Dòng Đời – Nguyễn Trung

Trong số những bạn bè cũ của ông Chính và ông Nghĩa hồi cùng học với nhau ở trường thiếu sinh quân, có một người đi sâu vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội, hiện giữ trọng trách trong lĩnh vực nghiên cứu đường lối chính sách của Đảng. Phần là bạn cũ, phần vì cảm phục sự thẳng thắn của Nghĩa, song cái chính là ngạc nhiên vì Nghĩa đọc nhiều và có nhiều ý kiến khác lạ, giữa ông và ông Nghĩa hình thành một mối tâm giao mới. Nghĩa hiểu thêm chiều sâu nhiều vấn đề gai góc đất nước đang phải đối mặt, còn bạn ông nhận được nhiều gợi ý quan trọng cho công việc của mình. Mối quan hệ này càng thôi thúc Nghĩa mở rộng tầm nhìn.

– Ban của tôi vừa mới thành lập một tổ nghiên cứu, gồm toàn những người được chúng tôi chọn mời. Tôi mời anh tham gia được không? – Bạn ông Nghĩa gợi ý.

– Tiêu chuẩn được mời là thế nào hả anh?

– Đơn giản thôi, họ phải là người một có và hai không. Một có là có chính kiến xác đáng với đúng nghĩa khoa học của khái niệm này. Hai không là không chức sắc, không vụ lợi vì bất kỳ mục đích riêng tư nào.

– Hai không thì cố gắng có được. Riêng tiêu chuẩn đầu tôi không dám nhận là mình có!

– Xin mạn phép cắt ngang thế này, tôi đánh giá là anh tham gia tổ này được. Anh có nhận lời không?

– Tôi nghĩ…

– Thôi, không nghĩ gì cả, nhận hay không?

– Tôi sẽ luôn nói thẳng suy nghĩ của mình khi được hỏi han điều gì đó, nhưng tham gia tổ thì xin anh miễn cho.

– Lý do?

– Đơn giản thôi anh ạ, tôi muốn làm người tự do.

Nói đến mức ấy bạn ông Nghĩa đành chịu bỏ ý định đưa Nghĩa vào danh sách của tổ. Song ông Nghĩa cũng phải nhân nhượng lại: Nhận làm cộng tác viên thường xuyên, không nhận bất kỳ một sự đãi ngộ nào, vì ông Nghĩa không muốn bị ràng buộc. Thấy ông Nghĩa chân bị thương tật, bạn ông đề nghị cho xe đưa đón Nghĩa những khi đi họp tổ, ông Nghĩa cũng từ chối: “Về hưu rồi, còn mỗi cái việc chạy rông ngoài đường cũng bỏ nốt thì còn tiếp xúc với cuộc sống làm sao được nữa!”.

Ông Nghĩa bận túi bụi, nhận được một đề tài, một câu hỏi, là phải đào bới hàng đống sách báo ở nhà hoặc ở thư viện, là phải khai thác hàng giờ trên mạng. May là bà Nguyệt thông cảm và ủng hộ chồng:

Hơn nữa, ông bà Nghĩa bây giờ chẳng có gì phải lo âu về hoàn cảnh kinh tế. Ông bà còn tâm đắc: “…Tỷ phú chưa chắc đã sướng bằng chúng mình, vì chúng mình hài lòng với những gì chúng mình có, còn về đời sống tinh thần thì không thể nói là chúng mình tù túng…”.

Niềm vui lớn nữa của họ Phạm là xúm xít lại làm đám cưới cho Loan. Bé Dũng bây giờ 12 tuổi, bố dượng của Dũng là một nhà giáo, bạn của chồng Mai. Tân và Linda từ lâu đã thu xếp mọi việc để về dự đám cưới này.

Trương Hùng, người chồng Sở Khanh của Loan, sau chuyện vỡ lở bị kỷ luật cảnh cáo trong chi bộ và trong cơ quan vì tội vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, nhưng không có án. Đến khi Loan sinh bé Dũng, Trương Hùng vận dụng mọi lý lẽ về quyền làm bố, đòi được đi lại thăm con và góp tiền nuôi con. Nhưng Loan một mực giữ ý kiến của mình, coi như không có Trương Hùng trên đời này. Lẵng nhẵng như thế được hơn một năm, Trương Hùng tự ý xin chuyển công tác sang cơ quan khác. Từ đó không thấy Trương Hùng quay lại đòi quyền làm bố nữa. Khi bé Dũng tròn hai tuổi, Loan nhận được thiếp mời dự đám cưới của Trương Hùng. Viết thư hỏi thăm người vợ cũ, Loan được biết Trương Hùng đã ly dị chị ta, theo đúng thủ tục pháp lý.

Bây giờ chẳng ai nhắc lại chuyện ngày xưa ấy nữa.

Gọi là rổ rá cạp lại thì không đúng hẳn, vì nhà vật lý đồng thời là nhà giáo Lê Vân tuy năm nay bốn mươi tuổi nhưng đây là lần đầu tiên cưới vợ.

Khách khứa đã về hết, nhưng bà Hương, bà Nguyệt, bà Hậu và mẹ Yến còn ngồi lại với nhau. Các bà hễ gặp mặt là có thể ngồi nói chuyện với nhau hàng giờ hoặc suốt buổi. Tướng về hưu Lê Hải gọi đấy là câu lạc bộ các bà già lắm điều. Dông dài hồi lâu, câu chuyện giữa các bà lúc này xoay quanh thân phận của Yến…

– Từ ngày tướng Trần Thu về hưu, đề án cải tạo K8 của cháu bị xếp xó. Cậu Bân, lúc ấy là trung tá, ra sức vận động cho đề án này, nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Bân theo đuổi cháu Yến ba bốn năm trời chứ có phải ít đâu, bây giờ là thượng tá rồi, nay phụ trách Quân y quân khu Tây Bắc, có một con trai rồi… Thỉnh thoảng về công tác Hà Nội, Bân vẫn ghé thăm, cô dâu thì chưa thấy mặt…

Thật ra Yến không dám chắc rằng nếu tướng Trần Thu còn công tác thì đề án có thể thực hiện. Nhưng không còn người đỡ đầu như thế, đề án sớm muộn sẽ bị loại bỏ thì chắc như đinh đóng cột. Yến không còn gì để nuối tiếc.

Vào thời điểm ấy Đảng và Nhà nước ta tiến hành giảm một phần ba quân số toàn quốc để dồn sức cho xây dựng kinh tế. Yến xin giải ngũ, muốn bắt đầu lại cuộc đời của mình bằng một cuộc thử sức khác: tự đứng ra lập nghiệp. Nhiều người khuyên Yến là nếu thích làm ăn thì xin chuyển sang ngạch dân sự, đừng dại gì mà rút ra khỏi biên chế nhà nước. Nhưng Yến có suy nghĩ riêng của mình.

…Anh Nam ơi, hãy giúp em chân cứng đá mềm!..

Yến khấn chồng mình khi thảo xong đơn tự nguyện xin giải ngũ.

Tay không, không một nơi bấu víu, mấy năm trời Yến chạy ngược chạy xuôi cho khát vọng thành lập một xí nghiệp dược có thể cung cấp thuốc rẻ và tốt cho người bệnh, nhưng không thành. Có lúc hàng tháng Yến không thể về nhà gặp con, vì phải lang thang hết tỉnh này đến tỉnh khác để thuyết khách cho đề án của mình. Gia sản duy nhất là chiếc xe máy Peugeot Yến cũng phải bán đi để lấy tiền đi đường…

…Đồ ngu, bỏ mồi bắt bóng!

…Có mỗi cái bằng nước ngoài mà muốn ti toe nhảy lên làm bà chủ!..

…Cái ngữ ấy mà ra đứng đường đứng chợ thì có đi đánh đĩ để kiếm sống cũng không đắt!..

Yến bịt tai lại trước mọi tiếng nói ngoài đời, lê bước đi tiếp khắp mọi nơi trong Nam ngoài Bắc, gõ không biết bao nhiêu cửa, chỉ khổ tướng Trần Thu phải viết thư giới thiệu…

Kết quả gặt hái được là lòng thương xót và sự ái ngại vô bờ bến của bố mẹ mình và bố mẹ chồng… Nhiều đêm Yến cắn răng lại, tay gạt nước mắt…

Tính toán của Yến thật đơn giản: năng lực sản xuất nơi này nơi khác vừa thiếu vừa thừa, hoàn toàn có thể xắp xếp lại để tận dụng, sẽ hạ được giá thành và bớt được nhập ngoại thuốc thành phẩm. Hơn một năm đi điều tra thực tế để làm đề án cải tạo K8 đã dẫn Yến tới kết luận chắc nịch này… Nhưng Yến không húc nổi bức tường đá là cách làm ăn chụp giựt và mạnh ai nấy lo của các xí nghiệp dược.

Tập đoàn hoá dược Bayer của Đức muốn thuê Yến làm trưởng văn phòng đại diện của họ ở Việt Nam, lương 1200 đô một tháng, nhưng Yến từ chối.

– Nếu đi làm thuê thì con sang Anh mà làm cho sướng! Sống trong nước mình thì tội gì mà đi làm thuê hả mẹ… – Yến tâm sự với mẹ.

Đường cùng, Yến đành xin vào làm việc tại xí nghiệp dược Vĩnh Phong rách nát. Đơn được chấp thuận, là vì xí nghiệp này đang cạn kiệt nguồn bao cấp, thiếu việc làm, Yến tạm thời thế chân ông giám đốc cũ đã khôn khéo cao chạy xa bay mất rồi… Song cái chính là tỉnh này đang thế bí, muốn thử xem Yến có thể giúp được gì… Đầu tiên là cho Yến làm hợp đồng một năm… Bù lại cho triển vọng mịt mù này và lương rất thấp, tỉnh đồng ý trao cho Yến một số quyền quyết định.

Nỗ lực của Yến gần như muối bỏ biển, tuyệt vọng nuôi thêm tuyệt vọng… Yến quắt queo, đen sọm, hai mắt sâu trũng… Mỗi lần từ Vĩnh Phúc về Hà Nội thăm con, là một lần Yến đắm chìm trong nước mắt của mẹ mình và mẹ Nam…

Mãi cho đến khi tập đoàn hoá dược Ciba của Thuỵ Sỹ tài trợ cuộc triển lãm hội họa với tên gọi “Tình yêu cuộc sống”, do Bộ Văn hoá tổ chức tại Hà Nội…

Được tin về cuộc triển lãm này, vì Nam, Yến xin nghỉ mấy ngày về Hà Nội để bàn với ông Chính. Thế là hai bố con tất tưởi mọi việc, chọn những sáng tác đặc sắc nhất của Nam đem đi tham gia triển lãm.

Nhờ được Hội hoạ sĩ Việt Nam giúp đỡ rất chu đáo mọi chi tiết về kỹ thuật, tranh của Phạm Trung Nam chiếm trọn vẹn một phòng riêng và trở thành một trung tâm điểm của triển lãm, đông người đến xem nhất. Kết thúc triển lãm, liệt sĩ hoạ sĩ Phạm Trung Nam đoạt giải nhất.

Được kể cho nghe về Nam, bà tổng đại diện Ciba tại Việt Nam vô cùng cảm động khi được mời lên trao giải thưởng cho Yến. Bà trân trọng sáng tác của Nam và cảm phục nghị lực phấn đấu của Yến, nhất là ý tưởng cung cấp thuốc rẻ và tốt cho người bệnh.

Tình bạn giữa bà tổng đại diện và Yến, vợ của họa sĩ liệt sĩ Phan Trung Nam đã dẫn tới việc mở ra liên doanh giữa Ciba và xí nghiệp dược Vĩnh Phúc.

Hiện tại liên doanh còn đang ở giai đoạn “pilot”(*) [(*) Giai đoạn sản xuất thử.], nếu thực hiện tốt sẽ triển khai thành một liên doanh hoàn chỉnh. Yến đang dồn hết mọi tâm trí dẫn dắt liên doanh vượt qua giai đoạn này, có khi hai ba tuần liền không về Hà Nội. Lãnh đạo tỉnh làm mọi việc hỗ trợ liên doanh này. Việc học hành của con mình Yến đành tiếp tục trao phó cho ông bà nội vậy.

Cái khó nhất đối với Yến là phải đầu tư quá tốn kém vào nhà xưởng và các thiết bị cho việc nâng cao tối đa độ sạch và hạ xuống mức thấp nhất độ ẩm của không khí trong các phòng bào chế. Hơn nữa lại phải có thêm một máy phát điện riêng hỗ trợ cho xí nghiệp những lúc mất điện hoặc không đủ điện thế. Yến chạy ngược chạy xuôi lo vốn cho những khâu này, vì trong hợp đồng liên doanh Yến muốn phía Ciba tập trung đầu tư vào khâu thiết bị và công nghệ hiện đại. Nhờ tướng về hưu Lê Hải và chú Nghĩa giới thiệu, Yến vay được một khoản vốn khá lớn của công ty Ngọc Vân của bốn anh em Vũ cho công trình của mình, nâng được tỷ lệ góp vốn trong liên doanh lên 40/60, quyền hành trong liên doanh vì thế cũng nhiều hơn. Trong khi đó phần lớn các liên doanh khác trong cả nước phía ta chủ yếu là góp đất mặt bằng, tỷ lệ góp vốn thường là 30/70. Bộ Y tế về kiểm tra đã tấm tắc khen: Cái máy Generalmac này là cái thứ hai có trên miền Bắc. Còn các máy Dehlco RC 200, Dehlco RC 500 của Ý cũng lần đầu có mặt ở miền Bắc. Thiết bị các dây chuyền khá hiện đại và được bố trí hợp lý.

Tác giả: