Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Các anh ạ, trong cách mạng giành lại đất nước chỗ mạnh nhất của chúng ta là dân tộc và dân chủ. Bây giờ trong xây dựng và bảo vệ đất nước do thông tục hóa như thế và do tha hóa, chỗ yếu nhất của chúng ta lại là vấn đề dân tộc và dân chủ. Chỗ yếu này đang bị khoét sâu các anh ạ. Đây là điều rất đáng chúng ta quan tâm! – Nghĩa kết thúc suy nghĩ của mình.

Ông Tám đắn đo một lúc:

– Nhưng mà anh Nghĩa, hình thái kinh tế xã hội và vấn đề bóc lột giá trị thặng dư lại thuộc về những điểm cốt lõi nhất trong chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp đấy.

– Trong hai điểm này Mác vẫn đúng. Và Mác có lẽ mãi mãi đúng chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại, xã hội còn giai cấp các anh ạ. Nhưng Mác thì nêu vấn đề và gợi mở cách nhìn, trong đó có cách nhìn của Mác. Chúng ta lại biến những điều này thành giáo điều, thành chân lý cuối cùng!

– Nghĩa! Hôm nay lửa ghê quá! – Lê Hải bật kêu to lên như thế, mà tay vẫn chạm cốc với Nghĩa, vì thấy chí lý.

– Xin hỏi các anh thế này ạ, ở vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, vào thời điểm hiện tại, nghĩa là khoảng 150 năm sau khi có Tuyên ngôn Cộng Sản, đấu tranh giai cấp như thế nào để xoá bỏ giai cấp? – Nghĩa cảm thấy được cổ vũ. – Làm như chúng ta đã làm trong tiến hành trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ tư hữu, xoá bỏ sự tồn tại của giai cấp tư sản… Nói chung là xoá bỏ tư bản… Thế là triệt để nhất chứ gì?! Chúng ta đã thử nghiệm tất cả rồi các anh ạ, nhưng rõ ràng là không được. Nói đến thế các anh chịu chưa ạ? – Nghĩa hỏi lại.

– Nghĩa định kết luận là làm hết phép rồi à? – ông Chính vặn em mình.

– Tùy các anh! Đấy là chưa kể vấn đề giai cấp ở nước ta sau tám mươi năm nô lệ và trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại hoàn toàn bị lút đi sau vấn đề dân tộc! Các anh quên mất lịch sử rồi à?

– Anh Nghĩa hung quá, nhưng mà đúng. – Ông Tám chạm cốc tán thưởng.

– Chưa hết đâu các anh ạ, – Nghĩa vẫn sôi nổi – … Bây giờ chúng ta phải coi mọi thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành, phải khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta rất mác-xít nên không thừa nhận lao động là hàng hóa, nhưng giờ đây lại đang phải tìm cách xuất khẩu thật nhiều lao động để chống thất nghiệp, chống nghèo đói, có phải thế không ạ?! Không biết bao nhiêu người bây giờ mong được bóc lột vì không có công ăn việc làm. Mỗi năm có hàng triệu người như thế. Chạy được một suất đi lao động nước ngoài là phải tốn phí hàng chục triệu đồng! Nhiều doanh nghiệp nhà nước lương trả cho công nhân và thuế đóng cho ngân sách đều thấp hơn doanh nghiệp tư nhân, thế ở đây có bóc lột thặng dư không ạ? Lại còn được bao cấp thua lỗ nữa! Thế là công bằng dân chủ văn minh? Xin các anh trả lời đi! – Nghĩa dồn một thôi một hồi.

– Anh Tám ạ, cứ xem như anh Nghĩa nói, thì có phải cái đáng lo đáng làm thì chúng ta không lo không làm, còn cái hão huyền lại được đem ra làm khuôn vàng thước ngọc, có phải thế không anh Tám? – Lê Hải hỏi Tám Việt.

Đang mải nghe Nghĩa nói, ông Tám bị bất ngờ, song thấy còn phải suy nghĩ tiếp:

– Cứ từ từ, nghe anh Nghĩa nói hết đã.

– Vâng, tôi xin nói tiếp. Có lẽ phải trở về với cách học của Nguyễn Ái Quốc mới lý giải được những điều này các anh ạ. Mác đã nêu đúng những vấn đề phải nêu. Còn ở thế kỷ 21 này nhìn nhận và giải quyết những vấn đề này như thế nào là công việc của chúng ta chứ không phải của Mác! Trên thế giới ngày nay đang có biết bao nhiêu lý thuyết, bao nhiêu cố gắng đi theo hướng càng tạo ra được cạnh tranh hoàn hảo bao nhiêu, càng bớt được bóc lột bấy nhiêu, cải tiến lại hệ thống thuế và hệ thông phân phối lại để tạo thêm công bằng, hướng nâng cao các phúc lợi xã hội, hướng nâng cao nền giáo dục, nhất là hướng nâng cao tự do dân chủ để phát huy quyền năng của từng con người… Nhưng tất cả đều phải trên nền tảng nâng cao sự giàu có thịnh vượng và thân thiện với môi trường… Có thế nói thiên hạ chịu suy nghĩ lắm các anh ạ, để hướng tới công bằng, để xóa bỏ dần bóc lột, chứ không cột chặt mình vào giáo lý nhưng lại lơi là với lý tưởng như chúng ta đang làm đâu!

– Cách suy nghĩ của Nghĩa có lý đấy. Cũng không còn là những chuyện lý thuyết nữa. Tôi thừa nhận nhiều nước đã đi được những bước dài trên con đường này rồi. – ông Chính bình luận.

– Nhưng xin thưa với các anh, – Nghĩa nói tiếp – Ở nước ta có một sự bóc lột dã man bỉ ổi dứt khoát không thể chấp nhận được.

– Thuộc giai cấp nào vậy? – Ông Chính hỏi.

– Đó là tệ nạn quan liêu tham nhũng. Sự bóc lột này lớn hơn hàng trăm lần, hàng nghìn lần, hàng nhiều nghìn lần so với sự bóc lột mà chúng ta đang hiểu là bóc lột thặng dư giá trị đang tồn tại trong chế độ xã hội nước ta các anh ạ. Xin các anh hãy làm con tính những vụ thất thoát, tham nhũng hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn tỷ đồng, hãy ước lượng những tàn phá nền kinh tế và xã hội phải gánh chịu. Đó là sự bóc lột có thể làm sụp đổ chế độ! Các anh ngày đêm lo đẩy mạnh công cuộc đổi mới sẽ đẻ ra thêm bóc lột giá trị thặng dư, đẻ thêm chủ nghĩa tư bản, nhưng các anh lại không lo đúng mức về sự bóc lột mang tính đối kháng này!

– Anh Nghĩa hôm nay sung quá. Uống ly rượu này giải hoả đi! – Lê Hải lại chủ động chạm cốc với Nghĩa. Mọi người cùng hưởng ứng.

– Theo tôi, các anh đụng vào nhiều vấn đề hay đấy… – ông Tám nói lên suy nghĩ của mình. – …Đảng ta là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo, mọi việc có lẽ phải bắt đầu từ Đảng. Các anh thử nói thêm về hướng này xem nào… – Dừng lại một lúc, ông Tám nói tiếp: – …Tôi thấy không ai đụng đến bát đũa nữa, xin mời các anh ra phòng trà, chúng ta tiếp tục câu chuyện ở đó. Tất cả các anh dùng cô-nhắc nhé? Xin cho biết anh nào thích cà-phê, anh nào thích trà!

– Tôi xin uống trà. – Ông Chính trả lời đầu tiên.

– Tôi uống trà.

– Tôi uống trà.

– Thế là tất cả chúng ta dùng cô-nhắc và uống trà, sự nhất trí đầu tiên của tối nay đấy! – Ông Tám đứng dậy mời mọi người sang phòng bên.

Trong phòng uống trà, sau khi mọi người đã có ly cô-nhắc trong tay, Lê Hải tiếp tục câu chuyện:

– Anh Tám ạ, câu chuyện trước sau vẫn là không nên đi tìm chân lý theo kiểu gọt chân cho vừa giày!

– Đúng thế! – Ông Tám dứt khoát – Cái khó là có nhiều người, dù có cương vị hay chức phận cao thấp khác nhau, nhưng hễ đã bám được vào bộ máy công quyền là thường sống theo lề thói ăn bám vào hệ thống quan liêu này, bẩy không ra được! Đây là ung nhọt chết người trong hệ thống chính trị nước ta.

– Ung nhọt hay ung thư hả anh Tám? – Lê Hải hỏi.

– Tôi thừa nhận phải rất cảnh giác! – Ông Tám trả lời.

– Anh Tám ạ, không thể nói Đảng ta không ý thức được mối nguy này, nhưng tại sao biết mà lại không chống được? – Ông Chính hỏi.

– Nhiều anh đã phải nói thẳng, càng chống, tham nhũng càng tăng! Thực hiện Nghị quyết 6B theo kiểu chỉ tắm sơ sơ từ vai! – Lê Hải thêm vào.

– Đúng là ý thức được mà không chống được, hay chống chưa được. – Ông Tám trả lời – Xin nêu lên ví dụ điển hình nhất là thái độ ngoan cố đối với chủ trương xoá bỏ cơ chế chủ quản. Từ đại hội VII(*) [(1) 1991.] đến nay hết nghị quyết này đến nghị quyết khác của Đảng khẳng định phải xoá bỏ cơ chế chủ quản, xóa bỏ bằng hết những bao cấp còn lại. Nhưng trong thực tế là không làm, hoặc không làm được. Viện ra trăm ngàn lý lẽ. Người chủ quản không muốn xoá bỏ chủ quản đã đành, nhưng cả xí nghiệp bị chủ quản cũng không muốn xoá. Người chủ quản, dù là Bộ, là tỉnh, hay là gì gì đi nữa… thì muốn được xí nghiệp nuôi, tệ hơn nữa là coi xí nghiệp là binh chủng riêng của mình. Còn xí nghiệp bị chủ quản thì lại muốn dựa vào người chủ quản để có ô dù, để dễ bề luồn lách.

– Thế mà lúc nãy anh Tám lại hỏi quốc doanh có biết xấu hổ không? – Lê Hải đế lại.

– Quan liêu tham nhũng trong cơ chế bao cấp cho quốc doanh tạo ra mảnh đất nuôi dưỡng cái mà anh Nghĩa gọi là sự bóc lột mang tính đối kháng đấy! – Ông Tám nói tiếp – Có thể nói một trăm phần trăm các vụ tiêu cực và tham nhũng đã thành án đều có bàn tay của cơ chế chủ quản nhúng vào! Có những vụ tham nhũng không xử được vì cơ chế chủ quản có nhiều kẽ hở. Một số nơi trong vài thành phố đất đai còn đắt hơn cả ở Tokyo, New York… Ngoài nguyên nhân đầu cơ ra, cái chính là do tiền tham nhũng và buôn lậu đổ vào!.. Các anh thử tưởng tượng xem như thế này công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ tốn kém biết chừng nào!

– Nhưng người ta nói xoá chủ quản khó lắm, nhất là chưa có cách nào bảo đảm thực hiện được quyền sở hữu của nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước. Có phải thế không anh Tám. – Ông Chính hỏi.

– Đúng là thế. – Ông Tám trả lời – Có ai bảo là dễ đâu, nhưng cái khó nhất là cái lợi ích không muốn xoá! Trong cuộc đấu tranh này tôi thừa nhận là sự cám dỗ của quyền lực và của đồng tiền có nhiều trợ thủ lợi hại lắm. Đó là sự thấp kém về tài và đức, là sự thiếu hụt tri thức, là sự tha hoá về phẩm chất cách mạng trong thời bình, là sự dao động do mất phương hướng trong thế giới đương đại… Tôi nghĩ danh sách này còn dài nữa các anh ạ…

– Đó cũng là điều trăn trở không chỉ riêng của anh Tám. – Lê Hải đồng tình.

Tác giả: