Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Tôi chỉ mới hỏi ướm có phải y chuyển từ Guam về đây không, y đã giãy nảy lên như đỉa phải vôi. Sự nhạy cảm quá mức của y làm cho cách hoá trang của y giảm tác dụng. Y cũng chưa thu phục được cánh tướng Minh và tướng Mậu, mới đụng đến chuyện này là y chuồn luôn.

– Hôm ấy anh nhắc đến Quách Minh Châu và Lý Lam, chú tôi nói ngay: Như thế là biết ai làm việc cho ai rồi!

– Anh Lễ ạ, trí nhớ của anh không đến nỗi tồi lắm. Bây giờ thì chúng ta biết tại sao Lý Lam được cắt cử thay mặt các khách người Việt ta đứng ra phát biểu cảm ơn chủ nhà.

– Chúng ta nói với hai quý phu nhân tạm thả lỏng chúng ta trên bãi cỏ này đi. Anh và tôi sẽ la cà vào các nhóm xem họ nói những chuyện gì.

Loan đồng tình với ý kiến của Lễ. Họ chọn đám đông nhất và huyên náo nhất ở phía góc vườn bên trái, rồi bảo nhau cùng đi tới.

Giữa đường, một người đàn ông lùn mập bắt tay chào Loan:

– Chào đại tá, tôi nghe loáng thoáng biết đại tá ở bang này nhưng không có địa chỉ nên không sao tìm gặp được.

– Trời ơi ông Năm, xin chào ông. Ông sang đây từ bao giờ thế này?

– Được vài năm rồi đại tá ạ, may là tụi tôi đi đường Hongkong sang đây nên tất cả vẹn toàn.

– Ôi, thế thì phải mất nhiều tiền lắm lắm đấy!

– Đúng thế ông Loan ạ.

Loan quay sang Lễ:

– Giới thiệu với anh Hai Lễ, đây là ông Năm Thịnh, chủ khách sạn Eden. Trong khách sạn này có tiệm ăn Trung Quốc nổi tiếng nhất Sài Gòn. Gia đình tôi là khách ẩm thực truyền thống của tiệm ăn này nên trở thành bạn của ông Năm.

– Đại tá phải nói suýt nữa thì chúng ta là thông gia với nhau chứ. Xin chào ông Lễ.

– Vâng, đúng thế. Tiếc là con gái ông kén phò mã kiêu kỳ quá.

– Chào ông Năm. Xin lỗi… ông là con má Sáu Nhơn có phải không ạ?

– Ối, ông quen biết gia đình má tôi?

– Dạ, biết sơ sơ thôi ạ. Ông Tư Cương là người giúp việc cho chú tôi cũng là người giúp má Sáu. Trong gia đình má Sáu cho đến nay tôi mới chỉ được hân hạnh làm quen với người con rể thôi.

– Có phải tướng Lê Hải của Việt cộng không ông Hai? – Năm Thịnh hỏi.

– Thưa vâng. – Lễ trả lời.

– Tướng Việt cộng mà lại để cho anh vợ đi lưu vong à? – Loan ngơ ngác hỏi Năm Thịnh.

– Phải đi thôi, không chơi được với họ! – Sự giận dỗi vẫn còn vương đọng trong giọng nói của Năm Thịnh.

– Ông ác cảm với ông Lê Hải? – Loan hỏi.

– Với Lê Hải thì không, nhưng không chơi được với cách đối xử của Việt cộng.

– …

Ba người này còn đứng hỏi thăm nhau một lúc về tình hình gia đình của nhau, về đời sống hiện tại và hẹn sớm gặp lại. Năm Thịnh cho Lễ và Loan biết đang chạy vốn và tìm người để mở một quán cơm Á. Năm Thịnh còn cho biết đang khổ sở vì bị hai ông anh mình oán trách rủ rê đi di tản. Ba Tước, nguyên là chủ đại lý xe ô-tô Peugeot, không quen với nghề đi làm thuê, nên chọn mấy nghề rồi đều không hợp, gia đình hiện nay sống còm cõi bằng các khoản cứu tế xã hội. Tư Quang, nguyên là chủ hãng dệt thun Liccy, thì cứ đay nghiến Năm Thịnh: Mất cái xí nghiệp dệt thun thì tìm cách khác mà sống, ở nhà thiếu gì cách làm ra tiền, sang đây lạ nước lạ cái, suốt ngày nghe tiếng Mỹ éo éo sốt cả ruột!.. Qua câu chuyện, bây giờ cả Lễ và Loan mới hiểu, cánh Năm Thịnh đi di tản trót lọt là nhờ đường dây của Quách Minh Châu, và nhờ Fốc nên việc nhập cư suôn sẻ.

– Chịu ơn ông Châu, nên tôi tham gia tý chút việc này việc khác và cũng là để được yên thân làm ăn. Nói riêng với hai ông là cánh đàn em của ông Châu nhốn nháo lắm. Ra đây nhiều người cũng chỉ có mỗi cái nghề đánh thuê… – Năm Thịnh tiếng nhỏ tiếng to trước khi chia tay Loan và Lễ.

Chào Năm Thịnh, hai người đi tiếp đến khu vườn bên trái.

Những người ở đây khá ồn ào, không ai để ý đến sự có mặt của Lễ và Loan. Nghe một lúc, Lễ và Loan hiểu đấy là nhóm Phục quốc và nhóm Kháng chiến đang cãi nhau. Nhóm Phục quốc chủ trương đưa người về nước tổ chức phong trào, gây cơ sở, hoạt động phá rối nội bộ cộng sản Hà Nội, chờ thời cơ gây bạo loạn lật đổ. Nhóm này phê phán nhóm Kháng chiến là manh động và chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Nhóm Kháng chiến cho nhóm Phục quốc là nhát gan, bây giờ là lúc tốt nhất xây dựng lực lượng vũ trang đưa về nước chiến đấu, vì cộng sản Hà Nội đang sa lầy trên chiến trường Campuchia và chiến trường biên giới phía Bắc… Đã thế kinh tế Việt cộng kiệt quệ, Nga Xô và cộng sản Đông Âu đổ đến nơi… Nhóm này cho rằng cứ lừng chừng cãi vã nhau thế này, để xảy ra giải pháp hoà bình cho vấn đề Campuchia thì mất cơ hội. Lúc này là lúc dễ đánh đổ Hà Nội nhất!

Càng nghe, Lễ và Loan càng bị đám đông này giữ chân lại. Đám những người này bàn đến những vấn đề quá hệ trọng, oang oang ngay trong vườn nhà người ta mà không cần giữ ý tứ gì cả. Trong đám này chỉ có Lý Lam là người của trại B7 cũ, nhưng Lý lại chỉ đứng nhìn, giữ một khoảng cách nhất định chứ không nhảy vào tranh luận. Điều này càng làm cho Lễ và Loan để ý. Khi các từ ngữ nhiếc mắng nhau được tung ra từ giữa đám người này, thì lập tức một số nắm đấm vung lên. Lý Lam phải xông vào giữa, nói gần như quát:

– Các bậc đàn anh và những người anh em, xin giữ hoà khí! Nếu có ai quá lời một tý thì chẳng qua cũng là do nhiệt huyết chống cộng sản Hà Nội thôi, xin các vị thể tất cho nhau. Các vị cố kiềm chế để đồng tâm hiệp lực chiến đấu!

Sự ồn ào lắng xuống, có một người lợi dụng ngay cơ hội này nói rõ to, cái tay giả chém chém trong không khí:

– Tôi nói cho các vị biết, đừng có chê thằng này là nhát gan. Các vị thì biết gì về chiến tranh mà cứ hô hào đánh với đấm!.. Tôi đây này, suýt nữa thì toi mạng ở An Lộc, tôi mới là người có quyền nói chúng ta nên làm gì. Các vị chưa hề biết thế nào là trận mạc, đưa người về đánh đấm như các vị nói ấy à, xin lỗi, chưa kịp đặt chân xuống đất là bị tóm gọn rồi! Các vị chưa biết thế nào là đánh nhau với Việt cộng!..

– Này, đừng có huênh hoang, ở đây không phải chỉ có mình anh là người duy nhất ra trận đâu nhé!..

Sự ồn ào dần dần trở lại. Nhưng sự can gián của Lý Lam phần nào làm cho bầu không khí bớt nóng.

Lễ giật mình khi nghe nói tới An Lộc. Địa danh này gợi đến băng tiểu liên chói tai và cái tát nổ đom đóm mắt của tên lính cụt tay giáng vào Lễ trên đường phố Phạm Đăng Hưng năm nào… Để ý kỹ, Lễ nhớ lại hình như chính cái gã có tay giả này đã đến nhà ép Thảo và Lễ ký vào lời kêu gọi chống Hà Nội, góp tiền lập quỹ cho cánh Phục quốc… – Lễ rùng mình: Không biết cái tên lính cụt tay tát mình trên đường Phạm Đăng Hưng và tên cụt hung hăng này có phải là một không?.. Bỗng dưng Lễ muốn túm lấy cổ tên này tống một trận cho hả giận, máu như sôi lên trong người. Lễ đã bước lên một bước, bàn tay đã nắm lại.., nhưng rồi buông thõng.

– Bên Tàu ngày xưa có chuyện đào viên kết nghĩa, còn chúng mình ở đây có chuyện vườn cỏ đánh golf tranh hùng!.. – Loan giật giật tay Lễ. Câu nói của Loan nhằm vào đám người đang cãi nhau, nhưng vô tình đụng chạm vào tâm tư Lễ lúc này.

Lễ vẫn đứng yên, không nói không rằng.

– Mọi chuyện của cái đám này như thế là rõ. – Loan kéo Lễ đi tìm đám khác.

Trước khi bỏ đi hẳn, Loan khều Lý Lam ra:

– Lại phải có lời khen ngợi ông Lý. Lúc nãy ông thay mặt khách cảm ơn chủ nhà, nói rất mùi, thế mà trong cuộc tranh luận sôi nổi ở đây lại chỉ thấy ông Lý đứng ra giữ hoà khí.

Hồi còn ở trại B7 mọi người vẫn dành cho Lý Lam cái tên ông Lý với hàm ý thân mật và trào phúng.

– Chủ kiến thì có rồi, điều quan trọng là mọi người phải một chí hướng, đại tá Loan ạ. Cứ để cho mọi người tranh luận với nhau cho ra lẽ. – Lý Lam đáp.

– Tôi thấy cái anh đeo tay giả nói hùng hồn lắm. – Lễ nhận xét.

– Một trong những cốt cán của phong trào đó ông Lễ ạ. Anh ta là trung uý Túc, mất một tay khi phòng tuyến An Lộc bị vỡ.

– Đi dạo tôi thấy có khá nhiều anh em ở B7 cũ về dự hôm nay, nhưng trong số những người hăng hái này sao chỉ thấy có mỗi ông Lý?

– Cánh B7 cũ phần lớn trạc vào tuổi ông hay tuổi ông Lễ, có lẽ phần đông họ cũng mắc bệnh cầu an như hai quý ông.

– Những người chí cốt này đã có kế sinh nhai ổn định chưa ông Lý? – Lễ hỏi.

– Đấy là khó khăn lớn nhất của họ ông Lễ à, vì họ ít học quá, không có nghề chuyên môn. Văn phòng tư vấn của chúng tôi sẽ phải chú ý chuyện này, như vậy mới nuôi được phong trào.

– Ông Lý có lý đó, nên như vậy… – Loan tỏ ra thông cảm với câu trả lời của Lý Lam. – …Thỉnh thoảng có việc gì nhờ chỗ này làm nơi hội họp hay địa điểm liên lạc thì tiện quá phải không ông Ly?

– Chúng tôi rất sẵn sàng, thưa hai ông. Trong sách giới thiệu Văn phòng tư vấn, chúng tôi ghi rõ sự giúp đỡ như vậy là miễn phí đấy.

– Tôi đi tìm khắp vườn mà không thấy ông Quách Minh Châu. Ông Lý chuyển giùm chúng tôi lời hỏi thăm nhé.

– Đại tá Loan thật chu đáo. Anh Châu tôi hôm nay có chút việc phải đi Oa-sinh- tơn. Tôi thấy hai quý ông cầu an quá đó, lẽ ra hai quý ông phải là chỗ dựa cho phong trào.

– Nói thật với ông Lý, tôi chịu ơn ông Fốc rất nhiều, nên mới cố lê cái thân tàn đến đây. Ngoài ra từ ngày đến Cali vợ chồng tôi chưa đi đâu cả. Tôi thì chán đời, nhà tôi thì mang bịnh, chúng tôi chỉ ngày ngày đi chợ mua đồ ăn, rồi vợ chồng ru rú ngồi nhìn nhau ở nhà. – Lễ thanh minh rồi đưa tay ghé sát vào tai Lý Lam: – …Xin hỏi riêng ông Lý một câu: Cái anh Túc cụt kia đã tìm được việc làm chưa?

Tác giả: