Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Tôi đã trình hết trong tờ khai rồi ạ.

– Không, ý tôi muốn hỏi ngoài xí nghiệp in ra, ông Học còn tài sản hay bất động sản nào khác nữa không?

– Theo các văn tự tôi đã giao cho ban cải tạo, theo các khoản thuế hàng năm tôi phải đi nộp cho ông Học, tôi nghĩ rằng ông Học không còn tài sản hay bất động sản nào khác. Nhưng…

– Nhưng gì nữa?

– Dạ, nhưng… – để phòng xa chữ ngờ, Tư Cương nghĩ một lát rồi nói thêm: Nhưng xin thưa với các cán bộ, đấy là tôi dựa vào những việc tôi được giao, những sổ sách giấy tờ tôi được giữ mà báo cáo như vậy ạ. Còn nếu cán bộ nắm được sổ sách giấy tờ hay tin tức gì khác thì tôi chịu không biết được. Tôi không thể nói điều gì tôi không biết…

– Hôm nay ông vẫn không nói lên được điều gì mới so với năm lần trước. Tôi cho phép ông có thêm thời giờ để tiếp tục suy nghĩ. Hoặc là nói hết sự thật, hoặc là tự chuốc lấy mọi hậu quả.

Tư Cương hiểu là đã bị dồn đến đường cùng rồi.

…Con giun xéo mãi cũng quằn, đến nước này thì phải liều thôi, nếu không mình còn chết nữa! …Tư Cương ráng tự trấn tĩnh rồi mới nói rõ to:

– Ông Hai Hân, tôi đã khai hết rồi. Xin ông cho phép tôi nhắc lại lời thề này: “Ông biết tính tôi rồi đấy. Lời thề đọi máu, có trời đất chứng giám!” – ông Tư cố dằn từng tiếng, tay giơ cao, ngón tay trỏ chỉ lên trời.

Câu nói của Tư Cương làm cho Hai Hân bỗng dưng nhũn ra trong khoảnh khắc, muốn đổ nhào xuống đất. Hai Hân phải nắm chặt lấy thành bàn để lên gân cho chính mình, cố lấy lại giọng nói cứng rắn:

– Ông Tư, ông đã làm xong việc bàn giao xí nghiệp. Quyết định tịch biên ngôi nhà ông đang ở đã trao cho ông tuần trước. Ông còn đúng bảy ngày nữa để hoàn thành công việc này. Nhưng ngay ngày mai sẽ có người đến cùng ông làm biên bản bàn giao nhà…

Tư Cương hiểu câu nói của mình đã đánh trúng huyệt, song vẫn dạ dạ vâng vâng rồi mới ngồi xuống, hồi hộp chờ đợi. Lời thề nói trên thực ra là của Hai Hân, thề thốt với Tư Cương chuộc lại một trọng tội mà Hai Hân mắc phải trong năm đầu khi mới về làm tại xưởng in của ông Học. Ông Đoàn Danh Tiến không hiểu được tình tiết này nên không hay biết gì, cũng không phán quyết thêm điều gì. Mọi người vẫn ngồi im chờ đợi. Mãi mới thấy Hai Hân quay ra đề nghị với Tiến:

– Xin anh cho phép hôm nay tạm dừng tại đây. Ban chúng tôi sẽ báo cáo anh kế hoạch tiếp theo.

Ông Tiến đồng ý. Cuộc họp giải tán.

Tư Cương chào mọi người. Nhưng không rõ vì ông nói quá lí nhí, hoặc vì mọi người không để ý, chẳng có lời chào đáp lại.

Tư Cương bước ra khỏi phòng họp rồi mà chưa hết băn khoăn. Mình chào, họ không thèm chào lại. Kế hoạch tiếp theo là cái gì đây? Hai Hân chẳng nói mình đang nhầm lẫn vai trò làm thuê với vai trò đại diện cho chủ là gì?.. Họ còn muốn moi thêm gì nữa? Hay là họ muốn mình phải tố ông Học? Bị quy kết là tay sai của tư sản mại bản thì bỏ mẹ! Nhưng làm sao có thể tự dưng tố khống ông Học được? Các ông các bà nhớ cho kỹ, đế quốc và tư sản mại bản là kẻ thù không đội trời chung của dân tộc Việt Nam ta… Những buổi giảng giải không thể nào quên được của Hai Hân cho lớp học cải tạo xã hội chủ nghĩa…

Tư Cương nhớ lại, trong tất cả các cuộc họp từ khi tiến hành cải tạo đến giờ, Ba Khang và bảy Dự cứ như là người xa lạ. Cả hai, ngoài những câu chào hỏi đúng mực, đều không nói chuyện riêng, cũng không hé răng chất vấn ông điều gì. Ông hiểu là họ phải giữ ý. Ông Tư phân vân không biết nên đánh giá cái Ban cải tạo này như thế nào. Khi nghe đến kế hoạch tịch thu nhà ông Học, ông yên chí là mọi chuyện đã an bài, suôn sẻ, không ngờ lại còn đẻ thêm ra cái kế hoạch tiếp theo…

Hôm ấy trên đường về, Đoàn Danh Tiến mấy lần nói với Hai Hân:

– Đồng chí cừ lắm! Đúng là nắm tận thắt lưng địch mà đánh!

– Em thấm nhuần tinh thần truy kích đến cùng.

– …

Dăm hôm trước đấy, bà Sáu Nhơn mời Ba Khang và Bảy Dự đến ăn cơm đón vợ chồng Hai Phong ngoài Bắc vào thăm. Tư Cương cũng được mời. Nếu đúng như Hai Phong giải thích, Tư Cương thấy mình đã làm đúng và làm hết bổn phận công dân. Làm gì có chuyện nhầm lẫn giữa vai trò làm thuê và vai trò đại diện như Hai Hân riếc móc. Cả Ba Khang và Bảy Dự đều tán thành cách giải thích của Hai Phong.

– Thế hãng xe Cánh Nhạn của bà Sáu nhà ta đã bị bị tịch thu để cải tạo rồi thì ông tính sao? Ai bây giờ mà không biết bà Sáu là cơ sở của Cách Mạng? – Tư Cương băn khoăn.

– Thầy Tư vốn sáng suốt, thế mà bây giờ quá lo lắng, nói sai danh từ rồi. Phải nói là quốc hữu hoá hãng xe Cánh Nhạn mới đúng danh từ chứ. – Ba Khang đế lại Tư Cương.

– Không mua lại, không đền bù một cắc, thế không là tịch thu thì là cái gì? – Tư Cương chưa chịu.

– Cải tạo là chính sách áp dụng chung cho cả nước, thì cả nước cứ phải theo thế mà làm thôi, còn tính gì nữa, bác Tư? – Hai Phong giải thích.

– Nhưng thật tình em không hiểu tại sao lại làm đúng như ở miền Bắc những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 hả anh Hai? – Bảy Dự hỏi.

– Làm đúng như ở miền Bắc sau 1954 thì làm sao? – Hai Phong hỏi lại.

– Hầu như em thấy chỗ nào được cải tạo thì cuối cùng cũng chỉ thấy xuất hiện những mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán, tổ phục vụ, nghĩa là nơi bán nước sôi ấy mà… Tóm lại các cơ sở sản xuất kinh doanh cũ lần lượt biến hết. Báo chí trong này chứng minh bằng những chứng cứ và số liệu rành rọt mà anh Hai, có cả ảnh chụp nữa!

-Hay là tình hình chiến tranh và chính sách kinh tế tem phiếu đưa đến kết quả như vậy? – Tư Cương hỏi chen vào.

– Bác Tư và chú Bảy ạ, tôi không phải là nhà kinh tế nên không giải thích cặn kẽ được. Điều chắc chắn là các cơ sở công nghiệp của tư sản miền Bắc hồi đó rất nhỏ hoặc không đáng kể. Cải tạo xã hội chủ nghĩa lúc đó gần như là cải tạo công thương. Nói sát hơn nữa cải tạo nhà đất là chính. Sau đó chỉ phát triển kinh tế quốc doanh và hợp tác xã cho phù hợp với quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Từ 1964 trở đi là những năm tháng tập trung mọi nỗ lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, tất cả cho tiền tuyến.

– Anh Hai ạ, em thấy cánh nhà giàu có hạng ở trong này nhạy bén còn hơn cả Nguyễn Văn Thiệu. Qua đám học trò của em, em thấy khi ký hiệp định Pa-ri là họ đã bảo nhau chuẩn bị rút ra nước ngoài. Không phải chỉ riêng mình nhà ông Học đâu.

– Một số người đã bỏ đi ngay sau khi ký.

– Thật ra các tư sản cỡ lớn như cánh người Hoa kết bè kết phái với Lý Lương Thân, cánh làm ăn với hậu cần quân đội Mỹ, cánh nhà thầu cho quân đội Cộng hòa đã cao chạy xa bay và mang hết của nổi đi rồi. Còn lại là loại tàng tàng thôi.  – Ba Khang nhận xét.

– Phải đấy. Ông Học bây giờ đâm ra nổi tiếng, vì được báo đài nêu đích danh trong chiến dịch cải tạo, chứ trước ngày giải phóng, cả Sài Gòn này đâu thèm để ý đến cái nhà in cổ lỗ sĩ của ông Học. – Tư Cương đồng tình.

– Anh Hai ạ, chính sách thì phải thi hành, đúng sai tính sau vậy. – Ba Khang chen vào. – …Nhưng thái độ của Hai Hân làm Năm Thịnh nhà ta tức nổ ruột. Giữa cuộc họp để khai báo, Năm Thịnh chỉ thẳng vào mặt Hai Hân: “Ông đừng có giở cái trò truy ép ra đây, chuyện nọ xọ chuyện kia. Chẳng có quan hệ gì hết với Lý Lương Thân! Hay là ông muốn lấp liếm chuyện vì sao ông bị mật vụ Sài Gòn bắt?”. Ngồi nghe mà tôi toát mồ hôi hột, chỉ sợ Năm Thịnh tức quá hoá điên, lộ hết mọi chuyện cũ…

– Phải nói thế này anh Hai mới hiểu được… – Bảy Dự giải thích: Cơ sở nhờ anh Năm cứu Hai Hân. Ảnh mất khá nhiều tiền và phải lấy tính mạng mình ra cược… Lẽ ra Hai Hân phải vận động, phải giải thích chính sách cho anh Năm, nhưng lại đe nẹt đao to búa lớn, thế là anh Năm khùng lên: Chính sách dạy anh ăn nói với dân như vậy hả? Không phải chỉ mình anh biết cách mạng đâu nhé! Đây còn nuôi cách mạng đấy, sẵn sàng mất cả cơ nghiệp đấy. Nhưng cách mạng như anh thì đừng hòng tôi bỏ ra một xu! Hiểu chưa…

– Thôi, ta nói chuyện khác đi. – Bà Sáu Nhơn cắt ngang. -…Hôm nay mời ông Tư và các anh đến chơi với vợ chồng Hai Phong, chứ có phải mở lớp cải tạo trong cái nhà này đâu! Ai mà chẳng của đau con xót. Cơ nghiệp là cả một đời vất vả gây dựng, chứ có phải là của đi cướp không được về đâu… Ông Tư ạ, Năm Thịnh nhà tôi nói đúng đấy. Giặc chà đi xát lại, tính mạng tôi, tính mạng cả năm gia đình các con tôi, tôi còn không tiếc cho cách mạng, hãng xe Cánh nhạn nghĩa lý gì? Nếu đổi bất kể cái gì làm cho mẹ con Út Thạnh sống lại được, bây giờ tôi đổi hết, kể cả nếu tôi phải chết!

Ông Tư nhớ mãi bữa cơm hôm đó và lời nói cắt ngang của bà Sáu. Thế nhưng câu nói của Hai Hân nói với ông Trung ương cứ đeo đuổi ông lẵng nhẵng trong đầu: Sẽ báo cáo kế hoạch tiếp theo…

Vì biết bữa cơm hôm ấy có mặt Ba Khang và Bảy Dự, nên Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh – ba con trai bà Sáu đều bảo nhau lánh mặt. Cả ba đều trong diện tư sản phải cải tạo. Họ nói thẳng thừng là không thể ngồi chung đũa chung bát với cái bọn trong Ban cải tạo…

Tác giả: