lặng chia sẻ sự xúc động của bà Học. Khi mọi người ngồi vào bàn, Tân là người nói đầu tiên:

– Cháu rất mừng là ông bà gần như không thay đổi. Lần trước cháu đến thăm ông bà ở Santa Monica Hill cách đây đúng một năm. Lần ấy chỉ thiếu Linda và Lisa.

– Thưa ông bà, chọn khách sạn La Cigale lần này là sáng kiến của anh Tân đấy ạ, vì còn vài ngày nữa là đến ngày giỗ anh Nam – Tín thưa.

– Ông nhớ. Chính tại khách sạn này, cũng ngay tại phòng ăn này, hôm ấy ông là người đầu tiên được báo tin Nam mất – nói đoạn ông Học gọi người bồi bàn rót rượu, bảo anh ta rót thêm một cốc để ở giữa bàn. – …Tất cả chúng ta nâng cốc, mười sáu năm qua rồi các cháu ạ. Chúng ta hãy uống với Nam ly rượu này!

Mọi người nâng cốc. Ông Học là người đầu tiên chạm vào ly rượu để ở giữa bàn, tất cả đều làm theo, lòng ngùi ngùi thương tiếc.

Ngậm ngùi trong giây lát, ai cũng để cho lòng mình lắng xuống… Bé Lisa tuy chưa hiểu gì lắm, nhưng cũng biết giữ lặng lẽ, vì thường ngày Linda vẫn dậy con trong những lúc như thế này, để giữ lịch sự phải biết làm theo người lớn. Nhìn Lisa, ông Học nói:

– Thế hệ thứ ba của họ Phạm không tồi. Ông rất tự hào. Bây giờ ông nâng cốc chúc mừng các cháu.

Tiếng chạm cốc leng keng…

…Tuy xa nhau nửa vòng trái đất, song mọi người trong gia đình lớn của ông bà Học thường xuyên có tin tức của nhau, nhờ có phương tiện hiện đại, nhưng trước hết là tình máu mủ ruột thịt luôn luôn kết họ lại thành một khối. Chuyện đám cưới Mai, rồi đám cưới Loan, chuyện Yến bây giờ là giám đốc một xí nghiệp liên doanh nổi tiếng trong ngành dược… tất cả bên này đều biết tường tận.

– Linda thấy các con trai họ Phạm rất giỏi. Nhưng cũng phải nói là các con gái, con dâu họ Phạm cũng rất giỏi chứ ạ. Nhất là chị Yến và chị Mai là hai phụ nữ Việt Nam tuyệt vời. Chị Loan thật là một người can đảm – Linda nói bằng tiếng Việt khá thành thạo.

– Linda đang chờ ông bà và các cô các chú khen nữa đấy ạ! – Tân liền được ăn mấy cái đấm nhẹ vào vai của vợ mình vì câu nói này.

– Không phải. Không phải, Linda không nói thế. Đấy là Tân nói ạ! – Linda mặt ửng đỏ – Ý Linda muốn nói Việt Nam có một giá trị tốt đẹp là chăm sóc truyền thống gia đình.

– Linda nhận xét đúng đấy. – Thảo khen.

– Anh đố Linda tiếng Việt dân dã có câu nói nào chứng tỏ sự quan tâm đến giữ gìn truyền thống gia đình. – Tân đố vợ.

– Sao cháu lại đố Linda khó vậy? – cô Hoài chen vào.

– Anh Tân thường bắt nạt Linda kiểu như vậy. Nhưng nếu Linda đố lại như thế bằng tiếng Anh hay tiếng Thuỵ Điển thì anh Tân chết luôn!

Mọi người phục Linda nói được hai từ chết luôn với cái giọng rất Việt. Song Linda vẫn phải tự xưng tên mình trong khi nói chuyện, vì đại từ nhân xưng của tiếng Việt khó quá, Linda học mãi mà vẫn chưa rành.

– …Thì anh Tân chết luôn! Thím thấy tiếng Việt của cháu giỏi quá. – Thảo ngồi cạnh, cố nhại lại cho đúng cách nói của Linda, rồi ôm lấy vai Linda.

– Thế là em chịu thua rồi, có phải không Linda? – Tân vẫn chưa buông tha vợ mình.

– Một phút! Hãy đợi một phút! – Linda đưa ngón tay chỏ lên miệng ra hiệu cho chồng im lặng, trán nhăn lại. – …Câu nói ấy là thế này: Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống!

– Thế thì bây giờ chú có thể nói con dâu họ Phạm ai cũng giỏi! Xin mời cả nhà nâng cốc uống thưởng Linda. – Lễ đứng dây, trịnh trọng, gương mặt nở một nụ cười rạng rỡ.

Tác giả: