Tham gia vào liên doanh này có xí nghiệp may Z11 của Cục Quân nhu. Z11 hồi ấy đang làm thủ tục giải thể vì không còn cơ chế bao cấp. Cơ quan chủ quản Z11 ưng thuận ngay đề nghị liên doanh của công ty Ngọc Vân, vì cả một phân xưởng sẽ không bị thất nghiệp. Đóng góp của Z11 về mặt bằng và cơ sở hạ tầng cho liên doanh có thể nói là lý tưởng. Trước khi nhận tham gia liên doanh, Z11 đã nằm đắp chiếu mấy năm ròng. Tiền Z11 bỏ ra chiêu đãi các mối khách đầu tư nước ngoài người Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Itali, Việt kiều… không đủ nguồn để kết toán, phải xin trên chi viện. Lẽ đơn giản là khách có một người thì chủ phải năm, sáu, lại phải chơi sang một chút để chứng tỏ Z11 có thực lực!.. Song tất cả những khách thật và khách ma này dự tiệc xong đều đánh trống lảng một cách lịch sự hoặc thiếu lịch sự. Đôi lần Z11 còn phải è cổ thanh toán cho một vài vị khách mắc dịch ăn quỵt tiền trọ khách sạn!
Một đối tác nữa về phía Việt Nam là hợp tác xã may mặc cao cấp Tiến Thắng của Quận 3. Tiến Thắng thoả thuận sẽ góp ngay bộ phận thiết kế và một nửa số công nhân lành nghề của mình vào liên doanh để bảo đảm chất lượng sản phẩm ngay từ đầu. Công ty Ngọc Vân lo số vốn đối ứng của phía Việt Nam – chủ yếu là phần góp vào khoản vốn lưu động của liên doanh, và chịu trách nhiệm vận hành công trình liên doanh. Phía đầu tư nước ngoài lo cải tạo cơ sở hạ tầng, cung cấp thiết bị mới, vốn lưu động, cung cấp mẫu mã và know how của Adidas, bao tiêu sản phẩm. Đàm phán gay go nhất là vấn đề phân quyền giữa hai bên về điều hành và việc Adidas đòi trực tiếp cung cấp nguyên liệu. Cuối cùng thoả hiệp đạt được là nếu không đạt được sự nhất trí trong hội đồng quản thị thì phải thuê trọng tài, Adidas đồng ý để công ty Ngọc Vân cùng tham gia từ đầu việc mua nguyên vật liệu cho sản xuất của liên doanh.
… Một buổi tối, đã khuya rồi, bốn anh em bàn bạc mãi với nhau, đến phút chót Vũ nói:
– Còn một chuyện nữa, nếu cái biệt danh “tứ quái” trở thành trade mark của công ty chúng ta thì sẽ tính sao?
– Thương trường là thế. Mỗi bước đi của chúng ta đều có một quả mìn nào đó, chầu chực tại đâu đó. – Quân bình luận.
– Ăn nên làm ra thì “tứ quái” trở thành phép thần chú. Để cho giậu đổ bìm leo thì “tứ quái” sẽ là cái bia của mọi cỡ đạn! – Bảo Vân nhận xét.
– Hay là đưa Z11 lên làm đầu đàn chịu trận, miễn là chúng ta không mất quyền chi phối mọi việc?
– Không bàn chùn được Ngọc ạ. – Vũ can vợ. – Tự mình thay ngựa giữa dòng thì xôi hỏng bỏng không! Phần bánh chúng mình giành được là vận dụng chất xám quản trị kinh doanh và quyền được cùng khai thác thị trường cho đầu vào và đầu ra. Chúng mình chịu góp phần vào vốn lưu động cốt là để giành bằng được phần bánh này. Có như thế sau này chúng mình mới vươn nhanh ra thị trường thế giới được. Còn không thì chịu bóp mũi suốt đời.
– Không lùi được thật, vì như thế chúng ta sẽ chỉ là người làm gia công thuần tuý như các liên doanh khác. Chúng ta dứt khoát không thể cam chịu điều này. – Bảo Vân tán thành.
– Đổi vị trí có nghĩa là vốn do chúng mình huy động sẽ đưa vào tay quốc doanh, hợp tác xã và bên Adidas. Nắm đằng lưỡi như vậy anh không yên tâm… – Vũ nói tiếp.
Bàn đi bàn lại xong rồi, cuối cùng họ đứng dậy nắm tay nhau, vừa cười vừa hát để xả hết tâm trạng căng thẳng:
“Đấu tranh nay là trận cuối cùng! Kết đoàn lại cho ngày mai! Internationale sẽ là xã hội tương lai!..”
Bà Ngân thức giấc choàng dậy, làu bàu: …Khuya thế này mà còn hát hỏng inh ỏi hàng xóm!.. Bà chạy sang phòng bên:
– Coi bộ các con họp chi bộ hả? Bảo Vân hay Bích Ngọc, đứa nào được kết nạp Đảng?
Tất cả cười phá lên.
– Chúng con bàn nhau chỉ có tiến không lùi! Với ý chí không có gì để mất! – Vũ thưa lại.
Bà Ngân còn đang ngơ ngác không hiểu ra sao, đám “tứ quái” hát lại Quốc tế ca từ đầu… Tiếng hát vang ra cả đường phố trong đêm khuya…
Quần thảo chán môi trường đầu tư một số tỉnh và trong thành phố, cuối cùng Adidas ký liên doanh với Ngọc Vân, công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tiên của Thành phố làm được kỳ tích này! Quyết định của Adidas căn cứ vào lý lịch công ty Ngọc Vân, kết quả kinh doanh của công ty, thực lực các đối tác bên Việt Nam, đánh giá của các loại khách hàng, dư luận giới kinh doanh trong thành phố, so sánh sáu bảy ứng cử viên khác… Thường thì phía đầu tư nước ngoài thích liên doanh với các đối tác thuộc khu vực quốc doanh, vì rất nhiều lý do mà cho đến nay chưa có ý kiến phân tích nào có sức thuyết phục cao. Chẳng lẽ lại nói vốn đầu tư của tư bản nước ngoài chuộng kinh tế quốc doanh! Song trong giới đầu tư nước ngoài ý kiến được nhiều người thừa nhận là Việt Nam còn nhiều bảo lưu với thành phần kinh tế tư nhân, không dại gì mà thò tay vào!.. Công ty Ngọc Vân gần như là một trường hợp ngoại lệ vào lúc này.
Trong tiệc cocktail hôm lễ ký kết hợp đồng liên doanh, người đại diện cho Adidas cầm cốc sâm-banh lại chỗ Bích Ngọc và Bảo Vân:
– Xin nâng cốc chúc sức khoẻ hai bà! Đáp từ của bà Bích Ngọc nhắc nhở trách nhiệm của chúng tôi: “Nước giàu và nước nghèo tìm tiếng nói chung trong hợp tác để phát triển!” Thật là câu nói được lòng mọi người! Xin chúc hợp đồng liên doanh Ngọc Vân – Adidas đầy sức sống để thực hiện mong muốn này!
– Xin cảm ơn ông. Chúng tôi tin tưởng như vậy. – Bích Ngọc nâng cốc đáp lại.
– Nếu công ty của các quý bà làm tốt hơn nữa việc quảng bá thì có lẽ chúng ta đã ký hợp đồng này sớm hơn được vài tháng.
– Cảm ơn lời phê bình chính xác của ông. – Bảo Vân giải thích. – Đúng là khả năng quảng bá của chúng tôi có hạn. Chúng tôi tiền ít, buộc phải tiết kiệm, mong được thông cảm. Nhưng may mắn là Adidas đã tìm ra công ty của chúng tôi, như thế chúng tôi cảm thấy được khích lệ nhiều hơn.
– Như ông biết đấy, trước khi liên doanh với Adidas, chúng tôi phải lo sắp xếp xong đội ngũ phía chúng tôi đã. Thẳng thắn mà nói, việc này chiếm nhiều thời giờ và tâm trí của chúng tôi.
– Bà Bích Ngọc nói đúng. Hợp đồng đã ký rồi, bây giờ tôi xin tiết lộ một bí mật: Nếu công ty Ngọc Vân không chủ trì phía Việt Nam, chúng tôi sẽ không có đủ cơ sở cần thiết cho quyết định ký kết liên doanh này. Cái giấy phép đăng ký kinh doanh của quý công ty và những việc quý công ty đã làm được quả là có sức thuyết phục lắm. Tuy nhiên, không giấu diếm hai quý bà, chúng tôi vẫn coi liên doanh này là sự mạo hiểm dò đường cho tương lai.
– Hợp đồng ký rồi mà ông vẫn còn cố khoác thêm trách nhiệm cho công ty Ngọc Vân, có phải thế không, thưa ông?
– Xin chịu bà Bảo Vân. Lúc nào bà cũng sẵn sàng một nhận xét sắc sảo. Đến Việt Nam tôi học được câu “trông giỏ bỏ thóc”. Chúng tôi hy vọng đã học được.
– Phía Việt Nam chúng tôi sẽ cố gắng không làm phía Adidas thất vọng!
Mấy ngày sau liên tiếp, liên doanh trở thành một sự kiện kinh tế quan trọng trên diễn đàn báo chí của Thành phố.
Vào một buổi tối, giữa lúc Vũ đang xem lại bài vở của con trai, Bích Ngọc loay hoay một số việc viết lách trước cái laptop, Thắng đột ngột gõ cửa bước vào. Chưa chào hỏi gì cả Thắng đã bô bô:
– Lênin chỉ nói: Học, học và học mãi! Nhưng nhà này còn đi xa hơn. Chỉ làm việc, làm việc và làm việc mãi! Ti vi đang có phim chưởng Trung Quốc hay là thế mà không thèm bật lên!
– Anh Thắng đến thăm bất ngờ thế này chắc có nhiều chuyện vui. – Vũ xã giao. – Tôi ra bảo lái xe của anh vào nhà nhé? Chúng ta lai rai với nhau một chút…
– Không cần đâu, cứ để cậu ta ngoài ấy, vừa coi xe luôn thể. Đấy là cái Mercedes thứ hai đời EL 400 trong Thành phố này, phải cẩn thận một chút.
– Anh Thắng đã nổi tiếng là người tài rồi còn xài sang nữa. – Bích Ngọc bình phẩm.
– Cho trên trông xuống, cho dưới trông lên, cho… o… từ xa trông vào chứ… Ấy thế mà tiếng tăm còn thua xa Tứ Quái đấy!
Sau câu nói xã giao ấy, Thắng tặng vợ chồng Vũ một tờ báo chuyên về kinh tế có đăng một bài dài về liên doanh Ngọc Vân – Adidas, nhưng nội dung chủ yếu lại là viết về công ty Ngọc Vân. Bài báo có tựa đề là “Tứ quái đang vươn tới đỉnh Olympia”, tác giả là tiến sĩ kinh tế Đoàn Danh Thắng – Tổng giám đốc Trung tâm Thương mại Bình Tiên.
Hai tay trịnh trọng như người dâng sớ, Thắng đặt tờ báo vào tay Vũ:
– Bái phục và ca ngợi các ông anh bà chị hết lời đấy nhé! Phải bỏ ra hai ngày liền, do đích thân Thắng này soạn thảo. Không biết các ông anh bà chị có đủ tiền để trả nhuận bút cho Thắng này không!
– Anh Thắng đã bỏ công sức viết báo, lại còn thân chinh mang báo đến tặng. Vợ chồng tôi cảm kích lắm. – Vũ đáp.
– Đời này không ai làm không công đâu. – Thắng vẫn giữ cách nói trống không.
Hẳn anh Thắng phải có một nhã ý gì đó? – Bích Ngọc thăm dò.
– Thế là vào chuyện được rồi đấy. Cho một công ty nào đấy của hai bạn về làm dâu bên trung tâm Bình Tiến đi. Liên doanh đàng hoàng, không xin đểu đâu! Công ty nào cũng được, bên này không kén chọn…
– Nhưng mà quốc doanh có dám liên doanh với tư doanh không hả anh Thắng. – vẫn Bích Ngọc.
– Chưa đâu dám mà mình dám mới hay chứ! Lời mời thực sự đấy. Nếu thuận là cơm lành canh ngọt hẳn hoi, dứt khoát không xin đểu… Cứ nghĩ đi… – chẳng cần chờ câu trả lời của chủ nhà, Thắng cuộn cuộn tờ báo lại, gõ gõ vài cái xuống bàn, rồi buông tờ báo xuống mặt bàn, ra về – … Bye!