Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Để tôi đỡ anh lên xe, chân anh thế kia… Xe này hơi cao anh ạ.

– Không sao đâu, tôi tự bước lên được.

– Anh hoàn toàn có thể yên tâm. Mọi chuyện chúng ta nói với nhau mười ngày qua là những chuyện phụ, để làm sáng tỏ một chuyện nghiêm trọng hơn nhiều… – lúc này Thạch mới ghé vào cửa xe khẽ nói với Nghĩa.

– Trời đất!.. – Nghĩa đã giơ tay định bắt tay mà tự nhiên rụt phắt lại.

– Phải ngoan cố sống! Hãy nhớ lấy, phải ngoan cố sống!..

– Cảm ơn anh… – lúc này Nghĩa mới lấy lại được bình tĩnh, đưa hai tay ra níu lấy tay Thạch: – …Nhưng mà… Thụ lý vụ việc này nếu là một người khác, liệu kết cục có như thế này không, anh Thạch?

Lần này Thạch buộc phải quay mặt nhìn vào quyển sổ trong tay mình, lật lật mấy trang như đang muốn tìm cái gì trong đó, nhưng vẫn điếc…

Xe đã nổ máy mà anh vẫn đứng yên tại chỗ, mắt chỉ dán vào quyển sổ đang lật bật trong gió…

Nghĩa cảm thấy lạnh toát người, ngoái hẳn đầu ra khỏi cửa xe để ghé sát vào tai Thạch:

– Anh nghe rõ câu hỏi của tôi chứ, anh Thạch?

– Nghe rất rõ. Có lẽ mấy ngày qua tôi hỏi anh nhiều quá, bây giờ anh hỏi trả thù có phải không? – Thạch tránh né.

Cả hai tay Nghĩa nắm lấy vai Thạch:

– Tôi hiểu… Một lần nữa chân thành cảm ơn anh.

– Làm người phải thế anh Nghĩa ạ! Chúc anh tiếp tục ngoan cố sống!

– Cảm ơn.

Xe đã từ từ chuyển bánh, Thạch bước theo vài bước, tay vẫn chưa muốn dời tay Nghĩa, nói với theo sát vào tai Nghĩa:

– Chúng ta đang đứng cùng một chiến tuyến…

– ??? – Nghĩa ngoái đầu ra hẳn ngoài cửa xe, ngơ ngác nhìn lại…

Xe chở Nghĩa đã đi khuất, Thạch vẫn còn đứng lại một mình giữa sân trại hồi lâu trong mưa nặng hạt…

… Trời ơi, một con người.., một đảng viên.., một thương binh… Con người này đã tiếp thêm sức sống cho mình… Thực ra mình phải cảm ơn Nghĩa rất nhiều mới đúng!

… Chính tôi mới là người phải cảm ơn anh, anh Nghĩa ạ… Anh đã giữ cho tôi niềm tin tôi đang ra sức bảo vệ… Anh hỏi đúng lắm… Câu hỏi đau thắt tim tôi… Thông cảm cho tôi.. Chắc chắn anh hiểu vì sao tôi không trả lời… Phải, nếu… Nếu người thụ lý vụ án này không phải là tôi, có trời biết tai họa gì sẽ xảy ra!.. Hỏi tôi như thế là hiểu đời lắm anh Nghĩa ạ… Thật không ngờ cuộc sống có thể thử thách mình theo cách kỳ cục như vậy. Số phận nào run rủi mình vào một nghề nghiệp biết bao tự hào nhưng cũng bao nhiêu cay đắng này!.. Mình và Nghĩa là duyên phận, còn mình và đời là sự thách đố nhau ác nghiệt giữa nhân cách và nghề nghiệp!.. Bây giờ đến lượt mình phải gồng lên bảo vệ kết luận của mình…

Các suy nghĩ trong đầu nóng như than đốt giữa bầu trời mưa như trút nước, Thạch vẫn cứ đứng mãi như cây giữa đồng…

Khi trở về với thực tại, Thạch ướt sũng từ đầu đến chân. Đội mưa trở về phòng làm việc của mình, trong đầu Thạch nhớ lại bao phen phải đối mặt với những vụ án không án…

Thạch rùng mình, không rõ vì cái lạnh ngấm nước mưa hay vì nhận thức ra có một điều gì đó khiến Thạch đến nay vẫn đứng được trên đôi chân của mình…

… Lại vẫn hai người sĩ quan mặc thường phục hôm nào đưa Nghĩa về Hà Nội. Họ là những con người có nguyên tắc, hơn nữa ở vào nhiệm vụ và cương vị công tác, họ không thể hay biết một chút nào về những gì đã xảy ra với Nghĩa trong những ngày tạm giam. Suốt cả mấy giờ đồng hồ trên đường về, thỉnh thoảng họ mới nói với Nghĩa đôi ba câu, chủ yếu để giữ phép lịch sự.

Chúc anh ngoan cố sống!..

Nghĩa không rõ toàn thân mình đang lắc lư theo xe hay thân phận mình, chính con người mình đang bị treo lơ lửng ở đâu đó…

… Sự trung thực và tinh thần dũng cảm đã nhiều lần cứu mình khỏi cái chết trong những năm chiến trận ác liệt, bây giờ hai thứ này đang giữ lại cuộc sống cho mình!.. Nghĩ thế, nhưng Nghĩa vẫn không tài nào tránh khỏi nỗi sợ rùng mình: …Nếu người xử lý vụ này không phải là Thạch thì mọi chuyện sẽ ra sao? Cuộc chiến tranh vừa qua vẫn tiếp tục cướp đi của ta những gì nó còn có thể cướp, tiếp tục tìm cách huỷ diệt những gì nó còn có thể huỷ diệt! Nó đang được tiếp nối bằng những cuộc chiến tranh khác?.. Đang gây mầm cho cuộc chiến tranh khác?..

… Thời bình, trong vòng chưa đầy ba năm ta mất cháu Huệ, cháu Nam, gia đình ly tán… Mợ ơi, mợ còn đủ sức chịu đựng những mất mát này không mợ? Con về có được gặp mợ không, mợ ơi… Nếu Thạch non kém một chút thôi!.. Ôi mợ nghĩ xem, nếu Thạch chỉ sai lầm một chút thôi, tắc trách một chút, thiếu chí công vô tư một chút… Ai hình dung được thảm hoạ gì sẽ xảy ra với con, với gia đình ta?…

Tất cả những chuyện phụ này chỉ để làm rõ một chuyện khác!..

Ngồi trên xe nhưng đầu óc Nghĩa tiếp tục bị kéo căng, ngực cồn lên, răng cắn chặt, cố nén sự căm giận trào đến cổ. Oán ai đây? Đoán già đoán non thì nhiều, nhưng Nghĩa vẫn chưa có chứng cứ hẳn hoi để lật mặt kẻ đã gây ra tai hoạ cho mình.

Nghĩa rít lên: “Ôi, nếu tìm được kẻ ném đá giấu tay, chắc ta sẽ băm vằm hắn ra hàng trăm mảnh.

Trong giây phút kéo căng này, ông cảm nhận sâu sắc một khía cạnh khác của cái biên giới mong manh, quá mong manh, mà ông đã từng nêu ra với Lê Hải. Lần này, một bên là cuộc sống đau thương của đất nước, của chính gia đình ông mà ông đang dồn hết mọi nghị lực cố làm cho nó hồi sức, cố vun đắp, cố nâng niu ấp ủ nó. Một bên là sự huỷ diệt đang lăm le, hăm doạ, trước hết là sự huỷ diệt ngay chính bản thân ông, danh dự ông, mọi ước vọng của ông. Làm sao có thể giữ được cái biên giới mong manh này?..

Xa xa đâu đó trong tâm thức Nghĩa những ý kiến của Lễ trong buổi hai anh em tranh luận với nhau hôm nào đọng lại những dư âm thoáng qua nhưng sắc buốt, rồi những lời đối đáp giữa Thạch và ông cứ lởn vởn bên tai:

– Anh phải cảm ơn tính trung thực và sự dũng cảm của chính mình, anh Nghĩa ạ!

– Tôi cứ tưởng nghề nghiệp của anh chỉ cần sống bằng các chứng cứ xác minh được.

– Anh tin như thế?

– Hoá ra không phải là thế hả anh Thạch?

– Không phải chỉ như vậy, anh Nghĩa ạ. Tôi sống bằng chứng cứ, nhưng tôi còn phải hiểu rõ cái chất của con người anh để hiểu rõ hơn những chứng cứ tôi có trong tay.

… Ôi, tất cả sao mong manh thế! Nếu Thạch thiếu công tâm một chút!..

Trời lại bắt đầu mưa trận mới. Cứ như nước từ trên thác đổ xuống.

Hai người đi áp tải Nghĩa ngồi nói chuyện với nhau về thời tiết thất thường, lụt lội triền miên.

Chỉ có những vạt mưa nặng hạt đập dữ dội vào cửa kính đáp lại những câu hỏi đau đớn của Nghĩa. Mưa xối xả như đang gõ trên đầu, trên mặt Nghĩa, cửa kính xe mịt mù. Nghĩa bất giác đưa tay sờ lên mặt, lên ngực mình: …Hay là ta đang ngồi trong một nhà mồ có bánh xe đang chạy?..

Nghĩa vẫn đưa mắt nhìn ra ngoài trời, dường như ông không thấy mưa rơi, gió cuốn. Nghĩa hoàn toàn trở về với chính mình. Trong ông bão dậy:

“Ôi trừng phạt! Ôi nếu ta được làm công việc trừng phạt những tội phạm và tội ác đang rắp tâm xoá bỏ cái biên giới mong manh này! Các người vừa tiếp tay cho chiến tranh vừa gây tội ác! Các người phản bội người còn sống và cả những người đã ngã xuống! Nếu Thạch chỉ non tay một chút! Trời ơi thật khủng khiếp! Trắng đen sẽ lẫn lộn! Oan khiên và hiểm hoạ!.. Chắc chắn ta sẽ trừng phạt các người không kém trừng phạt những kẻ đã bắn ngã đồng đội của ta! Các người sẽ bị nổ tung, sẽ bị tiêu tan, để không bao giờ có thể ngóc đầu quay lại quấy phá, ăn cắp, chà đạp lên những người đã hy sinh, huỷ hoại cuộc sống của những người khác. Ước gì ta được trực tiếp làm công việc trừng phạt này! Ta đã từng thú nhận, thà ta chịu chết để giặc bắn chứ không bắn vào đầu em trai mình, dù nó theo giặc. Nhưng các người! Ta nhắc lại: Các người không thể biết ta sẽ trừng phạt các người quyết liệt như thế nào! Các người xấu xa hơn bất kỳ bọn tội phạm nào! Các người còn đểu cáng hơn mọi bọn đểu cáng!..

… Nhưng mình có quyền và có khả năng thực hiện sự trừng phạt đáng phải ra tay này? Mà trừng phạt ai mới được chứ? Nếu tội phạm là một người cụ thể thì có thể bắt được nó đưa ra xử phạt? Nếu tội phạm là con người trong mỗi người thì trừng phạt thế nào? …Anh Lê Hải ạ, trong anh, trong tôi đều có một Lê Hải, một Hai Hân, một Đoàn Danh Tiến, một Năm Thịnh, một… vân vân… tất cả chỉ cách nhau một biên giới mong manh! Nếu tội phạm lại là một cái mớ bòng bong những dây rợ vô hình và hữu hình giữa những con người này thì trừng phạt thế nào? Cái mớ bòng bong ấy đang ngày đêm móc nối biết bao nhiêu con người như thế, ở mọi ngóc ngách, mọi đẳng cấp trong xã hội. …Kẻ địch ở bên kia giới tuyến, kẻ phản bội ở bên này giới tuyến, sự tiếp tay không tự giác của những yếu kém.., tất cả trong cái mớ bòng bong bao trùm lên toàn xã hội… Công lý à? Ngươi có đủ quyền lực bóc gỡ nổi cái mớ bòng bong này? Quyền lực của ngươi không cần đến một chút may rủi? Không cần đến một chút ma thuật? Mà như thế ngươi còn mang danh là công lý?..

Phạm Trung Nghĩa cố tìm mọi cách xua đuổi câu hỏi sâu kín trong lòng: …Chẳng lẽ mình đành chịu để cho cái mớ bòng bong này trói chặt chân tay, rồi để cho dòng đời cuốn đi?..

Các trận mưa lớn khoét trên lòng đường những ổ gà ổ trâu to tướng. Xe chở Nghĩa có lúc không tránh được, dồi lên dồi xuống. Có lúc Nghĩa như người mộng du đang cheo leo trong suy nghĩ miên man. Có lúc Nghĩa quằn quại trong chỗ ngồi của mình như thể đang có những cái roi vô hình nào đó quất vào người. Thỉnh thoảng Nghĩa rên rỉ trong lòng.

Tác giả: