Dòng Đời – Nguyễn Trung

Không ít người, trong đó có chủ tịch huyện, coi đấy là lời hứa cho đẹp khi nhậm chức. Ông chủ tịch huyện ký liều một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một bộ hạ của mình trong văn phòng Uỷ ban huyện. Ông nghĩ rằng uy quyền của mình sẽ đủ sức dẹp mọi chuyện eo sèo chung quanh mảnh đất đang có nhiều tranh chấp này. Chủ tịch huyện bị ông Bá gọi lên giải trình. Càng hỏi, chủ tịch huyện càng bí. Ông Bá bảo ông chủ tịch huyện chờ một lát. Khi quay lại ông Bá đưa cho ông chủ tịch huyện một lệnh do ông Bá ký: tạm đình chỉ không có thời hạn công tác chủ tịch huyện, cử phó chủ tịch lên thay, công tác của chủ tịch huyện sẽ được xem xét sau… Ông chủ tịch huyện lúc đầu bị cấm khẩu, nhưng ngay sau đó trở thành cái loa phát thanh với nhiều đề-xi-ben (decibels).

Ông Bá điềm tĩnh:

– Anh đừng nói gì nữa. Về đi, thực hiện đúng lệnh này. Anh truyền đạt lại đầy đủ ý kiến của tôi về mảnh đất này cho người lên thay anh giải quyết. Anh có cần tôi cho người dẫn độ anh về không?

Câu hỏi của ông Bá làm cho cái loa nhiều đề-xi-ben tắt ngấm, nhưng ông chủ tịch huyện phát đơn kiện lên các cấp trên ở khắp nơi, lên tỉnh, lên Trung ương Đảng, lên Quốc Hội, lên Chính phủ, lên Kiểm tra Trung ương… Nhưng lệnh của ông Bá thì ông chủ tịch huyện vẫn cứ phải thi hành, còn bí thư tỉnh ủy đành khoanh tay đứng nhìn.

– Tám này, chưa biết cấp trên xử lý những đơn kiện của lão chủ tịch huyện thế nào, nhưng trong huyện tự nhiên chuyện mua bán đất đai lòng vòng ngưng hẳn, chẳng thằng cha nào ở xã dám thò tay vào ký cái này cái nọ, giá đất cũng tụt xuống…

– Câu chuyện liệu có êm hẳn không? – Ông Tám hỏi lại.

– Chưa biết. Đám đầu nậu đất đai thì nói: Chờ xem cái tay Bá này cứng cựa được bao lâu… Nhưng thằng cháu mình cứ tương hết mọi chuyện lên tivi và lên báo của tỉnh, tường thuật rành rọt chủ tịch huyện đã cãi lại như thế nào… Cái đài tivi của tỉnh làm như thế mà được việc!

…Câu chuyện làm ông Tám thích thú nhất là việc chủ tịch Bá giải toả rất nhanh mặt bằng cho đoạn quốc lộ 1 mới chạy qua địa phận của tỉnh và tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách Nhà nước. Cách làm của chủ tịch Bá thật đơn giản: Việc giải toả gắn liền với việc quy hoạch mới, giữ vững quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân như ghi trong Hiến pháp, tuy nhiên tỉnh cam kết người phải di dời sẽ được đền bù thoả đáng trên cơ sở lấy thu bù chi: giá đất đai nơi quy hoạch mới tăng vọt sẽ phải đem bán đấu giá, từ đó trích ra 2/3 lấy tiền đền bù cho người phải di dời, 1/3 để lại cho người nằm trong quy hoạch được lợi; nếu ai trong số người được lợi ngoan cố chống lại việc tham gia bán đấu giá sẽ bị thu hồi quyền sử dụng phần đất nằm trong quy hoạch mới. Kết quả thật bất ngờ, ngân sách Nhà nước chỉ phải chi khoản 1/3 cho những hộ phải di dời. Thật ra từ lâu ông Tám đã được biết là cách làm này đã được áp dụng ở một số nước đang phát triển, ông cố đưa vào áp dụng ở ta nhưng bị cản mã ghê quá. Chủ tịch Bá làm được là nhờ loại trừ được sự chấm mút quá đáng của cán bộ thừa hành trong quá trình giải toả này. Bí quyết chỉ có vậy…

– Có thế chứ! – Ông Tám tấm tắc.

Ông bí thư già còn kể cho ông Tám nghe chuyện chủ tịch Bá đã hai ba lần đối thoại trực tiếp với tất cả phạm nhân đã mãn hạn tù hoặc được khoan hồng là dân cư trong tỉnh về việc tìm kế sinh nhai cho họ. Ông Bá chỉ thị cho Sở Lao động, thương binh và xã hội dựa vào Ngân hàng lập ra quỹ tín dụng riêng cho số người này với những thể thức đặc biệt… Đến nay phần lớn số người này đã hoà nhập được trở lại với cộng đồng xã hội, có nghề nghiệp và nguồn sống ổn định. Nhờ sự hỗ trợ này của tỉnh, đã xuất hiện một hai doanh nhân có tầm cỡ, điển hình nhất có lẽ là người phụ nữ ngày nay được người đời tặng cho cái tên là chị Năm gà! Người phụ nữ này lĩnh án tù 25 năm vì một trọng tội, đã ngồi tù 20 năm, như thế là được ân xá sớm trước 5 năm, nay chị là chủ một trại gà, cung cấp gà giống công nghiệp cho toàn tỉnh…

Chủ tịch Bá tập trung được những trẻ em lang thang cơ nhỡ, lập được trại nuôi dưỡng và dạy nghề cho các cháu. Đấy là kết quả huy động được sự tham gia của toàn xã hội…

Chuyện đua xe máy ông Bá cũng giải quyết một cách đơn giản. Ông lệnh cho công an: Để xảy ra đua xe máy mà không phát hiện kịp thời thì ngành công an bị kỷ luật, ngăn chặn trước thì được khen thưởng, công an phải chủ động có kế hoạch xử lý bằng được việc này trong 6 tháng. Cố bắt cho bằng hết và tịch thu không cần xét xử các xe máy tham gia đua, bất luận là của ai, đem bán đấu giá công khai và cho vào quỹ hỗ trợ người nghèo của tỉnh. Cá nhân công an nào vi phạm những quy định này hay là tiêu cực, sẽ bị đuổi việc ngay tức khắc. Hơn một năm nay tính ra đã bán được gần 400 xe máy cho vào quỹ hỗ trợ người nghèo. Đến nay nạn đua xe máy có thể coi như đã xoá được, nhưng 11 công an bị đuổi việc! Có một chuyện rắc rối nhỏ: Trong các xe bị tịch thu, có xe của con ông bí thư tỉnh uỷ. Đây là chuyện muỗi đốt gỗ nói về ý nghĩa của cải, nhưng uy tín bí thư tỉnh uỷ bị giảm sút nghiêm trọng vì không dạy được con mình. Chủ tịch Bá đưa hết mọi chuyện lên tivi của tỉnh.

– Tám này, bí thư tỉnh uỷ cũng chỉ đành giương mắt ếch đứng nhìn, vì đã cam kết để tay Bá toàn quyền hành động, nếu muốn làm khác thì phải truất tay Bá đi. – Người bí thư già ca ngợi cháu mình.

– Truất được không?

– Trong trường hợp này, nếu thằng cháu mình cứ làm như vừa rồi, công khai tương hết mọi chuyện lên ti vi cho cả tỉnh biết, thì cả cái tỉnh này sẽ truất bí thư trước!

– Ôi vậy thì hay quá! – Ông Tám thốt lên.

– Sao Bá dám mạnh tay thế? Cậu này còn trẻ lắm mà anh? – ông Tám hỏi.

– Thằng cha này chân tay chưa lấm, lại có học. Mất ghế thì thôi, bất cần đời…

– Thời buổi này kiếm được người như thế hiếm lắm!

– Nhầm rồi, thời buổi này không chuộng cách dùng người như thế! Lâm vào thế bất đắc dĩ nên mới phải dùng nó!

– Chịu! Nói vậy thì chịu!

– Thỉnh thoảng nó đến thăm, mình biểu nó: Cứ làm tới đi, đừng sợ! Mọi chuyện cứ công khai cho cả làng biết, cả làng sẽ bảo vệ cho! Cùng lắm trả lại cái ghế tỉnh trưởng cho tỉnh!

– Nó dám không?

– Thằng này có lẽ dám đấy. Có cái may là vừa qua lãnh đạo tỉnh khủng hoảng trầm trọng, người được phái này dự kiến làm chủ tịch thì lại bị phái kia bác, lủng củng mãi không chọn được ai. Trung ương bảo nếu tỉnh không tìm được người thì Trung ương sẽ cử về. Thế là hai bên cuống cuồng, phải thoả hiệp chọn tay Bá, họ thích hơn là để người nơi khác về cưỡi đầu ở đây! Lúc đầu thằng cháu mình nhất định từ chối, song tập thể ép quá, nó đành nhận nhưng có điều kiện.

– Điều kiện gì vậy?

– Nó đòi được toàn quyền hành động theo luật pháp quy định, khi nào tỉnh uỷ không ưng thì truất nó.

– Tỉnh uỷ chấp nhận?

– Phải thế thôi, vì bí…

– Bá có thần thế gì không?

– Trên răng dưới dái, chẳng có chi cả! Cái mạnh nhất của nó là kiên quyết thực hiện những gì luật pháp quy định, không ưng thì nghỉ…

Càng nghe, ông Tám càng hiểu ra…

– Tau thấy tụi bay bây giờ lắm lý luận quá, là quan là nghè hết cả lũ với nhau mất rồi.

– Anh nói chi kỳ vậy?

– Tụi bay cứ bàn tới bàn lui cải cách hành chính, nhưng tau thấy hàng chục năm rồi, tụi bay mần được cái chi?

– Theo anh nên làm gì?

– Tụi bay cứ chọn những thằng như tay Bá ra làm việc, cứ thực hiện y chang những luật đã có! Cái gì cũng tương lên tivi hết cho toàn dân biết! Đi nước trong nước ngoài mãi, học lên học xuống, tốn tiền của dân, thử hỏi xem tụi bay đã mần được cái khỉ gì?

– Theo anh cái gì là khó nhất?

– Nói về khó thì vô tận… Kiếm cho ra và dám giao việc cho những đứa có học và không dính chân dính tay như thằng Bá quả là khó… Nhưng khó nhất vẫn là có ý chí dám dùng những thằng như nó!

Ông Tám hiểu…

Cái điều đơn giản ông bí thư chi bộ già nói đúng là cái điều khó nhất!..

Câu chuyện đền thờ bà Sương ở An Lạc do bà Sáu Nhơn kể đưa ông Tám đến những tỉnh phát triển nghề nuôi tôm trên bãi cát ở miền Trung. Cuộc sống ở những nơi này đổi đời thực sự. Phải giàu trí tưởng tượng lắm mới biến được những bãi cát nóng bỏng như rang mênh mông ven biển thành kho tiền… Câu chuyện đầu tiên khi đến vùng này ông Tám được nghe là chuyện kể về một anh bộ đội phục viên tay trắng… Anh ta đã đi khắp nơi nuôi tôm trong cả nước, sang cả Thái Lan, nhưng về đi vay vốn làm theo cách của mình. Đôi ba lần anh ta được bà Sương cứu những sai lầm chết người về kỹ thuật… Anh ta bây giờ thuê ba kỹ sư thuỷ sản, trả lương tháng mỗi người 10 triệu đồng để chăm sóc cánh đồng tôm trên cát gần bốn chục hécta. Năm anh chị em anh ta chung nhau làm nên cánh đồng tôm này… Anh bộ đội phục viên này còn là người “phát minh” ra cái máy hút bùn và hút cát rất cần để làm kênh mương trên bãi cát trong việc nuôi tôm, giá thành khai thác nước và tiêu nước thải nhờ đó rẻ chỉ bằng một phần tư hay một phần năm nếu đi nhập các thiết bị nước ngoài. Anh ta chưa được cấp bằng phát minh sáng chế cho sáng kiến độc đáo này và cũng không biết là phải đi đăng ký phát minh để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Ai đến hỏi là anh ta dạy liền, kể cả kinh nghiệm nuôi tôm. Vớt thử một mẻ tôm, anh ta nói vanh vách triển vọng thu hoạch sắp tới thế nào hoặc sắp sửa xuất hiện bệnh gì, cách đề phòng. Ngay cả 3 kỹ sư thuỷ sản anh ta thuê nhiều khi cũng phải bái phục…

Tác giả: